Quyết định 16/2008/QĐ-UBND

Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý tổng hợp vùng bờ trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn do thành phố Đà Nẵng ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quản lý tổng hợp vùng bờ quận Sơn Trà Đà Nẵng


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:16/2008/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TỔNG HỢP VÙNG BỜ TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN SƠN TRÀ VÀ QUẬN NGŨ HÀNH SƠN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 122/TTr-STNMT ngày 14 tháng 02 năm 2008; theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Quản lý tổng hợp vùng bờ trên địa bàn quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định nêu tại Điều 1.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn; UBND các phường: An Hải Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc, Phước Mỹ, Nại Hiên Đông, Mân Thái, Thọ Quang, Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ TỔNG HỢP VÙNG BỜ TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN SƠN TRÀ VÀ QUẬN NGŨ HÀNH SƠN, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-UBND ngày 29 tháng 02 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định về quản lý các hoạt động trong vùng bờ của 2 quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn (gọi tắt là vùng bờ Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn) nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động trong vùng bờ nêu trên.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng bờ nêu trên phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, hàng hải, thuỷ sản, du lịch, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng, các quy định khác của pháp luật có liên quan và nội dung Quy định này.

Trường hợp pháp luật và Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết có quy định khác với Quy định này thì áp dụng theo pháp luật và điều ước quốc tế đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong bản quy định này các thuật ngữ được hiểu như sau:

Quản lý tổng hợp vùng bờ: Là mô hình quản lý vùng bờ theo cách tiếp cận tổng hợp nhằm giải quyết các mâu thuẫn đa ngành trên cùng một vùng lãnh thổ, trong đó cách tiếp cận tổng hợp có nghĩa là phải xem xét đến tất cả các mặt kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường,... của vùng bờ trong suốt quá trình quản lý.

Vùng bờ Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn: Là bao gồm toàn bộ diện tích đất của quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn và diện tích mặt nước biển tính từ đường bờ biển ra phía biển khơi đến vị trí cách đường bờ biển 6 (sáu) hải lý.

Vùng bảo tồn: Là vùng đất và nước được xem là quan trọng đối với việc bảo vệ và bảo tồn các sinh cảnh đặc thù, nguyên sơ và đa dạng sinh học cao, các loài sinh vật hoặc các vùng có các hệ sinh thái hỗ trợ sự sống của các loài sinh vật đặc hữu, quí hiếm và bị đe doạ.

Vùng cấp nước: Là vùng có nguồn nước ngọt đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định cho mục đích sử dụng để cung cấp cho sinh hoạt, hoạt động công nghiệp.

Vùng phục hồi: Là vùng được chỉ định cho mục tiêu phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh,... bị suy thoái.

Vùng đệm: Là vùng mà các loại hình sử dụng bị hạn chế, kề với vùng bảo tồn, được thiết kế để cũng cố các nỗ lực bảo tồn. Vùng đệm có thể là vùng nhạy cảm và có chức năng bảo vệ (cách ly) Vùng bảo tồn khỏi những tác động tiêu cực tiềm tàng của sự phát triển xung quanh. Tại các vùng này, có thể có hoạt động khai thác, cư trú.

Vùng phát triển: Là vùng có các điều kiện đáp ứng, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong các vùng này có thể có một loại hình phát triển duy nhất hoặc có một loại hình chiếm ưu thế, còn các hoạt động khác vẫn được phép hoạt động trong các vùng này. Vùng phát triển có thể được chia thành các vùng: Vùng phát triển du lịch, vùng phát triển công nghiệp, vùng hoạt động cảng và giao thông thủy,...

Vùng khai thác hợp lý: Là vùng biển có các hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản, vùng ra vào cảng, các vị trí neo đậu của các loại phương tiện vận chuyển và các hoạt động thể thao giải trí trên biển.

Điều 5. Phạm vi phân vùng

1. Phạm vi vùng bờ Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn được quản lý bao gồm toàn bộ diện tích đất liền của quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn và diện tích mặt nước biển được tính từ đường bờ biển ra phía biển khơi đến vị trí cách đường bờ biển 6 (sáu) hải lý

2. Các vùng chức năng:

a) Vùng cấp nước: Bao gồm toàn bộ khu vực hồ Xanh và vành đai bảo vệ đã được Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 9780/QĐ-UB ngày 20 tháng 12 năm 2005 về việc phân cấp quản lý và xử lý ô nhiễm các hồ đầm trên địa bàn thành phố.

b) Vùng bảo tồn: Vùng bảo tồn bao gồm 2 khu vực là trên đất liền và trên biển:

- Trên đất liền: Vùng bảo tồn trên đất liền là vùng đất thuộc phạm vi của “Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà”.

- Trên biển: Vùng bảo tồn là khu vực bao quanh bán đảo Sơn Trà được giới hạn từ bờ ra đến khoảng 300m (tương ứng với độ sâu trung bình 12m với mục đích bảo tồn các rạn san hô, thảm cỏ biển gồm các khu vực:

Khu vực 1: Từ Mũi Lố, Vũng Cây Bàng, Bãi Tây Bắc, Bãi Đông Bắc.

Khu vực 2: Từ Mũi Đà Nẵng, Vũng Đá, Hục Lỡ 1, Hục Lỡ 2, Mũi Súng, Bãi Nồm đến Bãi Bụt.

Khu vực 3: Hòn Sụp.

c) Vùng phục hồi dưới nước: Lấy theo phạm vi ranh giới trong là từ 300m nước cách bờ (ranh giới vùng bảo tồn) ra ngoài đến 500m tương ứng với độ sâu 15m

d) Vùng đệm trên bờ: Vùng đệm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, vùng đệm này có phạm vi từ đường đẳng cao 200m trở xuống đến sát mép nước, đây cũng chính là vùng trong phạm vi cho phép khai thác hợp lý của Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà.

e) Vùng phát triển:

Vùng phát triển du lịch, gồm 2 khu vực: Vùng du lịch lấy theo dải du lịch ven biển Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn; Vùng du lịch phía Bắc bán đảo Sơn Trà gồm các khu du lịch Bãi Bắc, Tiên Sa.

Vùng hoạt động cảng và giao thông vận tải thuỷ: gồm 2 khu vực: Khu vực Đông Nam bán đảo Sơn Trà và khu vực âu thuyền Thọ Quang đến cảng Tiên Sa

Vùng phát triển công nghiệp: gồm 2 khu công nghiệp: Khu công nghiệp Đà Nẵng; Khu công nghiệp chế biến và dịch vụ thủy sản Thọ Quang.

f) Vùng khai thác hợp lý:

Là vùng biển có phạm vi ngoài vùng phục hồi (bắt đầu từ 500m cách bờ), vùng hoạt động cảng, giao thông thủy và vùng phát triển du lịch ra đến ranh giới ngoài được giới hạn cách bờ 6 (sáu) hải lý.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1: VÙNG BẢO TỒN TRÊN BỜ

Điều 6. Các hoạt động khuyến khích thực hiện trong vùng bảo tồn trên bờ

Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia giám sát và thông báo kịp thời các trường hợp vi phạm trong khu bảo tồn nhằm phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Việc tổ chức các hoạt động du lịch, văn hoá trong vùng bảo tồn không được làm ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái của vùng bảo tồn và phải tuân theo Quy chế tổ chức và hoạt động du lịch tại khu vực bán đảo Sơn Trà - quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng theo quy định tại Quyết định số 191/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 11 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng.

Điều 7. Các hành vi không được thực hiện trong vùng bảo tồn trên bờ

Ngoài các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 12 của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, các văn bản pháp luật, các quy định của cơ quan quản lý Trung ương, địa phương; các hành vi sau đây không được thực hiện:

1. Lấp, đổ, đào xới đất, khai thác tài nguyên hoặc xây dựng công trình công nghiệp, du lịch gây ra những biến đổi về không gian trong vùng bảo tồn,...;

2. Đổ chất thải rắn, nước thải công nghiệp, dịch vụ và các loại chất thải vào vùng bảo tồn;

3. Chôn vùi chất thải, xây dựng các bãi chôn lấp chất thải trong vùng bảo tồn;

4. Gây ô nhiễm môi trường, kể cả gây tiếng ồn, độ rung quá giới hạn cho phép.

Mục 2: VÙNG BẢO TỒN DƯỚI NƯỚC

Điều 8. Các hoạt động khuyến khích thực hiện trong vùng bảo tồn dưới nước:

1. Bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ các giống, loài quý hiếm, môi trường trong vùng bảo tồn;

2. Phục hồi các hệ sinh thái trong vùng bảo tồn đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; Khuyến khích việc nghiên cứu, phục hồi, trồng mới các rạn san hô;

3. Tham gia giám sát các hoạt động khai thác trên vùng bảo tồn của các tổ chức, cá nhân;

4. Phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi, vi phạm trong vùng bảo tồn các rạn san hô, thảm cỏ biển.

Điều 9. Các hành vi không được thực hiện trong vùng bảo tồn dưới nước:

Thực hiện theo Điều 6 của Luật Thuỷ sản, các văn bản pháp luật, các quy định của cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.

Mục 3: VÙNG ĐỆM

Điều 10. Các hoạt động được khuyến khích:

1. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát môi trường và đa dạng sinh học vùng phục hồi, vùng đệm đề xuất các hoạt động hỗ trợ cho vùng;

2. Các hoạt động du lịch sinh thái;

3. Xây dựng các công trình phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái nhưng các hoạt động này phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến vùng bảo tồn và phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng.

Điều 11. Các hành vi không được thực hiện trong vùng đệm:

1. Chặt, phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, các hoạt động làm biến đổi bản chất tự nhiên, phá huỷ hoặc làm tổn hại đến hệ sinh thái, gây ô nhiễm, suy thoái vùng bảo tồn;

2. Đổ chất thải rắn, nước thải công nghiệp, dịch vụ và các loại chất thải vào vùng bảo tồn;

3. Chôn vùi chất thải, xây dựng các bãi chôn lấp chất thải trong vùng phục hồi, vùng đệm;

4. Khai thác khoáng sản dưới mọi hình thức;

5. Các hoạt động làm xói lở bờ biển;

6. Lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Mục 4: VÙNG PHỤC HỒI DƯỚI NƯỚC

Điều 12. Các hoạt động được khuyến khích:

1. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát môi trường và đa dạng sinh học vùng phục hồi để đề xuất các hoạt động hỗ trợ cho vùng;

2. Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, bơi lội nhưng đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái vùng phục hồi, vùng bảo tồn;

3. Khuyến khích người dân địa phương tăng cường công tác giám sát các hoạt động khai thác hải sản trong vùng phục hồi;

4. Tuyên truyền về đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên sinh vật biển cho người dân địa phương và có những hướng dẫn cụ thể đối với du khách trong việc thưởng thức và bảo tồn các giá trị tài nguyên của vùng phục hồi;

5. Các loại phương tiện du lịch như canô, ghe, thuyền,... phục vụ hoạt động du lịch phải có vị trí tập kết nhất định và không để xảy ra ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động và tập kết.

Điều 13. Các hành vi không được thực hiện trong vùng phục hồi dưới nước:

1. Việc sử dụng chất nổ, hoá chất, vật liệu nổ, xung điện để đánh bắt thuỷ hải sản;

2. Đổ, thải chất thải trực tiếp xuống vùng ven biển thuộc vùng phục hồi san hô, cỏ biển bán đảo Sơn Trà và Nam Bán đảo Sơn Trà;

3. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch có ảnh hưởng đến rạn san hô và thảm cỏ biển trong phạm vi vùng phục hồi;

4. Khai thác san hô, cỏ biển trong phạm vi 200m từ bờ trong vùng phục hồi kéo dài từ cảng Tiên Sa đến Bãi Nồm;

5. Các hoạt động giao thông diễn ra trong vùng phục hồi, các tàu thuyền neo đậu từ tàu công suất lớn đến ghe, thúng trong phạm vi vùng này, trường hợp cần thiết cho việc neo đậu phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Mục 5: VÙNG CẤP NƯỚC

Điều 14. Các hoạt động được khuyến khích trong vùng cấp nước:

1. Làm tăng độ phủ xanh thảm thực vật trong phạm vi vùng đệm;

2. Các công trình nghiên cứu nhằm phục hồi và bảo vệ nguồn nước;

3. Phát hiện và thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm đến vùng cấp nước và vùng bảo vệ của vùng cấp nước.

Điều 15. Các hành vi không được thực hiện trong vùng cấp nước:

1. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và các hoạt động khác diễn ra trong vùng hồ Xanh;

2. Đổ thải trực tiếp nước thải, chất thải rắn, hóa chất và chất thải nguy hại xuống hồ Xanh;

3. Tổ chức các hoạt động có khả năng gây ô nhiễm trong phạm vi vùng cấp nước;

4. Chăn, thả súc vật trong khu vực vùng cấp nước;

5. Chôn lấp hoặc xả chất thải, vật liệu xây dựng trên đất liền thuộc phạm vi vùng cấp nước; xây dựng các bãi chôn lấp chất thải trong vùng này;

6. Phá thảm thực vật và các hệ thống bảo vệ trong vùng cấp nước;

7. Các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng cấp nước.

Mục 6: VÙNG PHÁT TRIỂN

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có các hoạt động trên các vùng phát triển

Tổ chức, cá nhân tổ chức các hoạt động trên các vùng phát triển có trách nhiệm:

1. Tùy theo tính chất và quy mô của dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Luật Bảo bệ môi trường và các quy định hướng dẫn và được các cơ quan có thẩm quyền cho phép khi xây dựng các công trình, bến bãi, khu neo đậu tầu thuyền, khu du lịch trong phạm vi vùng bờ Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn;

2. Bảo vệ các hệ sinh thái trong vùng, bảo tồn đa dạng sinh học, động vật thủy sinh, giống loài đặc hữu, quý hiếm, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng;

3. Bảo vệ cảnh quan, môi trường, di tích lịch sử, các giá trị văn hoá, du lịch, sinh thái trên các vùng phát triển;

4. Nghiêm cấm vứt rác, xả thải, nước bẩn xuống môi trường đất và các nguồn nước gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm thuộc các vùng phát triển từ Nam Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn.

Mục 7: VÙNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Điều 17. Hoạt động dịch vụ - du lịch và thương mại.

1. Các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ - du lịch và thương mại trong vùng phát triển du lịch phải tuân thủ quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng đã được quy định và các văn bản pháp luật của các cơ quan, ban, ngành liên quan.

2. Các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch được khuyến khích:

a) Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch, kinh doanh các dịch vụ phục vụ du lịch, mở rộng nhiều loại hình du lịch phong phú trong phạm vi cho phép;

b) Phát triển các bãi biển Đà Nẵng thành những khu du lịch quan trọng và đáp ứng nhu cầu trong thực tế về chất lượng và cảnh quan môi trường;

c) Đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch sinh thái và bảo tồn các giá trị tài nguyên phong phú của biển;

d) Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các giá trị sinh thái của vùng phát triển du lịch Ngũ Hành Sơn;

e) Cho phép sử dụng vùng không gian bên trong vùng phát triển du lịch để phục vụ loại hình thể thao trên không. Chiều cao tối đa tính từ mặt nước đến đỉnh cao nhất không quá 25m và phải đảm bảo an toàn hàng không.

Điều 18. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trong vùng phát triển du lịch.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh, hoạt động trong vùng phát triển du lịch phải tuân theo quy định tại Quyết định số 02/2003/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 7 năm 2003 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành Quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Du lịch và Quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng số 18/2007/QĐ-UBND ngày 01 tháng 3 năm 2007 ban hành Quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

1. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong vùng phát triển du lịch.

a) Tất cả các hoạt động kinh doanh du lịch - dịch vụ phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, danh lam thắng cảnh, giữ gìn truyền thống văn hoá dân tộc và thuần phong mỹ tục;

b) Tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu, điểm du lịch và hướng dẫn thực hiện, lắp đặt, bố trí đủ và hợp lý công trình vệ sinh. Có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn và phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, bố trí lực lượng làm vệ sinh môi trường và hướng dẫn khách du lịch bỏ rác thải đúng nơi quy định trong phạm vi không gian cơ sở mình quản lý;

c) Các tổ chức, cá nhân, công ty trong và ngoài nước có các hoạt động kinh doanh, vận tải bằng đường thủy, hoạt động thể dục thể thao giải trí trên biển phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn hàng hải, an toàn giao thông thủy, neo đậu tầu thuyền đúng nơi quy định.

2. Đối với khách du lịch:

a) Tuân thủ nội quy, hướng dẫn về bảo vệ môi trường của khu du lịch, điểm du lịch;

b) Vứt rác thải, chất thải vào đúng nơi quy định;

c) Giữ gìn vệ sinh nơi tham quan du lịch;

d) Không được xâm hại cảnh quan, khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, các loài sinh vật tại khu du lịch, điểm du lịch.

Mục 8: VÙNG HOẠT ĐỘNG CẢNG VÀ GIAO THÔNG VẬN TẢI THUỶ

Điều 19. Các hành vi bắt buộc phải thực hiện đối với các tầu vận tải hoạt động trong phạm vi vùng bờ:

1. Phải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn hàng hải;

2. Nghiêm cấm đổ, xả tất cả các loại chất thải: chất thải rắn, nước thải, hóa chất, chất thải nguy hại, nước la canh hoặc các chất gây ô nhiễm của các tàu, thuyền và các phương tiện tại khu vực neo đậu và trong quá trình lưu hành trong vùng Vịnh Đà Nẵng, vùng ven biển sơn Trà - Ngũ Hành Sơn;

3. Phải có các biện pháp phòng tránh các sự cố về môi trường như: Tràn dầu, tràn hóa chất, nếu để ra các sự cố về môi trường thì chủ tầu, thuyền và các phương tiện phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố theo quy định của Pháp luật.

Điều 20. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau đây không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:

1. Có chất dễ cháy, dễ gây nổ;

2. Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

3. Có chất độc hại đối với sức khoẻ người và gia súc, gia cầm;

4. Phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người;

5. Gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước;

6. Gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép.

Điều 21. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác

1. Có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động;

2. Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là đối với cơ sở sản xuất có sử dụng hoá chất, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy, nổ.

Mục 9: VÙNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Điều 22. Các khu công nghiệp thực hiện theo Quyết định số 26/2005/QĐ-UB ngày 25 tháng 2 năm 2005 của UBND thành phố Đà Nẵng Ban hành Quy chế bảo vệ môi trường các khu công nghiệp và khu chế xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Điều 23. Đối với cơ sở công nghiệp:

1. Hoạt động sản xuất phải gắn với phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường;

2. Phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường;

3. Đối với khí thải, đặc trưng nhất là bụi, mùi hôi phải xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải vào môi trường xung quanh; không được gây ảnh hưởng đến nguyên liệu hoặc sản phẩm của các cơ sở khác;

4. Khắc phục ô nhiễm môi trường và bồi thường thiệt hại do chính hoạt động của mình gây ra;

5. Tiến hành phân loại rác thải tại nguồn, trang bị thiết bị thu gom chất thải nguy hại, đăng ký cấp phép quản lý chất thải nguy hại trong hoạt động sản xuất;

6. Phủ xanh đúng quy định đối với diện tích khuôn viên trong phạm vi đơn vị;

7. Góp phần bảo vệ môi trường đối với khu vực vùng ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (hỗ trợ nguồn lực kinh phí, nhân lực...;

8. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của mình;

9. Tuân thủ các quy định nhà nước về bảo vệ môi trường;

10. Khuyến khích các cơ sở CN đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm xanh, SXSH, ISO 14001, tiêu chuẩn HASSAP...

Mục 10: VÙNG KHAI THÁC HỢP LÝ

Điều 24. Nguyên tắc chung của các hoạt động trong vùng khai thác hợp lý:

1. Các hoạt động và loại hình sử dụng phải tương thích với mục tiêu phát triển bền vững.

2. Duy trì sự cân bằng, tránh được các mâu thuẫn trong quá trình sử dụng vùng khai thác phục vụ cho các hoạt động phát triển khác nhau của vùng;

3. Bảo vệ cảnh quan, chất lượng môi trường của vùng;

4. Các hoạt động diễn ra trong vùng không làm ảnh hưởng đến hoạt động và phát triển của các hoạt động khác.

Điều 25. Các hoạt động được khuyến khích trong vùng khai thác hợp lý:

1. Các hoạt động khai thác đánh bắt hải sản trong vùng:

a) Điều tra, đánh giá trữ lượng, khả năng tái sinh và giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên hải sản phục vụ việc khai thác, quản lý và bảo tồn. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch khai thác theo lộ trình nhất định đảm bảo tính bền vững;

b) Khai thác hải sản gần bờ nhưng phải bằng các phương pháp thủ công truyền thống như thuyền chèo, thúng, câu với quy mô nhỏ. Phạm vi khai khác cách bờ 500 mét dọc từ Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Cho phép đánh bắt xung quanh khu vực vùng bảo tồn và vùng phục hồi nhưng có kiểm soát của người dân địa phương và các cơ quan chức năng;

c) Hoạt động đánh bắt ven bờ phải theo đúng chỉ định mùa đối với một số loài nhất định (như không được khai thác tôm hùm và các động vật giáp sát vào mùa sinh sản);

d) Neo đậu tầu thuyền đúng vị trí neo đậu - Khu vục dành riêng cho các tàu cá, phương tiện đánh bắt xa bờ.

2. Các hoạt động du lịch:

a) Các hoạt động được khuyến khích: Tổ chức các hoạt động giải trí, thể thao trên biển gồm các hoạt động: lặn du lịch, kéo dù, lướt ván, điều khiển mô tô nước, thuyền buồm thể thao và các hoạt động thể thao, giải trí khác ở trên và dưới mặt nước biển;

b) Các hoạt động thể thao giải trí được phép hoạt động trong vùng Hoạt động cảng và giao thông thủy trong trường hợp các vùng này không có các phương tiện neo đậu hoặc đang trong quá trình ra vào vị trí neo đậu để trả hàng.

3. Hoạt động giao thông vận tải biển: Thực hiện theo các quy định của bộ luật Hàng hải, quy định của Cảng vụ Đà Nẵng và các quy định về quản lý giao thông thủy nội địa của Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Điều 26. Các hành vi không được thực hiện trong vùng khai thác hợp lý.

1. Nghiêm cấm hành vi xả, thải chất thải rắn, nước thải, hóa chất, chất thải nguy hại, nước la canh, dầu thải, nước thải có chứa dầu và các chất gây ô nhiễm của các phương tiện trong quá trình neo đậu và vận hành trong vùng;

2. Nghiêm cấm các loại phương tiện lưu thông, neo đậu tại các vùng bảo vệ rạn san hô và thảm cỏ biển;

3. Nghiêm cấm các phương tiện hoạt động trong phạm vi neo đậu của tầu, vùng hoạt động cảng và giao thông vận tải biển;

4. Các hoạt động khai thác đánh bắt hải sản trong vùng:

a) Sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện, hoá chất, chất độc, các loại công cụ chuyên khai thác cá nóc; các nghề lưới kéo (trừ tầu kéo moi ruốc ở tầng mặt), nghề kết hợp với ánh sáng (trừ rớ và câu mực); các nghề te, xịch, xiệp, đáy;

b) Khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công như lưới mắt nhỏ, dụng cụ cào đáy, mành, rớ trong vùng;

c) Khai thác, đánh bắt thủ công trong khu vực bãi tắm Non Nước, Bắc Mỹ An, T20, T18, trừ hoạt động câu cá giải trí;

d) Xả thải chất thải rắn, nước thải, hóa chất, chất thải nguy hại, nước la canh hoặc các chất gây ô nhiễm của các tàu cá và phương tiện đánh bắt tại khu vực neo đậu và trong quá trình lưu hành trong vùng Vịnh Đà Nẵng, vùng ven biển sơn Trà - Ngũ Hành Sơn;

e) Nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Trách nghiệm của các sở, ban, ngành, địa phương.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do UBND thành phố đã ban hành trước đây cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường;

c) Có trách nhiệm lập quy hoạch sử dụng đất; đánh giá hiện trạng môi trường; thanh tra, kiểm tra và giám sát các hoạt động gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường vùng bảo tồn; vùng phục hồi, vùng đệm; vùng cấp nước; vùng khai thác hợp lý, vùng phát triển, kiểm tra việc tuân thủ các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ môi trường;

d) Triển khai các quy định và biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, quản lý bảo vệ môi trường;

đ) Phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn và các cơ quan liên quan định kỳ quan trắc, đánh giá diễn biến môi trường trong khu vực vùng đệm, vùng bảo vệ;

e) Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ tại các vùng ven biển và vùng lân cận nhằm tạo sự hỗ trợ từ bên ngoài cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu Bảo tồn;

f) Tổ chức quan trắc định kỳ và quan trắc đột xuất, đánh giá chất lượng nước hồ bảo vệ phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt;

g) Chủ trì, phối hợp với các ngành và các địa phương liên quan thực hiện công tác kiểm tra bảo vệ môi trường, giám sát chất lượng môi trường tại các bãi biển và giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh về công tác môi trường;

h) Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; thanh tra; kiểm tra; kiểm soát; xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực về bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, tài nguyên thuỷ sản; phối hợp triển khai các dự án phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khu bảo tồn rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng biển bao quanh Bán đảo Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn.

2. Sở Thủy sản Nông lâm

a) Giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực: bảo vệ rừng, lâm nghiệp, thuỷ sản trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Vùng bảo tồn rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng biển bao quanh Bán đảo Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn theo luật Thuỷ sản, Luật Lâm nghiệp và hướng dẫn của Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt:

- Lập dự án bảo tồn, phục hồi và phát triển rạn san hô, thảm cỏ biển trong vùng biển Đà Nẵng;

- Quy chế về quản lý đánh bắt cá trong vùng biển ven bờ Đà Nẵng.

c) Xây dựng các chương trình quản lý chuyên ngành, điều tra, đánh giá và lập quy hoạch sử dụng tài nguyên rừng lâu dài theo hướng bền vững.

d) Có kế hoạch và tổ chức trồng và bảo vệ thảm thực vật trong phạm vi bảo vệ của hồ Xanh và khu vực lân cận.

đ) Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng, nguồn lợi thuỷ sản; tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ sản; phối hợp triển khai các dự án phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, khu bảo tồn rạn san hô, thảm cỏ biển và vùng biển bao quanh Bán đảo Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn.

e) Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, triển khai các đề tài, mô hình khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản có hiệu quả tại các khu vực đã quy định để góp phần nâng cao đời sống người dân trong Khu Bảo tồn biển.

3. Sở Du lịch

a) Giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch trong phạm vi 2 quận Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn bao gồm kể cả phần trên bờ và vùng biển ven bờ theo luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Du lịch.

b) Xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt:

- Quy định quản lý và hướng dẫn các hoạt động du lịch trong Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà;

- Quy định quản lý và hướng dẫn các hoạt động du lịch tại các khu bảo tồn rạn san hô, thảm cỏ biển;

- Quy định quản lý và hướng dẫn các hoạt động thể thao, giải trí trong vùng biển từ quận Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn;

- Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng các quy định quản lý và mức thu lệ phí đối với các hoạt động du lịch;

c) Thực hiện các chương trình đào tạo ngành nghề phục vụ du lịch nhằm từng bước chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý cho cộng đồng ngư dân;

d) Phối hợp với Sở tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân quy định tỷ lệ trích hỗ trợ kinh phí từ hoạt động kinh doanh du lịch để phục vụ cho công tác quản lý phát triển vùng bảo tồn;

đ) Tổ chức xây dựng kế hoạch, quy hoạch, quản lý và hướng dẫn các hoạt động du lịch hợp lý trong vùng bảo tồn trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt;

e) Sở Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đảm bảo tốt công tác cứu hộ và tham gia phối hợp với Uỷ ban nhân các địa phương ven biển thực hiện việc tổ chức, quản lý các hoạt động tại các bãi biển Đà Nẵng; chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hoá- Thông tin, Sở Tư pháp và Uỷ ban nhân dân các quận có kế hoạch tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan về công tác cứu hộ, bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển.

4. Sở Giao thông Công chính

a) Giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa trong phạm vi 2 quận Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn theo luật Giao thông đường bộ; Luật Giao thông thuỷ nội địa và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải;

b) Tham mưu trình Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về quản lý an toàn giao thông, quản lý phương tiện bao gồm cả giao thông đường bộ và đường thuỷ nội địa trong phạm vi 2 quận;

c) Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện thực hiện thống kê các phương tiện đường thuỷ nội địa và đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện;

d) Đẩy mạnh tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa cho người lái phương tiện;

đ) Chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện;

e) Chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị có biện pháp xử lý nước thải từ khu dân cư đổ ra biển, đồng thời đảm bảo lực lượng thường xuyên thu dọn vệ sinh làm sạch môi trường tại các bãi biển;

f) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa kiểm tra chặt chẽ phương tiện, thuyền viên và người lái phương tiện tại cảng bến; xử lý theo quy định các trường hợp phương tiện chở quá trọng tải, phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền;

g) Chỉ đạo Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông Đà Nẵng thực hiện lưu giữ phương tiện giao thông đường thủy vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn thành phố do cơ quan chức năng tạm giữ đưa về chờ xử lý theo quy định của pháp luật;

h) Tổ chức triển khai lắp đặt hệ thống báo hiệu bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; mốc chỉ giới và bàn giao cho Uỷ ban nhân dân các phường, xã quản lý theo quy định;

i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, đoàn thể thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Tổ chức triển khai và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục hồi và bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn;

b) Triển khai các chương trình, dự án chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật góp phần chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của cộng đồng cư dân trong Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, khu bảo tồn rạn san hô, thảm cỏ biển, giảm thiểu tác động có hại đến tài nguyên, sinh cảnh, môi trường trong phạm vi vùng bờ 2 quận.

6. Sở Xây dựng:

a) Giúp Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, quản lý kiến trúc, không gian đô thị trong phạm vi 2 quận Sơn Trà đến hết quận Ngũ Hành Sơn theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng;

b) Chỉ đạo cho công ty cấp nước thành phố (Đơn vị khai thác nước) có trách nhiệm quản lý và khai thác, nâng cấp công suất hợp lý nguồn nước để phục vụ cho mục đích cấp nước;

c) Chỉ đạo cho công ty cấp nước thành phố (Đơn vị khai thác nước) Bảo vệ chất lượng nước hồ Xanh và khu vực bảo vệ trong phạm vi 300m, nghiêm cấm và xử lý các hành vi gây ô nghiễm chất lượng nước hồ;

d) Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thuộc ngành tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo quy định.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Tổ chức lồng ghép vào kế hoạch hàng năm và bố trí kinh phí để thực hiện quy định này.

8. Công an thành phố:

a) Chủ trì trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn được phân công phụ trách theo thẩm quyền quy định; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phát triển kinh tế, du lịch trên phạm vi theo quy định;

b) Chỉ đạo công an quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và công an các phường trên địa bàn hai quận đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn được phân công phụ trách theo thẩm quyền quy định. Phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn do mình được phân công phụ trách;

c) Công an thành phố chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật tại các bãi biển trên địa bàn thành phố.

9. Bộ chỉ huy Biên phòng thành phố:

a) Chủ trì trong công tác quản lý, bảo vệ an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên các vùng biển, ven biển và địa bàn được phân công phụ trách theo thẩm quyền quy định; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phát triển kinh tế, du lịch trên phạm vi theo quy định;

b) Chỉ đạo Đồn Biên phòng 252 và Đồn Biên phòng 256 tổ chức đăng ký, quản lý, kiểm tra việc đảm bảo an toàn đối với phương tiện thuỷ (Tàu vận tải, tàu thuyền nghề cá, tàu du lịch...) khi tham gia hoạt động trên các vùng biển và phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển theo quy định.

10. Sở Nội vụ:

a) Phân bổ biên chế hợp lý để thành lập các ban quản lý (Ban quan lý khu bảo tồn biển....), các đội quản lý trật tự, vệ sinh, cứu hộ, thanh tra, kiểm tra giám sát để thực hiện Quy định;

b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên toàn thành phố.

11. Uỷ ban nhân dân các quận:

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các lực lượng liên quan chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các phường có bãi biển phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch trong các hoạt động tại bãi biển thuộc địa bàn quản lý;

b) Chỉ đạo công an địa phương, các lực lượng chức năng của quận và Uỷ ban nhân dân phường thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh trật tự;

c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong cán bộ, nhân dân của địa phương mình.

12. Uỷ ban nhân dân các phường ven biển:

a) Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp Ban Quản lý Khu bảo tồn tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả Khu Bảo tồn, các cơ quan liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế quản lý Khu bảo tồn và các quy định pháp luật khác liên quan đến Khu Bảo tồn;

b) Chỉ đạo, phối hợp Công an địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp có hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, tạo lập môi trường du lịch văn minh, lịch sự tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn;

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục sâu rộng trong nhân dân ý nghĩa và tầm quan trọng của môi trường du lịch nhằm nâng cao ý thức về bảo vệ, phát triển cảnh quan môi trường du lịch và giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm tham quan du lịch; xử lý kiên quyết, kịp thời và theo đúng quy định pháp luật đối với các hành vi đeo bám, chèo kéo, tranh giành mua, bán, ép giá du khách, buôn bán hàng rong, đá bóng trên bãi biển; giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm bãi biển, xây dựng các lều quán kinh doanh dịch vụ trái phép không đúng quy định tại các điểm du lịch;

d) Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tổ chức sắp xếp hợp lý các hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại các bãi biển;

đ) Phổ biến rộng rãi nội dung của Quy định này đến các hộ kinh doanh và khách tham quan du lịch tại các bãi biển;

e) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh và an ninh trật tự tại các bãi biển.

13. Cộng đồng dân cư:

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tự nguyện tham gia đồng quản lý vùng bờ Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn. Các hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, uỷ ban nhân dân các quận, uỷ ban nhân dân các phường. Ngược lại cộng đồng dân cư có quyền giám sát, các hoạt động của các cơ quan theo quy định của pháp luật.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 28. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong phạm vi 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước theo chuyên ngành có liên quan.

Điều 29. Các cơ quan quản lý nhà nước theo chuyên ngành khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này, nếu có gì vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 16/2008/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu16/2008/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành29/02/2008
Ngày hiệu lực10/03/2008
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật18 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 16/2008/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quản lý tổng hợp vùng bờ quận Sơn Trà Đà Nẵng


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quản lý tổng hợp vùng bờ quận Sơn Trà Đà Nẵng
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu16/2008/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhThành phố Đà Nẵng
                Người kýTrần Văn Minh
                Ngày ban hành29/02/2008
                Ngày hiệu lực10/03/2008
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính, Tài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật18 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quản lý tổng hợp vùng bờ quận Sơn Trà Đà Nẵng

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 16/2008/QĐ-UBND quản lý tổng hợp vùng bờ quận Sơn Trà Đà Nẵng

                  • 29/02/2008

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 10/03/2008

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực