Nội dung toàn văn Quyết định 1532/QĐ-UBND 2019 an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng đường bộ tỉnh Trà Vinh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1532/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 13 tháng 8 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG AN TOÀN GIAO THÔNG CỦA KẾT CẤU HẠ TẦNG TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG BỘ DO SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ TRONG GIAI ĐOẠN 2016-2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1443/QĐ-TTg ngày 31/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác;
Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ;
Căn cứ Quyết định số 1441/QĐ-UBND ngày 08/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 104/TTr-SGTVT ngày 28/6/2019 của Giám đốc Sở Giao thông vận tải về việc phê duyệt Đề án tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng trên các tuyến đường bộ do Sở Giao thông vận tải quản lý trong giai đoạn 2016-2020 và Báo cáo thẩm định số 235/BC-SGTVT ngày 28/6/2019 của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng trên các tuyến đường bộ do Sở Giao thông vận tải quản lý trong giai đoạn 2016-2020 với các nội dung như sau:
1. Quan điểm
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở;
- Tăng cường công tác thẩm định an toàn giao thông, phát hiện và xử lý những bất cập về an toàn giao thông của toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác;
- Rà soát trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, phát hiện những vị trí hư hỏng, tiềm ẩn tai nạn giao thông, có nguy cơ mất an toàn giao thông,... đề xuất các giải pháp xử lý cụ thể.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ do Sở Giao thông vận tải quản lý trong giai đoạn 2016-2020.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm về an toàn giao thông đường bộ; phân tích thực nghiệm nguyên nhân tai nạn giao thông dựa trên số liệu thực tế thu thập được;
- Đề xuất các giải pháp kỹ thuật về điều khiển, tổ chức giao thông trên các tuyến đường, các nút giao thông; các giải pháp cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện thực tế ở tỉnh Trà Vinh, hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
3. Giải pháp
- Giải pháp về sửa chữa kết cấu, mở rộng mặt đường (phần xe chạy), nền đường và lề đường: Khi cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cần đảm bảo bề rộng mặt đường (phần xe chạy), bề rộng nền đường, lề đường, đúng với quy định của Tiêu chuỗi thiết kế đường ô tô TCVN4054-05, phù hợp quy hoạch đã được duyệt.
- Giải pháp về tổ chức giao thông: Tổ chức giao thông phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tuyến đường giúp cho việc khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ đạt hiệu quả cao, phương tiện lưu thông an toàn, êm thuận và đảm bảo tuân thủ quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT.
- Giải pháp cải thiện yếu tố hình học (về mặt cắt ngang tuyến, bình đồ tuyến, nút giao,...), đảm bảo tầm nhìn và cảnh báo trên đường; khống chế tốc độ xe chạy và bảo vệ người đi bộ.
- Giải pháp bố trí thiết bị trên đường để đảm bảo an toàn giao thông: Bố trí cọc tiêu, tường hộ lan,...
- Giải pháp tuyên truyền và cưỡng chế: Tuyên truyền về việc chấp hành luật giao thông đường bộ kết hợp với biện pháp tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông. Cưỡng chế lấn chiếm lòng lề đường ở các vị trí tập trung đông dân cư, khu vực chợ, trường học, bệnh viện, v.v.
- Giải pháp quản lý:
+ Công tác thống kê tai nạn giao thông: cần ghi rõ lý trình trên các tuyến; phạm vi mô tả tai nạn cần mở rộng đảm bảo cho công tác phân tích nguyên nhân tai nạn, điều kiện đường trước và sau vị trí tai nạn để đề xuất phương án giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
+ Hồ sơ đăng ký đường (đặc điểm hình học, chất lượng nền, mặt đường; thời điểm cải tạo, nâng cấp,...) cần được lập chi tiết phục vụ công tác phân tích số liệu tai nạn.
+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
+ Đối với các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cần tuân thủ các quy định hiện hành về thẩm tra an toàn giao thông đường bộ.
4. Khối lượng và kế hoạch thực hiện
4.1. Tổng hợp khối lượng và kinh phí
Bảng tổng hợp khối lượng thực hiện và kinh phí
TT | Giải pháp | Số lượng các vị trí xử lý | Đơn vị | Khối lượng | Kinh phí (triệu đồng) |
1 | Sửa mặt đường, lề đường | 71 | m2 | 73.057 | 21.917,0 |
2 | Giải tỏa cây xanh | 59 |
| 0 | 0,0 |
3 | Giải tỏa lấn chiếm | 32 |
| 0 | 0,0 |
4 | Gờ giảm tốc | 179 | m2 | 2.217 | 1.1305,2 |
5 | Vạch bộ hành | 39 | m2 | 253 | 75,8 |
6 | Vạch tim đường 1.1 | 19 | m2 | 14.067 | 4.220,2 |
7 | Vạch tim đường 1.2 | 37 | m2 | 875 | 262,6 |
8 | Vạch sơn kép tim đường, vạch 1.3 | 18 | m2 | 786 | 235,8 |
9 | Đinh phản quang | 18 | Cái | 610 | 152,5 |
10 | Biển báo | 16 | Cái | 31 | 46,5 |
11 | Cọc tiêu | 3 | Cột | 40 | 10,0 |
12 | Cải tuyến, cải tạo nút giao | 40 |
| 0 | 0,0 |
13 | Lắp đèn cảnh báo năng lượng mặt trời | 6 | Cái | 10 | 1.000,0 |
14 | Kênh hóa nút giao vạch 4.1, 4.3 | 6 | m2 | 130 | 104,0 |
| Tổng cộng | 543 |
|
| 39.329,6 |
(Ba mươi chín tỷ, ba trăm hai mươi chín triệu, sáu trăm nghìn đồng).
Riêng công tác giải tỏa cây xanh, giải tỏa lấn chiếm cần có khảo sát cụ thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch thực hiện, không tính vào tổng mức kinh phí của Đề án. Công tác cải tuyến, cải tạo các nút giao cần có khảo sát chi tiết, kinh phí từ các dự án nâng cấp, cải tạo theo quy hoạch được duyệt.
4.2. Kế hoạch thực hiện
- Giai đoạn 1, từ 2019-2020: Xử lý các vị trí nguy hiểm, tập trung tai nạn, các điểm đen, điểm tiềm ẩn chưa giải quyết triệt để 123 điểm/nội dung; kinh phí dự kiến 6.300,2 triệu đồng;
- Giai đoạn 2, từ năm 2020-2021: Xử lý các vị trí nguy hiểm 333 điểm/nội dung xử lý, kinh phí dự kiến 30.294,6 triệu đồng;
- Giai đoạn 3, từ 2022-2025: Xử lý 48 điểm/vị trí, kinh phí dự kiến 2.734,8 triệu đồng;
- Giai đoạn 4, từ 2026 đến 2030: Thực hiện cải tuyến, cải tạo nút giao theo quy hoạch được duyệt (phần này không tổng hợp kinh phí).
5. Tổ chức thực hiện
5.1. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải thường xuyên rà soát, xác định và tiến hành cải tạo các điểm đen và các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; rà soát, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường bộ có cấp kỹ thuật hạn chế; tăng cường công tác bảo trì đường bộ; đảm bảo an toàn giao thông tại các nút giao, các đoạn cong có bán kính cong không đảm bảo tiêu chuẩn. Từng bước thay thế, cải tạo, xây dựng mới các cây cầu không đảm bảo khổ cầu, tải trọng ứng với cấp đường; rà soát, giải tỏa các chướng ngại vật che khuất tầm nhìn xe chạy;
- Phối hợp với các sở, ngành và địa phương lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ và chống tái lấn chiếm lòng, lề đường bộ; đồng thời kiện toàn và nâng cao năng lực cho cơ quan quản lý, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; xây dựng phần mềm quản lý bảo trì đường bộ;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về phương tiện, người lái, tải trọng phương tiện, kết cấu hạ tầng; phối hợp với các địa phương đình chỉ hoạt động các phương tiện không đủ điều kiện an toàn, vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường bộ;
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo nội dung của Đề án.
5.2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan chức năng của Sở Giao thông vận tải tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng đối với các phương tiện trên các tuyến đường bộ;
- Phối hợp với các ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
5.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống đường bộ; xây dựng kế hoạch triển khai, quản lý việc họp chợ, xây dựng công trình và các hoạt động khác trên hành lang bảo vệ đường bộ;
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải trong việc thanh thải các chướng ngại vật, giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, giải tỏa các bến thủy nội địa không phép trên địa bàn; kiểm tra các dự án đang khai thác đất, cát trong phạm vi quản lý của địa phương; đình chỉ, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác không phép, sai phép, không thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường bộ;
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông trên địa bàn quản lý;
- Chỉ đạo tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện thủy theo quy định của pháp luật; xây dựng các quy định về quản lý phương tiện thủy thô sơ, phương tiện được miễn đăng ký theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |