Nội dung toàn văn Quyết định 1400/QĐ-TLĐ năm 2014 điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề Công đoàn đến 2020
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1400/QĐ-TLĐ | Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN ĐẾN NĂM 2020
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29/11/2006;
Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 70/2009/NĐ-CP ngày 21/8/2009 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề;
Căn cứ Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức Công đoàn đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-LĐTBXH ngày 02/10/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua - Khen thưởng, Tổng Liên đoàn.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn theo Quyết định 755/QĐ-TLĐ phù hợp với Quyết định 1269/QĐ-TTg ngày 30 tháng 07 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020” với những quan điểm, mục tiêu và nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm điều chỉnh quy hoạch
- Quy hoạch các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020 phải đáp ứng yêu cầu vừa nâng cao chất lượng, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Quy hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 1269/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020.
- Không thành lập mới mà chỉ nâng cấp các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện; Đồng thời giải thể các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, không có hướng phát triển.
2. Mục tiêu
- Duy trì và phát triển các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề hiện có. Lựa chọn 6 trường trung cấp nghề có điều kiện thuận lợi và phù hợp quy hoạch của hệ thống cơ sở dạy nghề của Nhà nước, tập trung đầu tư, nâng cao năng lực, khi đủ tiêu chuẩn theo quy định thì nâng cấp thành trường cao đẳng nghề.
- Các cơ sở dạy nghề của công đoàn có đủ năng lực thực hiện đào tạo nghề cho 500 ngàn người trong giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó: Cao đẳng nghề đạt 5%; trung cấp nghề 20%; sơ cấp nghề 30% và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 40%.
3. Nội dung điều chỉnh quy hoạch.
a) Nâng cấp 6 trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề:
Đến năm 2020 nâng cấp 6 trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề, gồm: Trường trung cấp nghề Thái Nguyên, Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật số 2 Đồng Nai, Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Ninh, trường trung cấp nghề số 9 Quảng Bình, trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn Bình Thuận và Trường Trung cấp nghề số 10 Huế, hoạt động có hiệu quả và có cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ điều kiện nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề;
b) Duy trì hoạt động 5 trung tâm dạy nghề sau:
Trung tâm dạy nghề Công đoàn Phú Yên, trung tâm dạy nghề Công đoàn Lạng Sơn, trung tâm dạy nghề Công đoàn Hòa Bình, trung tâm dạy nghề Công đoàn Hưng Yên và trung tâm dạy nghề Công đoàn Bình Định.
c) Rà soát 7 trung tâm dạy nghề còn lại và 5 trung tâm giới thiệu việc làm hiện có, phân chia thành ba loại: Loại tiếp tục duy trì, phát triển; loại chuyển đổi thành trung tâm tư vấn pháp luật và loại giải thể.
d) Các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề của tổ chức Công đoàn nếu 3 năm liên tiếp hoạt động không có hiệu quả sẽ xem xét giải thể hoặc chuyển đổi.
4. Giải pháp thực hiện
a) Khảo sát các trường trung cấp nghề hiện có, căn cứ vào tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và số lượng học sinh học nghề hàng năm của từng trường. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình nâng cấp các trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề cho từng năm cụ thể.
Khảo sát, đánh giá thực trạng của 7 trung tâm dạy nghề và 5 trung tâm giới thiệu việc làm quy định tại Điểm c, Mục 3. Phân chia thành 3 loại sau: loại đủ điều kiện tiếp tục duy trì hoạt động hoặc chuyển đổi thành trung tâm dạy nghề; loại chuyển đổi thành trung tâm tư vấn pháp luật và loại thuộc diện giải thể.
b) Căn cứ quy hoạch và quy chế quản lý các cơ sở dạy nghề của công đoàn, khi đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định, các trường trung cấp nghề xin chủ trương của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc nâng cấp thành trường cao đẳng nghề. Sau khi được sự nhất trí của Đoàn Chủ tịch, các trường xây dựng đề án nâng cấp thành trường cao đẳng nghề. Trên cơ sở đó Tổng Liên đoàn đề nghị các Bộ liên quan bố trí vốn theo lộ trình và Đề án được phê duyệt. Các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố có trường, trung tâm trong diện quy hoạch, nâng cấp, làm việc với UBND tỉnh đề nghị cấp đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và một phần kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất.
c) Đối với các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc diện chuyển đổi thành trung tâm dạy nghề, trung tâm tư vấn pháp luật; các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, chỉ đạo hướng dẫn xây dựng phương án chuyển đổi trình Tổng Liên đoàn phê duyệt.
d) Đối với các trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm thuộc diện giải thể, các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành chỉ đạo xây dựng phương án giải thể, trình Tổng Liên đoàn xem xét, phê duyệt.
e) Tổng Liên đoàn làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương về việc quản lý và đầu tư phát triển Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng và Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương.
g) Tổng Liên đoàn xem xét giải thể hoặc chuyển đổi các trường, trung tâm dạy nghề của tổ chức công đoàn nếu 3 năm liên tục hoạt động không hiệu quả, cụ thể như sau: Mỗi năm đào tạo nghề cho dưới 700 học viên đối với trường cao đẳng nghề; dưới 500 học viên đối với trường trung cấp nghề và dưới 150 học viên đối với trung tâm dạy nghề.
5. Tổ chức thực hiện quy hoạch
a) Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua - Khen thưởng Tổng Liên đoàn tổ chức triển khai các nội dung, giải pháp thực hiện quy hoạch và hướng dẫn các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn thực hiện theo quy định; Định kỳ tổ chức đánh giá, tổng kết và báo cáo Thường trực Đoàn Chủ tịch kết quả thực hiện; Chủ trì, phối hợp với các ban liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ thành lập trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trình Thường trực Đoàn Chủ tịch phê duyệt, quyết định thành lập hoặc đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quyết định thành lập trường cao đẳng nghề theo thẩm quyền;
b) Ban Tài chính phối hợp Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua - Khen thưởng Tổng Liên đoàn hướng dẫn lập dự toán, phân bổ kinh phí xây dựng cơ bản, chi hoạt động thường xuyên, kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng; kinh phí đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài và kinh phí chi đầu tư phát triển cho các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn;
c) Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương hướng dẫn trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề lập hồ sơ thành lập trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trình Thường trực Đoàn Chủ tịch; Hướng dẫn lập phương án chuyển đổi hoặc giải thể đối với các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề thuộc diện chuyển đổi và giải thể.
d) Các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn lập hồ sơ thành lập trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề trình Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Văn phòng, các Ban của Tổng Liên đoàn; các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công đoàn ngành Trung ương; Hiệu Trưởng Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung cấp nghề và Giám đốc Trung tâm dạy nghề của tổ chức công đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |