Quyết định 141/QĐ-UBND

Quyết định 141/QĐ-UBND năm 2010 về Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Quyết định 141/QĐ-UBND năm 2010 Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng đã được thay thế bởi Quyết định 15/2019/QĐ-UBND bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Đắk Lắk và được áp dụng kể từ ngày 09/08/2019.

Nội dung toàn văn Quyết định 141/QĐ-UBND năm 2010 Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 141/QĐ-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 18 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 39/2009/QĐ-TTg ngày 09/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và lực lượng Dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT-BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 233/TTr-SNNNT ngày 31/12/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Căn cứ nội dung Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định này và định kỳ báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (thay b/c);
- Bộ Tư pháp (thay b/c);
- Cục Kiểm tra VB-Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Thường trực Tỉnh ủy (thay b/c);
- UBMTTQVN tỉnh (để giám sát);
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (để giám sát);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo tỉnh;
- Báo Đắk Lắk; Đài PTTH tỉnh; Website tỉnh;
- Như điều 2, điều 3 (để thực hiện);
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN.MT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Dhăm Ênuôl

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2010 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về phối hợp trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cụ thể:

Phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh;

Phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố, thị xã, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng - Công an huyện, thành phố, thị xã (Công an cấp huyện) - Ban chỉ huy Quân sự huyện, thành phố, thị xã (Ban chỉ huy quân sự cấp huyện) - Đồn Biên phòng;

Phối hợp giữa Kiểm lâm địa bàn cấp xã - Công an cấp xã - Ban chỉ huy quân sự cấp xã, lực lượng Dân quân tự vệ.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Hoạt động phối hợp đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân cùng cấp; phát huy sức mạnh của toàn dân và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan theo quy định của Pháp luật.

2. Đảm bảo sự chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của mỗi lực lượng, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng, đơn vị theo quy định của Pháp luật.

3. Bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong công tác phối hợp, nhưng không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của các bên phối hợp; không tiết lộ bí mật về lực lượng, phương tiện, biện pháp, tài liệu nghiệp vụ theo quy định của Pháp luật.

4. Các hoạt động phối hợp phải do thủ trưởng cơ quan cấp phối hợp điều động; nghiêm cấm mọi trường hợp lợi dụng Quy chế phối hợp này để tổ chức các hoạt động trái Pháp luật.

Chương 2.

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 3. Nhiệm vụ phối hợp

1. Tuyên truyền, phổ biến Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các văn bản quy phạm Pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, nhất là ở các địa bàn có rừng.

2. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý và tổ chức giáo dục các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, cất giấu, chế biến, vận chuyển, kinh doanh lâm sản và các loài động vật hoang dã trái phép; yêu cầu những đối tượng trên cam kết không vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã.

3. Phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác, mua bán, cất giấu, chế biến, vận chuyển, kinh doanh lâm sản và các loài động vật hoang dã trái phép trên toàn địa bàn tỉnh. Chú trọng tập trung kiểm tra, ngăn chặn tại những điểm nóng ở các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột; các tuyến hành lang thường xuyên vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái phép.

4. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, xây dựng các tổ đội quần chúng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, PCCCR; kết hợp bảo vệ quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

5. Phối hợp điều tra, xử lý vi phạm Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Thường xuyên thông tin về tình hình, kết quả ngăn chặn, xử lý các vi phạm về bảo vệ rừng, PCCCR.

Điều 4. Hoạt động phối hợp

1. Tuần tra bảo vệ rừng, truy quét các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tham gia chữa cháy rừng khi được huy động và phải tuân thủ sự chỉ huy chung của người chỉ huy cao nhất trong các cuộc chữa cháy rừng.

2. Kiểm tra đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến lâm sản; các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán ăn có kinh doanh sản phẩm động vật hoang dã.

3. Huấn luyện, diễn tập PCCCR.

4. Lập hồ sơ, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

5. Điều tra các vụ án trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.

6. Hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong công tác bảo vệ rừng.

Điều 5. Trao đổi thông tin

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với Công an, Quân đội, Biên phòng ở các cấp thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau để kịp thời nắm bắt tình hình và thống nhất biện pháp xử lý các vụ việc được phát hiện và các tình huống có liên quan trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

Điều 6. Trách nhiệm phối hợp của từng ngành, từng lực lượng

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm Pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các phòng nghiệp vụ, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã, Đội Kiểm lâm CĐ& PCCCR, Ban bảo vệ và phát triển rừng cấp xã phối hợp với Công an, Quân đội, Biên phòng, lực lượng Dân quân tự vệ ở các cấp và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Tuyên truyền, phổ biến Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; vận động các cơ quan, tổ chức và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;

b) Tăng cường mối quan hệ giữa các lực lượng quản lý bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng với lực lượng Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, Quân đội, Dân quân tự vệ trong công tác phòng chống các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn của tỉnh;

c) Kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Pháp luật về rừng; bố trí kiểm lâm viên về địa bàn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp ở địa phương;

d) Xây dựng kế hoạch về bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; lập Phương án phòng chống các hành vi vi phạm Pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và PCCCR tại địa phương. Tổ chức Tổ, Đội quần chúng bảo vệ rừng, phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ và PCCCR; chỉ đạo, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án phòng chống chặt phá rừng và PCCCR. Phối hợp với phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tổ chức các tổ đội phòng cháy và chữa cháy rừng ở cơ sở;

e) Chủ động tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng phương án triệt phá các tụ điểm phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép; săn bắt, vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh, sử dụng trái phép động vật hoang dã. Hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp với cơ quan Công an, Quân đội, Biên phòng cùng cấp huy động lực lượng bắt giữ những cá nhân, tổ chức phá hoại rừng, xử lý kịp thời những trường hợp chống người thi hành công vụ. Khi phát hiện cháy rừng, có quyền huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để chữa cháy rừng và kịp thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân cùng cấp biết;

f) Khi phát hiện các vụ vi phạm Pháp luật về rừng, cơ quan Kiểm lâm tiến hành lập hồ sơ vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính, hoặc tiến hành điều tra theo quy định của Pháp luật. Đối với những vụ phạm tội không thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan Kiểm lâm, thì bàn giao người vi phạm, vật chứng, hồ sơ và các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền; đồng thời phối hợp xác minh khi được cơ quan điều tra yêu cầu. Đối với các trường hợp vi phạm Pháp luật về rừng do cơ quan Công an, Quân đội, Biên phòng, Dân quân tự vệ chuyển giao, thì cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho đơn vị đã chuyển giao vụ vi phạm đó biết;

g) Kiểm lâm có trách nhiệm cung cấp các tài liệu, văn bản quy phạm Pháp luật của ngành lâm nghiệp cho Công an, Quân đội, Biên phòng, Dân quân tự vệ khi các cơ quan này có yêu cầu, để nắm rõ các quy định về công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

2. Công an tỉnh

Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố, công an xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, Quân đội, Biên phòng, lực lượng Dân quân tự vệ, chính quyền địa phương ở các cấp thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Theo chức năng, nhiệm vụ của mình để chủ động hoặc phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, Quân đội, Biên phòng, Dân quân tự vệ và chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với mọi hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

b) Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, chủ rừng điều tra và xử lý đối với những cá nhân, tổ chức phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép; săn bắt, mua bán, vận chuyển, cất giữ, kinh doanh, nuôi nhốt, giết mổ động vật hoang dã trái phép; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa vi phạm. Tham gia cùng lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Biên phòng, Dân quân tự vệ tổ chức truy quét, bắt giữ các đối tượng xâm hại đến tài nguyên rừng;

c) Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, hướng dẫn việc xây dựng phương án PCCCR của các địa phương và chủ rừng, phối hợp diễn tập chữa cháy rừng. Tham gia duyệt phương án PCCR; huấn luyện nghiệp vụ PCCCR; tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng;

d) Phát hiện hoặc tiếp nhận các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản có dấu hiệu tội phạm để điều tra theo đúng quy định của Pháp luật. Thông báo cho các lực lượng chức năng biết về tình hình, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và những sơ hở trong công tác quản lý bảo vệ rừng; những thiếu sót trong khâu phát hiện, lập hồ sơ, xác minh ban đầu, để rút kinh nghiệm đối với những vụ việc do các lực lượng khác chuyển đến.

3. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh

Chỉ đạo các phòng ban, Ban chỉ huy Quân sự các cấp phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, chính quyền địa phương ở các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững để thực thi đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương tham gia công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép; săn bắt, vận chuyển, mua bán, cất giữ, kinh doanh động vật hoang dã trái phép. Chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về PCCCR ở nơi đóng quân;

b) Cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh để kiểm tra các đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng khi có yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trong rừng, gần rừng phải có phương án PCCCR, tham gia tuần tra và sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng theo lệnh huy động của Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng nơi đóng quân;

c) Ban chỉ huy Quân sự huyện, thành phố, thị xã cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện để kiểm tra các đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng khi có yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã hoặc Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện. Chỉ đạo lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp với Kiểm lâm địa bàn cấp xã tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng và tham gia giải quyết những “điểm nóng”, những vụ việc cụ thể về công tác bảo vệ rừng ở địa phương;

d) Những đơn vị quân đội được giao rừng, đất trồng rừng có trách nhiệm xây dựng các công trình PCCCR, tổ chức đội chữa cháy rừng cơ sở và tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng;

đ) Ban chỉ huy Quân sự cấp xã và chỉ huy tự vệ cơ quan Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ học tập Luật bảo vệ và phát triển rừng; vận động gia đình và nhân dân không phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển, mua bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép; săn bắt, vận chuyển, mua bán, cất giữ, kinh doanh động vật hoang dã trái phép. Phối hợp với lực lượng Kiểm lâm đi kiểm tra rừng, truy quét xóa bỏ các tụ điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; chủ động chữa cháy rừng khi phát hiện cháy hoặc tham gia chữa cháy rừng theo lệnh điều động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và người chỉ huy chữa cháy có thẩm quyền;

f) Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm kiểm tra, xử lý kịp thời đối với những đơn vị, cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Quân sự, Dân quân tự vệ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

4. Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ biên giới, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác, bộ đội Biên phòng tỉnh có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, chính quyền địa phương ở các cấp và các cơ quan chức năng, tham gia việc quản lý bảo vệ rừng trong khu vực biên giới, vành đai biên giới và vùng cấm trên tuyến biên giới theo quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Chỉ đạo các Đồn Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững để thực thi đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân vùng biên giới sống gần rừng, cùng tham gia bảo vệ rừng. Phối hợp với các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm CĐ&PCCCR, để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới, vành đai biên giới và vùng cấm trên tuyến biên giới;

c) Trong quá trình tuần tra quản lý, bảo vệ biên giới, kết hợp với tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng. Ngoài việc kiểm tra người và phương tiện ra vào khu vực biên giới theo Nghị định số 34/2000/NĐ-CP ngày 18/8/2000 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời bộ đội Biên phòng còn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng;

d) Khi kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại khu vực biên giới, bộ đội Biên phòng tiến hành lập biên bản đối với người vi phạm, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, bàn giao hồ sơ, tang vật vi phạm cho Hạt Kiểm lâm sở tại để xử lý theo quy định của Pháp luật;

đ) Thông báo và phối hợp với Hạt Kiểm lâm sở tại để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm khi có đề nghị kiểm tra rừng vùng biên giới của Thủ trưởng Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm sở tại hoặc Đội Kiểm lâm CĐ&PCCCR;

e) Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm kiểm tra, xử lý kịp thời đối với những đơn vị, cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Biên phòng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Điều 7. Phối hợp trong sơ kết, tổng kết thực hiện Quy chế

1. Quy định thời gian sơ kết, tổng kết

a) Sơ kết thực hiện vào quý IV hàng năm;

b) Tổng kết thực hiện 5 năm/lần.

2. Hình thức sơ kết

a) Ở tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức sơ kết; đồng thời có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phối hợp về Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Ở cấp huyện

Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện chủ trì phối hợp với cơ quan Công an, Quân sự, Đồn Biên phòng cùng cấp tổ chức sơ kết; đồng thời có trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã.

c) Ở cấp xã

Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức sơ kết công tác phối hợp giữa Kiểm lâm địa bàn, Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ.

3. Hình thức tổng kết

a) Ở tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp cùng Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức việc tổng kết;

b) Ở cấp huyện

Cơ quan Kiểm lâm cấp huyện chủ trì phối hợp với cơ quan Công an, Quân sự, Đồn Biên phòng cùng cấp tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã tổ chức việc tổng kết.

Chương 3.

NGUỒN KINH PHÍ BẢO ĐẢM PHỐI HỢP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác phối hợp

1. Kinh phí phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng được bố trí trong chi thường xuyên của Chi cục Kiểm lâm; việc quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí cho hoạt động phối hợp, vào dự toán ngân sách hàng năm của Chi cục Kiểm lâm để chủ động nguồn kinh phí bảo đảm sự phối hợp đạt hiệu quả.

3. Ngân sách bảo đảm chi cho các nội dung sau:

a) Tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ bảo vệ và phát triển rừng;

b) Tổ chức hội nghị giao ban các cấp;

c) Công tác sơ kết, tổng kết;

d) Huy động lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ;

đ) Mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ diễn tập, luyện tập;

e) Diễn tập, luyện tập;

g) Xây dựng các đơn vị điểm;

h) Xây dựng phương án, kế hoạch;

i) Các khoản chi khác theo quy định tại Quy chế này.

4. Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm lập dự toán chi cho các hoạt động phối hợp theo Quy chế này cùng với dự toán chi thường xuyên báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt và gửi Sở Tài chính xem xét bố trí, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các cơ quan phối hợp có trách nhiệm tổ chức quán triệt nội dung Quy chế này đến cán bộ, chiến sỹ, công chức thuộc đơn vị mình ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) để thực hiện nghiêm túc.

2. Lãnh đạo các ngành trong quan hệ phối hợp, thường xuyên quan tâm, động viên khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp bảo vệ rừng, PCCCR; đồng thời kiểm điểm phê bình, xử lý những trường hợp tiêu cực, hoặc tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế phối hợp này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phối hợp về Ủy ban nhân dân tỉnh, Đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với từng đơn vị: Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh. Các Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan cấp huyện và xã để xây dựng Phương án phối hợp công tác bảo vệ rừng theo từng địa bàn cụ thể./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 141/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu141/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành18/01/2010
Ngày hiệu lực28/01/2010
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 09/08/2019
Cập nhật5 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 141/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 141/QĐ-UBND năm 2010 Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 141/QĐ-UBND năm 2010 Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu141/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Đắk Lắk
                Người kýY Dhăm Ênuôl
                Ngày ban hành18/01/2010
                Ngày hiệu lực28/01/2010
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Tài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 09/08/2019
                Cập nhật5 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 141/QĐ-UBND năm 2010 Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 141/QĐ-UBND năm 2010 Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng