Nội dung toàn văn Quyết định 14/QĐ-STS điều kiện đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh
UBND TỈNH SÓC TRĂNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/QĐ-STS | Sóc Trăng, ngày 09 tháng 01 năm 2007 |
QUY ĐỊNH
VỀ ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/03/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/05/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.
Căn cứ tiêu chuẩn ngành số 28/TCN 97-98 của Bộ Thủy sản về chất lượng giống thủy sản.
Nhằm tăng cường công tác quản lý giống được chặt chẽ, đảm bảo con giống có chất lượng phục vụ cho phong trào nuôi của tỉnh nhà đạt hiệu quả cao.
Sở Thủy sản Quy định việc đăng ký sản xuất, kinh doanh giống thủy sản như sau:
1. Đối tượng được đăng ký sản xuất, kinh doanh giống thủy sản:
Các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đều được đăng ký sản xuất, kinh doanh giống thủy sản khi được chính quyền và cơ quan chuyên môn cho phép, nhưng phải đảm bảo những điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.
2. Quy mô, diện tích cơ sở (trại giống):
a. Đối với cơ sở sản xuất giống:
Theo tiêu chuẩn ngành.
b. Đối với cơ sở ương (thuần hóa) bể ximăng:
- Diện tích trại tối thiểu từ 80m2 trở lên trong đó bể ương là 60m2, bể lắng lọc là 20m2.
- Chiều cao của bể ương từ 0.6m2 trở lên.
c. Đối với ao đất:
- Diện tích trại tối thiểu 1.200m2 trong đó ao ương 800m2, ao chứa, lắng 200m2, ao xử lý nước thải 200m2.
- Phải có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, nước thải phải được xử lý hóa chất khử trùng trước khi thải ra môi trường.
3. Trang thiết bị kỹ thuật:
Các trại giống phải có đủ trang thiết bị kỹ thuật sau:
- Máy phát điện.
- Dụng cụ đo độ mặn, pH.
- Hệ thống sục khí đối với bể ương.
- Bình Oxy và các thiết bị kỹ thuật, dụng cụ chuyên dùng.
- Các loại thuốc, hóa chất dùng cho việc phòng trị bệnh, xử lý bể ương phải nằm trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Thủy sản.
- Thực hiện tốt nghị định số 89 của chính phủ về nhãn hàng hóa (bao bì phải ghi rõ bảng hiệu, địa chỉ cơ sở…, định lượng, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản).
- Phải có người phụ trách kỹ thuật (trung cấp, kỹ sư nuôi trồng thủy sản hoặc đã được cấp giấy chứng nhận tập huấn về ương dưỡng tôm sú giống).
4. Tiêu chuẩn giống:
- Áp dụng tiêu chuẩn 28/TCN 97-98 của Bộ Thủy sản.
- Trong quá trình ương dưỡng con giống tuyệt đối không được sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm theo quyết định số 07/2005/QĐ-BTS ngày 24/02/2005 của Bộ trưởng Bộ thủy sản.
- Con giống nhập vào trại phải được ương dưỡng, thuần hóa thời gian sau 07 ngày mới được xuất bán.
5. Tổ chức thực hiện:
- Chi cục QLCL, ATVS&TYTS có trách nhiệm cấp phát hồ sơ thủ tục cho các tổ chức, cá nhân đến đăng ký sản xuất, kinh doanh giống thủy sản.
- Tổ chức kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật các trại giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đủ điều kiện để cấp chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y thủy sản.
- Đối với những cơ sở không đạt điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, ngành thủy sản sẽ đề nghị UBND các huyện rút giấy phép đăng ký sản xuất kinh doanh giống thủy sản.
- Trong quá trình hoạt động các trại phải tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh thú y thủy sản, cơ sở nào vi phạm thì Chi cục QLCL, ATVS&TYTS sẽ thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y thủy sản.
- Trên đây là quy định về điều kiện đăng ký hoạt động kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (thay cho quy định số 351/QĐ-STS ngày 24/10/2001 của Giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng), đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, các địa phương và đơn vị có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc phải báo cáo giám đốc sở giải quyết, các vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |