Quyết định 1557/2001/QĐ-TCHQ bản hướng dẫn tạm thời thực hiện Điều 29, Điều 30 Luật Hải quan đã được thay thế bởi Thông tư 32/2003/TT-BTC Luật Hải quan thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan hướng dẫn thực hiện Nghị định 101/2001/NĐ-CP và được áp dụng kể từ ngày 30/05/2003.
Nội dung toàn văn Quyết định 1557/2001/QĐ-TCHQ bản hướng dẫn tạm thời thực hiện Điều 29, Điều 30 Luật Hải quan
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1557/2001/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 1557/2001/QĐ-TCHQ NGÀY 28 THÁNG 12 NĂM 2001 BAN HÀNH BẢN HƯỚNG DẪN TẠM THỜI THỰC HIỆN ĐIỀU 29, ĐIỀU 30 LUẬT HẢI QUAN.
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001.
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Bản hướng dẫn tạm thời thực hiện Điều 29, Điều 30 Luật Hải quan.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2002.
Điều 3: Các ông Cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Đức Kiên (Đã ký) |
BẢN HƯỚNG DẪN TẠM THỜI
THỰC HIỆN ĐIỀU 29, 30 LUẬT HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1557/2001/QĐ-TCHQ ngày 28/12/2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan )
Để đảm bảo thực hiện Luật Hải quan đúng thời gian quy định, trong khi chờ Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luạt Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan, căn cứ vào quy định tại Điều 29, 30 Luật Hải quan, Nghị quyết của Quốc hội khoá X về nhiệm vụ năm 2002 và 5 năm 2001 -2005, Tổng cục Hải quan hướng dẫn tạm thời việc áp dụng các hình thức kiểm tra thực tế như sau:
I. CĂN CỨ (TIÊU CHÍ) ĐỂ QUYẾT ĐỊNH HÌNH THỨC KIỂM TRA THỰC TẾ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU:
- Khi xem xét, quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá, Chi cục trưởng phải căn cứ vào:
1. Quá trình chấp hành pháp luật của chủ hàng đối với mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu;
2. Chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
3. Tính chất, chủng loại, nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
4. Hồ sơ hải quan
5. Các thông tin khác có liên quan đến hàng hoá.
- Trong các căn cứ trên thì căn cứ trước hết, bao trùm là quá trình chấp hành pháp luật của chủ hàng. Khi quyết định chọn hình thức kiểm tra cụ thể trước hết phải xem xét đến căn cứ này, sau đó mới tiếp tục xem xét đến căn cứ khác.
- Khuyến khích tối đa hàng hoá xuất khẩu, nên nói chung chuyển sang kiểm tra sau thông quan, chỉ áp dụng kiểm tra thực tế hàng hoá khi bằng các biện pháp nghiệp vụ Hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Kiểm tra chặt chẽ, đúng pháp luật đối với hàng hoá nhập khẩu để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo định hướng XHCN, bảo hộ sản xuất trong nước theo lộ trình cam kết hội nhập kinh tế khu vực thế giới.
II. CĂN CỨ (TIÊU CHÍ) VÀ CÁC HÌNH THỨC KIỂM TRA THỰC TẾ:
1. Miễn kiểm tra thực tế:
a.1 Chủ hàng có quá trình một (1) năm xuất khẩu chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan bằng hình thức phạt tiền với mức phạt trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan, và tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, hải quan không có thông tin gì khác về việc chấp hành pháp luật của chủ hàng và về lô hàng.
a.2 Mặt hàng xuất khẩu sau đây của chủ hàng đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a.1 trên đây được miễn kiểm tra thực tế: hàng nông sản, thuỷ sản, cao su tự nhiên, hàng thực phâmt tươi sống, hàng thực phẩm chế biến; hàng dệt may, giầy dép; hàng thủ công mỹ nghệ; hàng hoá cần được bảo quản đặc biệt; hàng điện tử, hàng cơ khí điện máy; hàng lỏng, hàng rời và các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất lượng, chủng loại phải căn cứ vào kết luận của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định; hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khu chế xuất; hàng xuất khẩu thường xuyên.
a.3 Đối với sản phẩm gia công xuất khẩu được miễn kiểm tra thực tế thì khi làm thủ tục hải quan cũng được miễn đối chiếu mẫu nguyên liệu nhập. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng đúng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó.
b) Đối với hàng nhập khẩu:
b.1. Chủ hàng có quá trình hai (2) năm nhập khẩu chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan bằng hình thức phạt tiền với mức phạt trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan, và tại thời điểm làm thủ tục hải quan cho lô hàng nhập khẩu, hải quan không có thông tin gì khác về việc chấp hành pháp luật của chủ hàng và về lô hàng.
b.2. Mặt hàng nhập khẩu sau đây của chủ hàng đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b.1 trên đây được miễn kiểm tra thực tế: thiết bị, máy móc chưa qua sử dụng, hàng thực phẩm tươi sống, hàng hoá cần phải bảo quản đặc biệt; hàng gửi Kho ngoại quan, Kho bảo thuế, hàng đưa vào khu vực bảo thuế, hàng đưa vào khu thương mại tự do và các khu vực ưu đãi hải quan khác; hàng lỏng, hàng rời và các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất lượng, chủng loại phải căn cứ vào kết luận của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định; Hàng nhập khẩu vào Khu chế xuất; hàng nhập khẩu thường xuyên.
c) Việc xác nhận thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hoá miễn kiểm tra thực tế được quy định như sau:
c.1. Nếu hàng hoá có kết quả kiểm tra, kết quả giám định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định thì cơ quan hải quan ghi xác nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thực tế theo kết luận của các cơ quan, tổ chức này.
c.2. Đối với hàng hoá khác, cơ quan hải quan ghi xác nhận miễn kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo nội dung tự kê khai của người khai hải quan. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tự kê khai của mình. Hàng hoá miễn kiểm tra thực tế là đối tượng kiểm tra sau thông quan.
2. Kiểm tra xác suất thực tế hàng hoá:
a) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng khong thuộc diện được miễn kiểm tra thực tế quy định tại mục 1 trên đây và không thuộc diện phải kiểm tra toàn bộ lô hàng quy định tại mục 3 dưới đây được áp dụng hình thức kiểm tra xác suất.
b) Đối với hàng xuất khẩu:
- Tỷ lệ kiểm tra là 3% hoặc 5% lô hàng xuất khẩu
- Mặt hàng thuộc diện kiểm tra xác xuất là những mặt hàng xuất khẩu không thuộc diện miễn kiểm tra thực tế quy định tại mục 1 nói trên.
c) Đối với hàng nhập khẩu:
- Tỷ lệ kiểm tra là 5% hoặc 10% đối với mỗi lô hàng nhập khẩu.
- Mặt hàng thuộc diện kiểm tra xác suất là những mặt hàng nhập khẩu không thuộc diện miễn kiểm tra thực tế quy định tại mục 1 trên.
d) Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hải quan thì Chi cục trưởng hải quan quyết định tăng tỷ lệ kiểm tra đến 100%. Mặt hàng, lô hàng kiểm tra xác suất là đối tượng kiểm tra sau thông quan.
3. Kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng được áp trong trường hợp sau:
a) Trường hợp 1:
- Chủ hàng đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan từ ba lần trở lên với mức phạt vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan trong thời hạn hai (2) năm đối với hoạt động nhập khẩu và một (1) năm đối với hoạt động xuất khẩu.
- Chủ hàng, trong thời hạn quy định (2 năm đối với hàng xuất khẩu, 1 năm đối với hàng nhập khẩu), bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan một (1) lần với mức phạt vượt thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục hải quan tỉnh, thành phố.
b) Trường hợp 2:
Chủ hàng không thuộc diện nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan nhưng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định sau;
- Nếu dấu hiệu vi phạm là gian lận thuộc về chủ hàng thì công chức hải quan phải kiểm đếm hoặc cân đo toàn bộ lô hàng;
- Nếu dấu hiệu vi phạm là gian lận về chủng loại hàng thì công chức hải quan phải kiểm tra lại tất cả các kiện hàng;
- Nếu dấu hiệu vi phạm là gian lận về chất lượng hàng thì công chức hải quan yêu cầu mở toàn bộ hàng để lấy mẫu bất kỳ hoặc mẫu có nghi vấn để kiểm tra, phân tích hoặc trưng cầu giám định.
4. Người có thẩm quyền quyết định và thay đổi hình thức kiểm tra;
a) Căn cứ vào các căn cứ (tiêu chí) quy định tại mục 1, 2, 3 trên đây, Chi cục trưởng hải quan quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá.
b) Trường hợp lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được đăng ký tại chi cục hải quan ngoài cửa khẩu nhưng việc kiểm tra thực tế do chi cục hải quan của khẩu thực hiện thì căn cứ vài tình hình thực tế, Chi cục trưởng hải quan cửa khẩu có thể quyết định tăng hoặc giảm mức độ kiểm tra, nhưng không thay đổi hình thức kiểm tra.
c) Trong quá trình làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, căn cứ vào tình hình thực tế của lô hàng và các thông tin mới thu nhận được, thì:
- Chi cục trưởng quyết định thay đổi hình thức kiểm tra do mình quyết định mức đó.
- Cục trưởng hải quan tỉnh, thành phố quyết định thay đổi hình thức kiểm tra do Chi cục trưởng hải quan quyết định trước đó (kể cả chi cục trưởng hải quan thuộc tỉnh, thành phố khác).
5. Những công việc phải làm để lựa chọn quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá;
a) Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm tổ chức thu thập, trao đổi thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về quá trình chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng, chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tính chất, chủng loại, nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, và các thông tin khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để dự kiến hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá.
b) Căn cứ vào các cơ sở dữ liệu đã có nói trên và các thông tin về chủ hàng, lô hàng nắm được từ Bản lược khai hàng hoá do tàu cung cấp, Chi cục trưởng hải quan phân tích từng trường hợp và dự kiến trước hình thức kiểm tra thực tế đối với mỗi lô hàng. Nếu tại thời điểm chủ hàng làm thủ tục hải quan cho lô hàng mà không có thông tin gì khác thì lô hàng được áp dụng hình thức kiểm tra đã dự kiến.
6. Về tỷ lệ kiểm tra xác suất:
Tỷ lệ kiểm tra được hiểu là tỷ lệ số kiện, tỷ lệ số con-ten-nơ hoặc tỷ lệ % trong từng kiện, từng con-tai-nơ. Căn cứ vào tỷ lệ kiểm tra do Chi cục trưởng quyết định, công chức kiểm tra hàng hoá quyết định cách thức kiểm tra cụ thể.
7. Các biện pháp nghiệp vụ khác:
Việc áp dụng hình thức miễn kiểm tra thực tế hàng hoá và kiểm tra xác suất phải gắn liền với các biện pháp nghiệp vụ khác, cụ thể là:
a) Sau khi thông quan hàng hoá, Chi cục trưởng Chi cục hải quan phải tổ chức ngay việc phúc tập hồ sơ để kịp thời phát hiện và xử lý sai sót, nhầm lẫn, gian lận, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Cục trưởng cục hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo.
Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu phải tổ chức lực lượng và tăng cường công tác giám sát, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu để hỗ trợ cho việc làm thủ tục hải quan đúng pháp luật.
b) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải tổ chức lực lượng và đẩy mạnh công tác tham mưu chống buôn lậu, kiểm soát hải quan, thu thập, phân tích thông tin để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Trên cơ sở kết quả phúc tập hồ sơ của Chi cục hải quan cửa khẩu và thông tin do các phòng, đơn vị tham mưu, giúp việc trực thuộc Cục cung cấp và các nguồn thông tin khác, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải kịp thời xem xét, ra quyết định kiểm tra sau thông quan đối với những trường hựp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có sai sót, nhầm lẫn khi làm thủ tục thông quan hàng hoá.