Nội dung toàn văn Quyết định 16/2015/QĐ-TTg thu hồi xử lý sản phẩm thải bỏ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2015/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ THU HỒI, XỬ LÝ SẢN PHẨM THẢI BỎ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng:
Quyết định này áp dụng đối với nhà sản xuất, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam.
Sản phẩm thải bỏ phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sản phẩm thải bỏ là chất thải có nguồn gốc từ sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải bỏ sau quá trình sử dụng thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này.
2. Thu hồi sản phẩm thải bỏ là tiếp nhận, thu gom sản phẩm thải bỏ để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Nhà sản xuất là tên gọi chung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như sau:
a) Cơ sở sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này trong nội địa Việt Nam;
b) Cơ sở thực hiện vai trò nhà nhập khẩu chính thức hoặc nhà phân phối chính thức (hay còn gọi là nhà phân phối cấp một) của sản phẩm thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này được sản xuất ở nước ngoài hoặc được sản xuất bởi các doanh nghiệp chế xuất hoặc doanh nghiệp trong khu phi thuế quan.
4. Cơ sở phân phối là cơ sở bán buôn, bán lẻ hoặc đại lý bán sản phẩm thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này (trừ nhà nhập khẩu chính thức hoặc nhà phân phối chính thức).
5. Điểm thu hồi là nơi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do nhà sản xuất trực tiếp thiết lập hoặc phối hợp với cơ sở phân phối thiết lập.
6. Người tiêu dùng là các đối tượng cuối cùng sử dụng sản phẩm trước khi thải bỏ, bao gồm: Hộ gia đình; cá nhân; văn phòng các cơ quan hành chính nhà nước; trường học.
7. Tổ chức, cá nhân thu gom là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thu gom trực tiếp sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng để chuyển đến điểm thu hồi.
Điều 3. Danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý
1. Danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý được ban hành tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
2. Danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong từng thời kỳ.
Điều 4. Phương thức thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ
1. Các sản phẩm thải bỏ được thu hồi thông qua các hình thức sau:
a) Nhà sản xuất trực tiếp thực hiện hoặc phối hợp với nhau thực hiện thông qua điểm thu hồi hoặc hệ thống các điểm thu hồi;
b) Nhà sản xuất phối hợp hoặc ủy quyền cho đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp thực hiện;
c) Đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp trực tiếp thực hiện việc thu hồi theo quy định về quản lý chất thải mà không có sự phối hợp, ủy quyền của nhà sản xuất.
2. Điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ được thực hiện thống nhất theo loại sản phẩm, có thể không phụ thuộc vào nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất.
3. Việc chuyển giao, thu gom, lưu giữ, vận chuyển sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại phát sinh từ người tiêu dùng để chuyển đến các điểm thu hồi không yêu cầu Giấy phép xử lý chất thải nguy hại nhưng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thu gom, lưu giữ, vận chuyển sản phẩm thải bỏ.
4. Sản phẩm thải bỏ sau khi thu hồi phải được quản lý và xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
Chương II
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN LỢI TRONG VIỆC THU HỒI, XỬ LÝ SẢN PHẨM THẢI BỎ
Điều 5. Trách nhiệm của nhà sản xuất
1. Tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam.
2. Thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo các hình thức sau:
a) Tự thiết lập hoặc phối hợp với nhà sản xuất khác để thiết lập;
b) Thiết lập tại địa điểm riêng hoặc phối hợp với cơ sở phân phối để thiết lập tại địa điểm của cơ sở phân phối.
3. Điểm thu hồi phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thu gom, lưu giữ, vận chuyển sản phẩm thải bỏ.
4. Có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất.
5. Tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu.
6. Xây dựng và thực hiện chính sách hợp lý, ưu đãi, tuyên truyền đối với người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân thu gom chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại điểm tiếp nhận.
7. Tổ chức việc vận chuyển sản phẩm thải bỏ từ các điểm thu hồi đến các trạm trung chuyển (nếu có) và cơ sở xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
8. Tổ chức xử lý sản phẩm thải bỏ đã thu hồi theo quy định về quản lý chất thải theo các hình thức sau:
a) Trực tiếp xử lý;
b) Chuyển giao cho các đơn vị xử lý chất thải trong nước có chức năng phù hợp;
c) Xuất khẩu ra nước ngoài để xử lý;
d) Tái sử dụng;
đ) Các hình thức khác theo quy định.
9. Khi chuyển giao sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý từ các điểm thu hồi do mình trực tiếp thiết lập thì phải thực hiện kê khai, sử dụng chứng từ chất thải nguy hại với vai trò đại diện chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
10. Hàng năm, báo cáo Tổng cục Môi trường về các thông tin sau:
a) Lượng sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu đã bán ra thị trường Việt Nam;
b) Danh sách điểm thu hồi và nơi xử lý sản phẩm thải bỏ;
c) Kết quả thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;
d) Các trường hợp từ chối tiếp nhận sản phẩm thải bỏ và lý do từ chối tiếp nhận.
11. Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương về các điểm thu hồi nằm bên ngoài cơ sở phân phối và khuôn viên cơ sở của nhà sản xuất.
12. Công khai thông tin về danh sách các điểm thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; kết quả thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường và trang thông tin điện tử của mình (nếu có).
13. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về biển báo, dấu hiệu nhận biết và quy trình quản lý điểm thu hồi.
Điều 6. Quyền lợi của nhà sản xuất
1. Khi tự thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ thì được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
2. Được liên kết với nhà sản xuất khác để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ khác nhãn hiệu nhưng cùng loại.
3. Được ủy quyền cho hiệp hội các nhà sản xuất mà mình là thành viên để đại diện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của mình.
4. Việc thu hồi sản phẩm thải bỏ khác nhãn hiệu nhưng cùng loại được tính vào hiệu quả thu hồi của nhà sản xuất đó.
5. Được quyền yêu cầu nhà sản xuất khác tiếp nhận lại để xử lý những sản phẩm thải bỏ của họ đã đưa ra thị trường do mình thu hồi.
6. Được hợp đồng với đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp để vận chuyển, xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định.
7. Được phép thu hồi sản phẩm thải bỏ không phải do mình sản xuất trực tiếp nhưng là bộ phận cấu thành trong sản phẩm do mình sản xuất và bán ra thị trường.
8. Được phép thiết lập các trạm trung chuyển để vận chuyển sản phẩm thải bỏ từ các điểm thu hồi đến lưu giữ trước khi đưa đến nơi xử lý.
9. Có quyền từ chối tiếp nhận sản phẩm thải bỏ trong các trường hợp sau:
a) Sản phẩm thải bỏ do đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải mang đến khi không có sự ủy quyền, phối hợp;
b) Sản phẩm thải bỏ cùng loại nhưng khác nhãn hiệu của các nhà sản xuất khác.
Điều 7. Trách nhiệm của người tiêu dùng, cơ sở phân phối, đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải và tổ chức, cá nhân thu gom
1. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức sau:
a) Tự chuyển đến điểm thu hồi;
b) Chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ;
c) Chuyển giao cho các đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có chức năng phù hợp;
d) Chuyển lại cho tổ chức, cá nhân sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế sản phẩm. Tổ chức, cá nhân tiếp nhận phải thực hiện trách nhiệm như chủ nguồn thải theo quy định.
2. Cơ sở phân phối có trách nhiệm:
a) Phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của nhà sản xuất;
b) Lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định;
c) Khi chuyển giao sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại từ điểm thu hồi thì phải thực hiện kê khai, sử dụng chứng từ chất thải nguy hại với vai trò đại diện chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định;
d) Cung cấp thông tin để nhà sản xuất lập báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo mẫu quy định.
3. Đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải có trách nhiệm:
a) Khi thực hiện hợp đồng với nhà sản xuất để thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ phải tuân thủ quy định về quản lý chất thải;
b) Không được phép chuyển các sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại đến các điểm thu hồi khi thu gom từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà không có sự ủy quyền, phối hợp của nhà sản xuất;
c) Khi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ từ các điểm thu hồi phải chuyển về cơ sở xử lý chất thải phù hợp theo quy định về vận chuyển chất thải.
4. Tổ chức, cá nhân thu gom khi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng phải chuyển đến điểm thu hồi theo quy định.
Điều 8. Quyền lợi của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân thu gom và cơ sở phân phối
1. Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân thu gom khi chuyển sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi có các quyền sau:
a) Được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất;
b) Có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường;
c) Thông báo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trong trường hợp nhà sản xuất từ chối tiếp nhận sản phẩm thải bỏ.
2. Các cơ sở phân phối thuộc đối tượng quy định tại Điểm 3, Phụ lục IV Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường không phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường khi tham gia thu hồi các sản phẩm đã phân phối.
3. Hoạt động vận chuyển sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại từ người tiêu dùng đến các điểm thu hồi không yêu cầu Giấy phép vận chuyển chất thải nguy hại nhưng không được vượt quá khối lượng quy định theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thu gom, lưu giữ, vận chuyển sản phẩm thải bỏ.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THU HỒI, XỬ LÝ SẢN PHẨM THẢI BỎ
Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định này và quy chuẩn kỹ thuật môi trường về thu gom, lưu giữ và vận chuyển sản phẩm thải bỏ; tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện.
2. Thiết lập, quản lý dữ liệu về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; công bố danh sách các điểm thu hồi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường theo quy định.
3. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
5. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điểm thực hiện thu hồi, xử lý được ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
2. Ban hành chính sách, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thiết lập các điểm thu hồi và triển khai hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
3. Thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo thẩm quyền.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2015.
2. Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
DANH MỤC SẢN PHẨM THẢI BỎ VÀ THỜI ĐIỂM THU HỒI, XỬ LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | DANH MỤC SẢN PHẨM THẢI BỎ | THỜI ĐIỂM THU HỒI, XỬ LÝ |
I | ẮC QUY VÀ PIN |
|
1 | Ắc quy các loại | 01/7/2016 |
2 | Pin các loại | 01/7/2016 |
II | THIẾT BỊ ĐIỆN, ĐIỆN TỬ |
|
1 | Bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang | 01/7/2016 |
2 | Máy vi tính (để bàn; xách tay); màn hình máy vi tính; cục CPU (bộ vi xử lý của máy tính) | 01/7/2016 |
3 | Máy in; máy fax; máy quét hình (scanner) | 01/7/2016 |
4 | Máy chụp ảnh; máy quay phim | 01/7/2016 |
5 | Máy điện thoại di động; máy tính bảng | 01/7/2016 |
6 | Đầu đĩa DVD; VCD; CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác | 01/7/2016 |
7 | Máy sao chụp giấy (photocopier) | 01/7/2016 |
8 | Ti vi; tủ lạnh | 01/7/2016 |
9 | Máy điều hòa nhiệt độ; máy giặt | 01/7/2016 |
III | DẦU NHỚT CÁC LOẠI | 01/7/2016 |
IV | SĂM, LỐP |
|
1 | Săm các loại | 01/7/2016 |
2 | Lốp các loại | 01/7/2016 |
V | PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG |
|
1 | Xe mô tô, xe gắn máy các loại | 01/01/2018 |
2 | Xe ô tô các loại | 01/01/2018 |