Quyết định 1569/QĐ-UBND

Quyết định 1569/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015

Nội dung toàn văn Quyết định 1569/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1569/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 11 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

 

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 66/2006/NĐ-CP">113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách Nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông báo số 508-TB/TU ngày 22/5/2012 của Tỉnh ủy Hải Dương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 341/TTr-SCT ngày 06/6/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015, bao gồm các nội dung chính sau:

1. Tên Đề án: Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015;

2. Địa điểm và quy mô thực hiện Đề án: Trên địa bàn tỉnh Hải Dương;

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến năm 2015;

4. Mục tiêu Đề án:

- Giá trị sản xuất TTCN và làng nghề (theo giá cố định năm 1994) đến năm 2015 đạt 12.000 tỉ đồng, chiếm 26,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,6%/năm. Trong đó: thành phần kinh tế tập thể đạt 100 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,76%/năm; khối doanh nghiệp tư nhân đạt 9.200 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 19,84%/năm; kinh tế cá thể đạt 2.700 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm.

- Khôi phục và phát triển mạnh các ngành nghề nông thôn và làng nghề TTCN gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến 2015 toàn tỉnh có từ 80 đến 90 làng được công nhận danh hiệu làng nghề CN-TTCN; đồng thời có từ 8- 10% số xã trong tỉnh tổ chức du nhập được các nghề mới tại các làng nghề đã có trên địa bàn tỉnh.

- Tất cả các xã đã được công nhận làng nghề đều quy hoạch quỹ đất cho phát triển sản xuất TTCN; đảm bảo có đủ hệ thống cấp điện, nước sạch và xử lý nước thải tập trung, đường giao thông nội bộ.

- Mỗi năm thu hút thêm 8-10 ngàn lao động vào sản xuất TTCN và làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống và phân công lại lao động nông thôn. Đến năm 2015 có 150 ngàn lao động tham gia sản xuất TTCN, chiếm 13-15% tổng số lao động toàn tỉnh.

5. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về phát triển TTCN và làng nghề

b) Triển khai cơ chế, chính sách phát triển TTCN và làng nghề

c) Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm TTCN và làng nghề

d) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

e) Khuyến khích phát triển khoa học, đổi mới công nghệ sản xuất

f) Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

g) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực TTCN, làng nghề.

h) Tuyên truyền nâng cao nhận thức người lao động; khôi phục và phát triển làng nghề trong tỉnh

Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Đề án để triển khai thực hiện;

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Thừa

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP (TTCN) VÀ LÀNG NGHỀ GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1569 /QĐ-UBND ngày 11/7 /2012 của UBND tỉnh Hải Dương)

MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện Đề án

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp nông thôn, TTCN và làng nghề; trong những năm qua Hải Dương đã tích cực phát triển sản xuất TTCN và các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Chương trình “Phát triển công nghiệp nhanh, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập”, trong đó có Đề án “Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương” triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV là một trong những Chương trình lớn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Kết quả thực hiện Chương trình và Đề án đã góp phần phát triển sản xuất công nghiệp nói chung, TTCN và làng nghề nói riêng; đóng góp tỷ trọng lớn trong mức tăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2010.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Đề án “Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương” còn những hạn chế như: sản xuất TTCN và làng nghề phát triển còn chậm, một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng ô nhiễm môi trường còn khá phổ biến... Do đó, việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường” trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 thực sự cần thiết.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV đã xác định: “Nghiên cứu cơ chế và chính sách hợp lý thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề .v.v.”. Khu vực TTCN và làng nghề trong tỉnh phát triển sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phân công lao động trong nội bộ từng thôn - xóm, thu hút lao động dôi dư, tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp, góp phần xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội.

2. Căn cứ chủ yếu bổ sung, hoàn chỉnh Đề án

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006- 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV.

Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 24/12/2010 của Tỉnh ủy Hải Dương về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương 5 năm 2011-2015.

Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quy định về việc công nhận Làng nghề CN-TTCN tỉnh Hải Dương

Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 08/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công

Công văn số 76/UBND-VP ngày 19/01/2011 của UBND tỉnh Hải Dương về việc triển khai xây dựng và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

3. Đối tượng và phạm vi của Đề án

Về không gian: Đề án nghiên cứu về sản xuất TTCN và làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương.

Về thời gian: Tập trung nghiên cứu kết quả phát triển TTCN và làng nghề giai đoạn 2006-2010; định hướng mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2011-2015.

4. Mục đích của việc bổ sung, hoàn chỉnh Đề án

Đánh giá thực chất kết quả triển khai Đề án “Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương” giai đoạn 2006-2010; chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân chủ yếu; qua đó xác định mục tiêu và các giải pháp tập trung triển khai trong giai đoạn 2011-2015.

5. Kết cấu của Đề án

Ngoài phần mở đầu và các phụ lục số liệu kèm theo; Đề án gồm các nội dung chính như sau:

Phần thứ nhất: Kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2006-2010

Phần thứ hai: Quan điểm, mục tiêu và giải pháp trong giai đoạn 2011-2015

Phần thứ ba: Tổ chức thực hiện

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010

I. Những kết quả đã đạt được

Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển TTCN và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương (Ban hành kèm theo Quyết định số 4082/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh) trong 5 năm qua đã có những kết quả tích cực.

1. Giá trị sản xuất TTCN-LN năm 2010 đạt 5.120 tỉ đồng (giá CĐ 1994), chiếm 23,1% trong tổng GTSX công nghiệp toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 21,4%/năm.

Các huyện, thị xã, thành phố đạt kết quả sản xuất TTCN tăng cao so với mục tiêu là Bình Giang tăng 32,7%/năm, Chí Linh tăng 31,3%/năm, Tứ Kỳ tăng 26,2%/năm, Nam Sách tăng 23,8%/năm, thành phố Hải Dương tăng 21,3%/năm, Kim Thành tăng 20,3%/năm .v.v.

Sản xuất TTCN của các huyện đạt mức tăng chậm so với mục tiêu là: Thanh Hà tăng 13,7%/năm, Thanh Miện tăng 14,4%/năm, Ninh Giang tăng 16,5%/năm.v.v. (chi tiết tại phụ lục 01)

2. Một số mặt hàng TTCN và làng nghề đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao trong giai đoạn 2006-2010 như: Thức ăn gia súc tăng 81,1%/năm; trang in tăng 59,6%/năm; quần áo may sẵn tăng 31,9%/năm; Gạo, ngô xay xát tăng 23,8%/năm; sản xuất đậu phụ tăng 12,7%/năm.v.v. (chi tiết tại phụ lục 02)

3. Số lượng cơ sở TTCN-LN trong tỉnh tăng đáng kể trong 5 năm qua. Một bộ phận các cơ sở công nghiệp cá thể chuyển đổi thành các doanh nghiệp dân doanh theo Luật Doanh nghiệp hoặc tham gia vào các HTX. Số cơ sở công nghiệp hoạt động theo mô hình HTX tăng bình quân 16,2%/năm (từ 49 HTX năm 2005 lên 104 HTX năm 2010) và cơ sở công nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tăng bình quân 21,1%/năm (từ 265 doanh nghiệp năm 2005 lên 691 doanh nghiệp năm 2010). (chi tiết tại phụ lục 03)

4. Sản xuất TTCN và làng nghề đã giải quyết việc làm cho 108 ngàn lao động, chiếm 11,4% tổng số lao động xã hội toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,02%/năm. Trong đó, khu vực giải quyết nhiều lao động nhất là khối kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể, riêng khối kinh tế tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 17,2%/năm. (chi tiết tại phụ lục 04)

5. Cùng với phát triển sản xuất TTCN, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tiếp tục quan tâm quy hoạch, trình duyệt và triển khai thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp. Hết năm 2010, toàn tỉnh đã có 31 cụm công nghiệp chính thức đi vào hoạt động, thu hút 296 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đạt trên 7.000 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho trên 59.000 lao động trong tỉnh. (chi tiết tại phụ lục 05)

6. Các làng nghề TTCN trong tỉnh tiếp tục được quan tâm khôi phục và phát triển. Trong 5 năm qua, đã có thêm 29 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề CN-TTCN; đưa tổng số làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận danh hiệu làng nghề lên 61 làng (chi tiết tại phụ lục 06).

Các sản phẩm TTCN và làng nghề trong tỉnh như: Rượu Phú Lộc, mộc Đông Giao, mộc Cúc Bồ, gốm sứ Cậy, vàng bạc Châu Khê, thêu ren Hưng Đạo, giầy da Hoàng Diệu, cơ khí Kẻ Sặt, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Ninh Giang, gốm Chu Đậu… tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều làng nghề, sau khi được công nhận đã phát huy hiệu quả tích cực như: Kim hoàn Châu Khê, Lương Ngọc ( Bình Giang); Mộc, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, Lê Xá ( Cẩm Giàng), Mộc Trại Như ( Bình Giang); Giầy da Hoàng Diệu ( Gia Lộc); thêu ren Xuân Nẻo, Ô Mễ, Nhũ Tỉnh, Lạc Dục, Đồng Bình ( Tứ Kỳ); Chế biến thực phẩm, nông sản An Thủy, Tống Buồng ( Kinh Môn).v.v.

7. Công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển bền vững cơ bản đều được các doanh nghiệp công nghiệp, TTCN và làng nghề trong tỉnh quan tâm thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đều triển khai lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Việc đầu tư hệ thống xử lý rác thoải, nước thải và triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường đều được triển khai tại hầu hết các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nguồn chất thải nguy hại đều thực hiện ký hợp đồng với các cơ sở có đủ chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.

Nhiều làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: sản xuất bún, bánh đa, nấu rượu bước đầu đã triển khai các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: xây dựng bể biogas, mua xe trở rác và dụng cụ thu gom rác, di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực gia đình, khu dân cư.v.v.

8. Đánh giá chung về hiệu quả triển khai đề án:

Việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương” trong giai đoạn 2006-2010 đã đạt được những thành công nhất định.

Về kinh tế: Phát triển TTCN-LN đã tạo ra khối lượng sản phẩm, các mặt hàng phong phú, đa dạng đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hoá. Sản xuất công nghiệp đã góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh 5 năm đạt 9,7%/năm (giá trị tăng thêm trong công nghiệp giai đoạn 2006-2010 đạt mức tăng bình quân gần 12%/năm).

Về xã hội: Phát triển TTCN-LN đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho nông dân trong tỉnh. Khu vực TTCN và làng nghề tạo điều kiện thuận lợi để nông dân trong tỉnh tận dụng triệt để thời gian nông nhàn sản xuất theo phương châm “ly nông bất ly hương”; góp phần an sinh xã hội khu vực nông thôn; góp phần quan trọng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

II. Một số khó khăn, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

1. Những khó khăn trong phát triển TTCN-LN

a) Khó khăn lớn nhất trong phát triển TTCN-LN đó là khó khăn về vốn đầu tư. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khu vực TTCN-LN hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể, với số vốn đầu tư thấp, chủ yếu là vốn tự tích lũy trong suốt quá trình kinh doanh.

b) Bên cạnh khó khăn về vốn, nguồn nhân lực của khu vực TTCN-LN còn hạn chế khá lớn. Đa số các chủ cơ sở đều trưởng thành từ người lao động trực tiếp và người làm công trong các cơ sở công nghiệp khu vực này cũng có trình độ hạn chế, không được đào tạo một cách bài bản.

c) Xuất phát từ những khó khăn về vốn và nguồn nhân lực đã kéo theo các khó khăn về công nghệ, mặt bằng sản xuất cũng như vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp TTCN-LN sử dụng công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp, tận dụng nhà ở gia đình làm xưởng và thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, nhỏ, không ổn định.v.v.

2. Hạn chế và yếu kém

a) Đa số các chỉ tiêu kinh tế của Đề án đạt được còn thấp so với mục tiêu đặt ra. Cụ thể: giá trị SXCN đạt mức tăng bình quân 21,4%/năm (mục tiêu là tăng 25%/năm); số làng nghề được công nhận là 61 làng (mục tiêu từ 60 đến 70 làng); lao động khu vực TTCN-LN năm 2010 đạt 108 nghìn lao động (mục tiêu là 140 nghìn lao động).

b). Qui mô của đa số các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề còn nhỏ lẻ phân tán, manh mún. Vốn đầu tư thấp. Công nghệ và trang thiết bị sản xuất của khu vực TTCN còn lạc hậu, chủ yếu vẫn là thủ công. Do đó, năng suất lao động còn thấp, hàng hóa sản xuất ra có chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh yếu, thu nhập của người lao động chưa ổn định.

c) Việc du nhập, nhân cấy nghề mới trong các làng nghề còn hạn chế. Các làng nghề truyền thống đã bị thất truyền như: Đũi Thông, Lược Vạc, đẽo đá Kính Chủ, gốm Quao, nón Mao Điền,…chưa có nhiều điều kiện để khôi phục. Nhiều làng nghề đã được công nhận song không phát huy được, sản xuất giảm sút như: Làng nghề sản xuất VLXD không nung Lấu Khê ( Nam Sách), đan mây tre Chằm (Gia Lộc), Mây giang xiên Tào Khê và Đào Lâm (Thanh Miện); Lược bí Vạc ( Bình Giang); Thêu tranh An Dương, Ghép trúc La Ngoại (Thanh Miện).v.v. Việc phát triển các làng nghề mới chỉ tập trung ở một vài nghề thủ công như thêu ren, sản xuất đồ mộc, bún bánh, vật liệu xây dựng,...

d) Sản xuất TTCN và làng nghề trong tỉnh còn gây ô nhiễm môi trường như: các nhà máy xi măng lò đứng còn gây ô nhiễm môi trường không khí; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm bún, bánh đa chưa triển khai thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định mà còn đổ thải ngay tại ao hồ, kênh mương, các khu đất trống trong làng,… Theo số liệu phân tích của Trung tâm quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tháng 10 năm 2007, nhiều làng nghề trong tỉnh có các thông số môi trường như TSS, COD, BOD5, N-NH3,...vượt quy chuẩn cho phép.

3. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém

a) Nguyên nhân khách quan

- Trong giai đoạn 2006-2010, sản xuất công nghiệp nói chung, sản xuất TTCN và làng nghề nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu; lạm phát tăng cao, thiên tai, dịch bệnh xuất hiện nhiều. Một số nhóm sản phẩm làng nghề như: mây giang xiên, thêu tranh, ghép trúc, lược bí,.v.v. gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất TTCN và làng nghề còn hạn hẹp; chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có trong dân và các cơ sở sản xuất đang hoạt động. Các cơ sở sản xuất TTCN và các các hộ kinh doanh cá thể trong các làng nghề khó tiếp cận được các nguồn vốn trung hạn, dài hạn, vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

- Việc triển khai thuê mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, mở rộng mặt hàng, thu hút thêm lao động thường thiếu thông tin và sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

- Cơ sở hạ tầng nông thôn còn thấp kém. Đường giao thông xuống cấp và nhỏ hẹp. Nguồn điện thiếu, lưới điện yếu. Cấp thoát nước, thông tin liên lạc, dịch vụ văn hoá - xã hội ở nông thôn còn khó khăn, làm hạn chế lớn đến phát triển sản xuất TTCN và làng nghề.

b) Nguyên nhân chủ quan

- Các cấp uỷ Đảng và chính quyền ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phát triển TTCN và làng nghề. Công tác qui hoạch và kế hoạch phát triển TTCN và làng nghề còn yếu. Việc triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất TTCN-LN còn chậm; nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất TTCN chưa nhận được sự quan tâm hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm.

- Hoạt động quản lý Nhà nước đối với sản xuất TTCN và làng nghề còn nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thông tin thị trường, về tiến bộ khoa học- công nghệ,… đến các cơ sở TTCN và làng nghề còn rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý về công nghiệp - TTCN và làng nghề ở cấp huyện và xã vừa thiếu, vừa biến động nhiều trong thời gian qua.

- Nhận thức của đại bộ phận nông dân trong tỉnh về phát triển TTCN-LN còn hạn chế, nhất là kiến thức về sản xuất hàng hoá, về kinh tế thị trường. Nhiều hộ sản xuất chưa yên tâm, mạnh dạn đầu tư phát triển TTCN. Nhiều tấm gương lao động giỏi, nghệ nhân gắn bó với nghề chưa được quan tâm, tôn vinh; đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề trong khu vực sản xuất TTCN và các làng nghề còn quá mỏng. Lực lượng lao động ở nông thôn hiện nay chủ yếu là người chưa qua đào tạo, có độ tuổi trên 40 và lực lượng trẻ em.

Phần thứ hai

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRONG GIAI ĐOẠN 2011 -2015

I. Dự báo tình hình

1. Xu thế phát triển TTCN-LN

a) Việc hình thành, tồn tại và phát triển của các cơ sở sản xuất TTCN-LN là một tất yếu khách quan; nhằm hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất lớn tạo ra các liên kết chuỗi giá trị trong quá trình phát triển; đồng thời góp phần thỏa mãn nhu cầu phong phú, đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoai nước.

b) Trào lưu tiêu dùng trên thế giới hiện nay chuyển đổi theo xu hướng không chỉ vì công dụng của sản phẩm mà còn kèm theo ý nghĩa của sản phẩm, bối cảnh sản xuất sản phẩm đó. Các thông tin về nguyên liệu, phương pháp, tính xã hội trong sản xuất sản phẩm ngày càng được quan tâm. Trong đó, các thông tin liên quan đến việc sử dụng nguyên liệu không xâm hại môi trường (mây, tre, lá…), thông tin về phương thức sản xuất (hoàn toàn thủ công hay bằng máy móc).v.v. là những yếu tố xã hội tác động tích cực lên xu hướng mua sắm hiện đại.

c) Xu hướng các cơ sở sản xuất TTCN chuyển đổi quy mô, cơ cấu sản xuất ngày càng rõ rệt. Công cụ sản xuất trong các cơ sở TTCN-LN dần được cơ khí hóa; chất lượng sản phẩm phụ thuộc nhiều hơn vào độ tân tiến của máy móc; và do đó đội ngũ thợ cũng trở nên chuyên môn hơn và có sự chọn lọc cao hơn.

d) Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa có tác động đến sự tồn tại và phát triển của ngành nghề TTCN và làng nghề do việc tiếp cận mặt bằng sản xuất khó khăn hơn; khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vì người thợ bỏ nghề để trở thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp lớn.

e) Một số làng nghề TTCN do thị hiếu tiêu dùng, lượng cầu về sản phẩm thay đổi nên sẽ tác động nhất định đến sản xuất, có thể có làng nghề sẽ mai một.

2. Thuận lợi cơ bản trong phát triển TTCN-LN

a) Tình hình chính trị xã hội tiếp tục ổn định, kinh tế của cả nước nói chung và của tỉnh Hải Dương nói riêng liên tục tăng trưởng cao, Chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tạo đà phát triển mạnh TTCN và làng nghề.

b) Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, năng lực sản xuất, trình độ và kinh nghiệm quản lý theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu được tích luỹ trên các lĩnh vực.

c) Hệ thống Luật pháp và cơ chế, chính sách mới từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

d) Quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nhiều cơ hội mở rộng thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến cho TTCN và làng nghề.

3. Những khó khăn chủ yếu trong phát triển TTCN-LN

a) Quy mô của nền kinh tế còn nhỏ; các cân đối kinh tế vĩ mô còn biến động, nhất là chỉ tiêu về lạm phát và cán cân thương mại quốc tế.

b) Trình độ và chất lượng phát triển của nền kinh tế nói chung, của TTCN và làng nghề nói riêng còn thấp. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn còn nghèo. Công nghệ và thiết bị sản xuất TTCN và làng nghề còn lạc hậu.

c) Tiến trình mở cửa và hội nhập quốc tế đòi hỏi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt cả trên thị trường quốc tế và nội địa. Trong khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của TTCN và làng nghề còn rất yếu, lại chưa được chuẩn bị tích cực.

d) Việc phát triển các ngành nghề TTCN của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm phải giải quyết là: Nguồn tài chính cho đầu tư; công nghệ và qui trình sản xuất; chất lượng và mẫu mã sản phẩm; nguồn nhân lực, năng lực quản lý và kinh doanh; thông tin thị trường, công tác tiếp thị và thiết lập kênh phân phối; vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất TTCN và làng nghề; Cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ phát triển TTCN và làng nghề.v.v.

e) Việt Nam chưa xây dựng được Chiến lược tổng thể để phát triển TTCN và làng nghề; tầm nhìn các quy hoạch còn hạn chế; các cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, tính khả thi không cao.

II. Quan điểm và mục tiêu phát triển đến năm 2015

1. Quan điểm

Duy trì và mở rộng đầu tư phát triển sản xuất TTCN và làng nghề theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã và khả năng cạnh tranh. Trong đó, ưu tiên phát triển TTCN và làng nghề ở khu vực nông thôn, kết hợp chuyển đổi nghề, du nhập nghề mới, quy hoạch bố trí sản xuất ở khu vực tập trung, xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường.

2. Mục tiêu

- Giá trị sản xuất TTCN và làng nghề (theo giá cố định năm 1994) đến năm 2015 đạt 12.000 tỉ đồng, chiếm 26,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,6%/năm. Trong đó: thành phần kinh tế tập thể đạt 100 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,76%/năm; khối doanh nghiệp tư nhân đạt 9.200 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 19,84%/năm; kinh tế cá thể đạt 2.700 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm (Chi tiết tại phụ lục số 07).

- Khôi phục và phát triển mạnh các ngành nghề nông thôn và làng nghề TTCN gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến 2015 toàn tỉnh có từ 80 đến 90 làng được công nhận danh hiệu làng nghề CN-TTCN; đồng thời có từ 8- 10% số xã trong tỉnh tổ chức du nhập được các nghề mới tại các làng nghề đã có trên địa bàn tỉnh.

- Tất cả các xã đã được công nhận làng nghề đều quy hoạch quỹ đất cho phát triển sản xuất TTCN; đảm bảo có đủ hệ thống cấp điện, nước sạch và xử lý nước thải tập trung, đường giao thông nội bộ. Đối với một số làng nghề sản xuất gây ô nhiễm ( bún, bánh đa, dệt chiếu, giết mổ gia súc, gia cầm.v.v.) từng bước di chuyển các hộ sản xuất ra khỏi khu vực sinh sống.

- Mỗi năm thu hút thêm 8-10 ngàn lao động vào sản xuất TTCN và làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống và phân công lại lao động nông thôn. Đến năm 2015 có 150 ngàn lao động tham gia sản xuất TTCN, chiếm 13-15% tổng số lao động toàn tỉnh.

- Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm TTCN, làng nghề trong tỉnh, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, khẳng định vị thế sản phẩm TTCN - làng nghề tại Hải Dương.

III. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước về phát triển TTCN và làng nghề

Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh, huyện, thành phố, thị xã đến xã, phường, thị trấn để phát triển TTCN và làng nghề. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của mỗi cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn.

Lồng ghép và gắn kết phát triển TTCN và làng nghề với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhất là triển khai xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cấp chợ, cải tạo hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Tập trung xây dựng quy hoạch các cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển làng nghề TTCN trong tỉnh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước và của tỉnh về phát triển TTCN và làng nghề tại khu vực nông thôn.

2. Triển khai cơ chế, chính sách phát triển TTCN và làng nghề

a) Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất

Trên cơ sở công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển công nghiệp, tỉnh sẽ dành quỹ đất và thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, khu vực sản xuất tập trung để các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

Khuyến khích các cơ sở sản xuất TTCN trong các làng nghề, khu dân cư chật hẹp, bị ô nhiễm môi trường di dời vào các cụm công nghiệp; nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng bền vững. Thực hiện hỗ trợ chi phí di dời cho các cơ sở sản xuất trong khu dân cư khi di chuyển vào cụm công nghiệp.

Các doanh nghiệp TTCN, hộ sản xuất trong các làng nghề được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất khi triển khai dự án sản xuất kinh doanh theo khung giá đất, mặt nước của tỉnh ở các mức ưu đãi tối đa theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng

Tập trung xây dựng và quản lý hoạt động các Cụm công nghiệp theo đúng quy hoạch được duyệt và Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn; tiếp tục cải tạo, hoàn thiện hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước trong các làng nghề.

Ưu tiên các dự án, công trình thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 cho các xã có làng nghề được công nhận.

c) Hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn

Tập trung tuyên truyền, triển khai cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ cho các cơ sở sản xuất TTCN, hộ gia đình trong các làng nghề.

Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thông báo công khai mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, điều kiện, thủ tục cho vay cụ thể trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng; nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở TTCN và làng nghề được tiếp cận các nguồn vốn, nhất là vốn vay trung hạn, dài hạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

d) Hỗ trợ dịch vụ tư vấn

Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong quá trình hoạt động được hỗ trợ kinh phí khuyến công thuê tư vấn trong các lĩnh vực: khởi lập doanh nghiệp, lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; đất đai; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới liên quan đến sản xuất công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ 50% chi phí thuê tư vấn, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/cơ sở.

3. Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm TTCN và làng nghề

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm TTCN và làng nghề. Gắn kết các cơ sở TTCN và làng nghề với các tổ chức thương mại để tạo lập hệ thống lưu thông hàng hoá rộng khắp, hiệu quả.

Tích cực phổ biến, tuyên truyền triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy mở rộng thị trường, nhất là thị trường nội địa cho các sản phẩm TTCN và làng nghề trong tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển các Tuor du lịch tại gắn với làng nghề trong tỉnh như: làng gốm Chu Đậu; làng chế tác vàng bạc Châu Khê, Lương Ngọc; làng chạm khắc gỗ Đông Giao; làng thêu ren Xuân Nẻo; làng giầy da Hoàng Diệu.... Khuyến khích sản xuất và cung ứng các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ các lễ hội, các điểm tham quan du lịch tại các khu di tích lịch sử, văn hoá để tiêu thụ và quảng bá thương hiệu sản phẩm, xuất khẩu tại chỗ.

Triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển thị trường cho các cơ sở TTCN và làng nghề. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh (tối đa không quá 30 triệu đồng/cơ sở/năm); hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng tham gia hội chợ triển lãm trong nước (tối đa không quá 25 triệu đồng/cơ sở/năm).

Thông qua Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh; hàng năm, mỗi khi tổ chức Hội chợ thương mại thường niên sẽ tổ chức 01 gian hàng ( khoảng 30-50 m2) để trưng bày các sản phẩm làng nghề trong tỉnh (bố trí kinh phí hỗ trợ bao gồm cả kinh phí thuê gian hàng và tổ chức, quản lý gian hàng).

4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác khuyến công theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Tranh thủ kinh phí khuyến công trung ương để tập trung vào việc truyền dạy nghề, củng cố và khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghiên cứu ban hành Quy định về phong tặng danh hiệu và chính sách ưu đãi các nghệ nhân trong sản xuất TTCN và làng nghề nhằm thúc đẩy phong trào luyện tay nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từng bước phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân và thợ lành nghề trong tỉnh.

5. Khuyến khích phát triển khoa học, đổi mới công nghệ sản xuất

Nâng cao năng lực công nghệ của các cơ sở TTCN và làng nghề thông qua chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hỗ trợ các cơ sở TTCN và làng nghề mức kinh phí tương đương 50% giá trị máy móc thiết bị hiện đại hoặc chi phí chuyển giao công nghệ tiên tiến (tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở) thông qua các đề án khuyến công trung ương và địa phương.

Tiếp tục triển khai hỗ trợ các cơ sở TTCN và làng nghề đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý) đối với các sản phẩm và dịch vụ theo Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011-2015” của tỉnh Hải Dương.

6. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất TTCN và làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường như xi măng lò đứng, lò gạch thủ công, giết mổ gia súc, gia cầm không tập trung, sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống,…Tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN và làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải có báo cáo môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường và phương án xử lý ô nhiễm môi trường theo Luật môi trường.

Ưu tiên thu hút dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề.

Ngân sách Nhà nước tỉnh, thông qua nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, hàng năm sẽ dành kinh phí từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hệ thống tiêu thoát nước và xử lý nước thải, thu gom rác thải tại tất cả các làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận.

7. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực TTCN-LN

Khai thác và huy động tối đa mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong tỉnh, thu hút các nguồn vốn từ tỉnh ngoài, từ nước ngoài để phát triển TTCN và làng nghề trên cơ sở công khai định hướng qui hoạch, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với sản xuất công nghiệp, TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong chấp thuận dự án đầu tư theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông".

Giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc để các dự án đã được chấp thuận đầu tư nhanh chóng triển khai xây dựng và sản xuất kinh doanh; đồng thời tăng cường quản lý các loại hình doanh nghiệp sau Đăng ký kinh doanh và sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

8. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người lao động; khôi phục và phát triển làng nghề trong tỉnh

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người lao động trong sản xuất TTCN và làng nghề, nhất là những ngành nghề có khả năng xảy ra mất an toàn lao động như: sản xuất cơ khí, nghề mộc, rèn.v.v.

Tiếp tục khôi phục và phát triển các làng nghề TTCN trong tỉnh; thực hiện chương trình "Mỗi làng một nghề", giúp lao động nông thôn "Ly nông bất ly hương". Thực hiện việc xét, công nhận và cấp bằng danh hiệu làng nghề TTCN hàng năm; nhằm tôn vinh và quảng bá thương hiệu làng nghề của tỉnh, từng bước đưa các sản phẩm làng nghề hội nhập ở trong và ngoài nước.

Tích cực khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, sản phẩm cổ truyền đồng thời khuyến khích du nhập, nhân cấy nghề mới vào các làng còn thuần nông. Gắn việc xây dựng phát triển làng nghề với phát triển du lịch, xây dựng làng văn hoá, bảo tồn giá trị truyền thống và qui hoạch xây dựng nông thôn mới.

Tuyên truyền, hỗ trợ thành lập các HTX, các doanh nghiệp và hiệp hội trong các làng nghề để làm đầu mối cho việc tổ chức sản xuất, cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm của các hộ gia đình trong các làng nghề, hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ.

IV. Các Chương trình, Dự án ưu tiên triển khai

Để Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015 triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015, cần tập trung triển khai, hỗ trợ thực hiện lồng ghép những Chương trình, Dự án sau:

- Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015;

- Chương trình Xây dựng nông thôn mới ở các xã có làng nghề;

- Chương trình Đào tạo nghề, dạy nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

- Chương trình Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật;

- Các Dự án Hỗ trợ đầu tư hệ thống tiêu thoát nước và xử lý nước thải tại các làng nghề;

- Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Hải Dương;

Kinh phí thực hiện một số Chương trình, Dự án lồng ghép thuộc Đề án giai đoạn 2011-2015 khoảng 46,9 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ 5,5 tỷ; ngân sách địa phương hỗ trợ 18 tỷ; các cơ sở TTCN và làng nghề huy động, đầu tư 23,4 tỷ ( Chi tiết tại phụ lục 08 kèm theo).

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương là cơ quan thường trực triển khai Đề án có trách nhiệm cùng sở, ngành có liên quan lập kế hoạch triển khai cụ thể và kiểm tra đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã thực hiện trong các năm từ 2011-2015.

Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quy hoạch phát triển hệ thống làng nghề TTCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề TTCN tỉnh Hải Dương.

Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại, các đề án khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp TTCN trong tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan trong việc đẩy mạnh phát triển các ngành nghề ở nông thôn; thông qua việc triển khai lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong việc triển khai thực hiện đề án trên phạm vi toàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công Thương có trách nhiệm lập dự toán, cân đối ngân sách hàng năm để bố trí nguồn tài chính hỗ trợ phát triển TTCN và làng nghề theo Đề án, trình Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu với UBND tỉnh quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất TTCN; hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để đầu tư hệ thống tiêu thoát nước và xử lý nước thải tại các làng nghề được công nhận danh hiệu Làng nghề CN - TTCN tỉnh Hải Dương.

5. Sở Giao thông vận tải chủ trì triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh; trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng, bảo trì các trục đường giao thông tại khu vực phát triển TTCN và làng nghề trong tỉnh.

6. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai hỗ trợ các cơ sở TTCN và làng nghề đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo Đề án “ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011-2015” của tỉnh Hải Dương.

7. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở TTCN và làng nghề được tiếp cận các nguồn vốn vay không bảo đảm bằng tài sản theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ để phát triển sản xuất kinh doanh.

8. Các sở, ngành, đoàn thể khác có liên quan chịu trách nhiệm cụ thể hoá những nhiệm vụ và giải pháp, chính sách trong Đề án thuộc phạm vi thẩm quyền của mình để tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm lập kế hoạch cụ thể phát triển TTCN và làng nghề trên địa bàn, trực tiếp chỉ đạo và đôn đốc các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án phát triển TTCN và làng nghề. Định kỳ kiểm tra, đôn đốc và báo cáo sơ kết rút kinh nghiệm hàng năm, tổng kết đề án vào cuối năm 2015.

10. Các cơ quan thông tin đại chúng phải thường xuyên thông tin, tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tầng lớp dân cư trong tỉnh để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao, tích cực tham gia thực hiện Đề án phát triển TTCN và làng nghề.

11. Trong quá trình thực hiện đề án, giao Sở Công Thương có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, tập hợp báo cáo và tham mưu đề xuất biện pháp chỉ đạo, điều hành cụ thể kịp thời với Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Công thương nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, góp phần sớm đưa Hải Dương thành một tỉnh công nghiệp./.

 


PHỤ LỤC 01:

GIÁ TRỊ SẢN XUẤT TTCN VÀ LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN 2006-2010

(Giá so sánh 1994)

 

 

 

 

 

Đơn vị tính: tỷ đồng

Chỉ tiêu

Kỳ gốc 2005

Giai đoạn 2006 - 2010

Tốc độ tăng trưởng bình quân (%)

2006

2007

2008

2009

2010

TỔNG GTSX CN (1994)

1,940.0

2,625.9

3,183.0

3,624.6

4,028.7

5,120.0

21.42

1. Phân theo thành phần kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

- Kinh tế tập thể

63.3

62.8

61.9

61.3

61.4

60.0

-1.07

- Kinh tế tư nhân

1,062.8

1,861.2

2,328.6

2,572.8

2,855.1

3,722.0

28.49

- Kinh tế cá thể

813.9

701.9

792.5

990.5

1,112.2

1,338.0

10.45

2. Phân theo huyện, thành phố, thị xã

1,940.0

2,625.9

3,183.0

3,624.6

4,028.7

5,120.0

 

- TP Hải Dương

476.0

670.2

779.3

813.1

968.4

1,250.0

21.30

- TX Chí Linh

82.0

120.9

186.6

244.9

276.5

320.0

31.30

- Huyện Bình Giang

101.0

153.8

203.1

254.7

313.3

415.0

32.66

- Huyện Cẩm Giàng

245.7

340.6

389.6

431.0

467.6

585.0

18.94

- Huyện Gia Lộc

114.8

137.3

175.6

215.5

218.6

270.0

18.65

- Huyện Kim Thành

178.3

236.2

285.4

323.3

358.2

450.0

20.34

- Huyện Kinh Môn

272.2

351.6

395.1

421.2

487.6

640.0

18.65

- Huyện Nam Sách

103.1

153.8

197.6

254.7

216.5

300.0

23.81

- Huyện Ninh Giang

107.3

126.4

153.7

186.1

205.9

230.0

16.47

- Huyện Thanh Hà

63.2

82.4

93.3

98.0

111.9

120.0

13.68

- Huyện Thanh Miện

71.5

87.9

104.3

117.6

120.9

140.0

14.38

- Huyện Tứ Kỳ

124.8

164.8

219.5

264.5

283.3

400.0

26.23

 

PHỤ LỤC 02:

CÁC SẢN PHẨM TTCN - LÀNG NGHỀ CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2006-2010

TT

Tên sản phẩm

Đơn vị tính

Kỳ gốc 2005

Giai đoạn 2006 - 2010

Tốc độ tăng trưởng bình quân (%)

2006

2007

2008

2009

2010

1

Đá các loại

1.000m3

2,192

1,460

3,999

2,996

2,682

3,254

8.22

2

Cát, sỏi các loại

1.000m3

3,977

4,412

7,190

6,450

6,842

6,580

10.59

3

Cao lanh các loại

Tấn

11,855

8,220

2,914

8,073

4,687

2,820

-24.96

4

Gạo, ngô xay xát

1.000 tấn

692

455

1,997

2,280

1,862

2,016

23.84

5

Thức ăn gia súc

Tấn

2,924

18,650

83,409

65,250

72,643

56,986

81.12

6

Thịt cấp đông

Tấn

3,706

4,520

2,463

2,093

1,895

3,250

-2.59

7

Bánh, kẹo các loại

Tấn

18,252

23,173

18,549

15,852

17,217

18,373

0.13

8

Đậu phụ

Tấn

6,633

6,698

7,569

9,820

11,391

12,039

12.66

9

Rượu trắng các loại

1.000 lít

7,275

9,280

11,105

12,580

13,985

13,150

12.57

10

Bia các loại

1.000 lít

27,232

952

524

1,249

1,360

1,256

-45.95

11

Quần áo may sẵn

1.000 chiếc

14,468

44,493

48,672

43,921

47,965

57,805

31.92

12

Giày dép da các loại

1.000 đôi

3,793

6,753

6,860

7,842

7,286

5,096

6.08

13

Trang in (quy 13x19)

Tr.Trang

1,305

1,208

6,335

10,635

11,824

13,500

59.57

14

Vôi

Tấn

156,630

187,974

226,793

169,832

157,243

162,512

0.74

15

Sứ các loại

1.000 cái

3,357

3,833

3,655

3,724

3,857

4,205

4.61

16

Gạch nung các loại

1.000 viên

500,455

295,198

406,712

535,938

522,826

633,981

4.84

17

Ngói nung các loại

1.000 viên

998

766

1,066

1,350

1,286

1,547

9.16

18

Máy bơm nước NN

Cái

9,580

6,766

7,912

3,546

5,325

4,292

-14.84

19

Tủ gỗ các loại

Cái

45,183

38,454

19,487

18,920

21,627

22,358

-13.13

20

Bàn các loại

Cái

59,119

50,482

18,444

19,524

20,408

21,850

-18.05

21

Ghế các loại

Cái

29,580

29,539

10,297

9,553

11,109

10,932

-18.05

 

PHỤ LỤC 03:

SỐ CƠ SỞ SẢN XUẤT TTCN VÀ LÀNG NGHỀ

Chỉ tiêu

Kỳ gốc 2005

Giai đoạn 2006 - 2010

Tốc độ tăng trưởng bình quân (%)

2006

2007

2008

2009

2010

TỔNG SỐ CƠ SỞ

 24,867

 25,512

 27,057

 26,731

 25,881

 25,109

0.19

Phân theo thành phần kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

- Kinh tế tập thể

 49

 45

 212

 191

 122

 104

16.24

- Kinh tế tư nhân

 265

 359

 444

 492

 601

 691

21.13

- Kinh tế cá thể

 24,553

 25,108

 26,401

 26,048

 25,158

 24,314

-0.20

 

PHỤ LỤC 04:

SỐ LAO ĐỘNG TRONG KHU VỰC TTCN VÀ LÀNG NGHỀ

 

 

 

 

 

Đơn vị tính: người

Chỉ tiêu

Kỳ gốc 2005

Giai đoạn 2006 - 2010

Tốc độ tăng trưởng bình quân (%)

2006

2007

2008

2009

2010

TỔNG SỐ LAO ĐỘNG

80,518

77,720

82,941

86,959

90,666

107,863

6.02

Phân theo thành phần kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

- Kinh tế tập thể

1,158

1,378

2,943

2,565

2,140

1,825

9.52

- Kinh tế tư nhân

20,711

23,666

26,895

34,225

39,147

45,824

17.21

- Kinh tế cá thể

58,649

52,676

53,103

50,169

49,379

60,214

0.53

 


PHỤ LỤC 05.

DANH SÁCH CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP ĐÃ ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG

STT

Tên cụm công nghiệp

Diện tích quy hoạch (ha)

Diện tích đất công nghiệp (ha)

Thu hút đầu tư

Số dự án đầu tư

Tổng vốn đầu tư (tỷ/đ)

Diện tích đất đã thuê (ha)

1

Việt Hoà

44.89

26.18

11

305.44

23.25

2

Cẩm Thượng

72.32

55.79

38

486.37

43.34

3

Tây Ngô Quyền

19.36

19.36

24

188.69

18.92

4

Ba Hàng

46.42

35.61

6

305.44

14.81

5

Cao An

46.31

30.63

6

58.20

21.76

6

Ngũ Hùng

51.00

34.48

1

49.50

2.16

7

Cao Thắng

48.52

34.52

1

120.00

2.50

8

Nghĩa An

41.28

20.50

1

370.00

5.40

9

Nguyên Giáp

102.64

55.32

1

148.42

2.43

10

Kỳ Sơn

49.83

27.10

8

312.67

36.32

11

Ngọc Sơn

59.52

39.45

8

550.00

23.93

12

Hoàng Diệu

66.57

40.94

8

258.50

18.12

13

Gia Xuyên

54.33

38.58

30

436.91

32.58

14

An Đồng

35.18

21.77

10

525.00

18.20

15

Quỳnh Phúc

48.90

37.45

9

289.32

32.85

16

Cộng Hoà

54.63

32.69

6

267.56

42.99

17

Kim Lương

31.11

19.32

7

205.25

19.32

18

Hiệp Sơn

37.48

16.22

6

367.23

16.26

19

Phú Thứ

64.55

42.50

10

178.13

34.56

20

Duy Tân

43.58

32.31

5

234.51

32.31

21

Long Xuyên

61.96

37.24

7

268.00

14.50

22

Cộng Hoà

22.45

13.37

9

66.05

13.52

23

Văn An 1

13.68

8.81

5

33.26

5.51

24

Văn An 2

14.69

10.68

5

29.54

5.42

25

Tân Dân

25.44

16.39

4

27.87

17.29

26

Chí Minh

32.60

22.20

2

-

2.99

27

Hoàng Tân

48.30

30.19

6

150.00

13.90

28

Hưng Thịnh

49.96

34.38

24

585.19

43.51

29

Ven đường 20

45.65

30.63

16

167.32

30.63

30

Nhân Quyền

42.33

30.90

1

2.50

0.25

31

Tráng Liệt

27.74

19.51

21

50.65

11.81

 

Tổng cộng

1403.22

915.02

296

7037.51

601.34


PHỤ LỤC 06

TỔNG HỢP CÁC LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT CN – TTCN TỈNH HẢI DƯƠNG

Số TT

TÊN LÀNG

NGHỀ SX CHÍNH

XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

NĂM C. NHẬN

I

TP HẢI DƯƠNG

1

Đức Minh

Mộc

P. Thanh Bình

01/9/2004

2

Lộ Cương

Bánh đa

xã Tứ Minh

16/3/2006

3

Nguyễn Xá

Mộc

xã Thạch Khôi

16/3/2006

II

HUYỆN CHÍ LINH

4

Mật Sơn

SX chổi chít

xã Chí Minh

31/7/2007

5

Trại Mới

SXVLXD không nung

xã Văn An

31/7/2007

6

Làng Tường

SXVLXD không nung

xã Văn An

31/7/2007

III

HUYỆN NAM SÁCH

7

Mạn Đê

Sấy rau quả

xã Nam Trung

01/9/2004

8

An Xá

Đan tre, làm hương

xã Quốc Tuấn

01/9/2004

9

Lấu Khê

SXVLXD không nung

xã Hiệp Cát

16/3/2006

10

Trực Trì

Sản xuất hương

xã Quốc Tuấn

17/10/2008

11

Lang Khê

Sản xuất bún, bánh

xã An Lâm

17/10/2008

12

Đông Thôn

Sản xuất hương

xã Quốc Tuấn

09/02/2010

13

Chu Đậu

Gốm

xã Thái Tân

28/7/2011

14

Ngô Đồng

Mộc

xã Nam Hưng

28/7/2011

IV

HUYỆN KINH MÔN

15

Hà Tràng

Ươm tơ

xã Thăng Long

01/9/2004

16

An Thuỷ

Chế biến thực phẩm

xã Hiến Thành

16/3/2006

17

Tống Buồng

Chế biến NSTP

NS.TP

xã Thái Thịnh

31/7/2007

 

18

Dương Nham

Trạm khắc đá

xã Phạm Mệnh

17/10/2008

V

HUYỆN KIM THÀNH

19

Dưỡng Thái Bắc

Làm hương

xã Phúc Thành

16/3/2006

20

Thôn Bắc

Mộc

xã Cổ Dũng

17/10/2008

VI

HUYỆN THANH HÀ

21

Tiên Kiều

Chiếu cói

xã Thanh Hồng

16/3/2006

22

Nhan Bầu

Chiếu cói

xã Thanh Hồng

09/02/2010

VII

HUYỆN TỨ KỲ

23

Xuân Nẻo

Thêu, ren

xã Hưng Đạo

01/9/2004

 

24

Ô Mễ

Thêu, ren

xã Hưng Đạo

01/9/2004

25

Nhũ Tỉnh

Thêu, ren

xã Quang Khải

01/9/2004

 

26

An Nhân

Đan mây, tre

Thị trấn Tứ Kỳ

01/9/2004

 

27

Thanh Kỳ

Chiếu cói

xã An Thanh

01/9/2004

 

28

Nghi Khê

Thêu, ren

xã Tân Kỳ

31/7/2007

29

Lặc Dục

Thêu, ren

xã Hưng Đạo

31/7/2007

30

Đồng Bình

Mộc, thêu, ren

xã Dân Chủ

09/02/2010

31

Kiêm Tân

Rèn - Mộc

xã Quảng Nghiệp

28/7/2011

32

An Lại

Mộc

xã Dân Chủ

28/7/2011

33

La Xá

Thêu, ren

xã Dân Chủ

28/7/2011

VIII

HUYỆN GIA LỘC

34

Nghĩa Hy

Giầy da

xã Hoàng Diệu

01/9/2004

35

Phong Lâm

Giầy da

xã Hoàng Diệu

01/9/2004

36

Trúc Lâm

Giầy da

xã Hoàng Diệu

16/3/2006

37

Văn Lâm

Giầy da

xã Hoàng Diệu

16/3/2006

38

Làng Chằm

Đan mây,tre

xã Phương Hưng

01/9/2004

39

Đông Cận

Bún

xã Tân Tiến

01/9/2004

40

Tam Lương

Bún

xã Tân Tiến

01/9/2004

41

Làng Gạch

Mộc, thêu, ren

xã Gia Hoà

31/7/2007

 

42

Đồng Tái

Rèn, thêu, ren

xã Thống Kênh

17/10/2008

IX

HUYỆN NINH GIANG

43

Cúc Bồ

Mộc (đình chùa)

xã Kiến Quốc

01/9/2004

44

Văn Giang

Nấu rượu, thêu, ren

xã Văn Giang

31/7/2007

X

HUYỆN THANH MIỆN

45

Đan Giáp

Đan tre

xã Thanh Giang

01/9/2004

46

Nại Trì

Làm thừng, rợ

xã Ngũ Hùng

01/9/2004

47

Hội Yên

Bánh đa

xã Chi Lăng Nam

01/9/2004

48

Tào Khê

Mây giang xiên, bánh đa

xã Chi Lăng Bắc

16/3/2006

49

Đào Lâm

Mây giang xiên, bánh đa

xã Đoàn Tùng

16/3/2006

50

An Dương

Thêu tranh, móc sợi

xã Chi Lăng Nam

17/10/2008

51

La Ngoại

Ghép trúc, thêu tranh

xã Ngũ Hùng

17/10/2008

XI

HUYỆN BÌNH GIANG

52

Tráng Liệt

Cơ khí

xã Tráng Liệt

01/9/2004

53

Châu Khê

Chế tác vàng bạc

xã Thúc Kháng

01/9/2004

54

Trại Như

Mộc

xã Bình Xuyên

31/7/2007

55

Phương Độ

Mộc

xã Hưng Thịnh

17/10/2008

56

Làng Vạc

Làm lược bí

xã Thái Học

17/10/2008

57

Làng Cậy

SX gốm sứ

xã Long Xuyên

17/10/2008

58

Lương Ngọc

Chế tác vàng bạc

xã Thúc Kháng

09/02/2010

XII

HUYỆN CẨM GIÀNG

59

Đông Giao

Mộc

xã Lương Điền

01/9/2004

60

Phú Lộc

Nấu rượu

Cẩm Vũ

01/9/2004

61

Lê Xá

Mộc

xã Cẩm Phúc

09/02/2010

 

PHỤ LỤC 07:

KẾ HOẠCH GIÁ TRỊ SẢN XUẤT TTCN VÀ LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN 2011-2015

(Giá so sánh 1994)

 

 

 

 

 

Đơn vị tính: tỷ đồng

Chỉ tiêu

Kỳ gốc 2010

Giai đoạn 2011 - 2015

Tốc độ tăng trưởng bình quân (%)

2011

2012

2013

2014

2015

TỔNG GTSX CN (1994)

5,120.0

6,000.0

7,000.0

8,400.0

10,000.0

12,000.0

18.57

1. Phân theo thành phần kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

- Kinh tế tập thể

60.0

65.0

70.0

80.0

90.0

100.0

10.76

- Kinh tế tư nhân

3,722.0

4,435.0

5,230.0

6,320.0

7,610.0

9,200.0

19.84

- Kinh tế cá thể

1,338.0

1,500.0

1,700.0

2,000.0

2,300.0

2,700.0

15.08

2. Phân theo huyện, thành phố, thị xã

5,120.0

6,000.0

7,000.0

8,400.0

10,000.0

12,000.0

18.57

- TP Hải Dương

1,250.0

1,450.0

1,700.0

2,000.0

2,500.0

3,000.0

19.14

- TX Chí Linh

320.0

380.0

460.0

550.0

650.0

800.0

20.11

- Huyện Bình Giang

415.0

500.0

600.0

750.0

900.0

1,100.0

21.53

- Huyện Cẩm Giàng

585.0

700.0

800.0

980.0

1,100.0

1,400.0

19.07

- Huyện Gia Lộc

270.0

300.0

360.0

450.0

550.0

650.0

19.21

- Huyện Kim Thành

450.0

520.0

600.0

700.0

800.0

950.0

16.12

- Huyện Kinh Môn

640.0

780.0

930.0

1,200.0

1,500.0

1,800.0

22.98

- Huyện Nam Sách

300.0

350.0

400.0

460.0

500.0

600.0

14.87

- Huyện Ninh Giang

230.0

260.0

290.0

320.0

360.0

400.0

11.70

- Huyện Thanh Hà

120.0

140.0

160.0

180.0

200.0

230.0

13.90

- Huyện Thanh Miện

140.0

160.0

180.0

210.0

240.0

270.0

14.04

- Huyện Tứ Kỳ

400.0

460.0

520.0

600.0

700.0

800.0

14.87

 

PHỤ LỤC 08:

TỔNG HỢP CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Số TT

Tên Chương trình, đề án

Kinh phí thực hiện 5 năm 2011-2015 ( ĐVT: Tỷ VNĐ)

Ghi chú

Tổng số

Trong đó

Ngân sách TW

Ngân sách ĐP

Doanh nghiệp

1

Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015

11,4

-

5,5

5,9

 

2

Chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề

9,0

2,5

2,5

4,0

 

3

Chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

12,5

3,0

1,0

8,5

 

4

Các dự án hỗ trợ đầu tư hệ thống tiêu thoát nước và xử lý nước thải tại các làng nghề

10,0

-

5,0

5,0

 

5

Đề án “ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp giai đoạn 2011-2015”

4,0

-

4,0

-

 

 

Tổng cộng

46,9

5,5

18,0

23,4

 

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1569/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 1569/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 11/07/2012
Ngày hiệu lực 11/07/2012
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 12 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1569/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1569/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 1569/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 1569/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Trọng Thừa
Ngày ban hành 11/07/2012
Ngày hiệu lực 11/07/2012
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Thương mại, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lực Còn hiệu lực
Cập nhật 12 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Quyết định 1569/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp

Lịch sử hiệu lực Quyết định 1569/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp

  • 11/07/2012

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 11/07/2012

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực