Nội dung toàn văn Quyết định 1589/QĐ-BNN-TCCB 2023 chức năng nhiệm vụ Cục Lâm nghiệp
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1589/QĐ-BNN-TCCB | Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC LÂM NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
Xét đề nghị của Tổng cục Lâm nghiệp tại Tờ trình số 369/TTr-TCLN-VP ngày 15/3/2023;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Cục Lâm nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Tổng cục Lâm nghiệp thành Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm.
Cục Lâm nghiệp thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, sử dụng rừng, dịch vụ môi trường rừng; tổ chức sản xuất lâm nghiệp gắn với chế biến và thương mại lâm sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
2. Cục Lâm nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Cục Lâm nghiệp đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Các dự thảo: luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị định, nghị quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, sử dụng rừng, dịch vụ môi trường rừng, khai thác lâm sản và tổ chức sản xuất lâm nghiệp gắn với chế biến và thương mại lâm sản; một số nhiệm vụ khác thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, cơ chế, chính sách và các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hành động và công trình quan trọng quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục;
c) Quy chế quản lý rừng; tiêu chí xác định và phân loại rừng, các phân khu chức năng của rừng đặc dụng; thành lập, sáp nhập, điều chỉnh, chuyển loại các khu rừng theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật; hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Ban hành các văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.
4. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chương trình, đề án, dự án; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
5. Về quản lý rừng
a) Tham mưu trình Bộ trưởng về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất; quản lý ranh giới, diện tích rừng; các phân khu chức năng của rừng đặc dụng; thành lập, sáp nhập, điều chỉnh, chuyển loại các khu rừng theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, dự án và phương án quản lý rừng bền vững;
c) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế quản lý rừng; phát triển các dịch vụ hệ sinh thái rừng; quản lý các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các loại rừng;
d) Phối hợp hướng dẫn thực hiện công tác bố trí, ổn định dân cư trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo phân công của Bộ trưởng.
6. Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng
a) Tổ chức điều tra, đánh giá, thu thập thông tin, theo dõi, giám sát đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên trong các hệ sinh thái rừng;
b) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng trên phạm vi toàn quốc;
c) Tổ chức điều tra, đánh giá, thu thập, bảo quản các loài sinh vật, vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng để đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ;
d) Hướng dẫn việc thu thập, lưu giữ, bảo quản các tiêu bản, mẫu vật trong các hệ sinh thái rừng; xây dựng hệ thống bảo tàng sinh vật rừng và vườn sưu tập thực vật rừng;
đ) Tổ chức điều tra, đánh giá, thu thập thông tin và hướng dẫn kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại trong các hệ sinh thái rừng;
e) Tổ chức thực hiện công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen các loài động vật rừng, thực vật rừng;
g) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, tái thả động vật rừng vào các khu rừng đặc dụng, phòng hộ;
h) Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rừng bị suy thoái.
7. Về phát triển rừng
a) Tham mưu trình Bộ trưởng về cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch và các quy định, hướng dẫn về các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phục hồi rừng, phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ;
b) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm phục hồi rừng, phát triển rừng, chống xói mòn và suy thoái đất rừng;
c) Tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch liên quan đến trồng cây phân tán;
d) Tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, đề án, dự án, kế hoạch liên quan đến trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
8. Về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp
a) Tham mưu trình Bộ trưởng về cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về giống cây trồng lâm nghiệp và xây dựng hệ thống rừng giống quốc gia, vườn thực vật quốc gia;
b) Tổ chức thực hiện công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, chọn, tạo, khảo nghiệm, sản xuất, thử nghiệm và quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp; thu thập, thống kê, lưu giữ, bảo tồn và khai thác nguồn gen, xây dựng ngân hàng gen và xây dựng, quản lý dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp;
c) Tổ chức các hoạt động kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; cấp, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc lưu giữ, sản xuất và cung ứng giống gốc, phục tráng giống gốc cây trồng lâm nghiệp; tổng hợp báo cáo việc quản lý giống cây trồng Lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
9. Về sử dụng rừng
a) Tham mưu trình Bộ trưởng quy định, hướng dẫn về quản lý, sử dụng rừng bền vững; hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nông lâm ngư kết hợp và khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ trong các loại rừng;
b) Tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, nông lâm ngư kết hợp, khai lâm sản trong các loại rừng và hoạt động định giá rừng;
c) Tổ chức điều tra, thống kê các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng, cây phân tán và đề xuất biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả;
d) Tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về chi trả dịch vụ môi trường rừng.
10. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử dụng rừng bền vững; hướng dẫn cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và tín chỉ các-bon rừng.
11. Về chế biến và thương mại lâm sản:
a) Tham mưu trình Bộ trưởng về cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại lâm sản;
b) Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp báo cáo về hoạt động phát triển vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại lâm sản;
c) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về chế biến và thương mại lâm sản theo phân công của Bộ trưởng.
12. Về tổ chức sản xuất lâm nghiệp
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và định kỳ tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức sản xuất, tổ chức các hình thức kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức quản lý rừng gắn với việc tổ chức sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp; hướng dẫn các tổ chức, cộng đồng dân cư xây dựng đề án, phương án tổ chức quản lý rừng gắn với sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản kết hợp trong rừng theo quy định của pháp luật.
13. Về môi trường và biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp
a) Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trong lâm nghiệp theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng;
b) Hướng dẫn, triển khai chương trình, đề án, dự án, kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng các-bon của rừng;
c) Hướng dẫn, triển khai các sáng kiến, cam kết quốc tế về rừng, môi trường và biến đổi khí hậu trong lĩnh vực lâm nghiệp mà Việt Nam tham gia;
d) Hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động đo đạc, kiểm kê khí nhà kính; báo cáo, thẩm định và công nhận kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp và thương mại các-bon rừng;
đ) Tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý về môi trường theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng.
14. Thực hiện nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng công trình lâm sinh và các công trình xây dựng khác có liên quan theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
15. Thực hiện nhiệm vụ về quản lý tài chính, tài sản, quản lý việc thu, sử dụng phí, lệ phí và các nguồn lực khác được giao thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
16. Giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững. Thực hiện các dự án quy hoạch lâm nghiệp, điều tra cơ bản, chương trình, dự án phát triển giống cây trồng lâm nghiệp, dự án khuyến lâm thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng.
17. Thực hiện nhiệm vụ về quản lý, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, quản lý cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý của Cục.
18. Tổ chức, phối hợp thực hiện nghiên cứu khoa học, thực hiện chuyển giao ứng dụng công nghệ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng.
19. Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp: Thực hiện vai trò là cơ quan đầu mối, đại diện quốc gia thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD); thực hiện Hiệp định về thành lập Tổ chức hợp tác rừng Châu Á (AFoCO); tham gia Diễn đàn Lâm nghiệp của Liên hợp quốc (UNFF); đề xuất ký kết, tổ chức thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế, cam kết quốc tế, các chương trình, dự án và các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng, sử dụng rừng, dịch vụ môi trường rừng, khai thác lâm sản và tổ chức sản xuất lâm nghiệp gắn với chế biến, thương mại lâm sản và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý của Cục và quy định của pháp luật.
20. Xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thực hiện cơ chế, chính sách về phát triển các dịch vụ hệ sinh thái rừng, dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật.
21. Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo chương trình, đề án, kế hoạch của Bộ và quy định của pháp luật.
22. Quản lý về tổ chức bộ máy, danh mục vị trí việc làm, biên chế, cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng. Thực hiện chế độ, chính sách, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý của Cục.
23. Hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động của các hiệp hội, hội trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; tham gia ý kiến về công nhận Ban vận động thành lập hội và Điều lệ hội thuộc chuyên ngành được giao quản lý theo quy định.
24. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền.
25. Quản lý Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các nguồn tài chính của quốc tế hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp theo quy định.
26. Về quản lý tổ chức hoạt động dịch vụ công
a) Trình Bộ cơ chế, chính sách về cung ứng dịch vụ công; thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ công; định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và các quy định về dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của Cục;
b) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức thực hiện dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.
27. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Cục
a) Cục Lâm nghiệp có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.
b) Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Cục. Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.
c) Cục trưởng có trách nhiệm trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục; ban hành Quy chế làm việc của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức tham mưu thuộc Cục; các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Cục sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Cục theo phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức tham mưu
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Kế hoạch, Tài chính;
c) Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế;
d) Phòng Pháp chế, Thanh tra;
đ) Phòng Thông tin và Chuyển đổi số;
e) Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ;
g) Phòng Phát triển rừng;
h) Phòng Sử dụng rừng;
i) Phòng Tổ chức sản xuất Lâm nghiệp;
k) Phòng Chế biến và Thương mại lâm sản.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2023.
Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp
1. Cục Lâm nghiệp kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nghĩa vụ liên quan của Tổng cục Lâm nghiệp theo chức năng nhiệm vụ được quy định tại Quyết định này, quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Cục Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan của Tổng cục Lâm nghiệp theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, đề án đã được giao quản lý cho đến khi có quyết định khác thay thế.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |