Quyết định 1495/2001/QĐ-TCHQ địa điểm làm thủ tục hải quan hàng hoá chuyển cửa khẩu đã được thay thế bởi Quyết định 53/2003/QĐ-BTC thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu chuyển cửa khẩu và được áp dụng kể từ ngày 30/05/2003.
Nội dung toàn văn Quyết định 1495/2001/QĐ-TCHQ địa điểm làm thủ tục hải quan hàng hoá chuyển cửa khẩu
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1495/2001/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1495/2001/QĐ-TCHQ NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 2001 BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ CHUYỂN CỬA KHẨU
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về địa điểm làm thủ tục hải quan và thủ tục hải quan đối với hàng hoá chuyển cửa khẩu.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2002. Bãi bỏ các quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan và thủ tục hải quan đối với hàng hoá chuyển cửa khẩu được ban hành trước đây.
Điều 3: Các ông Cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ và thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân có hàng hoá chuyển cửa khẩu chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Đức Kiên (Đã ký) |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ CHUYỂN CỬA KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1495/2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2001 của Tổng cục Hải quan)
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu đến cửa khẩu xuất:
a) Từ địa điểm thông quan nội địa (gọi tắt là ICD) chuyển đến cửa khẩu xuất;
b) Từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, các địa điểm làm hải quan tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất, cửa khẩu nhưng không phải là cửa khẩu xuất hàng (sau đây gọi chung là địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu) chuyển đến cửa khẩu xuất;
c) Từ địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu chuyển đến cửa khẩu xuất.
2. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giấm sát hải quan được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến:
a) Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;
b) Cửa khẩu nhưng không phải là cửa khẩu nhập hàng;
c) Địa điểm kiểm tra hàng hoá thuộc Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu.
3. Hàng hoá chuyển cửa khẩu phải đảm bảo nguyên trạng, đi đúng tuyến đường, đúng thời gian ghi trong hồ sơ.
4. Niêm phong hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu:
a) Đối với hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu:
Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu phải được chứa trong con-ten-nơ hoặc các loại phương tiện vận tải đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan.
b) Đối với hàng xuất khẩu chuyển cửa khẩu:
Nếu hàng làm thủ tục tại ICD thì Chi cục Hải quan ICD niêm phong;
- Nếu hàng đã được kiểm tra thực tế tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu thì Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu niêm phong;
- Trường hợp hàng phải kiểm tra thực tế nhưng Hải quan ngoài cửa khẩu chưa kiểm tra mà chuyển Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra thì công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá ở cửa khẩu xuất niêm phong;
- Trường hợp hàng hoá được miễn kiểm tra thực tế:
+ Nếu trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất có trụ sở Hải quan thì Hải quan Khu công nghiệp, Khu chế xuất liêm phong trước khi đưa hàng đến cửa khẩu xuất;
+ Nếu ở ngoài Khu công nghiệp, Khu chế xuất hoặc trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất nhưng không có trụ sở Hải quan thì Hải quan cửa khẩu xuất niêm phong.
5. Hải quan thực hiện giám sát hàng hoá chuyển cửa khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin.
II. ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN VÀ ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU:
1. Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá chuyển cửa khẩu bao gồm:
a) Trụ sở Chi cục Hải quan ICD và địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;
b) Trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu .
2. Địa điểm kiểm tra hàng hoá chuyển cửa khẩu là địa điểm mà ở đó Hải quan chỉ thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu, bao gồm:
a) Các địa điểm quy định tại Điểm 1 Phần II này;
b) Địa điểm kiểm tra hàng hoá tập trung: Là nơi tập kết hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để Hải quan kiểm tra. Việc tổ chức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại địa điểm này do một Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu đảm nhận;
c) Trạm hàng lẻ (CFS): Là nơi gom nhiều lô hàng hoá xuất khẩu thành lô lớn để xuất khẩu và khai thác lô hàng nhập khẩu chung một vận tải đơn của nhiều chủ hàng. CFS có thể ở trong khu vực cửa khẩu hoặc ở ngoài khu vực cửa khẩu;
d) Chân công trình: Là nơi tập kết thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình;
e) Nơi sản xuất: Chỉ áp dụng đối với những mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu riêng về bảo quản, đóng gói, vệ sinh, công nghệ, an toàn và các trường hợp đặc biệt khác được Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố chấp nhận.
3. Điều kiện và thủ tục thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu:
a) Điều kiện thành lập:
- Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu;
- Địa điểm xin thành lập phải ở nơi thuận tiện giao thông, có lượng hàng hoá xuất nhập khẩu tập trung;
- Kho bãi phải có tường ngăn cách với khu vực xung quanh, có đủ phương tiện xếp dỡ hàng hoá;
- Địa điểm phải thuận tiện cho công tác kiểm tra thực tế hàng hoá và giám sát của Hải quan, có văn phòng để Hải quan quản lý theo quy trình nghiệp vụ;
- Tổng cục Hải quan căn cứ tình hình xuất nhập khẩu cụ thể ở địa phương và văn bản đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để quyết định việc thành lập địa điểm làm thủ tục Hải quan ở mỗi địa phương.
b) Thủ tục thành lập:
b.1. Doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điểm 3. (a) trên có nhu cầu kinh doanh địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu phải nộp bộ hồ sơ cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi dự định thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan, hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu: 02 bản chính (theo mẫu phụ lục 1);
- Quyết định thành lập doanh nghiệp: 01 bản sao;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản sao;
- Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: 01 bản sao;
- Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
b.2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiến hành thẩm định địa điểm làm thủ tục hải quan theo đề nghị của doanh nghiệp.
b.3. trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, văn bản thẩm định và công văn đề nghị của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan ra quyết định thành lập. Trường hợp không chấp nhận thì thông báo cho doanh nghiệp.
4. Thủ tục chấp nhận địa điểm kiểm tra hàng hoá ngoài cửa khẩu:
a) Đối với địa điểm quy định tại các điểm 2.(b), (c) Phần II: Không phải làm thủ tục chấp nhận như quy định tại Điểm 3 trên;
b) Đối với địa điểm quy định tại các điểm 2.(d), (e) Phần II: Doanh nghiệp có đơn gửi Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố xem xét chấp nhận.
III. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU CHUYỂN CỬA KHẨU:
1. Đối với lô hàng xuất khẩu được làm thủ tục hải quan và giao hàng tại ICD (có vận tải đơn ghi nơi giao hàng là ICD):
1.1. Trách nhiệm của chủ hàng:
a) Nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại Chi cục Hải quan ICD theo quy định đối với lô hàng xuất khẩu;
b) Đưa hàng hoá xuất khẩu đến ICD để làm thủ tục hải quan.
1.2 Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ICD:
a) Tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan và làm thủ tục xuất khẩu theo đúng quy định tại quy trình nghiệp vụ hải quan đối với hàng xuất khẩu;
b) Giám sát xếp hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan vào con-ten-nơ;
c) Niêm phong hải quan con-ten-nơ hàng xuất khẩu làm thủ tục hải quan tại ICD;
d) Lưu hồ sơ hải quan gồm: 01 tờ khai hàng hoá xuất khẩu có xác nhận đã làm thủ tục hải quan và các chứng từ khác theo quy định, 01 biên bản bàn giao (theo phụ lục 2);
e) Giao người vận chuyển 01 biên bản bàn giao để làm chứng từ vận chuyển trên đường;
f) Niêm phong bộ hồ sơ hải quan, giao người vận chuyển để chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất, hồ sơ gồm:
- Biên bản bàn giao: 02 bản;
- Tờ khai hàng hoá xuất khẩu xác nhận đã làm thủ tục hải quan: 01 bản.
g) Theo dõi lô hàng cho đến khi nhận được biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất (xác nhận đã tiếp nhận đủ hồ sơ và lô hàng) gửi trả. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày giao hồ sơ cho người vận chuyển, nếu không nhận lại được Biên bản bàn giao về lô hàng thì phải thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất để phối hợp xác minh, làm rõ.
1.3 Trách nhiệm của hãng tàu hoặc doanh nghiệp kinh doanh ICD:
a) Bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan, niêm phong hãng tàu trong thời gian lưu trữ hàng tại ICD và trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ ICD đến cửa khẩu;
b) Luân chuyển hồ sơ hải quan giữa Chi cục Hải quan ICD với chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.
1.4 Trách nhiệm của Chi cục hải quan cửa khẩu xuất:
a) Tiếp nhận lô hàng xuất khẩu, đối chiếu với Biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan ICD lập để thực hiện các công việc còn lại về thủ tục hải quan cho lô hàng xuất. Trường hợp có cơ sở xác định lô hàng có sai phạm thì báo cáo Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu xuất xem xét giải quyết, sau đó thông báo kết quả cho Chi cục Hải quan ICD;
b) Ký xác nhận vào biên bản bàn giao, lưu 01 bản, chuyển lại 01 bản cho Chi cục Hải quan ICD, phải đảm bảo việc gửi và nhận hồ sơ kịp thời;
c) Đóng dấu xác nhận thực xuất theo mẫu dấu nghiệp vụ số 02 (ban hành kèm theo Quyết định số 1200/2001/QĐ-TCHQ ngày 23/11/2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) vào ô số 27 của tờ khai hàng hoá xuất khẩu, trả chủ hàng 01 tờ khai hàng hoá xuất khẩu có xác nhận đã làm thủ tục hải quan. Việc xác nhận thực xuất được quy định như sau:
c.1. Đối với hàng xuất qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không đã làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ICD, khi hàng đến cửa khẩu xuất thì công chức hải quan làm nhiệm vụ giám sát cổng cảng tại cảng biển, hoặc công chức Hải quan làm nhiệm vụ giám sát kho hàng tại sân bay quốc tế của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất đóng dấu xác nhận thực xuất;
c.2. Đối với hàng xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường sông: Chỉ khi hàng thực xuất qua cửa khẩu thì công chức hải quan được giao nhiệm vụ xác nhận thực xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất mới xác nhận thực xuất vào tờ khai hàng hoá xuất khẩu;
c.3. Đối với hàng xuất qua đường sắt, đường bưu chính: Thực hiện thủ tục xác nhận thực xuất theo quy định về thủ tục hải quan đối với tàu liên vận đường sắt quốc tế và hàng hoá vận chuyển qua đường bưu chính.
d) Giám sát hàng hoá xuất chuyển cửa khẩu cho đến khi hàng thực xuất;
e) Có trách nhiệm gửi trả Biên bản giao cho Chi cục Hải quan ICD ngay sau khi nhận được bộ hồ sơ và lô hàng chuyển cửa khẩu từ ICD chuyển đến.
2. Đối với lô hàng xuất khẩu được làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nhưng nơi giao hàng là cửa xuất (vận tải đơn ghi nơi giao hàng là cửa khẩu xuất):
2.1. Trách nhiệm của chủ hàng:
a) Nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu theo quy định;
b) Đưa hàng hoá xuất khẩu đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu theo quy định để kiểm tra thực tế hàng hoá (đối với hàng phải kiểm tra thực tế);
c) Bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá đến cửa khẩu xuất (đối với lô hàng đã được kiểm tra thực tế tại địa điểm ngoài cửa khẩu);
d) Đưa hàng hoá đến cửa khẩu xuất để Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra thực tế (đối với lô hàng thuộc diện phải kiểm tra nhưng chưa được kiểm tra tại địa điểm ngoài cửa khẩu);
e) Luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.
2.2 Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:
a) Tiếp nhận hồ sơ hải quan, làm thủ tục xuất khẩu theo đúng quy định tại quy trình nghiệp vụ hải quan đối với hàng xuất khẩu;
b) Đối với lô hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá thì thực hiện việc đăng ký hồ sơ hải quan và thông quan cho lô hàng trên hồ sơ hải quan, giao chủ hàng tự chuyển hồ sơ và hàng hoá đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất, không phải thực hiện các Điểm 2.2 (d), (e) dưới đây;
c) Đối với lô hàng xuất khẩu được làm đầy đủ các bước thủ tục theo quy trình nghiệp vụ hải quan thì không phải thực hiện Điểm 2.2. (b) trên;
d) Giám sát xếp hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan vào con-ten-nơ (chỉ với những lô hàng xuất khẩu đã được Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hoá);
e) Niêm phong các con-ten-nơ hàng xuất khẩu (chỉ với những lô hàng xuất khẩu đã được Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu kiểm tra thực tế hàng hoá);
f) Lưu hồ sơ hải quan như quy định tại Điểm 1.2.(d);
g) Giao chủ hàng 01 biên bản bàn giao để làm chứng từ vận chuyển hàng trên đường;
h) Niêm phong hồ sơ hải quan, giao chủ hàng chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu, hồ sơ gồm:
- Biên bản bàn giao: 02 bản;
- Tờ khai hàng hoá xuất khẩu có xác nhận đã làm thủ tục hải quan (đối với lô hàng đã kiểm tra thực tế tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu): 01 bản; Hoặc 02 Tờ khai hàng hoá xuất khẩu (đối với lô hàng chưa kiểm tra thực tế tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu).
i) Có trách nhiệm theo dõi lô hàng cho đến khi nhận được biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất gửi trả sau khi xác nhận đã tiếp nhận đủ hồ sơ và lô hàng. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày giao chủ hàng bộ hồ sơ hàng chuyển cửa khẩu, nếu không nhận lại được biên bản bàn giao về lô hàng thì phải thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất để phối hợp xác minh, làm rõ.
2.3. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:
a) Tiếp nhận lô hàng xuất khẩu, đối chiếu với biên bản bàn giao cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu lập để thực hiện các công việc còn lại về thủ tục hải quan cho lô hàng xuất:
- Đối với lô hàng xuất khẩu thuộc diện miễn kiểm tra thực tế thì khi hàng đến cửa khẩu xuất Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất niêm phong hàng hoá;
- Đối với lô hàng xuất khẩu phải kiểm tra thực tế nhưng Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu chưa kiểm tra thực tế thì chi cục Hải quan cửa khẩu xuất thực hiện kiểm tra thực tế hàng, xác nhận kết quả kiểm tra thực tế hàng vào 02 tờ khai hàng xuất khẩu và thực hiện tiếp các Điểm 2.3 (c), (d), (e), (f) dưới đây;
- Đối với lô hàng xuất khẩu đã được Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu kiểm tra thực tế thì Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra tình trạng niêm phong hàng hoá và thực hiện các Điểm 2.3 (b), (c), (d), (e), (f) dưới đây.
b) Trường hợp có cơ sở xác định lô hàng có sai phạm thì báo cáo Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu xuất xem xét cụ thể để giải quyết, sau đó thông báo kết quả cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu;
c) Ký xác nhận vào biên bản bàn giao, lưu 01 bản, chuyển lại 01 Biên bản bàn giao, 01 tờ khai hải quan (đối với trường hợp lô hàng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chưa kiểm tra thực tế) cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, phải đảm bảo việc gửi và nhận hồ sơ kịp thời;
d) Đóng dấu xác nhận thực xuất (mẫu dấu nghiệp vụ số 02) vào ô số 27 tờ khai hàng hoá xuất khẩu. Việc xác nhận thực xuất được quy định như sau:
- Đối với hàng xuất qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, khi hàng đến cửa khẩu xuất thì Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất xác nhận thực xuất theo các trường hợp:
+ Lô hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, đã được niêm phong hải quan thì khi hàng đến cửa khẩu xuất, công chức hải quan làm nhiệm vụ giám sát cổng cảng tại cảng biển, hoặc công chức hải quan làm nhiệm vụ giám sát kho hàng tại sân bay quốc tế đống dấu xác nhận thực xuất;
+ Lô hàng được miễn kiểm tra thực tế nhưng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chưa niêm phong thì khi hàng đến cửa khẩu xuất, công chức hải quan làm nhiệm vụ giám sát kho bãi của Chi cục Hải quan Cửa khẩu xuất niêm phong hải quan và đóng dấu xác nhận thực xuất;
+ Lô hàng mà Chi cục Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu quyết định kiểm tra thực tế nhưng chưa kiểm tra thì khi hàng đến cửa khẩu, công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hoá của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất phaỉ kiểm tra thực tế hàng hoá ngay theo quy định, sau đó tiến hành niêm phong hải quan, đóng dấu xác nhận thực xuất.
- Đối với hàng xuất qua cửa khẩu đường bộ, đường sông: Chỉ khi hàng thực xuất qua cửa khẩu thì công chức hải quan được giao nhiệm vụ xác nhận thực xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu mới xác nhận thực xuất vào tờ khai hàng hoá xuất khẩu;
- Đối với hàng xuất khẩu qua đường sắt, đường bưu điện: thực hiện thủ tục xác nhận thực xuất theo quy định về thủ tục hải quan đối với tàu liên vận đường sắt quốc tế và hàng hoá vận chuyển qua đường bưu điện.
e) Có trách nhiệm giám sát hàng hoá cho đến khi hàng thực xuất.
f) Có trách nhiệm gửi trả Biên bản bàn giao cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu ngay sau khi nhận được hồ sơ và lô hàng từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu chuyển đến.
IV. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU CHUYỂN CỬA KHẨU:
1. Đối với lô hàng nhập khẩu có vận đơn ghi địa điểm đến là ICD:
1.1 Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:
a) Kiểm tra tình trạng bao bì và phương tiện vận tải hàng hoá, nếu bao bì và phương tiện vận tải đủ điều kiện niêm phong hải quan thì cho chuyển hàng về ICD để làm thủ tục; nếu phát hiện bao bì hàng hoá phương tiện vận tải không đủ điều kiện niêm phong, không đảm bảo nguyên trạng thì yêu cầu người vận chuyển gia cố bao bì, giám sát việc gia cố; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan thì lập Biên bản chứng nhận 03 bản: 01 bản giao cho người vận chuyển, 01 bản chuyển Chi cục hải quan ICD, lưu 01 bản;
b) Trường hợp có căn cứ xác định vi phạm pháp luật hải quan thì lập Biên bản vi phạm hành chính về hải quan và tiến hành ngay các biện pháp để ngăn chặn, kiểm tra toàn bộ lô hàng theo quy định tại Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập, thông báo kết quả cho Chi cục Hải quan ICD;
c) Niêm phong con-ten-nơ hàng nhập khẩu theo quy định (đối với trường hợp quy định tại Điểm 1.1 (a) trên đây);
d) Lập 04 Biên bản bàn giao (theo mẫu phụ lục 1), niêm phong 02 bản giao người vận chuyển chuyển cho Chi cục Hải quan ICD, 01 bản giao cho người vận chuyển làm chứng từ vận chuyển hàng hoá trên đường, lưu 01 bản (đối với trường hợp quy định tại Điểm 1.1 (a) trên đây);
e) Có trách nhiệm theo dõi lô hàng cho đến khi được nhận Biên bản bàn giao của Chi cục Hải quan ICD xác nhận đã tiếp nhận đủ hồ sơ và lô hàng. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày cửa khẩu nhập gửi hồ sơ hải quan cho Chi cục Hải quan ICD, nếu không nhận lại được Biên bản bàn giao thì phải thông báo Chi cục Hải quan ICD để phối hợp xác minh, làm rõ;
f) Cung cấp các thông tin cần lưu ý về lô hàng cho Chi cục Hải quan ICD.
1.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ICD:
a) Tiếp nhận lô hàng nhập khẩu, đối chiếu với biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lập chuyển đến. Trường hợp phát hiện có sự sai lệch về hàng hoá hoặc hồ sơ hải quan thì lập Biên bản ghi nhận cụ thể từng trường hợp báo cáo Chi cục trưởng Hải quan ICD xem xét giải quyết, sau đó thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập;
b) Xác nhận vào biên bản bàn giao, lưu 01 bản và giao người vận chuyển chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập 01 bản, phải đảm bảo việc gửi và nhận hồ sơ kịp thời;
c) Tiếp nhận hồ sơ hải quan, làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng theo đúng quy trình nghiệp vụ thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu;
d) Thông báo lại cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập kết quả kiểm tra theo các thông tin mà Chi cục Hải quan của khẩu nhập lưu ý;
g) Có trách nhiệm gửi trả Biên bản bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập về việc đã nhận đủ hồ sơ và lô hàng nhập khẩu ngay sau khi lô hàng về đến ICD.
1.3. Trách nhiệm của chủ hàng:
a) Nộp tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại Chi cục Hải quan ICD theo quy định;
b) Làm thủ tục hải quan theo quy định.
1.4. Trách nhiệm của hãng tàu hoặc doanh nghiệp kinh doanh ICD:
a) Bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan, niêm phong hãng tàu trong thời gian lưu giữ hàng tại ICD và trong quá trình vận chuyển giữa cửa khẩu nhập và ICD (nếu được uỷ quyền vận chuyển hàng hoá chuyển cửa khẩu);
b) Luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và Chi cục Hải quan ICD;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các quy định trên.
2. Đối với lô hàng nhập khẩu có vận đơn ghi địa điểm đến là cửa khẩu nhập, nhưng làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:
2.1. Trách nhiệm của chủ hàng:
a) Phải nộp hồ sơ hải quan theo quy định;
b) Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu (theo mẫu Phụ lục 2) gửi Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu để được xác nhận cho chuyển từ cửa khẩu nhập về địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu: 02 bản chính;
c) Luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập với Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu;
d) Đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan, niêm phong hãng tàu trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu (nếu uỷ quyền cho người vận chuyển thì trách nhiệm trên thuộc người uỷ quyền);
e) Xuất trình hàng hoá để kiểm tra (đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế);
f) Nộp thuế và lệ phí theo quy định (nếu có).
2.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu:
a) Sau khi đăng ký tờ khai hàng nhập khẩu theo đúng quy định, trên cơ sở Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu, Lãnh đạo Chi cục Hải quan địa điểm ngoài cửa khẩu ghi ý kiến của mình vào Đơn đề nghị của chủ hàng, lưu 01 bản, 01 bản giao cho chủ hàng chuyển tới Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập để làm thủ tục chuyển cửa khẩu cho lô hàng về địa điểm ngoài cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu;
b) Tiếp nhận lô hàng nhập khẩu và đối chiếu với biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lập. Trường hợp có sự sai lệch về hàng hoá hoặc hồ sơ hải quan thì lập biên bản ghi nhận để làm cơ sở giải quyết tiếp theo, thông báo cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập;
c) Xác nhận vào biên bản bàn giao, lưu 01 bản và chuyển lại 01 bản cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập, phải đảm bảo việc gửi và nhận hồ sơ kịp thời;
d) Làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng theo đúng quy trình nghiệp vụ thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu;
e) Thông báo lại cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập kết quả kiểm tra theo các thông tin mà Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lưu ý;
f) Có trách nhiệm gửi trả Biên bản bàn giao cho Chi cục hải quan cửa khẩu nhập về việc đã nhận đủ hồ sơ và lô hàng nhập khẩu ngay sau khi lô hàng nhập khẩu về đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.
2.3 Trách nhiệm của Chi Cục Hải quan cửa khẩu nhập:
a) Tiếp nhận Đơn đề nghị chuyển cửa khẩu do chủ hàng chuyển đã được chấp thuận của Chi cục Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;
b) Thực hiện các công việc quy định tại Điểm 1.1 Mục 1 phần IV này.
PHỤ LỤC 1
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU
Kính gửi: - Tổng cục Hải quan.
Đồng kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố..............................
Công ty............................................................................................................
đề nghị quý cơ quan xem xét công nhận địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu của công ty tại .................................................................................................
Kèm theo đơn này, Công ty.............................................................................
Xin gửi bộ hồ sơ theo quy định tại Điểm 3 (b.1) phần II của Quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan và thủ tục hải quan đối với hàng chuyển cửa khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1495/ 2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, gồm:
.........................................................................................................................
..........................................................................................................................
..........................................................................................................................
..........................................................................................................................
..........................................................................................................................
Công ty xin cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về bộ hồ sơ gồm những loại giấy tờ trên là hợp pháp và Công ty sẽ đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điểm 3 (b.1) phần II của Qui định về địa điểm làm thủ tục hải quan và thủ tục hải quan đối với hàng chuyển cửa khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1495/2001/QĐ-TCHQ ngày 26/12/ 2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan.
...., ngày... tháng.... năm 200....
GIÁM ĐỐC CÔNG TY
(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)
PHỤ LỤC 2
TỔNG CỤC HẢI QUAN CỤC HẢI QUAN........... Chi cục Hải quan..... | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
BIÊN BẢN BÀN GIAO
Hồi........ giờ...... phút, ngày..... tháng.... năm 200...., Chi cục Hải quan..............
bàn giao hồ sơ hải quan đã niêm phong cho ông (bà)................... Giấy CMTND
số....................... do công an tỉnh, TP.................. cấp ngày......./....../200.... để chuyển đến Chi cục Hải quan.........................., gồm:
1. Hồ sơ hải quan:
- Tờ khai hải quan :.................bản chính;
- Đơn đề nghị xin chuyển cửa khẩu :.................bản chính;
- Vận chuyển đơn :.................Bản sao;
- Bản kê chi tiết (nếu có) :.................bản chính;
2. Hàng hoá:
STT | Số hiệu Con-ten-nơ hoặc biển kiểm soát xe chuyên dụng | Số SEAL Con-ten-nơ | Số SEAL Hải quan | Biển số xe chở hàng |
|
|
|
|
|
Tình trạng con-ten-nơ/xe chuyên dụng/hàng hoá.............................................
..........................................................................................................................
Biên bản về tình trạng con-ten-nơ/hàng hoá (nếu có), số.................................
...........................................................................................................................
Người vận chuyển (Ký ghi rõ họ tên) | Chi cục HQ ngoài CK (Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu) | Chi cục HQ cửa khẩu (Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu) |
PHỤ LỤC 3
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
..........., ngày... tháng... năm....
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CHUYỂN CỬA KHẨU
Kính gửi: - Chi cục Hải quan.............................................
- Chi cục Hải quan cửa khẩu..............................
Công ty........... đề nghị được làm thủ tục hải quan/kiểm tra hải quan tại............. cho lô hàng.............. thuộc vận đơn .......................... chuyên chở trên PTVT.............., tới cửa khẩu nhập ngày.............../.........../200.......
Lô hàng này đóng trong................. con-ten-nơ, số hiệu con-ten- nơ.................
Tuyến đường vận chuyển............................ với chiều dài........................... Km
Thời gian vận chuyển.........................................................................................
Công ty................................... cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về:
1. Đảm bảo sự nguyên trạng hàng hoá và các niêm phong hải quan, niêm phong hãng tàu cho tới khi bàn giao cho Chi cục Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu/địa điểm kiểm tra hải quan.................. giám sát.
2. Vận chuyển lô hàng đúng tuyến đường và thời gian.
......, ngày... tháng... năm 200...
Giám đốc công ty
(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)
Kính gửi: - Chi cục Hải quan...........................
Đề nghị làm thủ tục chuyển cửa khẩu cho lô hàng nêu trên của công ty........ thuộc tờ khai hải quan số........................ngày......../........../200.........
Chi cục Hải quan
(Ký ghi rõ họ tên, đóng dấu)