Nội dung toàn văn Quyết định 15-CP đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15-CP | Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 1980 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 15-CP NGÀY 17 THÁNG 1 NĂM 1980 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ KINH TẾ
Cách mạng nước ta đã chuyển sáng giai đoạn mới, giai đoạn cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý kinh tế cho đội ngũ cán bộ hiện có và đào tạo lực lượng cán bộ mới, có khả năng nắm vững khoa học quản lý hiện đại để lãnh đạo và quản lý nền kinh tế quốc dân là một công tác rất quan trọng, là một đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Hội đồng Chính phủ quyết định:
1. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế.
Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế cần được đặt trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn của Hội đồng Chính phủ, của các ngành, các địa phương và nhằm vào các mục tiêu sau đây:
- Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế, cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy về quản lý kinh tế theo kịp nhiệm vụ phát triển nền kinh tế quốc dân, đưa công tác quản lý kinh tế đi vào nền nếp và ngày càng tiến bộ, thực hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý kinh tế hiện nay, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý kinh tế mới phù hợp với yêu cầu đưa nền kinh tế từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
- Bồi dưỡng tương đối có hệ thống cho đội ngũ cán bộ đương chức những kiến thức về quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, về đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, về những vấn đề mới trong tổ chức sản xuất và quản lý kinh tế, để cán bộ có đủ năng lực lãnh đạo và quản lý nền kinh tế một cách khoa học, đạt hiệu quả cao.
- Đào tạo lực lượng cán bộ mới có phẩm chất tốt, có trình độ và năng lực đảm nhiệm được những chức vụ trong bộ máy quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước.
2. Tổ chức các hình thức bồi dưỡng và đào tạo thích hợp đối với từng loại cán bộ.
Tuỳ theo đặc điểm và yêu cầu công tác của từng loại cán bộ mà tích cực sử dụng các hình thức tổ chức học tập khác nhau, bao gồm hình thức học tập tập trung và tại chức, ngắn hạn và dài hạn, trong nước và ngoài nước.
Mở liên tục những lớp bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý kinh tế, mỗi lớp từ 3 đến 4 tháng cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý kinh tế ở các ngành, các cấp, bao gồm các trưởng ban và phó trưởng ban kinh tế của Đảng; Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục, Vụ trưởng và Phó cục trưởng, Phó vụ trưởng các cục, vụ quản lý kinh tế; Chủ tịch và Phó chủ tịch phụ trách kinh tế cấp tỉnh, thành phố; Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc các liên hiệp xí nghiệp; Giám đốc và Phó giám đốc các công ty, xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp trực thuộc Trung ương; Chủ tịch và Phó chủ tịch phụ trách kinh tế cấp huyện; các cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy về quản lý kinh tế. Bảo đảm đến hết năm 1982 bồi dưỡng hết một lượt cho cán bộ cao cấp và trung cấp ở Trung ương và các tỉnh, thành phố và đến hết năm 1985 cho tất cả cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế chủ chốt ở cấp huyện và ở các đơn vị kinh tế lớn.
Mở trường đào tạo dài hạn về quản lý kinh tế, mỗi khoá từ 18 tháng đến 2 năm theo chương trình cao cấp về quản lý kinh tế. Đối tượng chọn đi học là những cán bộ thuộc diện đã nói ở trên (lớp bồi dưỡng từ 3 đến 4 tháng) hoặc những cán bộ có dự kiến phân công hoặc chuẩn bị đề bạt vào những chức danh ấy, và những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy chủ chốt về quản lý kinh tế cho các viện và trường. Điều kiện lựa chọn đi học trường này phải là những cán bộ Đảng dưới 45 tuổi, có phẩm chất chính trị tốt, đã tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ thuật, đã học xong chương trình lý luận cơ bản, đã tham gia thực tiễn sản xuất và quản lý kinh tế từ 5 năm trở lên. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế phải tích cực chuẩn bị để trong năm 1980 mở khoá đầu tiên của trường này.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế cùng với các cơ quan có liên quan bàn chương trình của những lớp ngắn hạn và dài hạn nói trên. Trong những lớp đầu, mời chuyên gia Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác sáng giảng bài, đồng thời phải tích cực xây dựng đội ngũ giảng viên của ta để sau vài ba khoá có thể giảng dạy được toàn bộ chương trình khóa học.
Các ngành, các địa phương có nhiệm vụ mở các trường, lớp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế chuyên ngành cho ngành, cơ sở và địa phương mình.
Đi đôi với việc đào tạo và bồi dưỡng ở trong nước, cần cử cán bộ đi học ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, chủ yếu là ở Liên Xô. Cán bộ được cử đi học ở nước ngoài phải là những cán bộ Đảng dưới 45 tuổi, có phẩm chất chính trị tốt, đã tốt nghiệp đại học kinh tế hoặc kỹ thuật, đã học xong chương trình lý luận cơ bản, đã qua công tác thực tiễn sản xuất và quản lý kinh tế từ 5 năm trở lên, có trình độ ngoại ngữ, có khả năng trở thành cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế ở cấp Trung ương, tỉnh, thành phố và ở các cơ sở kinh tế lớn trực thuộc Trung ương. Cố gắng đến giữa năm 1980, cử một số cán bộ đi học những lớp quản lý kinh tế chung và các chuyên ngành quan trọng ở Liên Xô, chú trọng cán bộ nghiên cứu và giảng dạy về quản lý kinh tế.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng sớm kế hoạch hợp tác với Liên Xô và các nước trong hội đồng tương trợ kinh tế trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và kế hoạch cử cán bộ đi học ở nước ngoài, trình Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ thông qua. Thành lập một tổ cán bộ do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế chủ trì để làm nhiệm vụ này.
3. Xây dựng hệ thống trường quản lý kinh tế.
Thành lập trường quản lý kinh tế Trung ương trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế theo chương trình cao cấp về quản lý kinh tế. Trường có hai hệ; hệ bồi dưỡng ngắn hạn và hệ đào tạo dài hạn như đã nói ở trên. Trường có phân hiệu ở miền Nam.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế có trách nhiệm giúp Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ tổ chức trường này.
Các Bộ cần tổ chức các trường để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế chuyên ngành; tăng cường các trường nghiệp vụ, kỹ thuật sẵn có để làm thêm nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế của ngành, hoặc tổ chức các khoa bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế trong một số trường đại học kinh tế và kỹ thuật.
Ngoài các trường quản lý kinh tế Trung ương và của các Bộ, cần nghiên cứu chấn chỉnh tổ chức và chất lượng giảng dạy của các trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế cơ sở của tỉnh, thành phố.
Để từng bước hình thành hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và quản lý kinh tế đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có trách nhiệm giúp Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế theo quy hoạch chung; cùng với các ngành, các cấp xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường; xác định mục tiêu yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cho từng loại cán bộ; hướng dẫn xây dựng nội dung chương trình và kế hoạch học tập thích hợp cho từng loại cán bộ, cùng với các Bộ và các trường có liên quan soạn thảo chương trình và bài giảng cho các lớp bồi dưỡng và đào tạo quản lý kinh tế.
4. Để sớm tổ chức thực hiện được tốt các nhiệm vụ nói trên, cần xây dựng mới cơ sở trường quản lý kinh tế Trung ương tại Hà Nội. Trước mặt điều chỉnh nhà cửa để tổ chức trường ở Hà Nội và phân hiệu tại thành phố Hồ Chí Minh... (1)
Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm giúp Viện nghiên cứu quản lý kinh tế giải quyết nhà cửa để làm trưởng sở, tổ chức việc ăn, ở phục vụ mọi sinh hoạt của lớp học ngắn hạn trước mắt.
Ban tổ chức Trung ương cần khản trương nghiên cứu trình Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định điều động cho Viện nghiên cứu quản lý kinh tế số cán bộ cần thiết phục vụ việc giảng dạy cho lớp học trước mắt và xây dựng đội ngũ giảng viên cho trường.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế có trách nhiệm cùng với các ngành và các cơ quan hữu quan bàn kế hoạch thực hiện tốt Quyết định này.
(1) Không tin một đoạn.
| Lê Thanh Nghị (Đã ký) |