Quyết định 1561/QĐ-UBND

Quyết định 1561/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt chương trình xây dựng phát triển y tế giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do thành phố Cần Thơ ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 1561/QĐ-UBND 2008 xây dựng phát triển y tế đến 2010 Cần Thơ


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1561/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 01 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN Y TẾ THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI về việc thực hiện 10 chương trình và 4 đề án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

Căn cứ Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 05 tháng 3 năm 2005 của Ban Thường vụ Thành ủy lâm thời thành phố Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị;

Căn cứ Biên bản số 33/BB-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc họp Hội đồng thẩm định Chương trình xây dựng và phát triển Y tế thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 07 tháng 4 năm 2007 về việc đóng góp ý kiến cho Chương trình xây dựng và phát triển y tế thành phố Cần Thơ giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Theo đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển y tế thành phố Cần Thơ giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giảm rõ rệt tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong;

- Nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, cải thiện bước đầu chất lượng cuộc sống; mọi người đều được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần;

- Mọi người đều được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao, chuyên sâu.

2. Nhiệm vụ:

- Phát triển các hoạt động của cả hệ thống y tế theo hướng công bằng và hiệu quả, kết hợp phát triển hài hòa giữa y tế chuyên sâu với y tế phổ cập; giữa phòng bệnh, nâng cao sức khỏe với chữa bệnh, phục hồi chức năng; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại.

- Phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế theo địa bàn dân cư, tạo cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao.

- Bảo đảm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ, tăng cường công tác xã hội hóa trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020:

Các chỉ tiêu chung về sức khỏe: 2005 2010 2020

- Tuổi thọ trung bình 70 > 72 75

- Tỷ suất chết mẹ/100.000 trẻ đẻ sống 85 70 < 60

- Tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống 18 < 16 < 15

- Tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 trẻ đẻ sống 28,5 < 25 < 18

- Tỷ lệ % trẻ sơ sinh có cân nặng thấp (< 2500g) < 7 6 < 5

- Tỷ lệ % trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 21,9 < 20 < 10

- Chiều cao trung bình của thanh niên > 1m60 > 1m65

4. Định hướng phát triển:

a) Định hướng:

Phát triển hệ thống y tế thành phố Cần Thơ theo hướng tăng cường xã hội hóa công tác y tế, trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo; về cơ bản đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ với trình độ chuyên môn cao, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội; bảo đảm công bằng và hiệu quả trong cung cấp và sử dụng các dịch vụ y tế.

Trong đó:

- Nhà nước thống nhất quản lý về chuyên môn, kỹ thuật y tế trong phạm vi toàn quốc từ Trung ương đến địa phương, bao gồm cả y tế công lập và tư nhân.

- Y tế công lập thực hiện quản lý, điều hành và đầu tư phát triển nhằm phục vụ mọi tầng lớp nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe, đặc biệt là phục vụ đối tượng nghèo, người có thu nhập thấp, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách.

- Y tế tư nhân được thành lập theo Pháp lệnh Hành nghề y tế tư nhân, các bệnh viện tư nhân được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển, phối hợp và cùng hệ thống y tế công lập trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

b) Những yêu cầu về xây dựng và phát triển hệ thống y tế:

Xây dựng hệ thống y tế thành phố Cần Thơ từng bước hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ từ thành phố đến tuyến y tế cơ sở theo hướng lấy dự phòng làm chủ đạo, làm nền tảng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng và phát triển hệ thống y tế trên cơ sở để mọi người dân được chăm sóc y tế công bằng, hiệu quả và hưởng được các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

- Củng cố, đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng:

+ Đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm;

+ Phòng chống dịch chủ động và tích cực, không để dịch lớn xảy ra;

+ Kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm và các tác nhân truyền nhiễm, gây dịch, nhất là các dịch bệnh mới phát sinh;

+ Khống chế số người nhiễm HIV ở mức dưới 0,3% dân số vào năm 2010 và không tăng trong những năm sau.

- Củng cố, sắp xếp hệ thống khám và chữa bệnh theo hướng:

+ Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh theo cụm dân cư; các đơn vị chuyên môn y tế ở địa phương được quản lý theo ngành, bảo đảm cho mọi người dân đều có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại các tuyến một cách dễ dàng.

+ Bảo đảm tính hệ thống và tính liên tục trong chuyên môn của từng tuyến điều trị và sự phát triển cân đối, hợp lý giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, chuyên ngành sâu.

+ Từng bước thực hiện việc di chuyển các cơ sở điều trị các bệnh truyền nhiểm nguy hiểm ra khu vực thích hợp.

+ Duy trì, củng cố và hiện đại hóa Bệnh viện y học cổ truyền đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng II; phát triển khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa quận, huyện, tổ y học cổ truyền trong trạm y tế xã, phường; xây dựng phong trào trồng và sử dụng thuốc nam tại hộ gia đình.

+ Phấn đấu đến năm 2010 số giường bệnh/vạn dân đạt 25,56 giường (trong đó bệnh viện tư nhân 2,60 giường, không tính giường trạm y tế xã), đến năm 2020 đạt 33,71 giường (bệnh viện tư nhân 5,71 giường).

- Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế có chất lượng. Đến năm 2010, bảo đảm 100% các xã có trạm y tế kiên cố và đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

- Phát triển việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế để trao đổi thông tin, quản lý bệnh viện và các chương trình y tế cộng đồng, ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và đào tạo.

- Tạo nguồn nhân lực đủ để bổ sung cho phát triển của ngành.

- Cung cấp các dịch vụ tư vấn sức khỏe có tính chuyên sâu, là Trung tâm truyền thông và giáo dục sức khỏe trong vùng.

- Đáp ứng thường xuyên và đầy đủ thuốc có chất lượng, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả.

5. Đầu tư phát triển y tế:

- Tổng vốn đầu tư đến năm 2020 là: 3.918,707 tỷ đồng.

Trong đó:

+ Vốn ngân sách nhà nước: 3.390,207 tỷ đồng, chiếm 86,5%;

+ Vốn nước ngoài (ODA): 444,5 tỷ đồng, chiếm 11,34%;

+ Vốn huy động từ các nguồn khác: 84 tỷ đồng, chiếm 2,14%.

- Phân kỳ đầu tư:

+ Giai đoạn 2008 - 2010: 1.326,278 tỷ đồng, chiếm 33,84%;

+ Thời kỳ 2011 - 2020: 2.592,429 tỷ đồng, chiếm 66,16%.

- Tính chất nguồn vốn đầu tư:

+ Vốn sự nghiệp: 186,207 tỷ đồng. Trong đó: đào tạo 30 tỷ đồng; nghiên cứu - ứng dụng 135,907 tỷ đồng; giáo dục sức khỏe 20,3 tỷ đồng.

+ Xây dựng cơ bản: 3.732,5 tỷ đồng. Trong đó: khám chữa bệnh 3.420 tỷ đồng; y tế dự phòng 172,5 tỷ đồng, y tế xã 36 tỷ đồng, đào tạo 104 tỷ đồng.

6. Các nội dung chủ yếu để triển khai thực hiện chương trình:

Bao gồm 6 chương trình nhánh với 13 đề án. Cụ thể:

- Chương trình nhánh 1: Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở với 1 đề án. Dự kiến kinh phí 51 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 15 tỷ đồng, vốn xây dựng cơ bản 36 tỷ đồng.

- Chương trình nhánh 2: Phát triển và nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng cấp thành phố và cấp huyện với 2 đề án. Dự kiến kinh phí 176,067 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 3,567 tỷ đồng, vốn xây dựng cơ bản 172,5 tỷ đồng.

- Chương trình nhánh 3: Xây dựng và phát triển hệ thống khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng với 4 đề án. Dự kiến kinh phí 3.450 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 30 tỷ đồng, vốn xây dựng cơ bản 3.420 tỷ đồng.

- Chương trình nhánh 4: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên các lĩnh vực y tế; triển khai và chuyển giao cho các địa phương trong vùng. Phát triển việc ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế với 4 đề án. Dự kiến kinh phí 87,34 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 87,34 tỷ đồng.

- Chương trình nhánh 5: Phát triển nguồn lực y tế với 1 đề án. Dự kiến kinh phí 134 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 30 tỷ đồng.

- Chương trình nhánh 6: Giáo dục sức khỏe cho nhân dân với 1 đề án. Dự kiến kinh phí 20,3 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 20,3 tỷ đồng.

7. Các giải pháp thực hiện:

a) Nhóm giải pháp về chính sách:

Nghiên cứu và ban hành một số chủ trương, chính sách như:

- Chính sách đầu tư và thu hút đầu tư trong xây dựng các khu kỹ thuật cao, công nghệ cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe theo Luật Đầu tư của nhà nước.

- Chính sách về đào tạo, sử dụng, thu hút phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao.

- Chính sách về tài chính, có cơ chế tài chính thông thoáng hơn, tăng chi ngân sách đầu tư cho y tế trong giai đoạn đột phá.

b) Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực:

- Chọn những bác sĩ trẻ, cơ bản, có triển vọng, tốt về y đức, đủ trình độ theo yêu cầu của Đề án Cần Thơ - 150 của thành phố, để đưa đi đào tạo nước ngoài hoặc đào tạo trong nước về các lĩnh vực chuyên sâu; mỗi chuyên ngành mũi nhọn có ít nhất là một cán bộ y tế được đào tạo đủ khả năng làm đầu tàu cho sự phát triển chuyên khoa sâu trong giai đoạn sau 2010.

- Xây dựng hệ thống văn bản pháp qui phù hợp với qui trình đào tạo, bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo và các chế độ chính sách hỗ trợ khác cho học sinh (như học phí, sinh hoạt phí); có chính sách về đào tạo và phân công cán bộ y tế sau khi tốt nghiệp, có thêm cơ chế thu hút, sử dụng cán bộ y tế công, nhất là trong lĩnh vực y tế dự phòng, cán bộ y tế làm việc tại vùng sâu, vùng xa, cán bộ y tế tuyến cơ sở; có cơ chế ưu đãi khi điều chỉnh hợp lý cán bộ y tế từ nơi thừa đến nơi thiếu là vùng sâu, vùng xa.

- Có quy chế đào tạo toàn diện thêm cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ đầu ngành, đủ năng lực trong quản lý, điều hành. Trong đào tạo, chú trọng giáo dục cả về y đức, năng lực lãnh đạo đơn vị.

- Có chính sách thu hút những thầy thuốc giỏi về phục vụ cho thành phố; trước mắt tự đào tạo nguồn cán bộ hiện có để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh ngày càng cao của người dân thành phố và trong vùng. Có kế hoạch tăng số lượng đào tạo trong nước cán bộ y học cổ truyền, cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng trung cấp và kỹ thuật viên chuyên ngành. Mở rộng liên kết với các Trường đại học y dược, các bệnh viện đầu ngành trong cả nước để đưa đào tạo cán bộ chuyên khoa.

- Đề nghị Trường Đại học y dược Cần Thơ tăng tỷ lệ tuyển sinh các đối tượng là bác sĩ, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và cho thành phố Cần Thơ nói riêng; đề xuất với Bộ Y tế, Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho thành phố Cần Thơ được cơ chế riêng trong tuyển sinh theo chế độ cử tuyển có địa chỉ học hệ chuyên tu bác sĩ, dược sĩ đối với lực lượng là y sĩ, dược sĩ trung học tuyến xã và hệ y tế dự phòng tuyến thành phố và huyện.

- Đề nghị Trung tâm huấn luyện Quân khu IX hỗ trợ cho thành phố Cần Thơ trong việc nâng thêm số lượng đào tạo bác sĩ chuyên tu tuyến xã và hệ dự phòng hằng năm.

c) Nhóm giải pháp về nguồn vốn tài chính:

(1) Đối với nguồn vốn trong nước:

- Ngân sách Trung ương: Thực hiện tốt nguồn vốn ngân sách của Trung ương theo Quyết định số 42/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các nguồn vốn từ các dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

- Ngân sách thành phố: Tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế trong việc nâng cấp các cơ sở y tế; bảo đảm kinh phí khám, chữa bệnh cho nhóm đối tượng có chính sách miễm giảm. Ưu tiên dành phần kinh phí từ nguồn xổ số kiến thiết cho việc đầu tư, phát triển ngành Y tế thành phố Cần Thơ.

- Cho phép các đơn vị ngành Y tế có thực hiện các dịch vụ y tế cao, dịch vụ y tế chuyên sâu được thu giá dịch vụ theo cơ chế có tích lũy để phát triển sự nghiệp, nâng cấp cơ sở và trang thiết bị đã đầu tư.

- Thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, đơn vị sẽ có tỷ lệ để lại của các loại thu phí dùng cho việc đầu tư phát triển. Nguồn tài chính từ tích lũy dùng cho việc phát triển các dịch vụ cao, chuyên sâu của đơn vị. Đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính đối với các dự án phát triển các dịch vụ y tế đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

- Thực hiện xã hội hóa lĩnh vực y tế theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia đầu tư vào các đơn vị y tế có khả năng phát triển lĩnh vực công nghệ cao, chuyên sâu dưới hình thức tham gia cổ phần, góp vốn, trang thiết bị, phương tiện... vào các dịch vụ chẩn đoán, chăm sóc, điều trị.

(2) Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước:

- Tiếp tục triển khai thực hiện hoàn tất Dự án y tế nông thôn do ADB tài trợ. Triển khai thực hiện Dự án Trung tâm truyền máu - huyết học khu vực và Dự án hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long do WB tài trợ; Dự án đầu tư trang thiết bị bằng vốn vay của Italia…

- Xây dựng các đề án đầu tư trọng tâm, trọng điểm để kêu gọi đầu tư, phát triển y tế tuyến thành phố và quận, huyện và cho từng lĩnh vực của ngành trong từng giai đoạn quy hoạch.

- Khuyến khích các tổ chức viện trợ không hoàn lại cho nhu cầu khám, chữa bệnh người nghèo, trẻ em, người tàn tật và phòng chống một số loại bệnh, dịch nguy hiểm.

- Xây dựng mô hình phối hợp giữa các nhà tài trợ trong viện trợ để nâng cao hiệu quả nguồn vốn cho chăm sóc sức khỏe; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ và vốn vay.

d) Nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật:

- Về đầu tư cơ sở vật chất:

+ Tuyến xã - phường: ưu tiên xây dựng mới các trạm y tế xã - phường mới thành lập, mở rộng và nâng cấp các trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia để đạt chuẩn.

+ Tuyến quận - huyện: ưu tiên xây dựng mới bệnh viện cho 5 quận, huyện mới và bệnh viện huyện Thốt Nốt.

+ Tuyến thành phố: tập trung đầu tư xây dựng mới để hoàn thành Bệnh viện đa khoa thành phố, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Xây mới, mở rộng và sửa chữa nâng cấp Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Mắt và Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng, Bệnh viện Tâm Thần; các bệnh viện và trung tâm chuyên khoa.

- Về đất đai: Sớm có quyết định quy hoạch và giao quỹ đất cho ngành Y tế theo hướng tập trung để có phương án trình các cấp thẩm quyền phê duyệt việc xây dựng và đầu tư cụ thể cho từng đơn vị trong ngành Y tế. Dành quỹ đất cho xây dựng và phát triển các cơ sở y tế, cả công lập và ngoài công lập. Thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

- Về đầu tư trang thiết bị:

+ Lập dự án cổ phần hóa một số đơn vị y tế trên cơ sở thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ.

- Một số công ty, tập thể hoặc cá nhân đầu tư các thiết bị vào các cơ sở y tế nhà nước và thực hiện thu, chi và chia lợi nhuận theo quy chế riêng được thể hiện theo hợp đồng kinh tế, trên cơ sở vừa phục vụ tốt cho người bệnh vừa thực hiện được nguyên tắc nhà nước và tư nhân cùng có lợi.

- Giám đốc các đơn vị y tế lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, dự án đầu tư để vay vốn ưu đãi nhằm đầu tư phát triển các công nghệ mới, các thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh; phần thu chi được hạch toán riêng để trả lãi và vốn; sau khi hoàn tất trả vốn, thiết bị đã mua sắm trở thành tài sản của nhà nước do đơn vị quản lý và sử dụng.

e) Nhóm giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế:

- Thực hiện cải cách hành chính đối với tất cả các đơn vị y tế trong toàn thành phố; các đơn vị đăng ký và cam kết thực hiện:

+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện đúng pháp luật, đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đúng các Điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

+ Thực hiện bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp đối với cán bộ y tế;

+ Thực hiện tốt quy chế dân chủ tại tất cả các cơ sở y tế.

+ Tăng cường công tác thông tin y tế, xây dụng và ứng dụng các phần mềm tin học,

+ Thực hiện phân cấp quản lý rõ ràng cho các đơn vị y tế.

- Thực hiện đầy đủ, đúng theo các tiêu chí quy định về năng lực chuyên môn, trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức trong xem xét, đề bạt cán bộ lãnh đạo các đơn vị trong ngành.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo các đơn vị.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các dự án cụ thể phù hợp với nội dung đã được phê duyệt. Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm, nhất là các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển y tế bền vững. Đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính phù hợp với quy định pháp luật, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư các chương trình, dự án y tế trọng điểm.

Điều 3. Các sở, ban, ngành thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế trong quá trình thực hiện chương trình để đạt được mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện, Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi để báo cáo và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trình Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ xem xét quyết định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Y tế, giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1561/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1561/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/07/2008
Ngày hiệu lực01/07/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcThể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1561/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1561/QĐ-UBND 2008 xây dựng phát triển y tế đến 2010 Cần Thơ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1561/QĐ-UBND 2008 xây dựng phát triển y tế đến 2010 Cần Thơ
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1561/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Cần Thơ
                Người kýTrần Thanh Mẫn
                Ngày ban hành01/07/2008
                Ngày hiệu lực01/07/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcThể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 1561/QĐ-UBND 2008 xây dựng phát triển y tế đến 2010 Cần Thơ

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 1561/QĐ-UBND 2008 xây dựng phát triển y tế đến 2010 Cần Thơ

                  • 01/07/2008

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 01/07/2008

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực