Quyết định 16/QĐ-UB

Quyết định 16/QĐ-UB năm 1980 Điều lệ tạm thời về hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Quyết định 16/QĐ-UB Điều lệ tạm thời hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được thay thế bởi Quyết định 5986/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản pháp luật hết hiệu lực lĩnh vực tổ chức bộ máy do UBND thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 11/11/1998.

Nội dung toàn văn Quyết định 16/QĐ-UB Điều lệ tạm thời hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 16/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ĐẠI BIỂU CỦA HỘI ĐÒNG NHÂN DÂN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

– Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962 ;
– Căn cứ Nghị quyết các kỳ họp thứ 4, thứ 9 của Hội đồng Nhân dân thành phố - Khóa I ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. – Nay ban hành bản “Điều lệ tạm thời về hoạt động của Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2. – Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Chí Thọ

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 16/QĐ-UB ngày 1-2-1980 của UBND thành phố)

Thi hành Hiến pháp, Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962, chỉ thị số 280-TTg ngày 15-5-1978 của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết Hội nghị Hội đồng Nhân dân thành phố Khóa I, kỳ 4.

Điều lệ này quy định cụ thể hoạt động của Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân, bảo đảm cho đại biểu Hội đồng Nhân dân thực hiện tốt chức năng của đại diện nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

I– NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Điều 2. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân phải trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, nghiêm chỉnh tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Đại biểu Hội đồng Nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.

Điều 3. – Nhiệm kỳ, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp do hiến pháp và pháp luật quy định.

Điều 4. – Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải luôn luôn quan hệ chặt chẽ với Mặt trận và các đoàn thể để được giúp đỡ khi cần thiết.

Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp với sự hỗ trợ của Mặt trận và các đoàn thể theo định kỳ tổ chức tự phê bình trươc nhân dân.

II. HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

A. – Hội nghị Hội đồng Nhân dân

Điều 5. – Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo luật định qua các Hội nghị thường kỳ và bất thường.

– Hội đồng Nhân dân họp công khai. Ngày họp, nơi hợp, chương trình làm việc của Hội nghị Hội đồng Nhân dân được công bố trước để nhân dân biết. Trường hợp đặc biệt, Hội đồng Nhân dân có thể họp kín theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch Hội nghị hoặc của Ủy ban Nhân dân.

– Phiên họp đầu tiên của mỗi khóa, Hội đồng Nhân dân bầu Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện và thành phố còn bầu Tòa án nhân dân bao gồm : Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, và Hội thẩm Nhân dân cùng cấp. Ngoài ra Hội đồng Nhân dân còn bầu các Ban chuyên môn của mình.

Điều 6. – Các nghị quyết của Hội nghị Hội đồng Nhân dân chỉ có giá trị khi được hơn ½ tổng số đại biểu biểu quyết tán thành.

Điều 7. – Hội đồng Nhân dân các cấp nhất thiết phải họp 3 tháng một lần. Chậm nhất là 10 ngày đầu của tháng kế tiếp.

– Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm chuẩn bị cho Hội nghị Hội đồng Nhân dân về nội dung cũng như về mặt tổ chức vật chất. Chương trình Hội nghị, nội dung các vấn đề sẽ ban trong Hội nghị phải được thông báo cho đại biểu trước ít nhất 10 ngày đối với Hội đồng Nhân dân quận, huyện và 5 ngày đối với Hội đồng Nhân dân phường, xã.

– Ủy ban Nhân dân có trách nhiệm bảo đảm cho Hội đồng Nhân dân họp đúng kỳ.

– Nếu không họp Hội đồng Nhân dân đúng kỳ được, Ủy ban Nhân dân phải thông báo lý do cho tất cả đại biểu và phải được cơ quan chánh quyền cấp trên trực tiếp đồng ý, nhưng lâu nhất là trong vòng 1 tháng sau, Ủy ban Nhân dân phải triệu tập hội nghị, không được hủy, kéo dài thời hạn hội nghị.

Chậm nhất là 3 ngày sau khi hội nghị Hội đồng Nhân dân bế mạc, Ủy ban Nhân dân phải gởi biên bản, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân lên cơ quan chính quyền cấp trên, đồng thời gởi cho Văn phòng liên lạc Hội đồng Nhân dân và cơ quan tổ chức chánh quyền cùng cấp. Trong vòng 10 ngày, kể từ khi nhận được biên bản, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp dưới, cơ quan chính quyền cấp trên phải nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban Nhân dân cấp dưới biết những nghị quyết được chấp thuận và không được chấp nhận có nói rõ lý do. Quá hạn, Ủy ban Nhân dân cấp dưới chưa nhận được văn bản trả lời của Ủy ban Nhân dân cấp trên, thì xem như các nghị quyết đã được cấp trên duyệt y.

Điều 8. – Mỗi kỳ họp phải bầu Đoàn Chủ tịch và Đoàn thư ký. Đại biểu Hội đồng Nhân dân triệt để phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm và quyền hạn của đại biểu nhân dân, đóng góp ý kiến, tập trung trí tuệ, làm cho hội nghị có nghị quyết thật sát đúng. Việc biểu quyết phải được tiến hành đúng thủ tục. Những vấn đề mà pháp luật quy định thuộc quyền phê chuẩn của cấp trên thì phải chờ cấp trên phê chuẩn trước khi thi hành.

Điều 9. – Hội đồng Nhân dân các cấp cần tập trung vào việc bàn và quyết định những vấn đề quan trọng trên các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương đặc biệt coi trọng việc bàn và thông qua quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế công, nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển văn hóa, dự toán và quyết toán ngân sách, chủ trương và biện pháp để phân bổ và tận dụng sức lao động, đất đai, tiền vốn, vật tư kỹ thuật, .. của địa phương nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước về các mặt sản xuất, xây dựng, thu mua, giao nộp sản phẩm cho Nhà nước và cải thiện đời sống của nhân dân địa phương. Hội đồng Nhân dân các cấp cần bàn các biện pháp nhằm bảo đảm cho mọi chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh trong địa phương, đồng thời quan tâm đến những việc quan trọng khác có quan hệ trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân địa phương như các nội quy, quy tắc về bảo vệ trị an, xây dựng nếp sống văn minh, chống các mặt tiêu cực lạc hậu, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản và tính mạng của công dân ở địa phương.

Riêng ở cấp huyện, ngoài việc bàn các biện pháp thực hiện kế hoạch và ngân sách của thành phố, Hội đồng Nhân dân huyện nghiên cứu thảo luận và thông qua dự án kế hoạch và ngân sách của huyện.

Những vấn đề thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân quyết định đều phải đưa ra Hội đồng Nhân dân bàn và quyết định. Trường hợp Hội đồng Nhân dân không họp và do yêu cầu công việc đòi hỏi phải giải quyết khẩn trương thì Ủy ban Nhân dân có thể quyết định và báo cáo sau với Hội đồng Nhân dân để phê chuẩn trong kỳ họp thứ nhất.

Điều 10. – Trong hội nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân, với chức năng là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân, báo cáo tình hình địa phương, kiểm điểm công tác chung và kiểm điểm việc chấp hành các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, tự phê bình trước hội nghị và đề ra chương trình công tác mới của Ủy ban Nhân dân. Trong kỳ họp thường kỳ đầu năm, Tòa án Nhân dân báo cáo với Hội đồng Nhân dân về công tác năm qua và chương trình công tác sắp tới của Tòa án. Khi đại biểu Hội đồng Nhân dân chất vấn, thì Ủy ban Nhân dân hoặc người phụ trách cơ quan chuyên môn liên hệ trực thuộc Ủy ban Nhân dân và Tòa án Nhân dân phải trả lời ngay trong hội nghị một cách nghiêm túc. Nội dung trả lời ngắn, gọn, đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu. Nếu thấy công việc có thiếu sót thì Ủy ban Nhân dân hoặc Thủ trưởng cơ quan liên hệ phải thành khẩn và nghiêm túc tự phê bình, vạch rõ ưu khuyết điểm, tự đề ra biện pháp sửa chữa tích cực. Nhất thiết không được bỏ qua, không trả lời hay trả lời chiếu lệ, chung chung, hoặc giao người thiếu thẩm quyền trả lời chất vấn của đại biểu.

– Nếu vấn đề chất vấn cần có thời gian nghiên cứu, thì Ủy ban Nhân dân báo cáo hội nghị rõ thời gian trả lời.

– Những việc kể trên (chất vấn, trả lời, hoặc hẹn trả lời) đều ghi vào biên bản hội nghị

B – Các ban của Hội đồng Nhân dân :

Điều 11. – Tùy nhu cầu công tác, Hội đồng Nhân dân thành lập các Ban chuyên môn của Hội đồng Nhân dân. Thành viên của các Ban do Hội đồng Nhân dân cử trong số đại biểu Hội đồng Nhân dân, và khi cần, có thể cử thêm người ngoài Hội đồng Nhân dân.

– Các Ban có nhiệm vụ tìm hiểu tình hình, thu thập ý kiến, nguyện vọng nhân dân địa phương, tùy cấp bậc, quan hệ mật thiết với các ban, ngành, cơ quan Nhà nước bàn bạc, trao đổi, để báo cáo lập dự án xây dựng và thực hiện chủ trương, kế hoạch công tác, trình với Hội nghị Hội đồng Nhân dân quyết định.

– Giúp Hội đồng Nhân dân theo dõi, kiểm tra, giám sát công việc của cơ quan chuyên môn Nhà nước liên hệ, phát hiện những gương tốt những kinh nghiệm tốt cũng như những vi phạm đến quyền làm chủ tập thể của nhân dân ; những xâm phạm đến quyền lợi, tính mạng, tài sản của nhân dân và đề nghị với Ủy ban Nhân dân hay đề nghị thẳng với cơ quan chuyên môn liên hệ những biện pháp kịp thời uốn nắn.

– Để thi hành chức năng này, các ban có quyền chất vấn cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân cùng cấp hay cấp dưới, về những vấn đề liên hệ Ban mình, trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc mời đại diện đến phiên họp của Ban trao đổi về vấn đề đó. Các cơ quan chuyên môn Nhà nước cung cấp, báo cáo tình hình, kết quả thi hành chủ trương kế hoạch công tác và khẩn trương, nghiêm túc trả lời những chất vấn của các Ban của Hội đồng Nhân dân.

C. Văn phòng liên lạc Hội đồng Nhân dân :

Điều 12. – Hội đồng Nhân dân thành phố, Hội đồng Nhân dân các quận, huyện có văn phòng liên lạc, do một đại biểu Hội đồng Nhân dân không phải là ủy viên trong Ủy ban Nhân dân phụ trách Hội đồng Nhân dân phường, xã cử một đại diện đảm trách công tác liên lạc của Hội đồng Nhân dân.

Văn phòng liên lạc Hội đồng Nhân dân có nhiệm vụ :

– Giữ mối liên hệ chặt chẽ giữa các đại biểu Hội đồng Nhân dân, giữa Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân. Theo dõi việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân.

– Điều hòa hoạt động các Ban chuyên môn của Hội đồng Nhân dân, cùng các Ban nghiên cứu, báo cáo trước Hội đồng Nhân dân về hoạt động của mình cùng những kiến nghị, biện pháp về chủ trương, chính sách, pháp chế, những vấn đề quan hệ đến đời sống, đến quyền lợi nhân dân.

– Giúp đỡ các đại biểu thực hiện chức năng đại biểu.

– Phối hợp các tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, các Ban chuyên môn của Hội đồng Nhân dân giúp giải quyết khiếu tố của nhân dân theo thể thức của điều 25 dưới đây.

– Cùng các Ban, các Tổ, tổ chức những Đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân đi nghiên cứu, kiểm tra, giám sát tình hình đời sống, quyền làm chủ tập thể của nhân dân, việc thi hành chủ trương, chính sách, pháp luật, v.v… ở các địa phương, các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước trong thành phố.

D. Các tổ đại biểu :

Điều 13. – Ở mỗi đơn vị ứng cử các đại biểu hợp thành Tổ, bầu ra tổ trưởng, tổ trưởng triệu tập và điều khiển các cuộc họp của Tổ, làm đầu mối liên lạc giữa các đại biểu trong Tổ, và có thể thay mặt cho Tổ liên hệ với Ủy ban Nhân dân, các cơ quan, đoàn thể của địa phương mình về những vấn đề liên quan đến hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Điều 14. – Bằng cách bàn bạc tập thể, thông báo tình hình, trao đổi kinh nghiệm, phân công thích hợp hoàn cảnh và khả năng từng đại biểu, Tổ tạo điều kiện để mỗi đại biểu làm tốt nhiệm vụ.

Trước mỗi kỳ họp của Hội đồng Nhân dân, Tổ họp để chuẩn bị đi dự kỳ họp. Sau kỳ họp Hội đồng Nhân dân, Tổ họp để rút kinh nghiệm, bàn việc tổ chức báo cáo kết quả kỳ họp với kỳ họp với cử tri trong đơn vị.

Điều 15. – Tổ có thể tổ chức những cuộc đi kiểm tra, khảo sát tập thể, hoặc tiếp xúc tập thể với cử tri ở địa phương hoặc cơ quan, xí nghiệp nằm trong địa phương để tìm hiểu tình hình, nghe và thu thập ý kiến, hoặc thăm hỏi nhân dân.

Điều 16. – Tổ đại biểu quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại đơn vị mình. Ủy ban Nhân dân phải tạo điều kiện cho Tổ thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng Nhân dân ở địa phương.

Điều 17. – Căn cứ vào bản Điều lệ này, và tùy theo điều kiện hoàn cảnh cụ thể ở địa phương. Tổ xây dựng nội quy hoạt động và chương trình hoạt động của tổ.

III. – HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

A. Tham dự các Hội nghị Hội đồng Nhân dân.

Điều 18. – Nhiệm vụ chính yếu của đại biểu Hội đồng Nhân dân là tham dự đầy đủ các phiên họp Hội đồng Nhân dân, tích cực đóng góp ý kiến trong hội nghị, bàn bạc và biểu quyết các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương, kế hoạch cấp trên tại địa phương mình.

– Được thư triệu tập Hội nghị, đại biểu Hội đồng Nhân dân phải chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu tỉ mỉ các vấn đề đã được Ủy ban Nhân dân thông báo là sẽ bàn trong hội nghị, liên hệ với Mặt trận, đoàn thể quần chúng, xí nghiệp, cử tri trong đơn vị ứng cử, tham khảo, nắm vững tình hình, để đóng góp hiệu quả tại hội nghị.

Điều 19. – Trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, đi công tác xa, v.v… đại biểu Hội đồng Nhân dân phải đến dự Hội nghị đúng ngày và dự suốt hội nghị ; nếu không dự được hội nghị (có lý do chính đáng), đại biểu phải thông báo trước cho Ủy ban Nhân dân. Trong hội nghị, có công tác đột xuất mà không thể tiếp tục họp được, đại biểu phải xin phép và được sự chấp thuận của Đoàn Chủ tịch hội nghị.

– Nếu không có lý do chính đáng, không thông báo, không được phép mà vắng hay bỏ dở hội nghị, đại biểu sẽ bị Hội nghị Hội đồng nhân dân phê bình hay khiển trách.

– Đối với đại biểu không dự hội nghị Hội đồng liên tiếp 3 kỳ không có lý do chính đáng thì Hội đồng Nhân dân sẽ quyết định biện pháp xử lý cần thiết.

Điều 20. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân có quyền và nhiệm vụ tham dự các kỳ họp Hội đồng Nhân dân cấp dưới tại địa phương mình ứng cử.

– Trễ nhất là 5 ngày trước ký họp, Ủy ban Nhân dân thông báo cho tất cả các đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp trên ứng cử tại địa phương mình, để các đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp trên kịp thời chuẩn bị đến tham dự.

– Trong phiên họp Hội đồng Nhân dân cấp dưới, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp trên đến tham dự, được quyền phát biểu ý kiến, nhưng không được quyền biểu quyết.

B. – Tham dự hoạt động của Tổ đại biểu và Ban chuyên môn của Hội đồng Nhân dân.

Điều 21. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân thuộc đơn vị ứng cử nào nhất thiết phải sinh hoạt trong Tổ đại biểu đơn vị đó, chấp hành nội quy của Tổ (nếu có), hoàn thành tốt công tác Tổ phân công.

– Tùy hoàn cảnh, khả năng, đại biểu được phân vào Ban chuyên môn của Hội đồng Nhân dân. Một đại biểu có thể là thành viên của 2 hay nhiều Ban. Khi là thành viên của Ban, phải thiết thực hoạt động theo chương trình, kế hoạch phân công của Ban.

– Đại biểu phải dành một ngày trong mỗi tháng để làm việc cho Tổ hay Ban.

C. – Quan hệ với cử tri.

Điều 22. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình được bầu hay nơi mình công tác, tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tìm hiểu việc thi hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong nhân dân, tuyên truyền, phổ biến, giải thích cho nhân dân các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và pháp luật của Nhà nước. Mỗi tháng có ít nhất một ngày tiếp xúc cử tri.

Điều 23. – Trước mỗi kỳ họp Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đòng Nhân dân tiếp xúc cử tri để thâu góp ý kiến cử tri, sau mỗi kỳ họp đại biểu phải báo cáo kết quả với cử tri đơn vị mình.

Điều 24. – Khi Tổ đại biểu hay đại biểu Hội đồng Nhân dân địa phương mình hay cấp mình nhờ tổ chức những cuộc tiếp xúc cử tri nơi đơn vị ứng cử, thì Ủy ban Nhân dân, Công an phường, xã, thị trấn, tổ dân phố phải hết sức giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu làm việc ; nếu đại biểu xét cần gặp gỡ thẳng với một số cử tri, thì khỏi qua thủ tục trình báo gì với chánh quyền địa phương. Các cơ quan chánh quyền địa phương không được làm trở ngại cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Hội đồng Nhân dân với nhân dân, không được gây khó khăn cho nhân nhân, gò ép nhân dân trong lúc có mặt đại biểu cũng như sau khi tiếp xúc đại biểu.

– Khi cử tri yêu cầu gặp gỡ đại biểu Hội đồng Nhân dân thì đại biểu phải gặp trong hạn ngắn nhất, nếu cần, có sự tham dự và giúp sức của Mặt trận, đoàn thể.

Điều 25. – Khi nhận được khiếu tố của nhân dân, yêu cầu hoặc kiến nghị của nhân dân, đại biểu phải nghiên cứu, tìm hiểu xác minh, rồi chuyển đến cơ quan hữu quanl, kèm theo ý kiến của đại biểu, theo dõi việc giải quyết, nếu giải quyết chậm trễ hay chưa thỏa đáng, đại biểu nêu vấn đề với thủ trưởng cơ quan hữu quan, hoặc yêu cầu cấp trên của cơ quan hoặc cơ quan chức năng khác can thiệp.

Đại biểu phải trả lời tới nơi tới chốn cho người khiếu tố hay kiến nghị, nhất thiết không được bỏ qua.

D. – Quan hệ với Ủy ban Mặt trận, đoàn thể quần chúng.

Điều 26. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân chịu sự giám sát trực tiếp của cử tri; thường kỳ báo cáo trước cử tri về hoạt động của mình đồng thời quan hệ chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể để thông báo các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và để tìm hiểu tình hình các từng lớp nhân dân, bàn bạc chương trình kế hoạch chăm lo đời sống nhân dân, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ các mặt của địa phương.

E. – Quan hệ với các cơ quan Nhà nước

Điều 27. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân phải quan hệ với các cơ quan Nhà nước cấp mình và cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ. Việc quan hệ này không cần thủ tục giới thiệu gì khác. Khi đại biểu xuất trình giấy chứng nhận, thủ trưởng hoặc người có trách nhiệm các cơ quan phải tiếp đại biểu và nghiêm túc báo cáo những điều đại biểu cần biết.

F. – Một số quyền hạn của đại biểu Hội đồng Nhân dân trong kỳ họp và ngoài kỳ họp.

Điều 28. – Trong các kỳ họp Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân có quyền :

– Thảo luận và biểu quyết chương trình hội nghị, và những vấn đề ghi trong chương trình nghị sự.

– Đề nghị hội nghị thảo luận những vấn đề mà mình thấy cần thiết.

– Yêu cầu hội nghị nghe một hay nhiều đại diện cơ quan hoặc cán bộ trong bộ máy Nhà nước báo cáo trước Hội đồng Nhân dân một số vấn đề nhứt định.

– Yêu cầu được giải thích hoặc được cung cấp tài liệu về những vấn đề có quan hệ đến nhiệm vụ đại biểu mà mình cần biết.

Đại biểu phát biểu ý kiến tại kỳ họp với danh nghĩa cá nhân hay thay mặt cho Tổ đại biểu hoặc cho đoàn thể mình. Phát biểu bằng các hình thức :

– Tham luận đọc trước phiên họp toàn thể hoặc gởi cho Đoàn Chủ tịch.

– Kiến nghị viết gởi cho Đoàn Chủ tịch.

– Phát biểu miệng tại phiên họp toàn thể và các phiên họp Ban, họp tổ của hội nghị

Điều 29. – Những ý kiến yêu cầu giải thích, chất vấn v.v… của đại biểu trong phiên họp được Đoàn Chủ tịch hội nghị chuyển đến cơ quan hữu quan (qua Ủy ban Nhân dân) nghiên cứu, hoặc giải đáp, hoặc giải quyết và báo cáo cho Hội đồng Nhân dân ngay trong kỳ họp. Trường hợp cần thời gian nghiên cứu, cơ quan hữu quan phải lập tức báo cáo với hội nghị qua Ủy ban Nhân dân, hẹn thời gian báo cáo kết quả giải quyết, hoặc trả lời chất vấn cho đại biểu (qua văn phòng liên lạc Hội đồng Nhân dân) nhưng nhất thiết không thể quá hạn 1 tháng.

Điều 30. – Trong thời gian Hội đồng Nhân dân họp, nếu không có sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Hội nghị thì không được bắt giam hay truy tố đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong trường hợp phạm pháp quả tang hoặc trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan có trách nhiệm, khi tạm giữ đại biểu, phải lập tức báo cáo với Đoàn Chủ tịch hội nghị.

Điều 31. – Ngoài các kỳ họp, để thi hành chức năng, nhiệm vụ, đại biểu Hội đồng Nhân dân được quyền chất vấn Ủy ban Nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, cán bộ trong bộ máy nhà nước, ở cấp ngang và cấp dưới khỏi phải thông qua hệ thống chuyên môn. Khi thâu thập được ý kiến, nguyện vọng, khiếu tố của cử tri hoặc phát hiện cơ quan, cá nhân nào có hành động gây phiền hà nhân dân, vi phạm quyền làm chủ tập thể nhân dân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể hay của công dân thì đại biểu Hội đồng Nhân dân có quyền phản ánh hoặc trực tiếp can thiệp, yêu cầu Ủy ban Nhân dân hay người có trách nhiệm trong cơ quan liên hệ giải quyết.

Các cơ quan, cán bộ cơ quan Nhà nước, nhận được chất vấn hoặc ý kiến đề nghị giải quyết các vấn đề trên, phải ghi nhận, nghiên cứu. Nếu xét thấy hợp lý hoặc không thể trì hoãn và thuộc thẩm quyền của mình, thì phải trả lời ngay hay giải quyết ngay. Nếu thuộc vấn đề lớn quan trọng, hoặc cần có thời giờ để nghiên cứu, hay thuộc thẩm quyền cấp trên, thủ trưởng cơ quan có thể hẹn giải quyết sau hay sẽ trả lời sau, nhưng không được quá 1 tháng.

IV. – VỀ MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO CHO HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HOẠT ĐỘNG.

Điều 32. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân phải luôn luôn được bồi dưỡng về tình hình nhiệm vụ, về chủ trương chính sách lớn, về những biện pháp thực hiện quan trọng, được cung cấp những văn bản cần thiết.

Điều 33. – Đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân là cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, mỗi khi cử đi học lâu ngày, hoặc điều động đi công tác thời gian lâu khỏi địa phương, cán bộ, công nhân viên ấy được nhân dân bầu làm đại biểu, thì cơ quan chủ quản phải thông báo cho Ủy ban Nhân dân cùng cấp với Hội đồng Nhân dân mà đại biểu là thành viên.

Nếu cán bộ, công nhân viên chức, là đại biểu Hội đồng Nhân dân phạm khuyết điểm nặng, bị kỷ luật cho thôi việc, đình chỉ công tác, hạ tầng công tác, thì cơ quan và đơn vị chủ quản phải thảm khảo ý kiến với Ủy ban Nhân dân cùng cấp với Hội đồng Nhân dân mà đại biểu là thành viên, trước khi thi hành kỷ luật.

Điều 34. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân là cán bộ, công nhân viên chức có hưởng lương Nhà nước, khi đi dự hội nghị Hội đồng Nhân dân, được hưởng nguyên lương, được tính công tác phí,… Tùy điều kiện cụ thể và khả năng, cơ quan chủ qunar tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ đại biểu hoạt động. Thời gian hoạt động này kể như đi công tác cho cơ quan, xí nghiệp được tính là thời gian công tác liên tục khi xét thi đua, bình bầu, khen thưởng.

Điều 35. – Đại biểu Hội đồng Nhân dân không phải cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, không hưởng lương, không có phụ cấp trợ cấp hàng tháng, đi họp hay đi công tác cho Hội đồng Nhân dân hay Ban, Tổ Hội đồng Nhân dân, được phụ cấp sinh hoạt phí và khi ốm đau được điều trị tại các bệnh viện trong thành phố theo chế độ quy định cho đại biểu Hội đồng Nhân dân. Khi qua đời, gia đình đại biểu được cấp chi phí mai táng và Hội đồng Nhân đân được cấp chi phí phúng điếu.

Điều 36. – Tất cả chi phí, phụ cấp đại biểu, trị bệnh, chi phí tiếp tân, giấy mực cho Văn phòng liên lạc Hội đồng Nhân dân quy định ở các điều kiện trên đây được Ủy ban Nhân dân làm dự trù trong mỗi nhiệm kỳ và do ngân sách địa phương đài thọ.

V. – ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH, SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ

Điều 37. – Bản Điều lệ này có hiệu lực chấp hành kể từ ngày Ủy ban Nhân dân thành phố ra quyết định ban hành.

Điều 38. – Mọi sự thêm bớt, sửa đổi bất cứ điều khoản nào của Bản Điều lệ này đều thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân thành phố và do quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 16/QĐ-UB

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu16/QĐ-UB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành01/02/1980
Ngày hiệu lực01/02/1980
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/11/1998
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 16/QĐ-UB

Lược đồ Quyết định 16/QĐ-UB Điều lệ tạm thời hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 16/QĐ-UB Điều lệ tạm thời hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu16/QĐ-UB
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýMai Chí Thọ
                Ngày ban hành01/02/1980
                Ngày hiệu lực01/02/1980
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/11/1998
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản hướng dẫn

                  Văn bản được hợp nhất

                    Văn bản gốc Quyết định 16/QĐ-UB Điều lệ tạm thời hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân

                    Lịch sử hiệu lực Quyết định 16/QĐ-UB Điều lệ tạm thời hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân