Quyết định 1521/QĐ-UBND

Quyết định 1521/QĐ-UBND năm 2013 về cấp Giấy phép thành lập và Công nhận Điều lệ Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La

Nội dung toàn văn Quyết định 1521/QĐ-UBND năm 2013 Giấy phép thành lập Quỹ Nhân đạo bảo trợ nạn nhân da cam Sơn La


UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1521/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 22 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ CÔNG NHẬN ĐIỀU LỆ QUỸ NHÂN ĐẠO VÀ BẢO TRỢ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM TỈNH SƠN LA

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện;

Căn cứ Thông tư số 30/2012/NĐ-CP quỹ xã hội quỹ từ thiện">02/2013/TT-BNV ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 266/TTr-SNV ngày 03 tháng 7 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cấp Giấy phép thành lập và Công nhận Điều lệ Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La ban hành kèm theo Quyết định này (có Điều lệ Quỹ kèm theo gồm 8 Chương và 28 Điều).

Điều 2. Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La được phép hoạt động sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, theo Điều lệ Quỹ và quy định của pháp luật.

Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Y tế tỉnh Sơn La.

Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Y tế; Hội đồng quản lý Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này thay thế Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và sử dụng “Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam” tỉnh Sơn La./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh;
- Công an tỉnh (PC 64);
- Như Điều 3;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, NC, D20b.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Toa

 

ĐIỀU LỆ

QUỸ NHÂN ĐẠO VÀ BẢO TRỢ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM TỈNH SƠN LA
(Công nhận kèm theo Quyết định số 1521/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi, biểu tượng, trụ sở

1. Tên gọi

a) Tên tiếng Việt: Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La.

b) Tên viết tắt: Quỹ Nhân đạo tỉnh Sơn La.

2. Biểu tượng

Logo Chữ thập đỏ Việt Nam.

3. Trụ sở

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La, số 73 đường Lê Lợi, tổ 15 phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La (sau đây gọi tắt là Quỹ Nhân đạo tỉnh Sơn La) là Quỹ từ thiện hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích từ thiện, nhân đạo, thực hiện các mục tiêu chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, các nạn nhân chiến tranh, người già cô đơn không nơi nương tựa, những người rủi ro bất hạnh, cứu trợ thiên tai thảm hoạ, hoả hoạn, những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, các nạn nhân của các tệ nạn xã hội.

2. Quỹ được hình thành trên cơ sở huy động các nguồn đóng góp tự nguyện của các cơ quan, đơn vị; các tổ chức trong và ngoài tỉnh; tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn viện trợ quốc tế để thực hiện các hoạt động nói trên.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý

1. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc

a) Không vì lợi nhuận

b) Tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ.

c) Công khai, minh bạch về thu, chi, tài chính, tài sản của Quỹ.

d) Theo Điều lệ của Quỹ đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước về lĩnh vực Quỹ hoạt động.

đ) Không phân chia tài sản của Quỹ trong quá trình Quỹ đang hoạt động.

2. Quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh Sơn La

3. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật

Điều 4. Sáng lập viên thành lập Quỹ

Tên tổ chức: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La

Trụ sở: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sơn La, số 73 đường Lê Lợi, tổ 15 phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ

Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ

1. Sử dụng nguồn vốn của Quỹ để hỗ trợ, tài trợ cho các đối tượng, các chương trình, dự án phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ và quy định của pháp luật.

2. Tiếp nhận và quản lý tài sản được tài trợ, viện trợ theo uỷ quyền từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động theo hợp đồng quyền phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ và quy định của pháp luật.

3. Tiếp nhận tài sản từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn của Quỹ.

Điều 6. Quyền hạn và nghĩa vụ

1. Tổ chức, hoạt động theo điều lệ đã được công nhận và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Quỹ chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Y tế.

3. Vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ; tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến tặng hoặc bằng các hình thức khác theo đúng tôn chỉ, mục đích của Quỹ và quy định của pháp luật.

4. Thực hiện tài trợ đúng theo sự uỷ quyền của cá nhân, tổ chức đã uỷ quyền và tôn chỉ, mục đích của Quỹ.

5. Được thành lập pháp nhân trực thuộc theo quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo tồn và tăng trưởng tài sản Quỹ.

6. Quỹ được thành lập từ các nguồn tài sản hiến tặng hoặc theo hợp đồng uỷ quyền, di chúc mà không tổ chức quyên góp và nhận tài trợ thì hàng năm phải dành tối thiểu 5% (năm phần trăm) tổng số tài sản để tài trợ cho các chương trình, dự án phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ.

7. Lưu trữ và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của Quỹ, nghị quyết, biên bản về các hoạt động của Quỹ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

8. Sử dụng tài sản, tài chính tiết kiệm và hiệu quả theo đúng tôn chỉ, mục đích của Quỹ; nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật.

9. Được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tài trợ và cộng đồng theo quy định của pháp luật. Giải quyết, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Quỹ và báo cáo kết quả giải quyết với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

10. Hàng năm, Quỹ phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính với UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ), Sở Y tế, Sở Tài chính và thực hiện công khai các khoản đóng góp của Quỹ trước ngày 31 tháng 3 năm sau.

11. Quỹ được quan hệ với cá nhân, tổ chức để vận động quyên góp, vận động tài trợ cho Quỹ hoặc cho các đề án, dự án cụ thể của quỹ theo quy định của pháp luật.

12. Quan hệ với các địa phương, tổ chức, cá nhân cần sự trợ giúp để xây dựng các đề án tài trợ theo tôn chỉ, mục đích hoạt động của Quỹ.

13. Khi thay đổi trụ sở chính hoặc Giám đốc Quỹ, Quỹ phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền thành lập Quỹ và cơ quan tài chính cùng cấp.

14. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

Điều 7. Cơ cấu tổ chức

1. Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Ban Kiểm soát Quỹ.

Điều 8. Hội đồng quản lý Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ là cơ quan quản lý của Quỹ, nhân danh Quỹ để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Quỹ. Hội đồng quản lý Quỹ nhiệm kỳ trước bầu ra Hội đồng quản lý Quỹ nhiệm kỳ tiếp theo và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận. Nhiệm kỳ Hội đồng quản lý Quỹ là 05 năm. Hội đồng quản lý Quỹ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên.

2. Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ.

b) Quyết định các giải pháp phát triển Quỹ; thông qua hợp đồng vay, mua, bán tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng Việt Nam trở lên.

c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ; quyết định thành lập Ban Kiểm soát Quỹ; Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Quỹ hoặc ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc Quỹ trong trường hợp Giám đốc Quỹ là người do Quỹ thuê; quyết định người phụ trách công tác kế toán và người quản lý khác quy định tại Điều lệ Quỹ.

d) Quyết định mức lương, thưởng và lợi ích khác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc, người phụ trách kế toán Quỹ, người làm việc tại Quỹ theo quy định tại Điều lệ Quỹ và quy định của pháp luật.

đ) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm, phương án sử dụng tài sản, tài chính Quỹ.

e) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý Quỹ.

g) Quyết định thành lập pháp nhân trực thuộc Quỹ, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện Quỹ theo quy định của pháp luật.

h) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quỹ.

i) Quyết định giải thể hoặc đề xuất những thay đổi về Giấy phép thành lập và Điều lệ Quỹ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

k) Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày có Quyết định công nhận Quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận Hội đồng quản lý Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm xây dựng, ban hành: Quy định về quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, các định mức chi tiêu của Quỹ; quy định công tác khen thưởng, kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Quỹ; quy định về thời giờ làm việc, việc sử dụng lao động và sử dụng con dấu của Quỹ; quy định cụ thể việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ và quy chế làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ; quy định cụ thể việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Quỹ hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với Giám đốc Quỹ.

l) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ triệu tập và chủ trì. Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ 3 tháng một lần, có thể họp bất thường theo yêu cầu của 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ. Cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ được coi là hợp lệ khi có 2/3 số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ tham gia.

b) Mỗi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ có một phiếu biểu quyết. Trong trường hợp số thành viên có mặt tại cuộc họp không đầy đủ, người chủ trì cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ xin ý kiến bằng văn bản, ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt có giá trị như ý kiến của thành viên có mặt tại cuộc họp.

c) Các Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ được thông qua khi có 2/3 thành viên Hội đồng quản lý Quỹ tán thành.

Điều 9. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ

1. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là công dân Việt Nam, là người đại diện theo pháp luật của Quỹ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của Quỹ. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ bầu và có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ:

a) Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ.

b) Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng quản lý Quỹ hoặc để lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ.

c) Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ.

d) Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện các Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

đ) Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ ký các Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

e) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

3. Trường hợp vắng mặt thì Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ uỷ quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

Điều 10. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ

1. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ bầu và có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ điều hành các hoạt động của Quỹ theo sự phân công của Hội đồng quản lý Quỹ và thực hiện nhiệm vụ theo sự uỷ quyền của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.

Điều 11. Ban Kiểm soát Quỹ

1. Ban Kiểm soát Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập theo Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ. Đối với quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh hoặc quỹ có công dân, tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập phải có ít nhất 03 (ba) thành viên, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và uỷ viên. Đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện, cấp xã thì Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện chức năng kiểm soát Quỹ.

2. Ban kiểm soát quỹ hoạt động độc lập và có nhiệm vụ sau:

a) Kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo Điều lệ và các quy định của pháp luật.

b) Báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý Quỹ về kết quả kiểm tra, giám sát và tình hình tài chính của Quỹ.

Điều 12. Giám đốc Quỹ

1. Giám đốc Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm trong số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ.

2. Giám đốc Quỹ là người điều hành công việc hàng ngày của quỹ, chịu sự giám sát của Hội đồng quản lý Quỹ, chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền, nhiệm vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc Quỹ không quá 05 năm, có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

3. Giám đốc Quỹ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ, chấp hành các định mức chi tiêu của Quỹ theo đúng Nghị quyết của Hội đồng quản lý, Điều lệ Quỹ và các quy định của pháp luật.

b) Ban hành các văn bản thuộc trách nhiệm điều hành của Giám đốc và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

c) Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của Quỹ với Hội đồng quản lý Quỹ và cơ quan có thẩm quyền.

d) Chịu trách nhiệm quản lý tài sản của Quỹ theo Điều lệ Quỹ và các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản.

đ) Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm Phó Giám đốc và Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

e) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Điều lệ Quỹ và Quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.

Điều 13. Phụ trách kế toán của Quỹ

1. Người phụ trách kế toán Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Quỹ và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực kế toán Nhà nước.

2. Người được giao phụ trách kế toán của Quỹ có trách nhiệm giúp Giám đốc Quỹ tổ chức, thực hiện công tác kế toán, thống kê của Quỹ.

3. Không được bổ nhiệm người có tiền án, tiền sự, bị kỷ luật vì tham ô, xâm phạm tài sản Nhà nước và vi phạm các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính mà chưa được xoá án tích làm phụ trách kế toán của Quỹ.

4. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Quỹ hoặc trường hợp phụ trách kế toán của Quỹ chuyển công việc khác thì người phụ trách kế toán phải hoàn thành việc quyết toán trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Quỹ hoặc nhận việc khác và vẫn phải chịu trách nhiệm về các số liệu, báo cáo kế toán trong giai đoạn mình phụ trách cho đến khi bàn giao xong công việc cho người khác.

Điều 14. Bộ phận chuyên môn giúp việc (do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định).

Chương IV

VẬN ĐỘNG QUYÊN GÓP, TIẾP NHẬN TÀI TRỢ, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ

Điều 15. Vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ

1. Quỹ được vận động quyên góp, vận động tài trợ trong nước và nước ngoài nhằm thực hiện mục đích hoạt động theo quy định của Điều lệ Quỹ và theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản vận động quyên góp, tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ phải được nộp ngay vào Quỹ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, đồng thời công khai thông tin qua trang thông tin điện tử của tổ chức (nếu có) để công chúng và các nhà tài trợ có điều kiện kiểm tra, giám sát.

3. Việc tổ chức vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi xảy ra thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Hội đồng quản lý Quỹ quyết định tổ chức vận động đóng góp và thực hiện hỗ trợ theo hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Đối với khoản tài trợ, quyên góp, ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai, cứu trợ khẩn cấp thực hiện chi đầy đủ 100% ngay sau khi nhận được tiền và tài sản. Đối với những khoản tài trợ có mục đích, mục tiêu phải thực hiện đúng theo yêu cầu của nhà tài trợ.

Điều 16. Nguyên tắc vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ

1. Việc vận động tài trợ, vận động quyên góp tiền, hiện vật, công sức của cá nhân, tổ chức phải trên cơ sở tự nguyện với lòng hảo tâm, Quỹ không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để buộc cá nhân, tổ chức thực hiện.

2. Việc quyên góp, tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền, hiện vật từ cá nhân, tổ chức đóng góp cho Quỹ phải công khai, minh bạch và phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ phải công khai, minh bạch, bao gồm: Mục đích vận động quyên góp, tài trợ; kết quả vận động quyên góp, tài trợ; việc sử dụng, kết quả sử dụng và báo cáo quyết toán.

4. Hình thức công khai bao gồm:

a) Niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận quyên góp, tài trợ và nơi nhận cứu trợ, trợ giúp.

b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

c) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Đối tượng, điều kiện nhận hỗ trợ, tài trợ

Chăm sóc, giáo dục sức khoẻ; khám bệnh cấp thuốc miễn phí; xây dựng và phát triển phòng khám nhân đạo; hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà thường xuyên hoặc đột xuất; cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình thương; đào tạo, tập huấn; phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm hoạ; tìm kiếm tin tức thân nhân bị mất liên lạc; xây dựng các công trình nhân đạo. Bao gồm các đối tượng sau đây:

1. Người nghèo khó, rủi ro bất hạnh, đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn.

2. Người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, lang thang cơ nhỡ.

3. Các gia đình chính sách xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

4. Nạn nhân chất độc da cam.

5. Nhân dân bị thiên tai, thảm hoạ, hoả hoạn.

6. Những người bị tai nạn bất thường, rủi ro bất hạnh có hoàn cảnh khó khăn.

7. Chi vốn đối ứng các dự án viện trợ (nếu có).

Chương V

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN, TÀI CHÍNH

Điều 18. Nguồn thu

1. Thu từ đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

3. Kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp (nếu có), bao gồm:

a) Thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước giao.

b) Thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng.

4. Thu từ lãi tiền gửi, lãi Trái phiếu Chính phủ.

5. Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

Điều 19. Sử dụng Quỹ

1. Chi tài trợ, bao gồm

Tài trợ cho các chương trình, các đề án nhằm mục đích nhân đạo, từ thiện, khuyến khích phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học và các mục đích xã hội khác vì sự phát triển cộng đồng theo Điều lệ Quỹ. Tài trợ theo sự uỷ nhiệm của cá nhân, tổ chức và thực hiện các dự án tài trợ có địa chỉ theo quy định của pháp luật. Tài trợ cho tổ chức, cá nhân phù hợp với mục đích của Quỹ.

2. Đối với việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thực hiện theo quy định của pháp luật về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

3. Việc tiếp nhận, sử dụng viện trợ từ tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quy chế quản lý, sử dụng viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài và các văn bản liên quan.

4. Chỉ thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng hoặc các nhiệm vụ khác do cơ quan Nhà nước giao.

5. Chi cho hoạt động quản lý Quỹ.

6. Mua Trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm đối với tiền nhàn rỗi của Quỹ (không bao gồm kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, nếu có).

Điều 20. Nội dung chi cho hoạt động quản lý Quỹ

1. Nội dung chi hoạt động quản lý Quỹ bao gồm

a) Chi tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý Quỹ.

b) Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp theo quy định.

c) Chi thuê trụ sở làm việc (nếu có).

d) Chi mua sắm, sửa chữa vật tư văn phòng, tài sản phục vụ hoạt động của Quỹ.

đ) Chi thanh toán dịch vụ công cộng phục vụ hoạt động của Quỹ.

e) Chi các khoản công tác phí phát sinh đi làm các nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ.

g) Chi cho các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ chung trong quá trình vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ (tiền thuê kho, bến bãi; chi phí đóng thùng, vận chuyển hàng hoá; chi phí chuyển tiền; chi phí liên quan đến phân bổ tiền, hàng cứu trợ).

h) Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ.

2. Định mức chi hoạt động quản lý Quỹ:

a) Hội đồng quản lý Quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý Quỹ, tối đa không quá 5% (năm phần trăm) tổng thu hàng năm của Quỹ (không bao gồm các khoản: Tài trợ bằng hiện vật, tài trợ của Nhà nước để thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề án do Nhà nước đặt hàng).

b) Trường hợp nhu cầu chi thực tế cho hoạt động quản lý Quỹ vượt quá 5% (năm phần trăm) tổng thu hàng năm của Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ quy định mức chi sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Quỹ hoặc cơ quan tài chính của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập Quỹ.

c) Trường hợp chi phí quản lý của Quỹ đến cuối năm không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định.

Điều 21. Quản lý tài chính, tài sản của Quỹ

1. Hội đồng quản lý Quỹ ban hành các quy định về quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, các định mức chi tiêu của Quỹ; phê duyệt tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý Quỹ, chuẩn y kế hoạch tài chính và xét duyệt quyết toán tài chính hàng năm của Quỹ.

2. Ban Kiểm soát Quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ và báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý về tình hình tài sản, tài chính của Quỹ.

3. Giám đốc Quỹ chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng tài sản, tài chính, nguồn thu, các định mức chi tiêu của Quỹ theo đúng Nghị quyết của Hội đồng quản lý trên cơ sở nhiệm vụ hoạt động đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua; không được sử dụng tài sản, tài chính Quỹ vào các hoạt động khác ngoài tôn chỉ, mục đích của Quỹ.

4. Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ có trách nhiệm công khai tình hình tài sản, tài chính Quỹ hàng quý, năm theo các nội dung sau:

a) Danh sách, số tiền, hiện vật đóng góp, tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân cho Quỹ.

b) Danh sách, số tiền, hiện vật tổ chức, cá nhân được nhận từ Quỹ.

c) Báo cáo tình hình tài sản, tài chính và quyết toán quý, năm của Quỹ theo từng nội dung thu, chi theo Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

5. Đối với các khoản chi theo từng đợt vận động, việc báo cáo được thực hiện theo quy định hiện hành về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

6. Quỹ phải thực hiện công khai báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán Quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) hàng năm theo quy định hiện hành.

Điều 22. Xử lý tài sản của Quỹ khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, tạm đình chỉ và giải thể

1. Trường hợp Quỹ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì toàn bộ tiền và tài sản của Quỹ phải được tiến hành kiểm kê đầy đủ, kịp thời trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; tuyệt đối không được phân chia tài sản của Quỹ.

Tiền và tài sản của Quỹ mới được sáp nhập, hợp nhất phải bằng với tổng số tiền và tài sản của Quỹ trước khi sáp nhập, hợp nhất.

Tổng số tiền và tài sản của các quỹ mới được chia, tách phải bằng với số tiền và tài sản của Quỹ trước khi chia, tách.

2. Trường hợp Quỹ bị tạm đình chỉ hoạt động thì toàn bộ tiền và tài sản của Quỹ phải được kiểm kê và giữ nguyên hiện trạng tài sản. Trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động, Quỹ chỉ được chi các khoản có tính chất thường xuyên cho bộ máy đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Trường hợp Quỹ bị giải thể, không được phân chia tài sản của Quỹ. Việc bán, thanh lý tài sản của Quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Toàn bộ số tiền hiện có của Quỹ và tiền thu được do bán, thanh lý tài sản của Quỹ được sử dụng vào việc thanh toán các khoản nợ, theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác của người lao, động hợp đồng lao động đã ký kết.

b) Nợ thuế và các khoản phải trả khác.

5. Sau khi thanh toán các khoản nợ và chi phí giải thể, số tiền và tài sản còn lại của Quỹ do cơ quan thuộc cấp nào cho phép thành lập thì được nộp vào ngân sách cấp đó.

Chương VI

HỢP NHẤT, SÁP NHẬP, CHIA, TÁCH, ĐỔI TÊN VÀ GIẢI THỂ QUỸ

Điều 23. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên Quỹ

1. Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Thủ tục hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ:

Quỹ thực hiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách gửi 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP.

3. Hồ sơ hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ, gồm:

a) Đơn đề nghị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ, trong đó nêu rõ lý do và tên gọi mới của Quỹ.

b) Dự thảo Điều lệ Quỹ.

c) Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ về việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ; ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có).

d) Dự kiến nhân sự Hội đồng quản lý Quỹ.

đ) Phương án giải quyết tài sản, tài chính, lao động khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ.

4. Đổi tên Quỹ

a) Việc đổi tên Quỹ phải có Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ, ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có).

b) Quỹ gửi 01 (một) bộ hồ sơ xin đổi tên Quỹ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP hồ sơ gồm: Đơn đề nghị đổi tên Quỹ; Nghị quyết của Hội đồng quản lý về việc đổi tên Quỹ; dự thảo điều lệ sửa đổi, bổ sung; ý kiến đồng ý bằng văn bản của sáng lập viên hoặc người đại diện hợp pháp của sáng lập viên (nếu có).

5. Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên Quỹ theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Giải thể Quỹ

1. Quỹ có thể tự giải thể hoặc bị giải thể.

2. Quỹ tự giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Chấm dứt hoạt động theo quy định của Điều lệ Quỹ.

b) Mục tiêu hoạt động của Quỹ đã hoàn thành.

c) Không còn khả năng về tài sản, tài chính để hoạt động.

3. Trình tự, thủ tục và hồ sơ tự giải thể Quỹ: Hội đồng quản lý Quỹ ra Nghị quyết về việc Quỹ tự giải thể và gửi 01 (một) bộ hồ sơ xin giải thể đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 16 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị giải thể.

b) Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ về tự giải thể, trong đó nêu rõ lý do giải thể Quỹ.

c) Bản kiểm kê tài sản, tài chính của Quỹ có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, Trưởng Ban Kiểm tra, Giám đốc và phụ trách kế toán.

d) Dự kiến phương thức xử lý tài sản, tài chính, lao động và thời hạn thanh toán các khoản nợ.

đ) Thông báo thời hạn thanh toán nợ (nếu có) cho các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật và báo viết hoặc báo điện tử.

e) Các tài liệu chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ tài sản, tài chính của Quỹ.

4. Quỹ bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Không báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính trong 02 (hai) năm liên tục.

b) Giả mạo về thông tin kế toán, số tài khoản đăng ký; không đạt mức giải ngân quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP.

c) Không tự giải thể theo những quy định tại Khoản 2 Điều này.

d) Vi phạm một trong các quy định tại Điều 7 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP.

đ) Quá thời hạn tạm đình chỉ Quỹ không khắc phục được vi phạm theo quy định tại Khoản 5 Điều 37 Nghị định số 30/2012/NĐ-CP.

5. Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định giải thể Quỹ theo quy định của pháp luật.

Chương VII

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 25. Khen thưởng

1. Tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quỹ sẽ được Hội đồng quản lý Quỹ khen thưởng hoặc được Hội đồng quản lý Quỹ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng quản lý Quỹ quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền, trình tự xét khen thưởng trong nội bộ Quỹ.

Điều 26. Kỷ luật

1. Tổ chức thuộc Quỹ, những người làm việc tại Quỹ vi phạm quy định của Điều lệ này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng quản lý Quỹ quy định cụ thể hình thức, thẩm quyền trình tự xem xét, quyết định kỷ luật trong nội bộ Quỹ.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quỹ phải được 2/3 thành viên Hội đồng quản lý Quỹ thông qua.

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La có 8 Chương, 28 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận.

2. Căn cứ các quy định pháp luật về Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện và Điều lệ Quỹ đã được công nhận, Hội đồng quản lý Quỹ Nhân đạo và bảo trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Sơn La có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1521/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 1521/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 22/07/2013
Ngày hiệu lực 22/07/2013
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 11 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1521/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1521/QĐ-UBND năm 2013 Giấy phép thành lập Quỹ Nhân đạo bảo trợ nạn nhân da cam Sơn La


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 1521/QĐ-UBND năm 2013 Giấy phép thành lập Quỹ Nhân đạo bảo trợ nạn nhân da cam Sơn La
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 1521/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Ngọc Toa
Ngày ban hành 22/07/2013
Ngày hiệu lực 22/07/2013
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 11 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản được dẫn chiếu

Văn bản hướng dẫn

Văn bản được hợp nhất

Văn bản gốc Quyết định 1521/QĐ-UBND năm 2013 Giấy phép thành lập Quỹ Nhân đạo bảo trợ nạn nhân da cam Sơn La

Lịch sử hiệu lực Quyết định 1521/QĐ-UBND năm 2013 Giấy phép thành lập Quỹ Nhân đạo bảo trợ nạn nhân da cam Sơn La

  • 22/07/2013

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 22/07/2013

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực