Quyết định 16/2007/QĐ-UBND

Quyết định 16/2007/QĐ-UBND về Đề án đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010

Nội dung toàn văn Quyết định 16/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh hoạt động văn hóa Đà Nẵng đến 2010


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 16/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA  TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về Đẩy mạnh xã hội hóa  các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Căn cứ Quyết định số 61/2005/QĐ-BVHTT ngày 04 tháng 11 năm 2005, của Bộ Văn hóa - Thông tin về việc phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa đến năm 2010.

Căn cứ Nghị quyết số 47/2006/NQ-HĐND ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân thành phố về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục - thể thao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và các chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành đính kèm Quyết định này Đề án đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2010.

Điều 2. Sở Văn hóa - Thông tin là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Đề án nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2010
(Đính kèm Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2007 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần 1.

THỰC TRẠNG XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

Trong thời gian qua, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo với sự tham gia tích cực và rộng rãi của các lực lượng xã hội; bằng những hình thức đa dạng và phong phú, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội để phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin của thành phố. Đến nay, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Về sắp xếp các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc ngành VHTT: Trong 6 doanh nghiệp nhà nước trước đây, đã thực hiện cổ phần hóa 02 doanh nghiệp, giải thể 01 doanh nghiệp, chuyển giao 01 doanh nghiệp về Trung ương, 02 doanh nghiệp còn lại chuyển sang hình thức hoạt động sự nghiệp có thu.

2. Về xã hội hóa hoạt động Thư viện: Đã huy động được nhiều cơ quan, đơn vị trong nước và tổ chức ở nước ngoài xây dựng và bổ sung nguồn sách báo và phương tiện kỹ thuật cho hoạt động thư viện. Thư viện xã Hòa Liên được xây dựng từ nguồn đóng góp của cán bộ, công chức Văn phòng UBND thành phố; Thư viện KHTH thành phố đã tiếp nhận hơn 6000 bản sách, 3 bộ máy vi tính, máy in, máy Fax, hơn 200 đĩa CDR của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Châu Á.

Đến nay, ngoài hệ thống Thư viện thuộc ngành VHTT quản lý, toàn thành phố đã có hàng trăm thư viện của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, các trường phổ thông, các đoàn thể và tủ sách ở các xã phường, thôn, khối phố, các điểm Bưu điện Văn hóa xã...

3. Về xã hội hóa lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa: Nhân dân nhiều địa phương đã có ý thức cao trong việc bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, văn hóa, tự nguyện đóng góp kinh phí để trùng tu, tôn tạo di tích, tham gia giữ gìn và phát triển các lễ hội truyền thống. Điển hình là nhân dân thôn Yến Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) đã đóng góp hơn 800 triệu đồng xây dựng lại đình làng khang trang, đẹp đẽ, dùng làm nơi sinh hoạt cộng đồng và giáo dục truyền thống

Nhiều cơ quan, đơn vị như Huyện ủy Hòa Vang, Văn phòng Thành ủy, Công ty Truyền tải Điện 2… đã huy động các nguồn lực xây dựng Nhà truyền thống. Quận Ngũ Hành Sơn đã vận động các đồng bào phật tử và nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước tài trợ kinh phí hơn 2 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo động Âm Phủ trở thành điểm thu hút khách tham quan trong quần thể khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Bên cạnh đó, mối quan hệ, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp ở nước ngoài được tăng cường để có thêm nguồn kinh phí hoạt động bảo tồn di sản văn hóa như: hoạt động của Dự án Điêu khắc đá Đà Nẵng gồm các lĩnh vực đào tạo, chế tác và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá tại khu vực làng đá mỹ nghệ Non Nước trị giá 750.000 USD do Na Uy tài trợ; Hội đồng Vùng Nord Pas de Calais (Pháp) tài trợ 65.000 EURO cho việc nâng cao giá trị của Bảo tàng Nghệ thuật Chăm. Một số cá nhân đã xin thành lập Bảo tàng tư nhân như Bảo tàng tư nhân Đồng Đình, đang xem xét để thành lập Bảo tàng cổ vật tư nhân của Công ty TNHH Thuận Tình và một số cơ sở khác.

4. Về xã hội hóa hoạt động nghệ thuật: Đã hình thành các cơ sở tư nhân trưng bày và kinh doanh nghệ thuật điêu khắc đá Non Nước, các Galary, các cơ sở bán hàng mỹ nghệ lưu niệm; Nhiều tổ chức, tư nhân bỏ vốn thực hiện việc liên doanh, liên kết với đơn vị nhà nước như: Dự án đầu tư hơn 5 tỷ đồng thành lập Câu lạc bộ Điện ảnh Sông Hàn hoạt động trên lĩnh vực chiếu phim, phát hành phim và các loại hình dịch vụ, giải trí khác. Chi nhánh chiếu phim Diamond tại Siêu thị Đà Nẵng khá hiện đại, có qui mô hơn 400 chỗ ngồi, hoạt động thường xuyên, có hiệu quả.

Đã có các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên lĩnh vực tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình ngày càng phát triển, trong đó Công ty truyền hình cáp Sông Thu mở rộng mạng lưới phát hành, cung cấp sóng truyền hình mạng cáp với chất lượng thu tín hiệu khá tốt. Đặc biệt, hàng năm, trong việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thành phố, các doanh nghiệp đã tài trợ cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn, với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Đã hình thành một số các Câu lạc bộ Thơ, Nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Múa…

5. Xã hội hóa hoạt động phát hành, xuất bản và quảng cáo: Nhiều tư nhân đã đầu tư xây dựng các Trung tâm sách, các nhà sách, cửa hàng bán sách, cho thuê sách, quán cà phê sách …, góp phần vào việc đưa kiến thức đến mọi người.

Công ty thương mại quảng cáo - hội chợ Việt Mỹ và Công ty quảng cáo Việt Anh… đã đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt hệ thống trụ hộp đèn tại dải phân cách trên một số tuyến đường chính, vừa phục vụ tuyên truyền chính trị, vừa quảng cáo thương mại. Một số công ty quảng cáo tư nhân đã tài trợ cho công tác tuyên truyền, quảng bá nhân về các sự kiện lớn tổ chức tại Đà Nẵng với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng.

6. Về xã hội hóa các hoạt động văn hóa thông tin cơ sở: Đã hình thành hệ thống các Trung tâm, Nhà Văn hóa của ngành Văn hóa - Thông tin, các đoàn thể, cơ quan Trung ương và địa phương... với hàng chục câu lạc bộ, hàng trăm đội văn nghệ quần chúng. Nhân dân nhiều nơi đã tự nguyện góp công, tiền để xây dựng Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.

Bên cạnh những hoạt động trên, nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa cơ sở trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2005, trên địa bàn thành phố đã có 84% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 68,6% đạt danh hiệu thôn văn hóa; 67,9 % đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa...

7. Về xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ văn hóa: Nhiều tổ chức, cá nhân đã lập Công ty tư nhân, đầu tư xây dựng cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh dịch vụ văn hóa, như: in lưới và Photocopy, in sang băng đĩa, ảnh màu điện tử, trò chơi điện tử, tiệm bán tranh, phòng vẽ tranh, các quán bar, vũ trường, dịch vụ karaoke... Có những cơ sở dịch vụ văn hóa được đầu tư hàng tỷ đồng.

Những kết quả đạt được trên lĩnh vực xã hội hóa hoạt động văn hóa đã góp phần tạo nên các hình thức sinh hoạt và sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa ngày càng cao của nhân dân thành phố, từng bước góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

II. MỘT SỐ TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN:

1. Tồn tại:

- Nhận thức về xã hội hóa của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động văn hóa các cấp chưa sâu sắc, chưa thấy được tính tất yếu và lợi ích lâu dài của công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa; tư duy, thói quen ỷ lại, trông chờ vào bao cấp của ngân sách nhà nước còn khá phổ biến.

- Công tác quản lý nhà nước về văn hóa - thông tin còn nhiều bất cập cả trong định hướng, quy hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện; cơ chế, chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa - thông tin chưa cụ thể, thiếu đồng bộ. Các cơ sở văn hóa ngoài công lập còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của thành phố. Xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển chưa đồng đều giữa các vùng và các lĩnh vực.

- Trong một số lĩnh vực, hoạt động xã hội hóa có biểu hiện thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, làm ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục thẩm mỹ, trật tự an toàn xã hội.

2. Nguyên nhân:

- Một số lĩnh vực chưa tạo được nguồn thu đủ để sự duy trì hoạt động. Một số quy định của Trung ương về chính sách ưu đãi thuế, chính sách đất đai chậm được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

- Thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tài trợ cho các hoạt động văn hóa (chính sách thuế, đất đai, khen thưởng...); chưa có chính sách, chế độ cho người lao động hoạt động trong đơn vị công lập chuyển ra hoạt động ngoài công lập.

- Công tác qui hoạch sử dụng đất cho các hoạt động văn hóa - thông tin, nhất là , các hoạt động có nhu cầu sử dụng đất tại các vị trí thuận lợi do tính đặc thù hoạt động của ngành Văn hóa - Thông tin, còn nhiều bất cập.

Phần 2.

MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2010

I. MỤC TIÊU:

- Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin, đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhân dân trong thời kỳ mới.

- Đến năm 2010, chuyển toàn bộ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; đồng thời với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện sang loại hình ngoài công lập.

- Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với pháp luật nhà nước nhằm khuyến khích phát triển xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố.

- Phấn đấu đến năm 2010 hình thành thành một số cơ sở văn hóa ngoài công lập (Bảo tàng, cơ sở trưng bày các sưu tập tư nhân; các tụ điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các thiết chế văn hóa …) do tư nhân đầu tư và khai thác.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền: Nhằm nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho các cấp lãnh đạo từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường; tiếp tục thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; các chương trình, đề án của thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa.

Triển khai thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa và các lĩnh vực có liên quan để thúc đẩy sự phát triển đa dạng các mô hình xã hội hóa các hoạt động văn hóa của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố.

2. Đổi mới cơ chế hoạt động và quản lý đối với các cơ sở văn hóa theo hướng xã hội hóa:

2.1. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin:

a) Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: Tiếp tục duy trì loại hình công lập và tăng cường, củng cố các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Từ năm 2007, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

b) Nhà hát Trưng Vương: Tiếp tục duy trì loại hình công lập. Xây dựng mới Đề án tổ chức và hoạt động của Nhà hát, trong đó có sắp xếp, củng cố hoạt động tổ chức biểu diễn và hoạt động của Đoàn Ca múa nhạc. Từ năm 2007, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

Trong đó, từ năm 2008, bộ phận tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải tự bảo đảm chi phí hoạt động.

c) Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật: Tiếp tục duy trì loại hình công lập; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ giảng viên; mở rộng liên kết đào tạo và nâng cấp lên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật.

Từ năm 2007, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

d) Bảo tàng Đà Nẵng: Tiếp tục duy trì loại hình công lập nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (kể cả văn hóa vật thể và phi vật thể) của dân tộc và thành phố.

- Từ năm 2007, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Từ năm 2008, thành lập Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm hoạt động độc lập, trên cơ sở tách ra từ Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay, là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Từ năm 2008, sau khi tách Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

đ) Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố: Tiếp tục duy trì loại hình công lập và tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Giai đoạn năm 2007 - 2008, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Từ năm 2009, sau khi ổn định cơ sở mới, Thư viện thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

e) Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố: Tiếp tục duy trì dưới hình thức công lập và tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Giai đoạn năm 2007 - 2008, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Từ năm 2009, sau khi hoàn thành công trình mới, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên.

g) Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng thành phố:

- Năm 2007, thực hiện cơ chế đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ.

- Tích cực chuẩn bị các điều kiện để đến đầu năm 2008 chuyển đổi thành đơn vị hoạt động ngoài công lập.

h) Trung tâm Quản lý Quảng cáo: Trước mắt tiếp tục duy trì hoạt động theo cơ chế hiện hành.

i) Cuối năm 2007, thành lập mới đơn vị Nhà biểu diễn đa năng thành phố Đà Nẵng, hoạt động trên lĩnh vực tổ chức biểu diễn nghệ thuật và các dịch vụ văn hóa khác; là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ; phấn đấu trước năm 2010 chuyển sang cơ chế tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

2.2. Đối với các đơn vị sự nghiệp không trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, gồm: Nhà Xuất bản Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển theo loại hình công lập như định hướng của Bộ Văn hóa - Thông tin.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở:

- Thành phố có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động thuộc lĩnh vực văn nghệ quần chúng, thông tin tuyên truyền cổ động trực quan; thông tin, triển lãm lưu động.

- Khuyến khích tư nhân đấu thầu tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tại công viên, các Khu vui chơi giải trí xã, phường theo hướng: giảm thuế, tạo điều kiện giữ gìn an ninh trật tự; tư nhân đầu tư trực tiếp.

- Khuyến khích mọi cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở, như: Nhà văn hóa - thông tin - triển lãm; nhà sinh hoạt văn hóa; điểm vui chơi giải trí; công viên văn hóa - thể thao; các cơ sở dịch vụ cho công tác tuyên truyền cổ động trực quan; cụm kinh tế - văn hóa, điểm sáng văn hóa...; tham gia hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; văn hóa, văn nghệ quần chúng; mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu, nâng cao trình độ nghiệp vụ; các câu lạc bộ truyền thống và các loại hình văn nghệ dân gian; đăng ký, tổ chức các lễ hội (kể cả lễ hội hiện đại và lễ hội truyền thống (trừ lễ hội cấp quốc gia).

Các hoạt động trên được thực hiện theo nguyên tắc tự tổ chức, quản lý và chịu sự quản lý về mặt nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.

Thành phố sẽ xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất ban đầu cho các hoạt động văn hóa – thông tin cơ sở được tổ chức, thực hiện và phục vụ tại địa bàn các xã nông thôn, miền núi thuộc huyện Hòa Vang.

4. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa chuyên ngành:

a) Về lĩnh vực nghệ thuật: Khuyến khích thành lập các đoàn nghệ thuật tư nhân, các tổ chức dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, sân khấu, sản xuất và phát hành băng đĩa ca nhạc.

b) Về lĩnh vực bảo tồn di sản: Khuyến khích thành lập các Bảo tàng, trưng bày các sưu tập tư nhân; vận động nhân dân đóng góp kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích; phối hợp trưng bày, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống.

c) Về lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật: Khuyến khích thành lập mới các trường, lớp dân lập, tư thục đào tạo văn hóa nghệ thuật; mở các cơ sở đào tạo có chất lượng cao, có uy tín, bằng 100% vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời tranh thủ hỗ trợ quốc tế về đào tạo trong lĩnh vực văn hóa. Khuyến khích các họa sỹ, nghệ nhân có uy tín của thành phố tổ chức kèm cặp truyền nghề, dạy nghề hoặc mở lớp đào tạo nghệ thuật, mỹ thuật, nhất là đối với các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống.

d) Về lĩnh vực điện ảnh: Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các hãng phim (tư nhân hoặc cổ phần); xây dựng các rạp chiếu bóng, thành lập các đội chiếu phim phục vụ nhân dân ở các xã nông thôn, miền núi thuộc huyện Hòa Vang và được tài trợ buổi chiếu phim như các đơn vị công lập.

đ) Về lĩnh vực xuất bản, in, phát hành sách báo: Mở rộng các hình thức liên kết theo hướng chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuộc các lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm được liên kết với các Nhà Xuất bản Trung ương và địa phương dưới các hình thức đầu tư vốn, xây dựng bản thảo, in và phát hành xuất bản phẩm.

- Mở rộng chức năng cho các cơ sở in tư nhân hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở các Trung tâm sách, nhà sách;

e) Về lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh: Khuyến khích đầu tư cho việc sáng tác, triển lãm, công bố các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (kể cả tranh tượng ngoài trời); xuất kinh doanh trong lĩnh vực mỹ thuật - nhiếp ảnh; mở các galary tư nhân, các Câu lạc bộ yêu thích mỹ thuật - nhiếp ảnh; tổ chức bán đấu giá tranh ảnh gây quỹ...

g) Về lĩnh vực Thư viện: Khuyến khích và cho phép thành lập thư viện ngoài công lập của các cá nhân, các tổ chức - xã hội; thành lập Câu lạc bộ bạn yêu sách...

h) Về lĩnh vực quảng cáo: Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thực hiện kết hợp các hoạt động quảng cáo tuyên truyền chính trị và thương mại trên các tuyến đường nhân các sự kiện chính trị lớn, các ngày lễ kỷ niệm trọng đại trong năm của thành phố và của cả nước.

5. Thực hiện chính sách:

- Các cơ sở ngoài công lập tham gia vào các hoạt động xã hội hóa được áp dụng các chính sách khuyến khích phát triển theo các nội dung của Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ và Thông tư số 53/2006/NĐ-CP">91/2006/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

- Thành phố dành một tỷ lệ ngân sách thích hợp để hỗ trợ các đơn vị công lập chuyển sang loại hình ngoài công lập.

6. Tăng mức đầu tư phát triển cho sự nghiệp văn hóa - thông tin: Thành phố ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các hoạt động văn hóa - thông tin cho các xã vùng nông thôn (đặc biệt là với các xã miền núi) của huyện Hòa Vang và các đối tượng được hưởng thuộc chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa. Ngân sách thành phố chủ yếu đầu tư vào hoạt động văn hóa then chốt, góp phần định hướng chính trị - tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ và giá trị xã hội; lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa (bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể), các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian (Tuồng, múa rối nước....)

7. Mở rộng lĩnh vực hoạt động của các đơn vị trực thuộc ngành Văn hóa - Thông tin quản lý:

a) Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và Nhà hát Trưng Vương: Khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có để tăng nguồn thu, như: cho thuê Hội trường, sân khấu, trang âm, đạo cụ, phục trang...; tăng nguồn thu từ bán vé trên cơ sở đa dạng hóa các hoạt động biểu diễn; thu từ các hoạt động quảng cáo, biểu diễn theo yêu cầu tài trợ; tổ chức cho các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn… đi biểu diễn, dàn dựng vở diễn, chương trình nghệ thuật, lễ hội; hướng dẫn, chỉ đạo nghệ thuật; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật... theo hình thức khoán gọn và trích nộp một phần thu được cho đơn vị; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mở rộng hoạt động biểu diễn, dịch vụ khác...

b) Bảo tàng Đà Nẵng: Mở các dịch vụ phục vụ khách tham quan, như: bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, bán tranh tượng và đồ giả cổ; bán hàng giải khát...; phục vụ khách tham quan tăng giờ, ngoài giờ theo yêu cầu (đăng ký) của các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch; mở thêm các trưng bày chuyên đề, tổ chức trưng bày lưu động, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim...

c) Thư viện Khoa học Tổng hợp và Thư viện các quận, huyện: Nhận đại lý cung cấp và bán sản phẩm thông tin (cung cấp tin, bài theo yêu cầu của bạn đọc; khai thác tin, cung cấp dịch vụ chuyển tác phẩm từ các Thư viện khác trên mạng phù hợp với yêu cầu bạn đọc...); xử lý kỹ thuật, nghiệp vụ, nội dung tư liệu cho các đơn vị, cá nhân;đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho các điểm Bưu điện văn hóa xã, thư viện thuộc hệ thống giáo dục - đào tạo, các tủ sách pháp luật…; hợp đồng cử cán bộ tham gia giảng dạy các lớp Thông tin - Thư viện tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật; tư vấn xây dựng thư viện theo yêu cầu của các đơn vị, cá nhân.

d) Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật: Mở rộng các hình thức đào tạo trong và ngoài thành phố (bồi dưỡng, tập huấn, tại chức...) trên cơ sở đóng góp của học viên; cử các giảng viên, học sinh tham gia giảng dạy, huấn luyện, dàn dựng chương trình nghệ thuật, tổ chức chương trình triển lãm... cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu theo hợp đồng; xây dựng các Câu lạc bộ, các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, các đội thông tin lưu động... theo yêu cầu của các địa phương, đơn vị...

đ) Trung tâm Văn hóa Thông tin thành phố và các quận, huyện: Khai thác tối đa tiềm năng cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng nguồn thu, như: Cho thuê Hội trường, sân khấu, phòng học; tổ chức các lớp học về văn hóa - nghệ thuật, xây dựng các câu lạc bộ theo sở thích (thơ, nhạc, nhiếp ảnh, kịch nói, múa rối...); các lớp về thủ công mỹ nghệ truyền thống...; tổ chức các dịch vụ chiếu phim, phục vụ triển lãm cá nhân; bán văn hóa phẩm; giải khát phục vụ nhu cầu cho người dân đến tham gia hoạt động.

e) Các Bảo tàng tư nhân, các điểm di tích lịch sử, văn hóa và các chủ sưu tập tư nhân: Được tiếp nhận đóng góp của các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ, phục vụ tái tạo việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích theo qui định; được thu kinh phí (theo thỏa thuận hoặc theo cơ chế khoán) đối với các hãng lữ hành du lịch đến tham quan theo lịch trình.

g) Các Thư viện tư nhân: Được tiếp nhận đóng góp của các tổ chức, cá nhân (kể cả tổ chức, cá nhân người nước ngoài) theo qui định và được thu kinh phí của người đến tham quan, nghiên cứu.

8. Tăng cường công tác vận động viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để tranh thủ nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực, hoạt động văn hóa.

9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo triển khai thực hiện tốt Đề án xã hội hóa các hoạt động văn hóa - thông tin theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Phần 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa - Thông tin:

- Là cơ quan thường trực của Đề án, chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai và phối hợp với các sở, ban, ngành, Đoàn thể... thực hiện các nội dung, giải pháp được nêu trong Đề án;

- Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa;

- Nghiên cứu, đề xuất và chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng các mô hình xã hội hóa các hoạt động văn hóa phù hợp trên địa bàn thành phố;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng nghiên cứu cơ chế xây dựng thiết chế văn hóa (các tụ điểm biểu diễn nghệ thuật ngoài trời; các Siêu thị sách, các Rạp chiếu phim...) để cho thuê hoặc giao cho ngành VHTT quản lý, hoạt động theo phương châm xã hội hóa; cho thuê nhà, cơ sở hạ tầng đối với các cơ sở tư nhân hoạt động trên lĩnh vực văn hóa.

2. Các sở, ban, ngành và các đoàn thể:

- Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao” trong cơ quan, đơn vị.;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án đến cán bộ, công nhân viên chức và mọi người dân để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tự nguyện, tích cực của mọi người vào hoạt động xã hội hóa văn hóa;

- Phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện xã hội hoạt động hóa văn hóa phù hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước và Đề án phát triển xã hội hóa văn hóa của thành phố.

4. Sở Kế hoạch Đầu tư: Phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ ban đầu có thời hạn, chế độ đãi ngộ cho người lao động đang làm việc ở các đơn vị sự nghiệp hoạt động văn hóa công lập chuyển sang tổ chức, đơn vị hoạt động văn hóa ngoài công lập.

5. Sở Tài chính:

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thẩm định, đề xuất, phê duyệt các cơ chế liên doanh, liên kết về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chuyên ngành theo quy định;

- Chủ trì việc xử lý tài sản khi chuyển đổi các hình thức hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa văn hóa; phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường xây dựng và hướng dẫn chế độ phí sử dụng đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho từng loại hình, cơ sở dịch vụ tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa theo quy định của pháp luật.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng trong việc lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; ưu tiên, tạo điều kiện thuận tiện và đảm bảo đủ quỹ đất cho các cơ sở tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

7. Các Báo Đà Nẵng, Đài PT-TH Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng: tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung có liên quan đến chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa của Đảng, Nhà nước và của thành phố, phản ánh gương các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia có hiệu quả về xã hội hóa các hoạt động văn hóa để nhân rộng điển hình và phát huy.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả; định kỳ hàng năm đánh giá kết quả gửi Sở Văn hóa - Thông tin để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có vướng mắc, phát sinh, cần kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Văn hóa - Thông tin ) để xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 16/2007/QĐ-UBND

Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 16/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành 14/02/2007
Ngày hiệu lực 24/02/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Không còn phù hợp
Cập nhật 16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 16/2007/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 16/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh hoạt động văn hóa Đà Nẵng đến 2010


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

Văn bản liên quan ngôn ngữ

Văn bản sửa đổi, bổ sung

Văn bản bị đính chính

Văn bản được hướng dẫn

Văn bản đính chính

Văn bản bị thay thế

Văn bản hiện thời

Quyết định 16/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh hoạt động văn hóa Đà Nẵng đến 2010
Loại văn bản Quyết định
Số hiệu 16/2007/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Ngày ban hành 14/02/2007
Ngày hiệu lực 24/02/2007
Ngày công báo ...
Số công báo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
Tình trạng hiệu lực Không còn phù hợp
Cập nhật 16 năm trước

Văn bản thay thế

Văn bản gốc Quyết định 16/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh hoạt động văn hóa Đà Nẵng đến 2010

Lịch sử hiệu lực Quyết định 16/2007/QĐ-UBND đẩy mạnh hoạt động văn hóa Đà Nẵng đến 2010

  • 14/02/2007

    Văn bản được ban hành

    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

  • 24/02/2007

    Văn bản có hiệu lực

    Trạng thái: Có hiệu lực