Quyết định 1490/QĐ-NHNN

Quyết định 1490/QĐ-NHNN năm 2014 về Chiến lược giám sát hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014-2020 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 1490/QĐ-NHNN 2014 giám sát hệ thống thanh toán Việt Nam 2014-2020


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1490/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh toán,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BLĐ NHNNVN;
- UBCKNN (để phối hợp);
- TT Lưu ký Chứng khoán VN (để phối hợp);
- Công ty CP Chuyển mạch Tài chính Quốc gia VN;
- Công ty CP Dịch vụ thẻ Smartlink;
- Lưu: VP, VTT.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Toàn Thắng

 

CHIẾN LƯỢC

GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1490/QĐ-NHNN ngày 29/7/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ THỰC TRẠNG GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN

I. Khái quát các hệ thống thanh toán ở Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong quá trình hiện đại hóa hệ thống thanh toán cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực thanh toán, qua đó vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia ngày càng được nâng cao.

Hiện nay, các hệ thống thanh toán quan trọng đang được vận hành ở Việt Nam bao gồm: (i) Hệ thống thanh toán liên ngân hàng; (ii) Hệ thống thanh toán ngoại tệ; (iii) Hệ thống thanh toán bán lẻ; (iv) Hệ thống thanh toán chứng khoán.

1. Hệ thống thanh toán liên ngân hàng

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng - IBPS là Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trực tuyến của NHNN. Năm 2002, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Hệ thống đã khai trương và đi vào hoạt động tại Trụ sở chính và Chi nhánh của NHNN tại địa bàn 5 trung tâm chính (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ). Năm 2008, NHNN đã hoàn tất giai đoạn 2 của Dự án Hiện đại hóa Ngân hàng và Hệ thống thanh toán, nâng cao khả năng xử lý và mở rộng phạm vi hoạt động của Hệ thống IBPS ra toàn quốc. Việc hoàn thành và đưa vào vận hành Hệ thống IBPS giai đoạn 2 đánh dấu bước phát triển mới của hệ thống thanh toán ngân hàng với những thay đổi cơ bản về kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiệu năng xử lý và quy trình nghiệp vụ hiện đại theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh quyết toán tức thời và số lượng giao dịch thanh toán ngày càng cao của nền kinh tế.

Hệ thống IBPS được vận hành với 01 Trung tâm Thanh toán Quốc gia (NPSC) và 06 Trung tâm xử lý khu vực (RPC). Hệ thống IBPS bao gồm 02 tiểu hệ thống: Tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao thực hiện quyết toán tổng tức thời (Real Time Gross Settlement - RTGS) các khoản thanh toán giá trị cao (từ 500 triệu đồng trở lên), các khoản thanh toán khẩn và Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp thực hiện quyết toán ròng theo phiên (Deferred Net Settlement - DNS) để xử lý bù trừ các khoản thanh toán giá trị thấp (dưới 500 triệu đồng). Năm 2013, không tính những ngày giao dịch chuyển tiêu đầu năm của NHNN, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống IBPS đạt gần 36 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch trên 29 triệu tỷ đồng, bình quân trên 140 nghìn giao dịch/ngày với giá trị giao dịch trên 115 nghìn tỷ đồng/ngày.

Ngoài ra, các khoản thanh toán liên ngân hàng còn thực hiện thông qua 63 Trung tâm thanh toán bù trừ do các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố quản lý, xử lý các lệnh thanh toán bằng chứng từ giấy hoặc điện tử của các ngân hàng thành viên trong phạm vi tỉnh, thành phố. Năm 2013, các chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện vai trò là Trung tâm thanh toán bù trừ tại 58 tỉnh, thành phố và đã xử lý 4,3 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch trên 1,2 triệu tỷ đồng. Nhìn chung, số lượng và giá trị giao dịch thông qua Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử đang có xu hướng giảm dần do có sự mở rộng của Hệ thống IBPS trên toàn quốc. Bên cạnh đó, 04 chi nhánh cấp tỉnh của NHNN tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ vẫn duy trì các hoạt động thanh toán bù trừ giấy. Năm 2013, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống bù trừ giấy đạt 560 nghìn giao dịch với giá trị giao dịch là 485 nghìn tỷ đồng.

2. Hệ thống thanh toán ngoại tệ

Ở Việt Nam, thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng chủ yếu được thực hiện thông qua Hệ thống VCB-Money và Hệ thống SWIFT.

Hệ thống VCB-Money do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tổ chức, vận hành là hệ thống thanh toán điện tử VND/ngoại tệ, thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử thông qua kết nối Internet. Hệ thống VCB-Money cho phép khách hàng thực hiện chuyển tiền trong nước, nước ngoài; mua bán ngoại tệ; thanh toán lương; nhờ thu tự động. Thanh toán giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được tiến hành theo phương thức “thanh toán đối thanh toán” (Payment Versus Payment - PVP). Khi việc thanh toán cả hai nhánh (chuyển giao hai đồng tiền VND và ngoại tệ) của một giao dịch ngoại hối được diễn ra thông qua các tài khoản tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, hai nhánh thanh toán cần sự đồng bộ và giao dịch sẽ không được quyết toán nếu thiếu hụt vốn tại một nhánh bất kỳ. Trường hợp ngân hàng của người mua hoặc người bán không có tài khoản tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, nhánh nội tệ của giao dịch sẽ được gửi đi thanh toán qua Hệ thống IBPS. Trong trường hợp này, việc thanh toán không diễn ra theo phương thức PVP. Năm 2013, Hệ thống VCB-Money xử lý giao dịch ngoại tệ bình quân trên 1.200 giao dịch/ngày với giá trị giao dịch quy đổi trên 22.300 tỷ đồng/ngày.

Hiện nay, hầu hết các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam sử dụng dịch vụ chuyển tin điện của SWIFT để thực hiện các giao dịch chuyển tiền ngoại tệ và các giao dịch thanh toán quốc tế như nhờ thu, tín dụng chứng từ... Năm 2013, số lượng giao dịch chuyển tiền quốc tế đi đến qua Hệ thống SWIFT trên 3 triệu giao dịch với giá trị giao dịch trên 19 triệu tỷ đồng.

3. Hệ thống thanh toán bán lẻ

Hệ thống thanh toán bán lẻ bao gồm các phương tiện thanh toán và kênh thanh toán phục vụ các giao dịch ngân hàng bán lẻ.

Bên cạnh phương tiện thanh toán tiền mặt, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thường được sử dụng hiện nay đối với thanh toán bán lẻ là lệnh thanh toán Có (thanh toán cá nhân, doanh nghiệp, thanh toán thuế), lệnh thanh toán Nợ (thanh toán hóa đơn sử dụng dịch vụ), séc (thanh toán giữa các doanh nghiệp), thẻ thanh toán và ví điện tử (E-wallet).

Nhiều kênh thanh toán mới, hiện đại, tiện lợi và tiện ích dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin đã xuất hiện và đang đi dần vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới như thanh toán qua internet và thanh toán qua điện thoại di động. Ngoài ra, còn các kênh thanh toán trong từng hệ thống ngân hàng thương mại, kênh thanh toán song phương, kênh chuyển tiền qua các Đại lý chuyển tiền ở Việt Nam của các tổ chức chuyển tiền (như Western Union...).

Thẻ thanh toán với mạng lưới ATM, POS của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang được ưa chuộng sử dụng nhiều nhất và có tiềm năng tăng trưởng cao. Tính đến cuối năm 2013, trên 15.200 ATM và gần 130.000 POS được đầu tư, lắp đặt trên toàn quốc, phục vụ nhu cầu thanh toán của hơn 66 triệu thẻ thuộc 52 tổ chức phát hành thẻ. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở hạ tầng thẻ thanh toán tập trung tại các thành phố và đô thị lớn, chưa có sự bao phủ đầy đủ ở các khu vực nông thôn. Năm 2013, hệ thống ATM xử lý hơn 540 triệu giao dịch với giá trị trên 970 nghìn tỷ đồng; mạng lưới POS xử lý hơn 28 triệu giao dịch với giá trị trên 120 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, để khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ATM, POS mọi nơi, mọi lúc, hệ thống ATM, POS của các ngân hàng thương mại Việt Nam có sự kết nối liên thông với nhau qua hệ thống chuyển mạch của Banknetvn và Smartlink. Hiện nay, Banknetvn và Smartlink đang trong quá trình sáp nhập thành một Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất của Việt Nam.

4. Hệ thống thanh toán chứng khoán

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (TTLKCK) thực hiện lưu ký chứng khoán tập trung đối với các mã chứng khoán tại hai sàn giao dịch (Sàn Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh - HOSE và Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX). TTLKCK điều hành hệ thống quyết toán chứng khoán cho các mã chứng khoán đang được giao dịch tại hai sàn chứng khoán. Chu kỳ quyết toán cho cổ phiếu là T+3, trong khi Trái phiếu Chính phủ được quyết toán theo chu kỳ T+1. Sau khi kết thúc các phiên giao dịch, hai sàn giao dịch chứng khoán gửi báo cáo chi tiết đến TTLKCK và các thành viên. Việc khớp các kết quả giao dịch diễn ra tại thời gian T+1 đối với cổ phiếu và T+0 đối với Trái phiếu Chính phủ. Việc quyết toán diễn ra theo phương thức “chuyển giao đối thanh toán” (Delivery Versus Payment - DVP).

Năm 1999, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và TTLKCK chỉ định Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là ngân hàng quyết toán, chịu trách nhiệm quyết toán cho tất cả các giao dịch chứng khoán trong nước qua hai sàn giao dịch chứng khoán HOSE và HNX. Hai chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa tại thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Hà Thành tại Hà Nội được lựa chọn để quyết toán tiền giao dịch chứng khoán (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) tại HOSE và HNX. Năm 2013, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch HOSE và HNX lần lượt là 261 nghìn tỷ đồng và 82 nghìn tỷ đồng; tổng giá trị phát hành trái phiếu Chính phủ đạt trên 177 nghìn tỷ đồng.

II. Sự cần thiết, căn cứ pháp lý và thông lệ quốc tế về giám sát các hệ thống thanh toán

1. Sự cần thiết giám sát hệ thống thanh toán

Hệ thống thanh toán có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hiệu quả hoạt động hàng ngày của hệ thống tài chính, tiền tệ và của nền kinh tế nói chung. Hệ thống thanh toán được thiết kế và quản tốt sẽ ngăn ngừa, kiểm soát khủng hoảng, đổ vỡ mang tính hệ thống, đảm bảo an toàn trong quyết toán các giao dịch thanh toán, tăng tốc độ luân chuyển đồng tiền và giúp ổn định thị trường tài chính. Hệ thống thanh toán hiệu quả, an toàn và đáng tin cậy làm giảm chi phí trao đổi hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy hoạt động thông suốt của thị trường tài chính, giao dịch thương mại, đầu tư và các hoạt động khác trong nền kinh tế. Ngược lại, hệ thống thanh toán yếu và không an toàn có thể ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định và năng lực phát triển của nền kinh tế. Những yếu kém đó có thể dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả các nguồn tài chính, gây rủi ro, thiệt hại đối với thành viên, người sử dụng và đánh mất lòng tin của công chúng vào hệ thống tài chính.

Hệ thống thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro thanh khoản, rủi ro pháp , rủi ro hoạt động, rủi ro hệ thống...). Rủi ro đổ vỡ có thể lan truyền trong hệ thống cũng như có thể lan rộng ra ngoài hệ thống, đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Vì vậy, hệ thống thanh toán cần được quản lý và giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa các rủi ro có thể phát sinh. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động liên quan đến các hệ thống thanh toán của Ngân hàng Trung ương, vai trò giám sát phát triển một phần do sự mở rộng các hệ thống thanh toán của khu vực tư nhân, tính phức tạp ngày càng gia tăng, nhất là các phương thức và phương tiện thanh toán mới ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại phát triển mạnh. Vì vậy, cho dù hệ thống được thiết kế, xây dựng hay vận hành bởi khu vực tư nhân hay Ngân hàng Trung ương thì tầm quan trọng của việc giám sát ngày càng tăng cùng sự gia tăng về số lượng, giá trị các giao dịch đi qua hệ thống, tính phức tạp và đa dạng của nhiều hệ thống thanh toán.

NHNN với chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành giám sát các hệ thống thanh toán nhằm đảm bảo sự an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán và góp phần duy trì sự ổn định tài chính.

2. Căn cứ pháp lý

- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010 (Khoản 16 Điều 4) đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN trong việc “Tổ chức, quản lý, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng; tham gia tổ chức và giám sát sự vận hành của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế”;

- Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt (Khoản 1 Điều 24 và Điều 26) cũng quy định:

+ “Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia để đảm bảo sự thông suốt, an toàn và hiệu quả của hoạt động thanh toán trong hệ thống ngân hàng, góp phần duy trì sự phát triển ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.

+ Ngân hàng Nhà nước xây dựng chiến lược, chính sách và các quy định về giám sát các hệ thống thanh toán để đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí và xác định các hệ thống thanh toán quan trọng chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước giám sát các hệ thống thanh toán bằng các biện pháp giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và các biện pháp khác khi cần thiết.

Các tổ chức vận hành hệ thống thanh toán có trách nhiệm chấp hành các quy định và các khuyến nghị về giám sát của Ngân hàng Nhà nước; ban hành các quy định nội bộ về kiểm soát rủi ro và đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống”.

3. Thông lệ, chuẩn mực quốc tế về giám sát

Thông lệ, chuẩn mực quốc tế về giám sát (“Các nguyên tắc đối với Hạ tầng thị trường tài chính” của CPSS-IOSCO, phần trách nhiệm A, B, C):

+ “Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan có thẩm quyền khác chịu trách nhiệm quản lý, thanh tra và giám sát các hạ tầng thị trường tài chính.

+ Các Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác cần được cấp quyền hạn và nguồn lực để thực thi hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, thanh tra và giám sát các hạ tầng thị trường tài chính.

+ Các Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác phải định rõ và công khai các chính sách quản lý, thanh tra và giám sát đối với các hạ tầng thị trường tài chính”.

III. Thực trạng hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán

Năm 2008, NHNN thành lập đơn vị chuyên trách về giám sát các hệ thống thanh toán (thuộc Vụ Thanh toán), độc lập với các đơn vị vận hành hệ thống. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Thanh toán đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, từng bước triển khai thực hiện chức năng giám sát đối với các hệ thống thanh toán của Việt Nam theo định hướng phù hợp với yêu cầu giám sát của Ngân hàng Trung ương theo thông lệ quốc tế, cụ thể:

1. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu số liệu về các hệ thống thanh toán, thiết lập các kênh thu thập thông tin (qua kết nối trực tiếp với Hệ thống IBPS, hệ thống thông tin báo cáo thống kê, qua khảo sát, báo cáo định kỳ từ các đơn vị NHNN và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán); xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các hệ thống thanh toán theo chuỗi thời gian trên cơ sở chuẩn mực và thông lệ quốc tế về giám sát các hệ thống thanh toán; xây dựng báo cáo về giám sát và hoạt động của các hệ thống thanh toán định kỳ 6 tháng và 1 năm, trình Thống đốc NHNN và gửi các đơn vị liên quan thuộc NHNN.

2. Tổ chức thực hiện giám sát các hệ thống thanh toán

- Giám sát Hệ thống IBPS: Vụ Thanh toán đã phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai hoạt động giám sát đối với Hệ thống IBPS, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Vụ Thanh toán, bao gồm những nhiệm vụ chính sau:

+ Giám sát liên tục: Năm 2011, Vụ Thanh toán bắt đầu thực hiện giám sát trực tuyến liên tục hàng ngày đối với Hệ thống IBPS, thực hiện báo cáo số liệu, tình hình hoạt động, thanh khoản của hệ thống cũng như các vấn đề phát sinh theo ngày; tổng hợp, phân tích toàn bộ thông tin, kết quả giám sát hàng ngày và xây dựng báo cáo giám sát tình hình hoạt động của Hệ thống IBPS hàng tháng.

+ Đánh giá sự tuân thủ của hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực: Việc đánh giá sự tuân thủ của hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực thường được các nước thực hiện trên cơ sở định kỳ (1-2 năm/lần). Đây là nhiệm vụ mới cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện. Năm 2012, với sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới, Vụ Thanh toán tham gia thực hiện đánh giá Hệ thống IBPS theo Các nguyên tắc đối với Hạ tầng thị trường tài chính của Ủy ban về các hệ thống thanh, quyết toán (Committee on Payment and Settlement Systems - CPSS) và Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (International Organization of Securities Commissions - IOSCO) trong khuôn khổ Chương trình Đánh giá Khu vực Tài chính (Financial Sector Assessment Program - FSAP); qua đó, xác định một số thiếu hụt của Hệ thống IBPS (như khuôn khổ quản trị rủi ro, chính sách phí, các tiêu chí tham gia thành viên...) cần sửa đổi, bổ sung. Đây là tiền đề để Vụ Thanh toán thực hiện đánh giá sự tuân thủ của hệ thống thanh toán khác theo các nguyên tắc, chuẩn mực trong thời gian tới. NHNN sẽ áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế để thực hiện đánh giá định kỳ sự tuân thủ của hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực đó.

- Giám sát Hệ thống thanh toán bán lẻ: Vụ Thanh toán tập trung triển khai hoạt động giám sát, theo dõi tình hình dịch vụ thanh toán thẻ, mạng lưới ATM, POS của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Nội dung giám sát tập trung chủ yếu vào việc đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ. Định kỳ hàng quý, Vụ Thanh toán báo cáo tình hình hoạt động ATM trình Thống đốc NHNN. Trong quá trình giám sát, Vụ Thanh toán phối hợp chặt chẽ với Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam và cơ quan công an trong phòng chống tội phạm thẻ.

- Đối với một số hệ thống thanh toán khác như thanh toán bù trừ liên ngân hàng, thanh toán ngoại tệ, thanh toán chứng khoán..., Vụ Thanh toán định kỳ 6 tháng thu thập thông tin, tình hình và kết quả hoạt động của các hệ thống đó để xây dựng báo cáo.

Phần thứ hai

CHIẾN LƯỢC GIÁM SÁT CÁC HỆ THỐNG THANH TOÁN

I. Mục tiêu

Đến năm 2020, NHNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường năng lực, thực hiện giám sát toàn diện các hệ thống thanh toán tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm:

1. Đảm bảo sự hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia cũng như các hệ thống, phương tiện, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế.

2. Tăng cường vai trò của hệ thống thanh toán quốc gia như một kênh hiệu quả để truyền tải và thực thi chính sách tiền tệ.

3. Ngăn ngừa rủi ro trong các hệ thống thanh toán, nhất là các rủi ro hệ thống.

4. Bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của các thành viên tham gia hệ thống thanh toán.

5. Bảo vệ người sử dụng: phòng ngừa và hạn chế rủi ro đối với các dịch vụ, phương tiện thanh toán cho người sử dụng, duy trì và tăng cường lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.

II. Nguyên tắc

Giám sát các hệ thống thanh toán là chức năng của Ngân hàng Trung ương nhằm đảm bảo sự an toàn, hiệu quả của các hệ thống thanh toán. Khác với hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện, hoạt động giám sát các hệ thống thanh toán bao gồm việc giám sát tổng thể hệ thống thanh toán từ việc xây dựng, thiết kế cấu trúc hệ thống đến các quy trình, thủ tục thanh toán của các thành viên tham gia trong hệ thống thanh toán, dựa trên các nguyên tắc sau:

1. NHNN giám sát và đánh giá sự tuân thủ của các hệ thống thanh toán theo một số nguyên tắc, chuẩn mực liên quan của CPSS-IOSCO, các khuyến nghị của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (Phụ lục 1).

2. NHNN giám sát đảm bảo nguyên tắc toàn diện, minh bạch, nhất quán và hợp tác với các cơ quan liên quan.

- Toàn diện

NHNN giám sát toàn bộ hệ thống thanh toán, bao gồm mọi cấu phần liên quan ảnh hưởng đến sự hoạt động liên tục, an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán, cụ thể: cơ sở pháp lý, các quy tắc, chuẩn mực, thỏa thuận, quy trình, thủ tục thanh toán; các phương tiện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thanh toán; các tổ chức quản lý, vận hành và tham gia sử dụng hệ thống thanh toán.

- Minh bạch

NHNN công khai các chính sách giám sát để đơn vị vận hành, thành viên tham gia và các nhà cung ứng dịch vụ hoạt động phù hợp với các mục tiêu giám sát đã đề ra.

- Nhất quán

Chính sách giám sát được áp dụng thống nhất đối với các hệ thống thanh toán, bao gồm cả hệ thống do NHNN quản lý, vận hành.

- Hợp tác

Để đảm bảo hệ thống thanh toán quốc gia hoạt động an toàn và hiệu quả, NHNN hợp tác với các cơ quan hữu quan cũng như các cơ quan có thẩm quyền (trong nước và quốc tế).

III. Đối tượng và phạm vi giám sát

NHNN xác định các hệ thống thanh toán quan trọng chịu sự giám sát của NHNN. Đó là những hệ thống thanh toán có vai trò chủ đạo trong việc phục vụ nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, trong đó những rủi ro, đổ vỡ có thể lan truyền trong hệ thống ảnh hưởng đến sự ổn định, hiệu quả, an toàn và thông suốt của hệ thống tài chính. Đồng thời, NHNN giám sát các phương tiện và dịch vụ thanh toán phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của công chúng, trong đó những rủi ro có thể ảnh hưởng đến lòng tin của công chúng vào phương tiện và dịch vụ thanh toán.

Căn cứ vào các tiêu chí về khối lượng và giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán; số lượng các thành viên tham gia; sự kết nối liên thông giữa các hệ thống thanh toán, trong giai đoạn 2014 - 2020, NHNN xác định các hệ thống thanh toán quan trọng đang hoạt động ở Việt Nam (kể cả các phương tiện thanh toán được cung cấp thông qua các hệ thống này) chịu sự giám sát trực tiếp của NHNN như sau:

- Hệ thống thanh toán liên ngân hàng (Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng).

- Hệ thống thanh toán ngoại tệ (Hệ thống VCB-Money, SWIFT và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ngoại tệ).

- Hệ thống thanh toán bán lẻ (Hệ thống chuyển mạch, thanh toán thẻ qua ATM, POS; các dịch vụ thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như: thanh toán tại quầy giao dịch, thanh toán qua internet, thanh toán qua điện thoại di động, các dịch vụ trung gian thanh toán…).

- Hệ thống thanh toán chứng khoán (Hệ thống quyết toán tiền của các giao dịch chứng khoán).

IV. Phương thức thực hiện giám sát

1. Giám sát từ xa

- Giám sát trực tuyến thông qua sử dụng các phần mềm, thực hiện truy cập từ xa vào các thông tin, dữ liệu hoạt động của hệ thống thanh toán trên nguyên tắc đảm bảo tính an toàn, bảo mật thông tin và không làm gián đoạn hay ảnh hưởng đến tốc độ xử lý của hệ thống.

- Phân tích, tổng hợp thông tin từ các báo cáo định kỳ và báo cáo sự cố... của đơn vị quản lý, vận hành và các thành viên tham gia hệ thống thanh toán qua các kênh thông tin, báo cáo khác nhau.

- Thu thập, xử lý các nguồn thông tin liên quan qua các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra.

- Hợp tác, chia sẻ thông tin với các đơn vị liên quan khác.

2. Giám sát tại chỗ

- Cán bộ giám sát làm việc trực tiếp với đơn vị quản lý, vận hành và các thành viên tham gia hệ thống hoặc giám sát tại địa điểm tổ chức trung tâm quản lý, vận hành và tại các thành viên tham gia hệ thống.

- Kiểm tra định kỳ hoặc bất thường hoạt động của hệ thống tại địa điểm tổ chức trung tâm quản lý, vận hành hoặc tại các thành viên tham gia hệ thống.

- Thông qua các kênh thông tin liên lạc (điện thoại, tin nhắn…) tương tác trực tiếp với đơn vị quản lý, vận hành hoặc với các thành viên tham gia hệ thống.

3. Khuyến nghị hoặc yêu cầu

Khuyến nghị hoặc yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát thực hiện những thay đổi cần thiết đối với hệ thống thanh toán để bổ sung, khắc phục những thiếu hụt hiện tại.

4. Cảnh báo

Cảnh báo các vấn đề có thể phát sinh ảnh hưởng đến sự an toàn, hiệu quả và hoạt động liên tục của hệ thống thanh toán và phương tiện, dịch vụ thanh toán chịu sự giám sát của NHNN.

5. Xử phạt

Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh toán đối với các đơn vị chịu sự giám sát khi phát hiện vi phạm hoặc không chấp hành các quy định hay yêu cầu của NHNN theo quy định của pháp luật.

Phần thứ ba

LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI

I. Giai đoạn 2014-2016

1. Tổ chức giám sát hệ thống thanh toán liên ngân hàng

1.1. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng

a) Theo dõi, giám sát liên tục

NHNN (Vụ Thanh toán) truy cập trực tuyến vào các dữ liệu lưu trữ điện tử của hệ thống và thông qua các kênh trao đổi thông tin với đơn vị vận hành, các thành viên hệ thống để kiểm tra liên tục và đánh giá hoạt động hệ thống thanh toán hàng ngày trong điều kiện hoạt động bình thường. Đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, an toàn và hiệu quả trong suốt ngày vận hành, cần xác định khu vực hệ thống thanh toán dễ rủi ro, đề xuất cải tiến, sửa đổi và đảm bảo các đề xuất này sẽ được thực hiện, cụ thể:

- Giám sát liên tục các hoạt động diễn ra trong suốt ngày vận hành, bao gồm kiểm tra tính liên tục của việc vận hành (chú ý đặc biệt đến quản lý rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động); xem xét các dữ liệu thống kê liên quan và thông tin về vận hành; quản lý hiệu suất trong ngày của hệ thống.

- Phối hợp với đơn vị vận hành giải quyết sự cố; phân tích nguyên nhân sự cố và đề xuất với Thống đốc NHNN biện pháp khắc phục, tránh những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai.

- Nghiên cứu, xem xét các báo cáo, vướng mắc, kiến nghị liên quan (từ đơn vị vận hành, các thành viên tham gia hoặc những người sử dụng hệ thống) để tham mưu Thống đốc NHNN các biện pháp xử lý.

Các dữ liệu hàng ngày sẽ được tổng hợp thành báo cáo tháng và được gửi tới Thống đốc NHNN, các Vụ, Cục liên quan. Ngay khi xảy ra sự cố, đơn vị vận hành và các thành viên hệ thống báo cáo sự cố xảy ra tại đơn vị mình (Phụ lục 3) gửi NHNN (Vụ Thanh toán). Đối với các sự cố mà NHNN (Vụ Thanh toán) phân loại là quan trọng, việc kiểm tra và báo cáo phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể, không quá 48 giờ sau khi sự cố phát sinh.

b) Đánh giá định kỳ

NHNN (Vụ Thanh toán) phối hợp với đơn vị quản lý, vận hành hệ thống và các đơn vị liên quan xem xét các thông tin, dữ liệu hoạt động của hệ thống (đặc biệt là các rủi ro, sự cố xảy ra với tần suất thấp nhưng có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng) để phân tích, đánh giá về các mục tiêu, hiệu suất, hiệu quả hoạt động cũng như các rủi ro tiềm tàng của hệ thống.

c) Đánh giá sự tuân thủ của hệ thống theo các nguyên tắc, chuẩn mực

NHNN (Vụ Thanh toán) xem xét đề xuất thực hiện đánh giá sự tuân thủ của hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực; xây dựng kế hoạch và phối hợp với đơn vị liên quan (đơn vị vận hành, các thành viên tham gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ...) tổ chức thực hiện đánh giá sự tuân thủ của hệ thống theo một số nguyên tắc liên quan của CPSS - IOSCO.

NHNN (Vụ Thanh toán) yêu cầu và phối hợp hướng dẫn đơn vị tổ chức quản lý, vận hành hệ thống thanh toán thực hiện tự đánh giá sự tuân thủ của hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực. Báo cáo tự đánh giá này sẽ là căn cứ để NHNN (Vụ Thanh toán) xem xét đánh giá sự tuân thủ của hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực.

NHNN (Vụ Thanh toán) xây dựng Báo cáo đánh giá sự tuân thủ của hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực (đưa ra những đánh giá và kiến nghị thay đổi hệ thống phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực, đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả), trình Thống đốc NHNN phê duyệt và thực hiện công bố báo cáo.

Trường hợp việc đánh giá có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế (như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới...) trong khuôn khổ các chương trình đánh giá hệ thống thanh toán của các tổ chức này thì NHNN (Vụ Thanh toán) phối hợp các đơn vị liên quan đánh giá, cung cấp các thông tin cần thiết và phối hợp với các tổ chức quốc tế để hoàn thành các đánh giá này.

Sau khi công bố báo cáo đánh giá, NHNN (Vụ Thanh toán) giám sát quá trình thực hiện các kiến nghị và lịch trình thực hiện được đề xuất tại báo cáo đánh giá.

d) Khuyến nghị thay đổi và giám sát sự thay đổi

Thông qua kết quả theo dõi, giám sát và đánh giá hệ thống, khuyến nghị thay đổi có thể được đưa ra nhằm cải tiến hệ thống.

NHNN (Vụ Thanh toán) giám sát những thay đổi có thể liên quan đến yếu tố như: cấu trúc, chức năng, kỹ thuật, vận hành, pháp lý và các hoạt động của hệ thống, cụ thể:

- Quản lý và thiết kế tổng thể hệ thống.

- Quy chế và quy trình vận hành (bao gồm các chức năng, dịch vụ, tiện ích cho các thành viên tham gia và cán bộ vận hành, các thủ tục điều kiện tham gia thành viên).

- Kết nối với các hệ thống thanh toán khác trong nước và quốc tế.

- Chính sách phí.

- Hợp đồng và thỏa thuận với đơn vị cung cấp dịch vụ.

- Khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý rủi ro và các thủ tục xử lý sự cố.

Đối với các thay đổi đáng kể về thiết kế và cấu trúc hệ thống, đơn vị quản lý, vận hành hệ thống có trách nhiệm báo cáo thông tin, tài liệu dự án liên quan cho NHNN (Vụ Thanh toán) để đánh giá và xem xét trước khi thực hiện.

1.2. Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng

NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện:

- Theo dõi, thu thập và tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo giám sát tình hình hoạt động của Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng thông qua báo cáo định kỳ 6 tháng.

- Nghiên cứu, xem xét các báo cáo, vướng mắc, kiến nghị liên quan và đưa ra yêu cầu, đề xuất, kiến nghị khi cần thiết.

2. Tổ chức giám sát Hệ thống thanh toán ngoại tệ

NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện:

- Theo dõi, thu thập, tổng hợp, phân tích thông tin, đánh giá hoạt động của Hệ thống thanh toán ngoại tệ (bao gồm thanh toán ngoại tệ qua SWIFT và các hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng cũng như hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ngoại tệ).

- Nghiên cứu, xem xét các báo cáo, vướng mắc, kiến nghị liên quan và đưa ra yêu cầu, đề xuất, kiến nghị khi cần thiết.

- Xây dựng báo cáo giám sát tình hình hoạt động của Hệ thống thanh toán ngoại tệ thông qua báo cáo định kỳ 6 tháng.

- Nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu số liệu yêu cầu báo cáo giám sát đối với Hệ thống thanh toán ngoại tệ.

3. Tổ chức giám sát Hệ thống thanh toán bán lẻ và các phương tiện, dịch vụ thanh toán

NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện:

- Theo dõi, giám sát hoạt động của các công ty chuyển mạch thẻ (Banknetvn và Smartlink); đánh giá quy trình nghiệp vụ và mô hình thiết kế của hệ thống chuyển mạch thẻ thống nhất sau khi hoàn tất quá trình sáp nhập giữa Banknetvn và Smartlink, đưa ra kiến nghị nếu cần thiết.

- Theo dõi, giám sát các phương tiện thanh toán và kênh thanh toán phục vụ giao dịch ngân hàng bán lẻ (thanh toán thẻ; mạng lưới ATM, POS; các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như thanh toán qua internet, thanh toán qua điện thoại di động; thanh toán qua trung gian thanh toán).

- Định kỳ xem xét lại thiết kế chức năng, quy trình nghiệp vụ, sự ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, xu thế phát triển (đặc biệt là đối với các mô hình phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng công nghệ cao tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa) để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn dịch vụ thanh toán.

- Định kỳ (báo cáo định kỳ 6 tháng) thu thập và tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo Thống đốc NHNN.

4. Tổ chức giám sát Hệ thống thanh toán chứng khoán

NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện:

- Theo dõi, thu thập và tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo giám sát tình hình hoạt động của Hệ thống thanh toán chứng khoán định kỳ 6 tháng, trong đó tập trung giám sát hoạt động quyết toán tiền giao dịch chứng khoán tại ngân hàng quyết toán.

- Nghiên cứu, xem xét các báo cáo, vướng mắc, kiến nghị liên quan và đưa ra yêu cầu, đề xuất, kiến nghị khi cần thiết.

- Phối hợp với UBCKNN trong giám sát Hệ thống bù trừ và lưu ký chứng khoán.

5. Nâng cao năng lực giám sát hệ thống thanh toán

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động giám sát của NHNN.

+ Có cơ chế thích hợp để tuyển dụng, thu hút các cán bộ, chuyên gia, người có năng lực, kinh nghiệm liên quan hoạt động giám sát hệ thống thanh toán.

+ Tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức theo các hình thức phù hợp trên cơ sở tiếp thu thông lệ quốc tế, điều kiện cụ thể của Việt Nam để nâng cao năng lực cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc.

- Nghiên cứu, xây dựng cẩm nang về giám sát các hệ thống thanh toán theo hướng chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động giám sát.

- Phát triển các công cụ phần mềm hỗ trợ thực hiện chức năng giám sát trực tuyến và giám sát định kỳ; trang bị phương tiện làm việc cần thiết phục vụ cho công tác giám sát.

II. Giai đoạn 2017-2020

1. Tổ chức giám sát Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng

NHNN (Vụ Thanh toán) mở rộng giám sát Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, cụ thể:

- Hoàn thiện và bổ sung hệ thống chỉ tiêu phục vụ cho hoạt động giám sát; giám sát tới các thành viên gián tiếp và các kết nối tới hệ thống khác nhằm quản lý các loại rủi ro của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, đặc biệt là rủi ro hệ thống.

- Thúc đẩy quan hệ hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giám sát các hệ thống thanh toán với NHTW các nước.

2. Tổ chức giám sát Hệ thống thanh toán ngoại tệ

NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện giám sát định kỳ tiến tới giám sát thường xuyên (hàng ngày) đối với Hệ thống thanh toán ngoại tệ, bao gồm các hoạt động:

- Đánh giá sự tuân thủ của hệ thống theo các nguyên tắc, chuẩn mực và đưa ra những khuyến nghị cho các đơn vị quản lý, vận hành, các thành viên tham gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả và kiểm soát được các rủi ro phát sinh.

- Giám sát sự thay đổi khi tổ chức quản lý, vận hành hệ thống có thay đổi về thiết kế cấu trúc hệ thống cũng như các quy trình nghiệp vụ.

- Tiếp tục theo dõi, thu thập và tổng hợp thông tin, đánh giá hoạt động của Hệ thống thanh toán ngoại tệ (bao gồm thanh toán ngoại tệ qua SWIFT và các hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng cũng như hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ngoại tệ).

3. Tổ chức giám sát Hệ thống thanh toán bán lẻ và các phương tiện, dịch vụ thanh toán

Hệ thống thanh toán bán lẻ ngày càng phát triển với các phương tiện thanh toán và kênh thanh toán ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, tiện ích nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro; mở rộng phạm vi cung ứng, không chỉ ở các thành phố, đô thị mà còn ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; cùng với đó là việc xây dựng hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH) để xử lý các giao dịch ngân hàng bán lẻ.

NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện:

- Giám sát các phương tiện thanh toán, kênh thanh toán:

Giám sát, đánh giá toàn bộ quy trình thanh toán và quyết toán từ khâu (i) khách hàng tiếp cận các phương tiện thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, (ii) Xử lý giao dịch như xác thực, cấp phép cho giao dịch, (iii) thanh toán bù trừ tại chuyển mạch/ACH, (iv) Quyết toán tiền tại ngân hàng quyết toán.

- Giám sát hệ thống chuyển mạch thẻ, hệ thống thanh toán bù trừ tự động:

Giám sát định kỳ; khuyến nghị thay đổi quy trình nghiệp vụ khi cần thiết và giám sát sự thay đổi đó. Đối với hệ thống thanh toán bù trừ tự động, thực hiện đánh giá sự tuân thủ theo các nguyên tắc, chuẩn mực và đưa ra những khuyến nghị cho các đơn vị quản lý, vận hành, các thành viên tham gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ để đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả và kiểm soát được các rủi ro phát sinh.

4. Tổ chức giám sát Hệ thống thanh toán chứng khoán

NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện giám sát định kỳ tiến tới giám sát thường xuyên (hàng ngày) đối với Hệ thống thanh toán chứng khoán, bao gồm các hoạt động:

- Đánh giá sự tuân thủ của hệ thống theo các nguyên tắc, chuẩn mực và đưa ra những khuyến nghị cho các đơn vị quản lý, vận hành, các thành viên tham gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ như UBCKNN, TTLKCK, Ngân hàng thanh toán chứng khoán...

- Giám sát sự thay đổi khi tổ chức quản lý, vận hành hệ thống có thay đổi về thiết kế cấu trúc hệ thống cũng như các quy trình nghiệp vụ.

- Tiếp tục theo dõi, thu thập và tổng hợp thông tin, đánh giá hoạt động của Hệ thống thanh toán chứng khoán.

5. Nâng cao năng lực giám sát hệ thống thanh toán

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giám sát của NHNN để theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thanh toán.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Vụ Thanh toán

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán, cụ thể:

1.1. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu số liệu giám sát chi tiết đối với từng hệ thống thanh toán và phương tiện thanh toán quan trọng chịu sự giám sát của NHNN. Đồng thời, phối hợp Cục Công nghệ tin học, Vụ Dự báo thống kê phát triển phần mềm khai thác số liệu phục vụ công tác giám sát.

1.2. Yêu cầu đơn vị vận hành, các thành viên tham gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu liên quan để phân tích và báo cáo, đề xuất với Thống đốc NHNN biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh.

1.3. Xác định nhu cầu về nguồn lực (con người, trang bị kỹ thuật và tài chính) phù hợp với nội dung, lộ trình triển khai hoạt động giám sát và đề xuất biện pháp đáp ứng.

1.4. Bố trí nguồn lực, phân công cán bộ thực hiện công tác giám sát theo lộ trình triển khai nêu tại Phần thứ ba Chiến lược này.

1.5. Tổ chức thực hiện đánh giá sự tuân thủ của các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

1.6. Báo cáo và tham mưu cho Thống đốc NHNN về việc vận hành, chính sách và các vấn đề liên quan đến giám sát các hệ thống thanh toán; sự phù hợp của thiết kế, quy trình và hiệu suất hoạt động của các hệ thống thanh toán dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực:

- Báo cáo định kỳ:

+ Báo cáo tháng: Tổng hợp các dữ liệu hoạt động hàng ngày (số liệu giao dịch, khả năng thanh toán của các ngân hàng thành viên, tình hình sự cố hệ thống…) của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

+ Báo cáo 6 tháng đầu năm: Thông tin, kết quả giám sát hệ thống thanh toán trong 6 tháng tổng hợp cùng với các báo cáo, đề xuất, kiến nghị từ các đơn vị liên quan.

+ Báo cáo hàng năm: Báo cáo được lập dựa trên kết quả của hoạt động giám sát, số liệu, tình hình hoạt động của các hệ thống thanh toán trong năm vừa kết thúc. Báo cáo cung cấp thông tin về hoạt động của các hệ thống thanh toán dựa trên các báo cáo, đề xuất, kiến nghị từ các TCTD thành viên; đồng thời báo cáo này cũng bao gồm những thông tin về tình hình thực hiện các đề xuất, kiến nghị và những thay đổi lớn đối với hệ thống thanh toán liên quan được nêu trong Báo cáo đánh giá hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc đối với hạ tầng thị trường tài chính.

- Báo cáo đột xuất: Báo cáo những vấn đề, sự cố nghiêm trọng phát sinh và đề xuất, kiến nghị Thống đốc NHNN trong quá trình thực hiện hoạt động giám sát liên tục, giám sát sự thay đổi.

1.7. Trình Thống đốc NHNN cho phép công bố số liệu hoạt động của các hệ thống thanh toán chịu sự giám sát trên website NHNN theo quy định và thông lệ quốc tế.

2. Cục Công nghệ tin học

2.1. Phối hợp với Vụ Thanh toán trang bị hạ tầng kỹ thuật (phần mềm để truy cập, xử lý thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu...) phục vụ hoạt động giám sát.

2.2. Phối hợp với Vụ Thanh toán trong việc giám sát các hệ thống thanh toán (liên quan đến đánh giá các rủi ro về vận hành, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán).

2.3. Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin và phối hợp với Vụ Thanh toán trong việc giám sát Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

3. Vụ Dự báo, thống kê

Phối hợp với Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ tin học nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu giám sát vào chế độ báo cáo thống kê và phát triển phần mềm khai thác các chỉ tiêu, số liệu đó phục vụ công tác giám sát.

4. Sở giao dịch - Ngân hàng Nhà nước

4.1. Phối hợp với Vụ Thanh toán trong việc giám sát các hệ thống thanh toán (liên quan đến đánh giá các rủi ro về vận hành, thanh khoản, tín dụng).

4.2. Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu (về tình hình hoạt động thanh toán, tình hình thanh khoản hàng ngày của các ngân hàng thành viên) và phối hợp với Vụ Thanh toán trong việc giám sát Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

5. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng

5.1. Phối hợp, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động của các ngân hàng thành viên hệ thống thanh toán khi có đề nghị của Vụ Thanh toán.

5.2. Phối hợp với Vụ Thanh toán định kỳ hoặc khi cần thiết tổ chức kiểm tra tại chỗ đối với các đơn vị quản lý, vận hành và tham gia hệ thống thanh toán; xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động của hệ thống thanh toán.

6. Vụ Tổ chức cán bộ

6.1. Phối hợp với Vụ Thanh toán và các đơn vị liên quan xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ giám sát; cử cán bộ giám sát tham gia hội thảo, hội nghị quốc tế, khảo sát tại Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực và trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực giám sát hệ thống thanh toán.

6.2. Nghiên cứu, có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ giám sát.

6.3. Bổ sung cán bộ phù hợp yêu cầu của hoạt động giám sát.

7. Các tổ chức, đơn vị quản lý, vận hành và tham gia hệ thống thanh toán

7.1. Thực hiện báo cáo các thông tin chi tiết cùng các tài liệu dự án khi có các thay đổi liên quan đến thiết kế và cấu trúc hệ thống thanh toán của mình.

7.2. Ban hành các quy định nội bộ về kiểm soát rủi ro và đảm bảo sự hoạt động liên tục của hệ thống và gửi NHNN (Vụ Thanh toán) để báo cáo, làm cơ sở cho hoạt động đánh giá và giám sát.

7.3. Cung cấp thông tin liên quan hoạt động của hệ thống theo yêu cầu của NHNN (tham chiếu thông tin cơ bản theo Phụ lục 2).

7.4. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình hoạt động thanh toán của mình về NHNN (Vụ Thanh toán): Báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của các hệ thống thanh toán mà đơn vị quản lý, vận hành và tham gia; các phương tiện, dịch vụ thanh toán mà đơn vị cung ứng và những vấn đề bất thường phát sinh, đề xuất biện pháp phòng ngừa những thay đổi về thiết kế cấu trúc hệ thống và các quy định nội bộ nêu tại mục 6.2 phục vụ công tác giám sát của NHNN; nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất/kiến nghị, định hướng thay đổi (nếu có) (Phụ lục 4).

7.5. Tự thực hiện đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực đối với hệ thống thanh toán theo yêu cầu của NHNN; báo cáo, cung cấp thông tin và phối hợp với NHNN (Vụ Thanh toán) thực hiện đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực.

7.6. Chấp hành các quy định và thực hiện các khuyến nghị về giám sát của NHNN.

8. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố

8.1. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các dịch vụ thanh toán thẻ, hoạt động của mạng lưới ATM, POS của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN và xử lý các vi phạm liên quan.

8.2. Thực hiện báo cáo NHNN (Vụ Thanh toán) theo quy định và khi có yêu cầu đột xuất của NHNN (Vụ Thanh toán) liên quan đến hoạt động thanh toán trên địa bàn, cụ thể:

- Báo cáo định kỳ:

+ Báo cáo quý (đối với hệ thống ATM, POS): báo cáo tình hình hoạt động ATM, POS trên địa bàn; nêu các đề xuất, kiến nghị (nếu có).

+ Báo cáo 6 tháng và hàng năm: đánh giá về hoạt động thanh toán trên địa bàn, về các hệ thống thanh toán mà chi nhánh NHNN quản lý, vận hành; nêu đề xuất, kiến nghị (nếu có).

- Báo cáo đột xuất: báo cáo về các vụ việc hoặc những vướng mắc phát sinh liên quan đến dịch vụ thanh toán thẻ, hoạt động của mạng lưới ATM, POS; báo cáo sự cố.

 

PHỤ LỤC 1

CÁC NGUYÊN TẮC ĐỐI VỚI HẠ TẦNG THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH

(CPSS - IOSCO)

I. Nguyên tắc

1. Nguyên tắc chung về tổ chức

Nguyên tắc 1: Cơ sở pháp lý

Một FMI1 cần xây dựng một cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng, minh bạch và có thể thực thi cho từng khía cạnh hoạt động quan trọng của FMI trong tất cả các văn bản pháp luật có liên quan.

Nguyên tắc 2: Quản lý

Một FMI cần có cơ chế quản lý rõ ràng và minh bạch, tăng cường sự an toàn, hiệu quả của FMI, đảm bảo sự ổn định cho hệ thống tài chính, tạo điều kiện quan tâm đến lợi ích cộng đồng một cách thích hợp và hỗ trợ các bên liên quan đạt được mục tiêu.

Nguyên tắc 3: Khuôn khổ quản trị rủi ro toàn diện

Một FMI cần duy trì một cơ chế quản trị rủi ro hiệu quả để quản lý toàn diện các rủi ro về pháp lý, tín dụng, thanh khoản, hoạt động và các rủi ro khác.

2. Quản trị rủi ro tín dụng và thanh khoản

Nguyên tắc 4: Rủi ro Tín dụng

Một FMI cần đo lường, giám sát và quản lý hiệu quả rủi ro tín dụng đối với các thành viên tham gia và các rủi ro phát sinh từ quy trình thanh toán, bù trừ, quyết toán. Một FMI cần duy trì nguồn tài chính đủ mạnh để đảm bảo chắc chắn có thể bù đắp rủi ro tín dụng đối với mỗi thành viên tham gia. Ngoài ra, trong trường hợp Đối tác Trung Tâm (Central Counterparty - CCP) thực hiện các hoạt động có mức độ rủi ro phức tạp hơn hay có thể tạo ra những ảnh hưởng mang tính hệ thống trong nhiều lĩnh vực hoạt động, CCP này cần phải bổ sung nguồn tài chính đủ lớn để có thể xử lý được hàng loạt các kịch bản rủi ro có thể xảy ra. Các kịch bản này bao gồm, nhưng không giới hạn việc hai thành viên lớn nhất và các đơn vị phụ thuộc của họ bị rơi vào tình trạng bị mất khả năng thanh toán, do đó có khả năng gây ra rủi ro tín dụng chung lớn nhất cho CCP đó trong điều kiện thị trường rất khó khăn nhưng vẫn hợp lý. Tất cả các CCP khác cần duy trì nguồn tài chính ít nhất phải đủ để giải quyết được tình trạng một tổ chức thành viên cùng với các đơn vị phụ thuộc của thành viên đó bị mất khả năng thanh toán và trở thành nguyên nhân có thể gây ra rủi ro tín dụng chung lớn nhất cho các CCP trong điều kiện thị trường rất khó khăn nhưng vẫn hợp lý.

Nguyên tắc 5: Tài sản bảo đảm

Một FMI đòi hỏi phải có tài sản bảo đảm để quản lý rủi ro tín dụng của FMI đó cũng như rủi ro tín dụng của các thành viên tham gia. Khi đó, FMI cần phải chấp nhận tài sản bảo đảm với rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường ở mức thấp. Một FMI cũng cần ấn định và áp dụng tỷ lệ chiết khấu (haircuts), hạn mức tập trung nắm giữ tài sản ở mức vừa phải một cách hợp lý.

Nguyên tắc 6: Ký quỹ

Một CCP cần bù đắp rủi ro tín dụng của mình cho các thành viên tham gia liên quan đến tất cả các sản phẩm thông qua hệ thống ký quỹ hiệu quả. Hệ thống ký quỹ này dựa trên cơ sở rủi ro và rà soát thường xuyên.

Nguyên tắc 7: Rủi ro thanh khoản

Một FMI cần đo lường, giám sát và quản lý rủi ro thanh khoản một cách hiệu quả. FMI nên duy trì đủ nguồn lực thanh khoản bằng tất cả các loại tiền tệ liên quan để đảm bảo chắc chắn thực hiện các nghĩa vụ thanh toán trong cùng một ngày, và khi cần, có thể thực hiện các nghĩa vụ thanh toán trong ngày và trong nhiều ngày theo hàng loạt các kịch bản rủi ro có thể xảy ra. Các kịch bản này bao gồm, nhưng không giới hạn ở việc tổ chức thành viên và các đơn vị phụ thuộc mất khả năng thanh toán, do đó gây ra nghĩa vụ thanh toán tổng hợp lớn nhất cho FMI đó trong điều kiện thị trường rất khó khăn nhưng vẫn hợp lý.

3. Quyết toán

Nguyên tắc 8: Quyết toán dứt điểm

Một FMI nên thực hiện quyết toán dứt điểm một cách rõ ràng và chính xác, tối thiểu là vào thời điểm kết thúc ngày giá trị. Trong trường hợp cần thiết hoặc thích hợp hơn, một FMI cần phải tiến hành quyết toán trong ngày hoặc trong thời gian thực.

Nguyên tắc 9: Quyết toán tiền

Một FMI nên tiến hành quyết toán bằng tiền Ngân hàng Trung ương, nếu khả thi và sẵn có. Trường hợp tiền Ngân hàng Trung ương không được sử dụng thì FMI nên giảm thiểu và kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản phát sinh từ việc sử dụng tiền ngân hàng thương mại.

Nguyên tắc 10: Chuyển giao tài sản vật lý (Physical deliveries)

Một FMI cần nêu rõ nghĩa vụ của mình đối với việc cung cấp các công cụ hoặc hàng hóa vật lý và phải xác định, giám sát, và quản lý các rủi ro liên quan với việc cung cấp các công cụ hoặc hàng hóa này.

4. Trung tâm lưu ký chứng khoán và hệ thống thanh toán trao đổi giá trị

Nquyên tắc 11: Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (Central securities depositories - CSD)

Một CSD cần đưa ra những quy tắc, thủ tục thích hợp đảm bảo tính toàn vẹn của chứng khoán phát hành và giảm thiểu, quản lý các rủi ro liên quan đến việc bảo quản và chuyển nhượng chứng khoán. Một CSD cần duy trì chứng khoán ở hình thức cố định hoặc phi vật chất để chuyển nhượng bằng cách ghi sổ.

Nguyên tắc 12: Hệ thống thanh toán trao đổi giá trị

Trường hợp FMI thực hiện các giao dịch có liên quan đến việc thanh toán hai nghĩa vụ có liên hệ với nhau (ví dụ: giao dịch chứng khoán hoặc giao dịch ngoại hối), FMI cần loại bỏ rủi ro chủ yếu thông qua quy định thực hiện quyết toán nghĩa vụ này trên cơ sở đã hoàn thành quyết toán nghĩa vụ kia.

5. Quản vỡ nợ

Nguyên tắc 13: Các quy tắc và thủ tục quản lý thành viên tham gia bị vỡ nợ (Participant-default rules and procedures)

Một FMI cần thiết lập các quy tắc và thủ tục rõ ràng, hiệu quả để quản lý tình trạng mất khả năng thanh toán của thành viên tham gia. Những quy tắc và thủ tục này cần được xây dựng theo hướng đảm bảo FMI có thể có các hành động kịp thời để ngăn chặn các thiệt hại và giảm áp lực thanh khoản, đồng thời duy trì khả năng thực hiện các nghĩa vụ của FMI đó.

Nguyên tắc 14: Phân tách và khả chuyển

Một CCP cần đưa ra những quy tắc và thủ tục cho phép phân tách và khả chuyển trạng thái (positions) của khách hàng của thành viên tham gia và tài sản thế chấp cho CCP liên quan đến những trạng thái đó.

6. Quản lý rủi ro hoạt động và kinh doanh chung

Nguyên tắc 15: Rủi ro kinh doanh chung

Một FMI cần phải xác định, giám sát và quản lý rủi ro kinh doanh nói chung và nắm giữ đầy đủ tài sản ròng có tính thanh khoản cao từ nguồn vốn chủ sở hữu đủ để bù đắp những tổn thất kinh doanh nói chung có thể xảy ra. Điều này giúp FMI có thể tiếp tục hoạt động và cung cấp dịch vụ như một doanh nghiệp đang hoạt động bình thường ngay cả khi có xảy ra thua lỗ. Hơn nữa, tài sản thanh khoản ròng ở mọi thời điểm cần phải đủ để đảm bảo phục hồi hoặc giảm dần một cách hợp lý các hoạt động và dịch vụ quan trọng.

Nguyên tắc 16: Rủi ro lưu ký và đầu tư

Một FMI cần bảo toàn tài sản của mình cũng như của các thành viên, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mất mát và chậm trễ trong việc tiếp cận các tài sản này. FMI nên đầu tư vào các công cụ có mức rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro thanh khoản thấp nhất.

Nguyên tắc 17: Rủi ro hoạt động

Một FMI nên xác định các nguồn rủi ro hoạt động một cách hợp lý, cả từ bên trong và bên ngoài, đồng thời cần giảm thiểu tác động của các rủi ro này bằng cách áp dụng các hệ thống, chính sách, thủ tục và biện pháp kiểm soát thích hợp. Hệ thống phải được thiết kế theo hướng đảm bảo mức độ bảo mật và độ tin cậy hoạt động cao cũng như cần có dung lượng đủ lớn và có khả năng mở rộng thêm. Quản lý hoạt động liên tục cần đưa ra mục đích để phục hồi kịp thời các hoạt động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của FMI, ngay cả trong các trường hợp xảy ra tình trạng gián đoạn ở quy mô rộng hoặc gián đoạn lớn, có tính chất trọng yếu.

7. Tham gia thành viên

Nguyên tắc 18: Các yêu cầu về tiếp cận và tham gia

Một FMI cần phải đưa ra các tiêu chí tham gia đảm bảo tính khách quan, dựa trên rủi ro và được thông báo rộng rãi nhằm đảm bảo các tổ chức được phép tiếp cận một cách công bằng và công khai.

Nguyên tắc 19: Thỏa thuận cấp độ tham gia

Một FMI nên xác định, giám sát, và quản lý các rủi ro quan trọng có thể xảy ra đối với FMI đó mà phát sinh từ những thỏa thuận cấp độ tham gia.

Nguyên tắc 20: Các kết nối của FMI

Trường hợp một FMI kết nối với một hoặc nhiều hơn một FMI khác thì FMI đó cần xác định, giám sát và quản lý các rủi ro liên quan đến những kết nối này.

8. Tính hiệu quả

Nguyên tắc 21: Hiệu suất và hiệu quả

Một FMI phải đảm bảo hiệu suất và hiệu quả trong việc đáp ứng các yêu cầu của thành viên tham gia và thị trường mà FMI đó phục vụ.

Nguyên tắc 22: Các thủ tục và tiêu chuẩn thông tin truyền thông

Một FMI nên sử dụng, hoặc tối thiểu là cần phải thích ứng với các quy trình và chuẩn mực về thông tin truyền thông có liên quan đã được chấp nhận ở phạm vi quốc tế nhằm tạo điều kiện thực hiện thanh toán, bù trừ, quyết toán và hạch toán một cách hiệu quả.

9. Tính minh bạch

Nguyên tắc 23: Công bố các quy tắc, thủ tục quan trọng, và dữ liệu thị trường

Một FMI cần có những quy định và thủ tục rõ ràng và toàn diện, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin nhằm cho phép những thành viên tham gia có thể hiểu chính xác về những rủi ro, phí và các chi phí quan trọng khác mà họ phải chịu khi tham gia vào FMI. Tất cả các quy tắc và thủ tục có liên quan cần được công bố rộng rãi.

Nguyên tắc 24: Công bố dữ liệu thị trường bởi các Tổ chức Lưu trữ Thông tin Tập trung (TR - Trade Repositories)

Một TR cần cung cấp dữ liệu chính xác và kịp thời cho công chúng và các cơ quan hữu quan theo nhu cầu của họ.

II. Trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan đối với hạ tầng thị trường tài chính

Trách nhiệm A: Quản lý, thanh tra và giám sát các FMI

Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường hoặc một cơ quan có thẩm quyền khác chịu trách nhiệm quản lý, thanh tra và giám sát FMI một cách thích hợp và có hiệu quả.

Trách nhiệm B: Các nguồn lực và quyền hạn quản , thanh tra, giám sát

Các Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác cần được cấp quyền hạn và nguồn lực để thực thi hiệu quả các nhiệm vụ quản lý, thanh tra và giám sát các FMI.

Trách nhiệm C: Công khai các chính sách đối với các FMI

Các Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác phải định rõ và công khai các chính sách quản lý, thanh tra và giám sát đối với các FMI.

Trách nhiệm D: Áp dụng các nguyên tắc đối với FMI

Các Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác cần thông qua các Nguyên tắc đối với hạ tầng thị trường tài chính của CPSS-IOSCO và áp dụng nhất quán các nguyên tắc này.

Trách nhiệm E: Hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền khác

Các Ngân hàng Trung ương, cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan có thẩm quyền khác cần hợp tác với nhau (cả trong và ngoài nước) nhằm tăng cường sự an toàn và hiệu quả của FMI.

 

PHỤ LỤC 2

BÁO CÁO DỮ LIỆU GIÁM SÁT CƠ BẢN

1. Các thông tin chung (G)

Chỉ số

Định nghĩa

Định kỳ báo cáo

1.1. Thông tin thành viên

G-1 Thành viên trực tiếp

Số lượng thành viên trực tiếp tham gia hệ thống

6 tháng

G-2 Thành viên gián tiếp

Số lượng thành viên gián tiếp tham gia hệ thống

6 tháng

1.2. Doanh thu của hệ thống

G-4 Số lượng các giao dịch ngày

Số lượng các giao dịch hàng ngày do hệ thống xử lý, trừ các giao dịch bị từ chối hoặc hủy. Mỗi giao dịch chỉ được tính một lần.

Tháng

G-5 Giá trị các giao dịch ngày

Giá trị các giao dịch hàng ngày do hệ thống xử lý, trừ các giao dịch bị từ chối hoặc hủy. Mỗi giao dịch chỉ được tính một lần.

Tháng

G-6 Số lượng các giao dịch tháng

Số lượng các giao dịch trong tháng do hệ thống xử lý, trừ các giao dịch bị từ chối hoặc hủy. Mỗi giao dịch chỉ được tính một lần.

Tháng

G-7 Giá trị các giao dịch tháng

Giá trị các giao dịch trong tháng do hệ thống xử lý, trừ các giao dịch bị từ chối hoặc hủy. Mỗi giao dịch chỉ được tính một lần.

Tháng

G-8 Số lượng giao dịch trong ngày cao điểm

Số lượng giao dịch của ngày cao điểm trong tháng. Ngày này có thể khác ngày tại G-9.

Tháng

G-9 Giá trị giao dịch trong ngày cao điểm

Giá trị giao dịch của ngày cao điểm trong tháng. Ngày này có thể khác với ngày tại G-8

Tháng

G-10 Số lượng giao dịch phân theo khoảng thời gian trong ngày

Số lượng giao dịch được xử lý qua hệ thống phân theo các khoảng thời gian xử lý trong ngày.

Tháng

G-11 Giá trị giao dịch phân theo khoảng thời gian trong ngày

Giá trị giao dịch được xử lý qua hệ thống phân theo các khoảng thời gian xử lý trong ngày.

Tháng

G-12 Số lượng giao dịch vào giờ cao điểm

Số lượng giao dịch vào giờ cao điểm hàng tháng. Giờ cao điểm có thể rơi vào các ngày khác nhau hoặc các khoảng thời gian khác nhau trong ngày

Tháng

G-13 Giá trị giao dịch vào giờ cao điểm

Giá trị giao dịch vào giờ cao điểm mỗi tháng. Giờ cao điểm có thể rơi vào các ngày khác nhau hoặc các khoảng thời gian khác nhau trong ngày.

Tháng

G-14 Giá trị các giao dịch so với GDP

Giá trị các giao dịch hàng ngày (G5)/GDP

Năm

1.3. Phân loại và quy mô của các giao dịch

G-15 Số lượng các giao dịch liên ngân hàng

Số lượng các giao dịch của các khách hàng là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Tháng

G-16 Giá trị các giao dịch liên ngân hàng

Giá trị các giao dịch của các khách hàng là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Tháng

G-17 Số lượng các giao dịch của khách hàng cá nhân

Số lượng các giao dịch của khách hàng cá nhân.

Tháng

G-18 Giá trị các giao dịch của khách hàng cá nhân

Giá trị các giao dịch của khách hàng cá nhân.

Tháng

2. Các chỉ số rủi ro (R)

Chỉ số

Định nghĩa

Định kỳ báo cáo

2.1. Rủi ro tín dụng

R-3 Hạn mức thấu chi

Giá trị thấu chi tối đa mà các thành viên hệ thống được thực hiện trong ngày.

Tháng

R-4 Trạng thái ghi Nợ lớn nhất

Giá trị lớn nhất của các trạng thái ghi Nợ trong ngày.

Tháng

R-5 Rủi ro trong ngày

R-4/Giá trị các giao dịch ngày.

Tháng

R-6 Tài sản ký quỹ

Giá trị tối đa của tài sản ký quỹ cho khoản tín dụng trong ngày.

Tháng

R-7 Tài sản ký quỹ được sử dụng như tài sản đảm bảo

Giá trị tối đa của tài sản ký quỹ và sử dụng thực tế cho khoản tín dụng trong ngày.

Tháng

R-8 Mức độ tài sản ký quỹ

Tài sản ký quỹ (R-6)/ Trạng thái ghi nợ lớn nhất (R-4)

Tháng

R-9 Sử dụng tài sản ký quỹ

Tài sản ký quỹ được sử dụng như tài sản đảm bảo (R-7)/ Tài sản ký quỹ (R-6)

Tháng

2.2. Rủi ro thanh khoản

R-10 Tin gửi qua đêm

Tiền gửi qua đêm trung bình vào cuối ngày tại Ngân hàng Trung ương, bao gồm dự trữ bắt buộc và các khoản thu nhập từ lãi tiền gửi.

Tháng

R-11 Thanh khoản trung bình sẵn có

(R-10) + Hạn mức thấu chi (R-3)

Tháng

R-12 Số lượng các giao dịch không được quyết toán trong ngày

Số lượng các giao dịch được hệ thống chấp nhận nhưng không được quyết toán trong ngày.

Tháng

R-13 Giá trị của các giao dịch không được quyết toán trong ngày

Giá trị các giao dịch được hệ thống chấp nhận nhưng không được quyết toán trong ngày.

Tháng

R-14 Tỷ lệ giá trị lệnh thanh toán đi - đến

Giá trị lệnh thanh toán đi/Giá trị lệnh thanh toán đến của thành viên.

Tháng

R-15 Tỷ lệ đo lường rủi ro thanh khoản

Giá trị lệnh thanh toán đi/Tổng giá trị lệnh thanh toán đến và số dư đầu ngày của thành viên.

Tháng

Số lần một thành viên tham gia hệ thống yêu cầu hỗ trợ thanh khoản

Số lần một thành viên tham gia hệ thống yêu cầu hỗ trợ thanh khoản.

Tháng

Cấp độ tải

Giá trị thanh khoản trung bình tính theo phần trăm của các giao dịch đi.

Tháng

2.3. Rủi ro vận hành

 

 

R-16 Tính sẵn sàng của hệ thống

Tỷ lệ giữa thời gian hệ thống vận hành thực tế và thời gian vận hành của hệ thống.

Tháng

Khoảng thời gian xảy ra sự cố

Tổng số thời gian xảy ra sự cố.

Tháng

Số lượng các giao dịch liên quan đến sự cố

Số lượng các giao dịch liên quan đến sự cố với bằng chứng riêng biệt đối với các giao dịch có thời gian quan trọng.

Tháng

Giá trị các giao dịch liên quan đến sự cố

Giá trị các giao dịch liên quan đến sự cố với các bằng chứng riêng biệt đối với các giao dịch có thời gian quan trọng.

Tháng

Tỷ lệ % số lượng các giao dịch liên quan đến sự cố

Tỷ lệ % số lượng các giao dịch liên quan đến sự cố với các bằng chứng riêng biệt đối với các giao dịch có thời gian quan trọng so với tổng số.

Tháng

Tỷ lệ % giá trị các giao dịch lên quan đến sự cố

Tỷ lệ % giá trị các giao dịch liên quan đến sự cố với các bằng chứng riêng biệt đối với các giao dịch có thời gian quan trọng so với tổng số.

Tháng

2.4. Các rủi ro quyết toán khác

R-17 Thời gian đóng hệ thống thực tế

 

Tháng

R-18 Số lượng các chậm trễ của hệ thống

Số lượng các chậm trễ sau thời gian đóng cổng và mô tả nguyên nhân chậm trễ.

Tháng

R-19 Khoảng thời gian chậm trễ của hệ thống

 

Tháng

Mức độ hiệu quả

Tổng giá trị các giao dịch bị hủy hoặc xếp hàng đợi quá một phút so với tổng giá trị của các giao dịch đi.

Tháng

3. Tập trung lệnh thanh toán

Chỉ số

Định nghĩa

Định kỳ báo cáo

3.1. Tập trung theo thành viên tham gia

C-1 Tỷ lệ tập trung theo khối lượng

Tỷ lệ % số lượng các giao dịch của 5 thành viên gửi lớn nhất (bao gồm Ngân hàng Trung ương) trên tổng số các giao dịch hàng ngày (G-4), 5 thành viên gửi lớn nhất về số lượng có thể khác với 5 thành viên gửi lớn nhất về giá trị.

Tháng

C-2 Tỷ lệ tập trung theo giá trị

Tỷ lệ % giá trị các giao dịch của 5 thành viên gửi lớn nhất (bao gồm Ngân hàng Trung ương) trên tổng giá trị các giao dịch hàng ngày (G-5). 5 thành viên gửi lớn nhất về giá trị có thể khác với 5 thành viên gửi lớn nhất về số lượng.

Tháng

3.2. Tập trung theo địa bàn

C-3 Số lượng các giao dịch theo địa bàn

Số lượng các giao dịch theo địa bàn (ngân hàng nhận hoặc ngân hàng gửi).

Tháng

C-4 Giá trị các giao dịch theo địa bàn

Giá trị các giao dịch theo địa bàn (ngân hàng nhận hoặc ngân hàng gửi).

Tháng

3.3. Hiệu ứng lan tràn giữa các hệ thống

C-5 Quyết toán tại các hệ thống liên quan

Tổng giá trị các giao dịch được quyết toán tại (các) hệ thống liên quan.

Tháng

C-6 Tỷ lệ quyết toán tại các hệ thống liên quan

C-5/Giá trị của các giao dịch ngày.

Tháng

4. Tính hiệu quả của hệ thống

Chỉ số

Định nghĩa

Định kỳ báo cáo

E-1 Sự đầy đủ của các hạn mức thấu chi

Hạn mức thấu chi (R-3)/Giá trị các giao dịch ngày

Tháng

Doanh số thanh khoản

Tổng số các giao dịch ghi Nợ và ghi Có so với số dư thanh khoản trung bình của hệ thống.

Tháng

5. Các chỉ số thanh toán khác

Chỉ số

Định nghĩa

Định kỳ báo cáo

Tỷ lệ số lượng giao dịch ATM ngoại mạng

Số lượng giao dịch ATM ngoại mạng/ Tổng số lượng giao dịch qua ATM

Tháng

Tỷ lệ giá trị giao dịch ATM ngoại mạng

Giá trị giao dịch ATM ngoại mạng/ Tổng giá trị giao dịch qua ATM

Tháng

Tỷ lệ số lượng giao dịch POS ngoại mạng

Số lượng giao dịch POS ngoại mạng/ Tổng số lượng giao dịch qua POS

Tháng

Tỷ lệ giá trị giao dịch POS ngoại mạng

Giá trị giao dịch POS ngoại mạng/ Tổng giá trị giao dịch qua POS

Tháng

Số lượng giao dịch POS theo loại hình đơn vị chấp nhận thẻ

Số lượng giao dịch POS theo loại hình đơn vị chấp nhận thẻ.

Tháng

Giá trị giao dịch POS theo loại hình đơn vị chấp nhận thẻ

Giá trị giao dịch POS theo loại hình đơn vị chấp nhận thẻ.

Tháng

Số lượng giao dịch qua internet

Số lượng giao dịch tài chính được khách hàng thực hiện qua Internet như là kênh cung ứng dịch vụ của TCCUDVTT (bao gồm cả các giao dịch được thực hiện bằng việc truy cập Internet trên điện thoại di động).

Tháng

Giá trị giao dịch qua internet

Giá trị giao dịch tài chính được khách hàng thực hiện qua Internet như là kênh cung ứng dịch vụ của TCCUDVTT (bao gồm cả các giao dịch được thực hiện bằng việc truy cập Internet trên điện thoại di động).

Tháng

Số lượng giao dịch qua điện thoại di động

Số lượng giao dịch tài chính được khách hàng thực hiện bằng điện thoại di động như là kênh cung ứng dịch vụ của TCCUDVTT (SMS banking, Mobile banking), không bao gồm các giao dịch được thực hiện bằng việc truy cập Internet trên điện thoại di động.

Tháng

Giá trị giao dịch qua điện thoại di động

Giá trị giao dịch tài chính được khách hàng thực hiện bằng điện thoại di động như là kênh cung ứng dịch vụ của TCCUDVTT (SMS banking, Mobile banking), không bao gồm các giao dịch được thực hiện bằng việc truy cập internet trên điện thoại di động.

Tháng

Phí liên mạng

Phí trao đổi

Tháng

Các loại phí áp dụng đối với giao dịch thanh toán bán lẻ

 

Tháng

 

PHỤ LỤC 3

ĐƠN VỊ BÁO CÁO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: …….

…….., ngày ….. tháng ….. năm ….

 

BÁO CÁO SỰ CỐ

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán)

1. Thông tin chung

Thời điểm xảy ra sự cố (ngày, giờ xảy ra sự cố): ……………………………………

Mô tả sự cố: ………………………………………………………………………………

Nguyên nhân gây ra sự cố: …………………………………………………………….

2. Thông tin liên quan

Khoảng thời gian xảy ra sự cố: …………………………………………………………

Số lượng và tỷ trọng các giao dịch liên quan (theo thời gian quan trọng): …………

Giá trị và tỷ trọng các giao dịch liên quan (theo thời gian quan trọng): …………….

Các thành viên liên quan trực tiếp: ……………………………………………………..

3. Các biện pháp xử lý, khắc phục (trong đó nêu thời điểm hoàn thành khắc phục).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu.

GIÁM ĐỐC
(Hoặc người được ủy quyền)
(Ký tên và đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 4

ĐƠN VỊ BÁO CÁO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: …….

…….., ngày ….. tháng ….. năm ….

 

BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN

6 THÁNG/NĂM ……

Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Thanh toán)

1. Báo cáo, đánh giá về hoạt động thanh toán trong kỳ báo cáo và định hướng phát triển thanh toán của đơn vị báo cáo:

a. Báo cáo, đánh giá chung về hoạt động thanh toán của đơn vị báo cáo.

b. Báo cáo tình hình thực hiện cung ứng các loại dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán.

- Tình hình và kết quả thực hiện (có số liệu cụ thể về số lượng (món), giá trị giao dịch (triệu đồng)).

- Chất lượng dịch vụ, các rủi ro phát sinh trong kỳ báo cáo (nếu có) và biện pháp khắc phục.

- Những khó khăn, tồn tại, hạn chế.

- Các dịch vụ đơn vị dự kiến cung ứng trong thời gian tới.

c. Báo cáo về việc tổ chức, vận hành hệ thống thanh toán nội bộ.

d. Báo cáo về việc tổ chức, vận hành và tham gia các hệ thống thanh toán liên ngân hàng.

Báo cáo, đánh giá chung về các hệ thống thanh toán mà đơn vị đang tham gia hoặc tổ chức, vận hành (Thanh toán điện tử liên ngân hàng, Thanh toán bù trừ điện tử, Thanh toán bù trừ giấy, Thanh toán nội địa qua hệ thống SWlFT, Thanh toán điện tử song phương với TCTD khác, Thanh toán bù trừ giao dịch thẻ, Thanh quyết toán các giao dịch chứng khoán, các hệ thống thanh toán khác,...) theo các tiêu chí:

- Tình hình và kết quả hoạt động (có số liệu cụ thể về số lượng (món), giá trị giao dịch (triệu đồng) và tỷ trọng giao dịch thanh toán qua các hệ thống/kênh thanh toán liên ngân hàng);

- Chất lượng dịch vụ và việc đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng;

- Tính ổn định, an toàn (các rủi ro, sai sót, sự cố...);

- Những thay đổi, nâng cấp liên quan đến hệ thống (phần mềm, cơ sở dữ liệu...) và đánh giá ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống;

- Quản lý rủi ro trong thanh toán, đặc biệt là rủi ro thanh khoản, rủi ro hệ thống;

- Tình hình đơn vị thành viên trực tiếp, gián tiếp tham gia Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (CI-TAD):

+ Số lượng đơn vị thành viên tham gia Hệ thống TTĐTLNH tính đến cuối kỳ báo cáo; tình hình tham gia, rút khỏi Hệ thống của các đơn vị thành viên (nguyên nhân và định hướng).

+ Số lượng các đơn vị trực thuộc Quý đơn vị tham gia thanh toán gián tiếp qua Hệ thống TTĐTLNH qua một đơn vị đầu mối phục vụ (bao gồm Chi nhánh NHNN hoặc một đơn vị thành viên trực tiếp trực thuộc TCTD báo cáo hay một thành viên trực tiếp thuộc TCTD khác) tính đến cuối kỳ báo cáo và tình hình biến động của các thành viên này trong kỳ báo cáo.

+ Số lượng các đơn vị TCTD khác mở tài khoản và thực hiện thanh toán gián tiếp qua Hệ thống TTĐTLNH thông qua Quý đơn vị tính đến cuối kỳ báo cáo và tình hình biến động của các thành viên này trong kỳ báo cáo.

- Những tồn tại, hạn chế và bất cập.

e. Hoạt động thanh toán quốc tế.

- Tình hình mở và sử dụng tài khoản thanh toán của Quý đơn vị tại các Đơn vị đối tác nước ngoài và của các Đơn vị đối tác nước ngoài tại Quý đơn vị;

- Thanh toán quốc tế qua hệ thống SWIFT;

- Thanh toán Biên mậu;

- Các giao dịch thanh toán quốc tế khác (nếu có).

g. Báo cáo tình hình thanh, quyết toán bù trừ nội địa thẻ Visa/Master (nếu có).

h. Báo cáo tình hình hoạt động ATM, POS: việc tổ chức, quản lý mạng lưới ATM, POS của TCTD để đảm bảo chất lượng và an toàn hoạt động ATM, POS.

2. Những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị liên quan đến hoạt động thanh toán (nếu có).

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu.

TỔNG GIÁM ĐỐC
(Hoặc người được ủy quyền)
(Ký tên và đóng dấu)

 



1 FMI là một hệ thống đa phương giữa các tổ chức tham gia, bao gồm cả đơn vị vận hành. FMI được sử dụng để bù trừ, quyết toán hoặc lưu trữ các giao dịch thanh toán, giao dịch chứng khoán, giao dịch phái sinh hoặc các giao dịch tài chính khác.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1490/QĐ-NHNN

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1490/QĐ-NHNN
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/07/2014
Ngày hiệu lực29/07/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Tiền tệ - Ngân hàng
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật10 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1490/QĐ-NHNN

Lược đồ Quyết định 1490/QĐ-NHNN 2014 giám sát hệ thống thanh toán Việt Nam 2014-2020


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1490/QĐ-NHNN 2014 giám sát hệ thống thanh toán Việt Nam 2014-2020
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1490/QĐ-NHNN
                Cơ quan ban hànhNgân hàng Nhà nước
                Người kýNguyễn Toàn Thắng
                Ngày ban hành29/07/2014
                Ngày hiệu lực29/07/2014
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Tiền tệ - Ngân hàng
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật10 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 1490/QĐ-NHNN 2014 giám sát hệ thống thanh toán Việt Nam 2014-2020

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 1490/QĐ-NHNN 2014 giám sát hệ thống thanh toán Việt Nam 2014-2020

                        • 29/07/2014

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 29/07/2014

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực