Nội dung toàn văn Quyết định 156/QĐ-UBND 2018 cải thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi điêu hồng An Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 156/QĐ-UBND | An Giang, ngày 25 tháng 01 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ TÀI “NGHIÊN CỨU CẢI THIỆN QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI CÁ RÔ PHI, ĐIÊU HỒNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ, GIẢM GIÁ THÀNH SẢN PHẨM”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định quản lý thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định định mức chi đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2017 của UBND tỉnh An Giang về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2016 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Quy định quản lý thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh An Giang;
Căn cứ Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2017 - 2018;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 76/TTr- SKHCN ngày 24 tháng 01 năm 2018 về việc phê duyệt đề tài “Nghiên cứu cải thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi, điêu hồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành sản phẩm”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề tài “Nghiên cứu cải thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi, điêu hồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành sản phẩm” với các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu đề tài:
a) Mục tiêu tổng quát: Cải tiến thành công quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi, điêu hồng thương phẩm trong ao đất nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nuôi và góp phần phát triển đối tượng này một cách bền vững.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Cải tiến được quy trình nuôi cá rô phi, điêu hồng thương phẩm thâm canh trong ao đất đang được áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15%, năng suất nuôi đạt tối thiểu 15 tấn/ha và sản phẩm cá nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Xây dựng 02 mô hình (với tổng diện tích 10.000 m2) sản xuất cá rô phi và điêu hồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại tỉnh An Giang theo Quy chuẩn QCVN 02-26:2017/BNNPTNT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017) với các thông số kỹ thuật như giảm FCR, tăng tỷ lệ sống, tăng lợi nhuận cho người nuôi từ 10 - 15% (sẽ lấy kết quả điều tra hiện trạng nuôi thương phẩm làm cơ sở xác định mức lợi nhuận), gắn kết với ít nhất 01 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển mô hình sản xuất cá rô phi, điêu hồng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy trình nuôi cải tiến.
2. Tổ chức chủ trì đề tài: Trường Đại học An Giang.
3. Chủ nhiệm đề tài: TS. Phan Phương Loan.
4. Thời gian thực hiện: 30 tháng (Từ tháng 02/2018 đến tháng 8/2020).
5. Nội dung thực hiện:
a) Nội dung 1: Khảo sát hiện trạng kỹ thuật và hiệu quả nuôi cá rô phi, điêu hồng thương phẩm thâm canh ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Khảo sát hiện trạng kỹ thuật nuôi cá rô phi, điêu hồng được thực hiện với việc thu thập thông tin trực tiếp người nuôi cá rô phi, điêu hồng (nông dân và doanh nghiệp) thâm canh dựa trên phiếu điều tra soạn sẵn.
- Khảo sát sẽ được thực hiện trên 02 địa phương có nghề nuôi cá rô phi, điêu hồng ở những vùng nuôi tập trung là An Giang và Đồng Tháp. Nội dung khảo sát tập trung vào quy trình kỹ thuật nuôi, hiệu quả nuôi, phương thức tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kinh tế, thuận lợi và khó khăn trong nuôi thâm canh cá rô phi, cá điêu hồng.
- Điều tra còn được thực hiện với các cơ quan quản lý về các định hướng và chính sách phát triển nuôi cá rô phi nói chung và nuôi cá rô phi phục vụ xuất khẩu nói riêng.
- Kết quả điều tra là cơ sở để đánh giá các cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá rô phi, điêu hồng thương phẩm trong ao đất nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
b) Nội dung 2: Nghiên cứu cải tiến kỹ thuật nuôi cá rô phi thâm canh trong ao đất và xây dựng quy trình nuôi thâm canh cá rô phi, điêu hồng thương phẩm trong ao đất nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất (bao gồm nâng cao tỷ lệ sống, kích thước cá thu hoạch, hạn chế dịch bệnh, chủ động kiểm soát môi trường) nhằm đánh giá hiệu quả áp dụng các giải pháp quản lý môi trường đến năng suất nuôi cá rô phi thâm canh trong ao đất.
- Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất (bao gồm dùng thức ăn có hàm lượng đạm thô thấp, giảm FCR, rút ngắn thời gian nuôi, tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích nuôi ) nhằm đánh giá hiệu quả áp dụng công nghệ biofloc (BFT) trong nuôi cá rô phi thâm canh trong ao đất.
- Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm (mùi hôi, dư lượng kháng sinh) nhằm đánh giá hiệu quả loại bỏ mùi hôi trên cá rô phi thâm canh trong ao đất dựa trên công nghệ biofloc (BFT).
- Trên cơ sở nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm để đề xuất Quy trình cải tiến nuôi cá rô phi, điêu hồng thương phẩm thâm canh trong ao đất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất nuôi, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
c) Nội dung 3: Xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi thâm canh cá rô phi và điêu hồng thương phẩm trong ao đất nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
* Chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi và điêu hồng thương phẩm thâm canh trong ao đất cải tiến được thực hiện với các hình thức:
- Tổ chức hội thảo đánh giá quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi thương phẩm trong ao đất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Xây dựng 02 mô hình (tổng diện tích 10.000 m2) trình diễn sản xuất cá rô phi và điêu hồng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở hộ dân và doanh nghiệp tại tỉnh An Giang gắn kết với giải pháp phát triển thị trường.
* Xây dựng mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp, liên kết thông qua hình thức ký hợp đồng ràng buộc để tiêu thụ sản phẩm.
d) Nội dung 4: Xây dựng định hướng và đề xuất giải pháp phát triển sản xuất cá rô phi và điêu hồng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang.
- Tổ chức hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển sản xuất cá rô phi và điêu hồng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang” với sự tham dự của các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý, nhà khoa học, người nuôi cá và doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu cá rô phi và điêu hồng.
- Đề xuất định hướng và giải pháp phát triển sản xuất cá rô phi và điêu hồng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang.
- Hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất cho các đơn vị tiếp nhận và áp dụng quy trình bao gồm kỹ thuật, đầu vào, tiêu thụ sản phẩm, phân tích hiệu quả sản xuất.
6. Dự toán kinh phí thực hiện: 1.310.810.000 đồng (Một tỷ, ba trăm, mười triệu, tám trăm, mười ngàn đồng), từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, bao gồm:
a) Công lao động: 365.925.000 đồng (nghiên cứu tổng quan; khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin sơ cấp và thứ cấp; viết báo cáo phân tích, báo cáo chuyên đề; thiết kế, xây dựng mô hình; báo cáo tổng kết).
b) Nguyên vật liệu, năng lượng: 824.040.000 đồng (triển khai các thí nghiệm, nuôi thử nghiệm, chuyển giao quy trình và xây dựng mô hình điểm).
c) Chi khác: 120.845.000 đồng (công tác phí; tổ chức hội thảo, hội đồng nghiệm thu cơ sở; văn phòng phẩm; quản lý chung nhiệm vụ).
7. Sản phẩm đề tài:
a) Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu.
b) Quy trình nuôi thương phẩm cá rô phi, điêu hồng trong ao đất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu: Giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15% so với quy trình nuôi hiện đang áp dụng (từ kết quả điều tra); năng suất đạt tối thiểu 15 tấn/ha; chất lượng thịt cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
c) 02 mô hình nuôi cá rô phi và điêu hồng trình diễn theo quy trình cải tiến trong ao đất với tổng diện tích 10.000 m2 (01 mô hình trong dân và 01 mô hình trong doanh nghiệp): cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cá có kích cỡ 500 gr/con, năng suất từ 15 - 20 tấn/ha.
d) Báo cáo “Định hướng và giải pháp phát triển mô hình điểm sản xuất cá rô phi, điêu hồng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang”.
đ) Đề xuất kế hoạch 05 năm của đơn vị tiếp nhận, sử dụng kết quả về việc triển khai ứng dụng và phát triển kết quả nghiên cứu.
e) Ít nhất có 01 bài báo được đăng Tạp chí ISSN có nội dung liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài.
g) Hỗ trợ đào tạo 02 sinh viên đại học cho tỉnh An Giang liên quan kết quả nghiên cứu đề tài.
8. Đơn vị phối hợp thực hiện:
- Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh;
- Chi cục Thủy sản An Giang;
- Công ty Cổ phần Nam Việt.
9. Đơn vị tiếp nhận sử dụng kết quả:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang;
- Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang;
- Các tổ chức, cá nhân khác nếu có yêu cầu theo quy định hiện hành.
Điều 2.
a) Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình thực hiện đề tài theo quy định hiện hành. Nếu trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần xử lý, phải báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định chuyên môn và Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh.
b) Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu cải thiện quy trình kỹ thuật nuôi cá rô phi, điêu hồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành sản phẩm” và báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Đồng thời, có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm giao nộp và bàn giao sản phẩm cho đơn vị tiếp nhận sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài này với biên bản bàn giao trách nhiệm cụ thể nhằm có cơ sở đánh giá việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
c) Đơn vị chủ trì, chủ nhiệm đề tài và thủ trưởng đơn vị tiếp nhận sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính, Trường Đại học An Giang (đơn vị chủ trì đề tài), TS. Phan Phương Loan và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |