Nội dung toàn văn Quyết định 1509/QĐ-UBND năm 2013 bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước bản Muông Sơn La
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1509/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 19 tháng 7 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ HỒ CHỨA NƯỚC BẢN MUÔNG, XÃ CHIỀNG CỌ, THÀNH PHỐ SƠN LA TỈNH SƠN LA
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Đê điều ngày 24 tháng 8 năm 2000; Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình Thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001; Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão ngày 20 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000; Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp TN và MT các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi; Thông tư số 45/2009/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập và phê duyệt Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 185/TTr-SNN ngày 08 tháng 7 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tuân thủ Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông được phê duyệt tại Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Sơn La và thủ trưởng các ngành, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN
BẢO VỆ HỒ CHỨA NƯỚC BẢN MUÔNG, XÃ CHIỀNG CỌ, THÀNH PHỐ SƠN LA, TỈNH SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số 1509/QĐ-UBND ngày 19/7/2013 cuả UBND tỉnh Sơn La)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mọi hoạt động có liên quan đến quản lý khai thác và bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông đều phải tuân thủ:
1. Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001. Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP.
2. Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi.
3. Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập và Thông tư số 33/2008/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Thông tư số 45/2009/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng đẫn lập và phê duyệt Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi.
Điều 2: Đối tượng áp dụng
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Hồ chứa nước bản Muông tại Quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2009 của UBND tỉnh Sơn La về việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Sơn La.
2. Các thông số kỹ thuật công trình thuỷ lợi Hồ chứa nước bản Muông gồm:
Các thông số chính | Đơn vị | Giá trị |
a) Thuỷ văn | ||
- Diện tích lưu vực | km2 | 13,5 |
- Lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm | m3/s | 0,227 |
- Lưu lượng đỉnh lũ thiết kế P = 1,5% | m3/s | 118,0 |
b) Hồ chứa | ||
- Cao trình mực nước dâng bình thường | m | 798,06 |
- Cao trình mực nước chết | m | 784,00 |
- Cao trình mực nước hồ ứng với lũ thiết kế | m | 800,58 |
- Diện tích mặt hồ (ứng với MNGC) | ha | 17,4 |
- Dung tích toàn bộ hồ chứa Wtb | 106 m3 | 1,592 |
- Dung tích hữu ích Whi | 106 m3 | 1,372 |
- Dung tích chết | 106 m3 | 0,220 |
c) Đập chính | ||
- Cấp thiết kế đập | Cấp III | |
- Tiêu chuẩn thiết kế | TCVN 285 - 2002 | |
- Dạng đập: Đập đất hỗn hợp gồm 2 khối chính: Khối đất á sét ở giữa và thượng lưu, dung trọng khô 1,43 t/m3; khối đất lẫn dăm sạn phía hạ lưu, dung trọng khô 1,75 t/m3. | ||
- Cao trình đỉnh đập | m | 801,40 |
- Cao trình đỉnh tường chắn sóng | m | 802,00 |
- Chiều dài theo đỉnh đập | m | 96,50 |
- Chiều rộng đỉnh đập | m | 6,00 |
- Chiều cao đập lớn nhất | m | 32,40 |
- Mái đập thượng lưu |
| 3,50; 3,75 |
- Mái đập hạ lưu |
| 2,75; 3,50; 3,75 |
- Hình thức tiêu nước: Tiêu nước kiểu lăng trụ kết hợp chân khay giữa đập | ||
d) Tràn xả lũ | ||
- Hình thức tràn: Tràn tự do, nối tiếp bằng dốc nước và mũi phun. Kết cấu BTCT | ||
- Cao trình ngưỡng tràn | m | 798,06 |
- Số khoang tràn | Khoang | 1,00 |
- Bề rộng tràn | m | 15,00 |
- Lưu lượng xả lũ | m3/s | 95,93 |
- Cột nước tràn | m | 2,525 |
- Chiều dài dốc nước | m | 100,0 |
- Chiều dài dốc nước | m | 7,0 |
- Độ dốc của dốc nước | % | 10,0 |
đ) Cống lấy nước | ||
- Hình thức cống: Cống hộp chảy không áp. Kết cấu BTCT | ||
- Lưu lượng thiết kế | m3/s | 0,40 |
- Cao trình cửa vào | m | 783,00 |
- Cao trình cửa ra | m | 782,20 |
- Độ dốc đáy cống |
| 0,005 |
- Chiều dài cống | m | 155,00 |
- Kích thước cống | mxm | 0,8 x 1,3 |
- Hình thức đóng mở cửa cống: Tháp van gồm 2 van phẳng VĐ20 | ||
e) Kênh | ||
- Tổng chiều dài kênh BTCT | m | 5.375,0 |
- Tổng chiều dài kênh đất | m | 2.455,0 |
Điều 3. Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông là cơ sở pháp lý để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn cho công trình trong điều kiện quản lý vận hành bình thường; trong mùa mưa lũ; và trong trường hợp xảy ra sự cố, hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố.
Chương II
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ HỒ CHỨA NƯỚC BẢN MUÔNG
Điều 4. Đặc điểm công trình
1. Nhiệm vụ công trình
Phục vụ tưới cho 460 ha đất canh tác trong đó lúa 2 vụ 60 ha, cây công nghiệp 400 ha, tạo nguồn nước sinh hoạt cho 4.000 người dân trong vùng.
2. Vị trí công trình
- Công trình đầu mối bản Muông được xây dựng năm 2001. Công trình đầu mối nằm vào khoảng 21015' vĩ độ Bắc, 103053' kinh độ Đông thuộc địa bàn xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.
3. Địa hình
Vùng lòng hồ và cụm công trình đầu mối là thung lũng hẹp nằm giữa hai dãy núi cao có độ dốc lớn 600 -:- 700 hướng Tây Bắc - Đông Nam. Ở phía đầu lòng suối uốn ngoặt đổi hướng sang Bắc - Nam, tại đây cao độ lớn nên lòng hồ chỉ rộng hơn lòng suối cũ chút ít. Lồng hồ mở rộng dần, đến vị trí trước tuyến đập 150 m lòng hồ rộng 360 m. Độ cao thay đổi từ 800 m ở vùng hồ đến 650 m ở khu tưới. Khu tưới là các thung lũng và các đồi đất thấp có cao độ bình quân từ 650 m -:- 700 m.
4. Địa chất
- Khu vực đáy hồ và lòng hồ: Lòng hồ có các lớp sét và á sét điều kiện chống thấm tốt. Bờ hồ có lớp phủ dày cây cối phát triển tốt hạn chế khả năng phá hoại bờ hồ.
- Tuyến đập: Lớp đất sét tàn tích vai phải và lớp á sét vai trái có hệ số thấm nhỏ chỉ tiêu cơ lý cao đảm bảo ổn định.
- Tuyến tràn: Lớp đá sét kết phong hoá, cường độ đảm bảo.
- Tuyến cống: Lớp đá phiến thạch sét, cát kết phong hoá mạnh đến vừa.
5. Khí tượng thuỷ văn
a) Đặc trưng lưu vực trên hồ chứa
Diện tích lưu vực 13,5 km2, chiều dài khoảng 4,2 km, trên suối bản Muông có một số thác nhỏ. Từ tuyến mặt cắt, vị trí hợp lưu 2 suối, lòng suối có nước chảy quanh năm, nguồn sinh thuỷ khá lớn. Từ tuyến bản Hôm về hạ lưu, lượng sinh thuỷ nhỏ.
b) Tình hình mưa trên lưu vực
Lượng mưa ở lưu vực trung bình hàng năm khoảng 1.422 mm nhưng tập trung chủ yếu vào mùa mưa (từ tháng V đến tháng X) với tổng lượng mưa chiếm hơn 80% lượng mưa năm và tổng số ngày mưa trong năm khoảng 100 - 160 ngày.
c) Đặc điểm dòng chảy trên lưu vực
Mùa lũ bắt đầu từ tháng V đến tháng X, mùa kiệt từ tháng XI và kết thúc vào tháng IV năm sau. Mô đun dòng chảy của vùng khoảng từ 17,0 l/s-km2 đến 19,0 l/s-km2.
Các đặc trưng dòng chảy năm thiết kế
Lưu vực | Y0 (mm) | Q0 (m3/s) | Cv | Cs |
Bản Cuốn | 530,0 |
| 0,20 | 0,40 |
Bản Muông | 530,0 | 0,227 | 0,26 | 0,52 |
d) Dòng chảy lũ trên lưu vực
Theo tài liệu điều tra lũ tại tuyến bản Muông, trận lũ có lượng mưa lớn nhất từ năm 1906 đến nay Xmax = 168 mm; Qmax = 82,6 m3/s.
Các đặc trưng lũ thiết kế lưu vực bản Muông
P (%) | Hp (mm) | Qmax (m3/s) | Wp (106m3) | T (giờ) |
1 | 214,0 | 125,0 | 2,02 | 9,0 |
1,5 | 200,0 | 118,0 | 1,90 | 9,0 |
5 | 160,0 | 87,7 | 1,42 | 9,0 |
10 | 136,0 | 71,4 | 1,15 | 9,0 |
Điều 5. Đánh giá về hiện trạng và an toàn công trình
Hệ thống công trình hồ chứa nước bản Muông, sau gần 10 năm khai thác sử dụng đã sửa chữa các hạng mục sau:
+ Năm 2008, sửa chữa cửa van tháp.
+ Năm 2011, sửa chữa hạng mục cống qua đường trên kênh chính.
+ Năm 2012, sửa chữa tường rào nhà quản lý.
+ Năm 2013, đang lập dự án kiên cố hoá tuyến kênh hữu dài 0,9 km và cống lấy nước đầu kênh.
1. Lưu vực lòng hồ
Trước đây là vùng đồi núi, cây rừng tự nhiên, thảm thực vật phong phú đa dạng, nhưng trong thời gian qua nhân dân đã khai thác chặt phá cây cối, san ủi mặt đất để sản xuất kinh tế. Do đó thảm thực vật lưu vực lòng hồ đến nay được bảo vệ đang khoanh nuôi tái sinh, vì vậy mùa mưa lũ lưu lượng dòng chảy tăng cao, gây bồi lấp lòng hồ vượt mức thiết kế, độ che phủ giảm, giảm tuổi thọ của hồ, khả năng sinh thuỷ hạn chế.
2. Cụm công trình đầu mối
- Đập đất: Hiện tại có một hố sụt tiếp giáp cống tháp lấy nước phía vai tả có đường kính rộng khoảng 0,8 m, chiều sâu khoảng 2,1 m, nằm trên mực nước của hồ hiện tại 1,66 m, mực nước hồ hiện tại ở cao trình 795,40 m cách cao trình tràn xả lũ 2,66 m, dòng thấm qua đống đá tiêu nước có hiện tượng đục.
- Tiêu nước lăng trụ: Bình thường.
- Tràn xã lũ: Bình thường.
- Cống hộp chảy không áp: Hoạt động bình thường.
- Đường quản lý bằng bê tông, một số đoạn bị gẫy, hư hỏng.
- Nhà quản lý đầu mối: Nhà quản lý đảm bảo an toàn và thuận lợi cho công nhân đầu mối sinh hoạt và quản lý.
* Đánh giá: Hố sụt phát triển theo chiều vuông góc với thân đập và dọc theo tuyến cống lấy nước từ cao trình thấp hơn mái đập tại vị trí hố sụt 2,0 m trở xuống, tầng đất bị ngậm nước bão hoà, kết cấu nhão rời có khả năng ảnh hưởng phát triển đến cả khu vực lân cận trong thân đập xung quanh vị trí đã bị lún sụt…, có nguy cơ gây mất an toàn cho đập. Hiện tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ năm 2013 và lâu dài.
3. Tuyến kênh và công trình trên kênh: Hoạt động bình thường.
Điều 6. Tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ công trình
1. Tình hình quản lý khai thác công trình
Để quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La ký hợp đồng đặt hàng với Công ty Cổ phần KTCTTL đảm nhận, là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý khai thác vận hành và bảo vệ công trình.
Với trách nhiệm đó Công ty Cổ phần KTCTTL đã thành lập Trạm khai thác công trình Thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông, gồm 1 Trạm Trưởng, 2 cán bộ kỹ thuật, 1 công nhân, trong đó trình độ đại học 2 người, 1 trung cấp kỹ thuật thuỷ lợi, còn lại 1 công nhân thuỷ nông.
Phân công trách nhiệm cụ thể như sau:
+ Trạm Trưởng có trách nhiệm quản lý và điều hành mọi hoạt động của Trạm tham gia hợp đồng, nghiệm thu thanh lý tưới tiêu với các đơn vị dùng nước.
+ Các cán bộ kỹ thuật bố trí ăn ở sinh hoạt tại nhà quản lý đầu mối, có nhiệm vụ trực tại đầu mối 24/24 giờ, để kiểm tra, quan trắc theo dõi mọi diễn biến của cụm công trình đầu mói và khu vực lòng hồ. Trực tiếp vận hành đóng mở cống lấy nước theo lệnh của Trạm Trưởng khi có sự chì đạo của Công ty, hàng ngày quan trắc mực nước hồ, lượng mưa để báo về Công ty, thường xuyên duy tu bảo dưỡng thiết bị cơ điện, sửa chữa các hư hỏng nhỏ theo quy định của Công ty. Là lực lượng trực tiếp bảo vệ và ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm đến an toàn công trình.
+ Công nhân quản lý kênh mương: Có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra và quản lý kênh và công trình trên kênh, trực tiếp vận hành điều tiết nước và các cống lấy nước trên kênh, thường xuyên bảo dưỡng duy tu sửa chữa công trình theo quy định của Công ty. Trực tiếp chủ động xử lý các sự cố hư hỏng có thế dẫn đến gây mất an toàn cho kênh. Là lực lượng chính để bảo vệ kênh và phát hiện kịp thời ngăn chặn, xử lý mọi hành vi gây mất an toàn cho kênh.
2. Tình hình bảo vệ công trình
Trong các năm quản lý và khai thác, tình hình bảo vệ công trình được đảm bảo an toàn, chưa năm nào công trình phải ngừng hoạt động do mất an toàn. Tuy nhiên trong công tác bảo vệ vẫn tồn tại một số bất cập:
a) Khu vực lòng hồ
Địa hình lòng hồ thuộc vùng đồi núi, có diện tích lưu vực rộng, do đó đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất khu vực bảo vệ lòng hồ.
Mặt khác do đường đi lại kiểm tra lòng hồ khó khăn, phương tiện thuyền đò kiểm tra chưa có, lực lượng quản lý mỏng, ít có điều kiện đi lại kiểm tra bảo vệ. Do đó không kịp thời ngăn chặn được tình trạng nhân dân xâm chiếm đất trong hành lang lòng hồ hoặc nếu có phát hiện cũng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả do sự phối hợp của chính quyền địa phương.
b) Hệ thống kênh mương
Kênh mương trải dài trên diện rộng, chủ yếu đi qua đồng ruộng và khu dân cư, đồng thời việc xác định phạm vi bảo vệ kênh mương chưa được đo đạc cắm mốc đầy đủ, nên việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tình trạng đào phá kênh mương đặt ống lấy nước, đào ao cuốc ruộng sát mép chân công trình..., gây mất an toàn cho kênh mương. Mặc dù công nhân bảo vệ phát hiện, lập biên bản vi phạm và đề nghị chính quyền địa phương xử lý, nhưng chưa triệt để.
Điều 7. Quy định chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra đột xuất và báo cáo
1. Quy định chế độ kiểm tra công trình
a) Kiểm tra thường xuyên:
Công trình đầu mối và khu vực lòng hồ.
b) Kiểm tra định kỳ trước và sau mùa mưa lũ:
+ Trước mùa mưa lũ: Hàng năm vào thời điểm trước mùa mưa lũ Công ty phải tiến hành kiểm tra đánh giá chung về ổn định công trình đầu mối, kênh mương, bổ sung phương án phòng chống lụt bão. Đồng thời lập kế hoạch tổ chức phối hợp chặt chẽ với BCH PCLB và TKCN tỉnh và BCH PCLB và TKCN thành phố.
+ Thời gian kiểm tra vào đầu tháng 5 hàng năm.
+ Vào thời điểm sau khi kết thúc mùa mưa lũ: Công ty phải thực hiện kiểm tra nhằm phát hiện các hư hỏng (nếu có); theo dõi diễn biến các hư hỏng đã có của công trình đầu mối, kênh mương; đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa khắc phục các hư hỏng tồn tại nhằm đảm bảo phục vụ kịp thời cho sản xuất.
+ Thời gian kiểm tra vào cuối tháng 10 hàng năm.
c) Kiểm tra đột xuất:
Công ty thực hiện kiểm tra đột xuất trong các trường hợp sau:
- Khi xảy ra mưa lũ lớn, động đất hoặc phát hiện công trình có hư hỏng đột xuất, nghi ngờ có âm mưu phá hoại. Nhằm có biện pháp, giải pháp kịp thời bảo đảm an toàn công trình.
2. Quy định chế độ báo cáo công trình
Công ty phải thực hiện chế độ báo cáo công trình như sau:
a) Báo cáo đột xuất
Báo cáo đột xuất về cơ quan có thẩm quyền: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Sơn La khi xảy ra các tình huống sau:
- Phát hiện các đột biến về kết quả đo thấm, chuyển vị của đập.
- Công trình đầu mối, kênh mương bị hư hỏng nặng hoặc các hư hỏng đã có từ trước diễn biến theo chiều hướng xấu.
- Sự cố trong vận hành cửa van cống.
- Mưa lớn trên khu vực hồ chứa khi hồ đã đầy nước.
- Nghi ngờ có âm mưu phá hoại công trình.
- Các vi phạm về công trình đầu mối, kênh mương.
b) Báo cáo định kỳ hàng năm
Báo cáo định kỳ hàng năm về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh về hiện trạng an toàn công trình đầu mối, kênh mương bao gồm:
- Mực nước trữ cao nhất trong hồ chứa; thời gian xuất hiện đỉnh lũ.
- Kết quả đo đạc, quan trắc công trình đầu mối đã được hiệu chỉnh, phân tích đánh giá.
- Các hư hỏng của công trình và công tác sửa chữa khắc phục.
- Kết quả kiểm tra công trình trước và sau mùa mưa lũ.
- Các nội dung khác có liên quan.
Chương III
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHU VỰC LÒNG HỒ VÀ CỤM CÔNG TRÌNH ĐẨU MỐI TRONG ĐIỀU KIỆN VẬN HÀNH QUẢN LÝ BÌNH THƯỜNG
Điều 8. Quy định phạm vi bảo vệ công trình
Theo Điều 25 của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi: Phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi bao gồm công trình và vùng phụ cận.
1. Khu vực lòng hồ
- Phạm vi bảo vệ bao gồm lòng hồ và vùng phụ cận: Vùng phạm vi bảo vệ công trình được tính từ đường biên có cao trình 801,40 m (cao trình đỉnh đập) trở xuống phía lòng hồ.
- Mốc chỉ giới bảo vệ cắm theo đường biên nói trên, khoảng cách giữa 2 mốc liền nhau không quá 100 m và phải nhìn thấy nhau.
- Tổng chiều đài đường biên lòng hồ ước tính 3,7 km, số mốc bảo vệ là 37 mốc.
- Diện tích bảo vệ lòng hồ là: 14,7 ha.
2. Cụm đầu mối
Phạm vi bảo vệ bao gồm công trình và vùng phụ cận: Đập bản Muông thuộc cấp II, do đó phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập trở ra 200 m, phạm vi không được xâm phạm cách chân đập 50 m thuộc quyền quản lý trực tiếp của Công ty, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập.
- Mốc chỉ giới bảo vệ cắm theo đường biên vùng phụ cận có khoảng cách giữa 2 mốc liền nhau là ≤ 50 m. số mốc bảo vệ là 10 mốc.
- Diện tích bảo vệ đập đất là: 2,5 ha.
Điều 9. Các chế độ bảo vệ
Để đảm bảo an toàn cho công trình, Công ty phải thực hiện chế độ bảo vệ công trình như sau:
1. Chế độ bảo vệ thường xuyên
- Cụm công trình đầu mối thực hiện chế độ bảo vệ 24h/24h trong ngày, kể cả các ngày lễ, tết.
- Đối với khu vực lòng hồ: Trực bảo vệ thường xuyên hàng ngày, một tuần đi tuần tra bảo vệ 1 lần toàn bộ khu vực lòng hồ.
2. Chế độ bảo vệ đột xuất
Công ty phải tăng cường bảo vệ đột xuất ở các vị trí xung yếu tại công trình đầu mối khi:
- Bão lũ lớn xảy ra.
- Khi báo động có động đất.
- Công trình có sự cố.
- Nghi ngờ có âm mưu phá hoại.
Điều 10. Tổ chức lực lượng bảo vệ
Để bảo vệ an toàn cụm đầu mối Công ty tổ chức lực lượng bảo vệ như sau:
- Cán bộ kỹ thuật Trạm Khai thác công trình bản Muông kiêm nhiệm vụ bảo vệ thường xuyên công trình đầu mối và khu vực lòng hồ. Dưới sự điều hành trực tiếp của Trạm Trưởng.
- Số lượng 03 người.
Khi thay ca trực bảo vệ phải ghi chép đầy đủ tình hình và ký giao nhận vào sổ đầu mối.
Điều 11. Phân công và trách nhiệm bảo vệ công trình
1. Công nhân bảo vệ:
Hàng ngày bên cạnh công tác chuyên môn, phải thường xuyên có mặt trên hiện trường để kiểm tra bảo vệ công trình (bao gồm đập đất, cổng lấy nước, tràn xả lũ, đường quản lý, khuôn viên nhà quản lý, khu vực lòng hồ và phạm vị vùng phụ cận bảo vệ công trình).
- Khi phát hiện công trình có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại, thì phải ngăn chặn các hành vi vi phạm đến an toàn công trình.
- Trường hợp không đủ khả năng để ngăn chặn, khắc phục hoặc các đối tượng có hành vi cố tình vi phạm an toàn công trình thì phải khẩn trương báo cho tổ trưởng và chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lý. Đồng thời báo cáo lên cấp trên.
- Khi phát hiện công trình có sự cố có thể dẫn đến gây mất an toàn thì có trách nhiệm khắc phục nếu có thể thực hiện được.
- Trường hợp không đủ khả năng để khắc phục sự cố thì phải khẩn trương báo cho tổ trưởng biết để có biện pháp xử lý.
- Mọi trường hợp để xảy ra hiện tượng vi phạm công trình, dù đã được xử lý tốt hay không tốt, nhưng gây hậu quả thiệt hại về tài chính, thì công nhân bảo vệ phải bị phạt kỷ luật theo nội quy lao động của Công ty.
2. Trạm trưởng
- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện bảo vệ công trình của công nhân bảo vệ đầu mối.
- Chịu trách nhiệm giải quyết các hành vi vi phạm công trình khi công nhân bảo vệ đề nghị.
- Khi xảy ra sự cố lớn có thể gây mất an toàn công trình, Trạm Trưởng phải chịu trách nhiệm huy động nhân, vật lực để khắc phục sự cố một cách sớm nhất để bảo đảm an toàn công trình. Nếu vượt quá khả năng thì báo Lãnh đạo Công ty và cấp trên để xin hướng chỉ đạo.
- Mọi trường hợp để xảy ra vi phạm công trình, dù đã được xử lý tốt hay không tốt, nhưng gây hậu quả thiệt hại về tài chính, thì Trạm Trưởng phải chịu trách nhiệm liên đới theo nội quy lao động của Công ty.
3. Lãnh đạo Công ty
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện bảo vệ công trình của trạm. Hỗ trợ trạm giải quyết các hành vi vi phạm công trình, các sự cố công trình vượt quá khả năng của tổ.
- Nếu kiểm tra chỉ đạo bảo vệ công trình không tốt để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, thì Giám đốc Công ty chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
4. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện bảo vệ công trình của Công ty, hỗ trợ Công ty giải quyết các hành vi vi phạm công trình, các sự cố công trình vượt quá khả năng của Công ty.
Điều 12. Nội quy bảo vệ công trình
1. Vị trí bố trí bảng nội quy
- Chân hạ lưu đập đất (gần nhà quản lý): 1 bảng
2. Nội quy bảo vệ công trình thuỷ lợi gồm các nội dung chính sau
a) Nghiêm cấm các hành vi sau đây: (Trích Điều 28 của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi)
- Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; các hoạt động gây cản trở đến việc quản lý, sửa chữa và xử lý công trình khi có sự cố.
- Các hành vi trái phép gây mất an toàn cho công trình thuỷ lợi trong phạm vi bảo vệ công trình bao gồm:
+ Khoan, đào đất đá, xây đựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi gây mất an toàn cho công trình.
+ Sử dụng chất nổ gây hư hại; tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thuỷ lợi phục vụ lợi ích công cộng.
- Thải các chất thải độc hại, nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn cho phép vào công trình thuỷ lợi.
- Vận hành công trình thuỷ lợi trái với quy trình, quy phạm kỹ thuật đã được quy định.
- Các hành vi khác gây mất an toàn cho công trình thuỷ lợi.
b) Trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, các hoạt động sau đây chỉ được tiến hành khi có giấy phép (Trích Điều 26 của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Điều 24 của Nghị định số 143/NĐ-CP của Chính phủ)
- Xây dựng công trình mới trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi;
- Xả nước thải vào công trình thủy lợi.
- Khoan, đào điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, thi công công trình khai thác nước dưới đất; khoan đào thăm dò, khai thác khoáng sản; khoan, đào thăm dò, khai thác vật liệu xây dựng.
- Trồng cây lâu năm.
- Khai thác các hoạt động du lịch, thể thao, nghiên cứu khoa học, các hoạt động kinh doanh dịch vụ.
- Các hoạt động giao thông vận tải của xe cơ giới, trừ xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và xe cơ giới dùng cho người tàn tật.
- Xây dựng kho, bến, bãi bốc dỡ; tập kết vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu, vật tư, phương tiện.
- Xây dựng chuồng trại chăn thả gia súc, nuôi trồng thuỷ sản.
- Chôn, lấp phế thải, chất thải.
- Nổ mìn và các hoạt động gây nổ không gây hại khác.
- Xây dựng các công trình ngầm, bao gồm: Đường ống dẫn dầu, cáp điện, cáp thông tin, đường ống cấp thoát nước.
Chương IV
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH TRONG MÙA MƯA LŨ VÀ TRONG TRƯỜNG HỢP CÔNG TRÌNH XẢY RA SỰ CỐ HOẶC CÓ NGUY CƠ XẢY RA SỰ CỐ
Để chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình, Công ty thực hiện xây dựng phương án bảo vệ bảo đảm an toàn công trình trong mưa lũ và trong trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố với các phương án sau:
Điều 13. Phương án tổ chức, chỉ huy
- Thành lập Ban chỉ huy PCLB và TKCN của Công ty: Ban chỉ huy PCLB và TKCN Công ty do Giám đốc Công ty làm Trưởng ban, Phó Giám đốc, Trưởng phòng KH - KT làm Phó ban, các uỷ viên là các trưởng phòng khác của Công ty.
- Lấy ý kiến góp ý sự đồng thuận của chính quyền địa phương đối với phương án bảo vệ công trình.
- Kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương khi xảy ra tình huống mất an toàn công trình: Phối hợp với chính quyền địa phương khu vực thành phố Sơn La để thông báo và tuyên truyền đến nhân dân những thông tin về Quy trình vận hành hồ chứa, các nội quy bảo vệ công trình thuỷ lợi đặc biệt là hiệu lệnh thông báo xả lũ với nhân dân sinh sống phía hạ du.
Điều 14. Phưong án kỹ thuật
1. Trước mùa mưa bão
Ban chỉ huy PCLB và TKCN Công ty chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:
- Kiểm tra đánh giá tình hình công trình hồ chứa nước bản Muông, kiểm kê vật tư vật liệu tồn kho. Xây dựng phương án PCLB và TKCN công trình hồ chứa nước bản Muông và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chỉ đạo lập đồ án, dự toán, để tiến hành triển khai sửa chữa những vị trí công trình cần thiết, mua sắm bổ sung các loại vật tư vật liệu, tổ chức thi công những hạng mục được duyệt. Kiểm tra các phương tiện phục vụ cho công tác PCLB và TKCN đảm bảo hoạt động tốt.
- Vật tư, vật liệu và phương tiện PCLB và TKCN bảo vệ công trình do Công ty chuẩn bị, tập kết tại đầu mối bản Muông, có sổ theo dõi và ký nhận đầy đủ, Công ty chịu trách nhiệm quản lý trong quá trình chống lụt bão.
2. Trong mưa bão
- Khi có mưa to, có hiện tượng lũ xảy ra Công ty phải triển khai chuẩn bị lực lượng và kiểm tra lại vật tư trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó.
- Khi có báo động tổ chức trực theo dõi diễn biến mưa lũ 24h/24h, ghi chép theo dõi đầy đủ diễn biến từng trận lũ, mực nước lũ.
- Công ty phân công trực, tuần tra kiểm tra công trình, phát hiện và huy động lực lượng xử lý sự cố, hướng dẫn chỉ đạo lực lượng của địa phương về kỹ thuật và biện pháp khi xử lý công trình.
- Kịp thời báo cáo các hư hỏng, sự cố công trình về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh.
3. Sau mưa bão
- Kiểm tra, báo cáo các thiệt hại xảy ra, lập đồ án dự toán sửa chữa các hạng mục hư hỏng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm kịp thời sửa chữa công trình, phục vụ sản xuất.
Điều 15. Phương án huy động vật tư, vật liệu, phương tiện, trang thiết bị
- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
- Vật tư vật liệu phục vụ công tác PCLB và TKCN như: Đá hộc, cát sạn, vải lọc, cọc tre, phên tre, rọ thép, bao tải, nhà bạt..., được tập kết sẵn sàng tại đầu mối công trình và hoàn thành trước ngày 30 tháng 4.
- Vật tư, vật liệu huy động khi ứng cứu công trình, căn cứ tình hình thực tế để huy động theo phương án PCLB và TKCN hàng năm của Công ty.
- Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCLB và TKCN.
+ Ô tô: 01 chiếc.
+ Các trang thiết bị khác như: Máy phát điện, áo phao, đèn pin..., cũng được chuẩn bị sẵn tại nhà quản lý đầu mối.
+ Ô tô tải vận chuyển, máy xúc, máy ủi (dự kiến điều động đơn vị xây lắp).
Điều 16. Phương án huy động nhân lực, hậu cần
- Khi có mưa to, hiện tượng lũ có thể xảy ra. Lực lượng cán bộ công nhân trong toàn Công ty có mặt tại vị trí đã được phân công để triển khai nhiệm vụ. Đối với đầu mối hồ chứa nước bản Muông ngoài công nhân quản lý bảo vệ đầu mối, các CBCNV khác trong tổ được phân công lên trực đầu mối phải có mặt 100%, đơn vị ứng cứu được thông báo để chuẩn bị tinh thần và dụng cụ.
- Hậu cần: Lương thực, thực phẩm, thuốc men, dầu đèn..., do tổ tự đảm nhận.
- Khi Mực nước Hồ ở mức báo động III trở lên tất cả các lực lượng bảo vệ có mặt 100% tại khu vực tập kết để kịp thời khi cần ứng cứu.
Điều 17. Phương án thông tin liên lạc
- Phương tiện thông tin liên lạc:
+ Máy điện thoại cố định bố trí tại nhà quản lý đầu mối 1 cái.
+ Máy di động cá nhân tự túc, nhưng trong mưa lũ phải mở máy liên tục 24/24h.
+ Số điện thoại liên lạc: Theo phương án PCLB và TKCN hàng năm.
+ Nếu liên lạc bị gián đoạn phải cử người trực tiếp về trung tâm báo cáo.
Điều 18. Phương án sơ tán dân cư
- Khi mực nước hồ bản Muông từ báo động III trở lên, Ban chỉ huy PCLB và TKCN Công ty phải thông tin kịp thời về Ban chỉ huy PCLB và TKCN thành phố, BCH PCLB và TKCN xã Chiềng cọ, để thông báo cho người dân biết.
- Khi công trình có nguy cơ sự cố, không bảo đảm an toàn cho đập, Ban chỉ huy PCLB và TKCN công ty phải thông báo kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Ban chỉ huy PCLB và TKCN thành phố, BCH PCLB và TKCN xã Chiềng Cọ để có phương án di dời các hộ dân vùng sau đập.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Tổ chức thực hiện
1. Các quy định về bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông trước đây trái với những quy định trong phương án này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông nếu có nội dung cần sửa đổi bổ sung, Công ty báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trước khi trình UBND tỉnh Sơn La quyết định.
3. Công ty là đơn vị có trách nhiệm lập phương án bảo vệ công trình và tồ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi hồ chứa nước bản Muông được phê duyệt.
4. Những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phương án bảo vệ công trình này được xem xét khen thưởng theo quy định. Mọi hành vi vi phạm phương án bảo vệ công trình này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành./.