Nội dung toàn văn Quyết định 1539-TC quy định tạm thời tổ chức Công ty vận tải đường sông
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ******
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà nội, ngày 16 tháng 11 năm 1964 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC CÔNG TY VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 160-CP ngày 09-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ vào sự cần thiết của công việc vận tải đường sông;
Căn cứ đề nghị của ông Cục trưởng Cục Vận tải đường thủy và ông Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Công bố quy định tạm thời về tổ chức Công ty vận tải đường sông.
Kèm theo bản quy định tạm thời về tổ chức Công ty vận tải đường sông này có một bản định viên mẫu và một bản phạm vi trách nhiệm mẫu.([1])
Đối với bản định viên mẫu; các Công ty dùng để tham khảo mà làm định viên nhân viên quản lý hàng năm. Biểu định viên nhân viên quản lý hàng năm của Công ty phải được cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp duyệt mới thi hành. Khi Cục Vận tải đường thủy hoặc các Sở, Ty Giao thông duyệt biểu định viên nhân viên quản lý hàng năm phải căn cứ vào bản định viên mẫu này và tình hình thực tế từng công ty mà xác định cho hợp lý.
Đối với bản phạm vi trách nhiệm mẫu, các Công ty vận tải có thể căn cứ vào tình hình thực tế của Công ty mình mà bổ sung cho thích hợp trong khi thực hiện.
Điều 2: Các ông Chánh văn phòng, Cục trưởng Cục Vận tải đường thủy, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, Chủ nhiệm Công ty vận tải đường sông và các cơ quan của Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này, theo dõi sự thực hiện và đề nghị bổ sung sửa đổi những điểm cần thiết để hoàn chỉnh dần.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TỔ CHỨC CÔNG TY VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1539-TC ngày 16-11-1964 của Bộ Giao thông vận tải)
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1: Công ty vận tải đường sông là một xí nghiệp vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt việc vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sông với phương tiện của mình, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước và nhu cầu đi lại của nhân dân trên những khúc sông quy định.
Điều 2: Công ty vận tải đường sông thực hiện chế độ hách toán kinh tế độc lập, có tài sản cố định và được Nhà nước cấp vốn lưu động để hoạt động, được mở sổ sách kế toán và có tài khoản riêng ở Ngân hàng Nhà nước, có tư cách pháp nhân về phương diện pháp luật.
Điều 3: Các Công ty vận tải đường sông của trung ương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Cục Vận tải đường thủy. Việc thành lập hoặc bãi bỏ các Công ty này do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Vận tải đường thủy và Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương.
Các Công ty vận tải đường sông của địa phương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của các Sở,Ty Giao thông vận tải địa phương. Việc thiết lập hoặc bãi bỏ các Công ty vận tải đường sông của địa phương do Ủy ban hành chính các tỉnh hoặc thành phố quyết định theo đề nghị của cơ quan giao thông vận tải địa phương, sau khi đã trao đổi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải.
Điều 4: Công ty vận tải đường sông do một chủ nhiệm phụ trách, có một hoặc nhiều phó chủ nhiệm giúp. Việc bổ nhiệm hoặc bãi miễn chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các Công ty thuộc trung ương được tiến hành theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Giao thông vận tải; các Công ty thuộc điạ phương theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Ủy ban hành chính địa phương.
Phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của chủ nhiệm, phó chủ nhiệm quy định trong một văn bản riêng (phạm vi trách nhiệm kèm theo)(1)[2].
Điều 5: Cấp bậc tổ chức Công ty vận tải đường sông căn cứ vào tổng sản lượng (Tấn/Km hoặc người/Km), sức kéo của tầu kéo (mã lực), số lượng và trọng tải của phương tiện để xác định. Tạm thời chia làm năm cấp: 1, 2, 3, 4, 5. Tiêu chuẩn cụ thể để phân chia cấp bậc tổ chức sẽ quy định sau.
Chương 2:
NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG TY
Điều 6: Công ty vận tải đường sông có những nhiệm vụ như sau:
1. Tổ chức tốt việc vận tải, đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch một cách toàn diện;
2. Sử dụng và bảo quản tốt các phương tiện vận tải, các thiết bị, máy móc, đảm bảo không ngừng nâng cao hiệu suất sử dụng của những phương tiện, thiết bị ấy;
3. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy trình, quy tắc về vận chuyển và các chế độ , luật lệ giao thông vận tải của Nhà nước, đảm bảo vận chuyển nhanh chóng và an toàn;
4. Đặt ra và thực hiện các biện pháp tổ chức kỹ thuật để không ngừng cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và áp dụng kỹ thuật mới trong quá trình lai dắt, rút ngắn chu kỳ vận chuyển;
5. Thực hiện tốt công tác hạch toán kinh tế, tìm mọi biện pháp tổ chức để cải tiến công tác quản lý kinh tế, giảm bớt chi phí gián tiếp trong sản xuất, không ngừng hạ thấp giá thành vận chuyển và nâng cao doanh lợi;
6. Thực hiện tốt công tác an toàn kỹ thuật; bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn sản xuất, dùng mọi phương sách để cải thiện điều kiện lao động, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa của cán bộ, công nhân, viên chức trong Công ty;
7. Căn cứ vào các quy định của Bộ hoặc của Ủy ban hành chính địa phương và kế hoạch lao động hàng năm đã được phê chuẩn tuyển lựa công nhân viên chức, sắp xếp sử dụng hợp lý sức lao động của công nhân, giáo dục công nhân, củng cố kỹ thuật lao động, tăng cường bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ thành thuộc về nghề nghiệp của cán bộ, công nhân; viên chức.
8. Đảm bảo chấp hành tốt các chính sách; chế độ về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội v.v… cho cán bộ, công nhân, công nhân viên chức; áp dụng mọi biện pháp để đẩy mạnh sản xuất trên cơ sở kết hợp đúng đắn công tác giáo với việc khuyến khích vật chất;
9. Lãnh đạo phong trào thi đua lao động; mở rộng việc áp dụng các phương pháp công tác tiên tiến, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, áp dụng các sáng kiến phát minh để không ngừng nâng cao năng suất lao động;
10. Tổ chức công tác bảo vệ và phòng cháy; chữa cháy, phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn cho Công ty;
Chương 3:
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÔNG TY
Điều 7: Bộ máy tổ chức Công ty có các bộ môn kỹ thuật, nghiệp vụ dưới đây:
a) Đối với Công ty cấp I và cấp II gồm có:
- Phòng kế hoạch thống kê
- Phòng khai thác điều vận
- Phòng kỹ thuật thiết bị.
- Phòng kiến thiết cơ bản.
- Phòng vật liệu
- Phòng kế toán tài vụ
- Phòng nhân sự giáo dục.
- Phòng lao động tiền lương.
- Phòng hành chính quản trị.
- Tổ bảo vệ tự vệ
- Tổ y tế.
b) Đối với Công ty cấp III và cấp IV gồm có:
- Phòng kế hoạch khai thác (bao gồm cả kiến thiết cơ bản).
- Phòng kỹ thuật thiết bị vật liệu.
- Phòng kế toán tài vụ.
- Phòng nhân sự tiền lương.
- Phòng hành chính quản trị (bao gồm y tế và bảo vệ)
c) Đối với Công ty cấp V chỉ lập các bộ phận công tác.
Điều 8: Mỗi phòng do một trưởng phòng phụ trách, có các phó phòng giúp. Việc bổ nhiệm hoặc bãi miễn trưởng, phó phòng căn cứ vào quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 9: Các Công ty có thể căn cứ vào tình hình phương tiện và luồng lạch của mình để thiết lập các “đội vận chuyển” (đội tàu hoặc đội thuyền). Đội vận chuyển là một khâu sản xuất cơ sở của Công ty đồng thời là một cấp quản lý thực hiện chế độ hạch toán kinh tế nội bộ trong Công ty. Ở những nơi phương tiện ít, không nên thiết lập đội, mà do các thuyền trưởng (hoặc lái trưởng) chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Công ty.
Điều 10: Mỗi đội vận chuyển do một đội trưởng phụ trách, có một hoặc hai đội phó giúp, đội trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Công ty. Việc bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm đội trưởng, đội phó căn cứ vào các quy đinh về phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 11: Trong các đội vận chuyển của Công ty tùy theo tính chất cấu trúc của phương tiện, số lượng phương tiện và thuyền viên hoạt động trên tuyến đường nhất định được tổ chức thành các “tổ vận chuyển” (tổ tàu, tổ sà-lan, tổ thuyền v.v…)
- Mỗi tàu (tàu kéo hoặc ca-nô kéo) tổ chức thành một tổ tàu do thuyền trưởng (hoặc lái trưởng) phụ trách, có một hoặc hai thuyền phó giúp việc (loại tàu có mã lực lớn).
- Có thể từ 4 đến 6 sà-lan với số lượng từ 8 đến 12 thủy thủ tổ chức thành một tổ sà-lan do một tổ trưởng phụ trách. Nếu sà-lan loại từ 200 tấn trở lên, số lượng thủy thủ có thể bố trí nhiều hơn, nhưng mỗi tổ không nên quá 15 người.
- Có thể từ 4 đến 6 thuyền buồm, với số lượng từ 8 đến 12 thủy thủ tổ chức thành một tổ thuyền do một tổ trưởng phụ trách. Các tổ vận chuyển này đều thuộc quyền lãnh đạo trực tiếp của đội vận chuyển, chịu trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ của đội được giao. Việc thiết lập, bãi bỏ, sửa đổi các tổ này đều do Chủ nhiệm Công ty quyết định theo đề nghị của đội trưởng đội vận chuyển, trưởng phòng khai thác điều vận và trưởng phòng nhân sự tiền lương.
Ngoài ra trong một chuyến đi (chuyến đi quay vòng, chuyến đi vòng tròn v.v…) có thể ghép một hoặc nhiều tổ sà-lan, thuyền thành “đoàn vận chuyển”. Đoàn vận chuyển là một hình thức tổ chức ghép tạm thời của từng chuyến đi, khi hoàn thành nhiệm vụ của chuyến đi ấy thì giải tán và được tổ chức ghép thành đoàn khác để nhận nhiệm vụ chuyến đi sau; do đó, đoàn vận chuyển ở đây không phải là một cấp quản lý. Đoàn vận chuyển tổ chức ghép lớn hay nhỏ là tùy thuộc ở khối lượng hàng hóa nhiều hay ít, sức kéo của tàu kéo và luồng lạch rộng hay hẹp quyết định. Chủ nhiệm Công ty sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể để quy định thích hợp với từng luồng.
Để đảm bảo an toàn trong chuyến đi của đoàn vận chuyển thuyền trưởng trên tàu kéo chịu trách nhiệm làm đoàn trưởng lãnh đạo chuyến đi của đoàn. Giúp đoàn trưởng có một hoặc hai đoàn phó được đội trưởng đội vận chuyển chỉ định trong các thuyền viên (tổ trưởng tổ vận chuyển) đi cùng chuyến để hướng dẫn tuân theo lệnh chỉ huy thống nhất của đoàn trưởng cho đến khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 12: Để đảm bảo việc sửa chữa phương tiện vận tải và các thiết bị, máy móc dụng cụ, mỗi Công ty có một xưởng sửa chữa được trang bị đến mức sửa chữa vừa trở xuống.
Xưởng sửa chữa do một quản đốc phụ trách có một hoặc hai phó quản đốc giúp. Quản đốc chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Công ty. Việc bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm quản đốc, phó quản đốc căn cứ vào các quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 13: Trong xưởng sửa chữa của Công ty tùy theo tính chất công việc và số lượng biên chế, các công nhân được tổ chức thành các tổ sản xuất (có thể tổ chức theo quá trình công nghệ hay đối tượng sản phẩm) mỗi tổ do một tổ trưởng phụ trách. Số lượng biên chế của mỗi tổ không nên quá 15 người.
Các tổ sản xuất này đều thuộc quyền lãnh đạo trực tiếp của xưởng, chịu trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ của xưởng giao. Việc thiết lập, bãi bỏ, sửa đổi các tổ này đều do Chủ nhiệm Công ty quyết định theo đề nghị của quản đốc xưởng, trưởng phòng kỹ thuật thiết bị và trưởng phòng nhân sự tiền lương.
Điều 14: Phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của các cán bộ lãnh đạo Công ty vận tải đường sông quy định trong một văn bản riêng (phạm vi trách nhiệm mẫu kèm theo).
Điều 15: Số nhân viên công tác của các Công ty do các Công ty căn cứ vào khối lượng công việc và tính chất công tác hàng năm của Công ty để lập kế hoạch lao động và trình cấp trên trực tiếp phê chuẩn kế hoạch ấy.
Khi xác định số nhân viên công tác hàng năm trong đó:
- Đối với số nhân viên quản lý, các Công ty dựa vào biểu định viên nhân viên quản lý hành chính mẫu của Bộ và căn cứ vào yêu cầu thực tế trong công tác quản lý để lập biểu định viên nhân viên quản lý hành chính của Công ty;
- Đối với số cán bộ thuyền viên ở trên các tàu hoặc thuyền, các Công ty dựa vào biểu định viên nhân viên phục vụ mẫu của Bộ và căn cứ vào yêu cầu thực tế trong sản xuất để lập biểu định viên nhân viên phục vụ của Công ty;
- Đối với số nhân viên khác, các Công ty dựa vào những quy định chung của Nhà nước và tình hình cụ thể của Công ty để tính.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16: Quy định này áp dụng chung đối với tất cả các Công ty vận tải đường sông thuộc ngành giao thông vận tải.
Điều 17: Việc sửa đổi quy định này do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
Ban hành kèm theo Quyết định số 1539-TC ngày 16 tháng 11 năm 1964.
([1]) Bản định viên mẫu và bản phạm vi trách nhiệm mẫu không đăng công báo
(1) Bản định viên mẫu và bản phạm vi trách nhiệm mẫu không đăng công báo.