Quyết định 143/2008/QĐ-UBND

Quyết định 143/2008/QĐ-UBND về ban hành một số quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ do tỉnh Phú Thọ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 143/2008/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang mừng thọ Phú Thọ


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/2008/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 15 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ MỪNG THỌ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000;

Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này một số quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh căn cứ quyết định thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Kim Hải

 

MỘT SỐ QUY ĐỊNH

THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ MỪNG THỌ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 143/2008/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Mọi công dân, gia đình, đơn vị, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ theo quy định này.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương và cộng đồng dân cư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ trong phạm vi đơn vị, địa phương quản lý.

Điều 2. Một số nguyên tắc chung

1. Tổ chức việc cưới, việc tang và mừng thọ phải đảm bảo; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; không phô trương hình thức; không lợi dụng để trục lợi cá nhân; không tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức.

2. Không gây cản trở giao thông, gây mất trật tự, an ninh xã hội; không lợi dụng để truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

3. Cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang không sử dụng thời gian làm việc công quỹ của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi mừng cưới, dự cưới, mừng thọ và tang lễ.

4. Thực hiện tốt quy ước văn hóa ở khu dân cư; khuyến khích không mời uống rượu, bia, mời hút thuốc lá trong tổ chức việc cưới, việc tang và mừng thọ.

Chương II

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TỔ CHỨC VIỆC CƯỚI

Điều 3. Việc trao giấy chứng nhận kết hôn

Nam, nữ kết hôn phải đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai người để làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Việc trao giấy chứng nhận kết hôn phải được tổ chức trang trọng, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và đại diện hai gia đình.

Điều 4. Tổ chức việc cưới

1. Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống, bản sắc văn hóa của từng địa phương, dân tộc và hoàn cảnh gia đình.

2. Các thủ tục: Chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức gọn nhẹ theo phong tục tập quán, không bày đặt nghi thức rườm rà, đòi hỏi lễ vật không phô trương hình thức, hạn chế mời khách dự.

3. Địa điểm tổ chức lễ cưới do hai gia đình lựa chọn; thời gian tổ chức tiệc cưới kéo dài không quá một ngày; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè thân thiết, láng giềng, người cùng công tác với cán bộ, công chức, viên chức tổ chức việc cưới, hoặc cùng công tác với cha, mẹ người tổ chức việc cưới; số lượng khách mời dự tiệc cưới không quá 200 người.

4. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc và điều kiện kinh tế gia đình.

5. Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; không mở nhạc âm lượng quá lớn và không mở nhạc trước 05 giờ sáng và sau 23 giờ đêm.

6. Khuyến khích đôi nam, nữ sau khi đăng ký kết hôn đến đặt hoa tại các di tích lịch sử - văn hóa, tượng đài chiến thắng hoặc nghĩa trang liệt sỹ tại địa phương.

7. Khuyến khích tổ chức lễ cưới tại nhà văn hóa khu dân cư hoặc nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; khuyến khích tổ chức tiệc cưới bằng hình thức tiệc trà thay cho tiệc mặn hoặc gửi thiếp báo hỷ; khuyến khích cô dâu mặc áo dài truyền thống hoặc trang phục dân tộc.

Mục 1. TỔ CHỨC VIỆC TANG

Điều 5. Đăng ký việc tang

1. Khi có người qua đời, gia đình hoặc người thân phải kịp thời báo với chính quyền địa phương nơi cư trú để làm thủ tục khai tử và thành lập Ban lễ tang.

2. Ban lễ tang có nhiệm vụ phối hợp với gia đình tang chủ tổ chức lễ tang và quyết định những nghi thức cần thiết: Đọc điếu văn, sử dụng tang phục, nhạc tang, phương tiện và thời gian đưa tang.

3. Chính quyền địa phương có trách nhiệm vận động gia đình có người qua đời tổ chức việc tang tiết kiệm, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan và thực hiện đúng quy định của pháp luật về hộ tịch và vệ sinh môi trường.

Điều 6. Tổ chức việc tang

1. Việc tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời.

2. Người chết sau khi tắt thở chậm nhất từ 06 đến 08 giờ phải khâm liệm và nhập quan; thời gian quàn người chết trong nhà riêng không quá 48 giờ. Trường hợp người chết mắc các bệnh truyền nhiễm, khi khâm liệm phải theo hướng dẫn của cơ quan y tế và phải chôn cất ngay (không để quá 12 giờ), đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của Nhà nước.

3. Chỉ báo tin buồn đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân có trách nhiệm quản lý cán bộ, có quan hệ công tác trực tiếp, sinh hoạt thường xuyên, gần gũi và có tình cảm thân thiết với người từ trần.

4. Việc quàn thi hài, chôn cất, hỏa táng, điện táng, bốc mộ và di chuyển hài cốt phải tuân thủ các quy định trong Điều lệ vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Khuyến khích tổ chức việc tang ở nhà dịch vụ tang lễ và sử dụng các hình thức hỏa táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch. Trường hợp người chết không có gia đình, người thân thì chính quyền địa phương nơi có người chết phải tổ chức tang lễ và chôn cất chu đáo theo phong tục truyền thống.

5. Sử dụng cờ tang hình chữ nhật, kích thước không quá 0,4m x 0,6m; chỉ treo cờ tang tại nơi tổ chức lễ tang. Không cử nhạc tang trước 05 giờ sáng và sau 23 giờ đêm; không cử nhạc tang quá to làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân cư; khuyến khích sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho phường bát âm.

6. Đồ viếng trong lễ tang tuỳ theo tình cảm và mối quan hệ của người đến viếng và gia đình tang chủ; hạn chế phúng viếng bằng vòng hoa, bức trướng, rượu chai; không phúng viếng bằng thức ăn chín.

7. Khi đưa tang phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, trật tự công cộng và quy ước, hương ước của địa phương; không rải tiền âm phủ, vàng mã, tiền Việt Nam trên đường đưa tang.

8. Người chết phải chôn vào nghĩa trang quy định, không chôn cất người chết vào khu vực đất sản xuất, đất quy hoạch, đất xây dựng và đất ở.

9. Việc tổ chức ăn uống trong thời gian tang lễ chỉ thực hiện trong phạm vi nội bộ gia đình, họ tộc, không mời khách ăn uống và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

10. Các tuần tiết trong việc tang như: Lễ cúng ba ngày, bẩy ngày, bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng chỉ thực hiện trong ngày và trong nội bộ gia đình, họ tộc, không mời khách dự.

Điều 7. Chế độ thăm viếng và tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân khi từ trần thực hiện theo Quyết định số 336-QĐ/TU ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 6 tháng 11 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về việc cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ.

Điều 8.

1. Nghĩa trang phải được quy hoạch xây dựng đảm bảo tính khoa học, truyền thống, tiện lợi, phục vụ cho việc hung táng, cát táng theo quy định Chính quyền địa phương phải ban hành nội quy quản lý nghĩa trang, trong đó quy định cụ thể việc quy tập mộ, xây dựng mộ.

2. Các mộ hung táng phải đủ thời gian 36 tháng trở lên mới tiến hành cát táng. Mộ cát táng được xây dựng không vượt quá kích thước: chiều dài: 1,25m, chiều rộng: 0,7m, chiều cao: 0,8m. Mộ hung táng chôn một lần được xây dựng không vượt quá kích thước: chiều dài: 3,4m, chiều rộng: 2,3m, chiều cao: 01m. Mộ cát táng và mộ hung táng chôn một lần phải đảm bảo mỗi hàng mộ cách nhau 01m, mỗi ngôi mộ cách nhau 0,5m và theo cùng một hướng.

Điều 9. Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp luật.

Mục 1. TỔ CHỨC MỪNG THỌ

Điều 10.

1. Tuổi tổ chức mừng thọ: Chỉ mừng thọ cho người có tuổi từ 70 trở lên và mừng thọ ở các tuổi tròn (tuổi có chữ số hàng đơn vị là 5), chẵn (tuổi có chữ số hàng đơn vị là 0).

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội Người cao tuổi cùng cấp tổ chức mừng thọ, chúc thọ tập thể người cao tuổi tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc nhà văn hóa khu dân cư.

3. Thời gian tổ chức mừng thọ: Chỉ tổ chức mừng thọ một lần trong năm vào dịp Tết Nguyên đán.

4. Chỉ tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi trong nội bộ gia đình, họ tộc và bạn bè thân thích của người được chúc thọ, mừng thọ.

5. Khuyến khích các tổ dân phố, khu dân cư thực hiện việc thăm hỏi, động viên, chúc thọ người được mừng thọ.

Chương III

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ là một trong những tiêu chuẩn để bình xét khen thưởng thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức; là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại, bình xét, công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; xã, phường, thị trấn văn hóa. Gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có người vi phạm các quy định trong việc cưới, việc tang và mừng thọ thì không được công nhận danh hiệu văn hóa và các hình thức khen thưởng khác.

3. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang có hành vi vi phạm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phổ biến, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị và nhân dân thực hiện tốt quy định này.

2. Mọi công dân, gia đình khi tổ chức việc cưới, việc tang và mừng thọ phải báo cáo với trưởng khu dân cư nơi cư trú; riêng cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang trước khi tổ chức việc cưới, việc tang và mừng thọ phải báo cáo với thủ trưởng cơ quan nơi công tác, đồng thời phải báo trưởng khu dân cư nơi trú để được giúp đỡ và tạo điều kiện để thủ trưởng cơ quan nơi công tác, trưởng khu dân cư nơi cư trú giám sát việc thực hiện.

3. Sở Văn hóa - Thông tin hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và mừng thọ; phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên, xây dựng các mô hình tổ chức việc cưới, việc tang, mừng thọ theo nếp sống văn minh, đảm bảo trang trọng, an toàn và tiết kiệm.

4. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ và các cơ quan báo chí của tỉnh tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng; phát hiện, cổ vũ, biểu dương các đơn vị, địa phương, gia đình tổ chức việc cưới, việc tang và mừng thọ theo nếp sống văn minh; đồng thời phê phán trên các phương tiện thông tin đại chúng những đối tượng vi phạm các quy định về tổ chức việc cưới, việc tang và mừng thọ.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 143/2008/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu143/2008/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành15/01/2008
Ngày hiệu lực25/01/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 143/2008/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 143/2008/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang mừng thọ Phú Thọ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 143/2008/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang mừng thọ Phú Thọ
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu143/2008/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Phú Thọ
                Người kýNguyễn Thị Kim Hải
                Ngày ban hành15/01/2008
                Ngày hiệu lực25/01/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 143/2008/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang mừng thọ Phú Thọ

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 143/2008/QĐ-UBND nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang mừng thọ Phú Thọ

                  • 15/01/2008

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 25/01/2008

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực