Nội dung toàn văn Quyết định 160/QĐ-UBND 2023 Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn Gia Lai 2022 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 160/QĐ-UBND | Gia Lai, ngày 15 tháng 4 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 404/TTr-SGDĐT ngày 24 tháng 02 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON VÙNG KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2022-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 160/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)
I. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC MẦM NON ĐẾN NĂM HỌC 2022-2023
1. Quy mô trường, lớp, trẻ em mầm non
Toàn tỉnh có 265 trường mầm non, mẫu giáo (gọi tắt là mầm non), trong đó có 223 trường mầm non công lập, 07 trường mầm non dân lập và 35 trường mầm non tư thục, 221 nhóm độc lập tư thục, với 943 điểm trường lẻ. Tổng số 2.998 nhóm, lớp, trong đó 338 nhóm trẻ, 2.660 lớp mẫu giáo. Huy động 87.467 trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, trong đó 4.976 trẻ nhà trẻ, 82.491 trẻ mẫu giáo, tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 8,78%, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 92,04%, riêng trẻ 5 tuổi ra lớp duy trì tỉ lệ 99,7%.
Trong đó trường, lớp, trẻ mầm non tại các vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh có 102 trường mầm non (tỉ lệ 38,49% so với toàn tỉnh) với 540 điểm trường (tỉ lệ 57,26% so với toàn tỉnh), có 1.172 nhóm, lớp (tỉ lệ 39,09% so với toàn tỉnh) và 35.829 trẻ mầm non ra lớp tại các vùng khó khăn (tỉ lệ 40,96% so với toàn tỉnh) tỉ lệ trẻ nhà trẻ vùng khó khăn ra lớp 4,9%, tỉ lệ trẻ mẫu giáo vùng khó khăn ra lớp 88,7%.
Mạng lưới trường, lớp mầm non được phát triển và phân bố đến hầu hết các xã, phường, thị trấn, cơ bản phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
2. Về cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV), nhân viên (NV)
Tổng số CBQL, GV, NV toàn tỉnh hiện có: 5.684 người, trong đó: CBQL: 575 người, trong biên chế: 507 người, ngoài biên chế 68 người. GV: 4.244 người, tỷ lệ GV/lớp 1,41, GV trong biên chế nhà nước 2.463 người, hợp đồng theo Nghị quyết 102/NQ-CP là 305 người, hợp đồng khác 2.971 người. NV: 865 người, bảo vệ 250 người, cấp dưỡng 468, văn thư, kế toán, y tế 147 người.
CBQL, GV, NV đang công tác tại các vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 1.672 người, gồm 213 CBQL, 1.302 GV, 157 NV , so với toàn tỉnh tỉ lệ CBQL 37,04%; tỉ lệ GV 30,68%, tỉ lệ NV 18,15%; định mức GV/lớp là 1,1. Trong đó GV người dân tộc Jrai 426 người (tỉ lệ 32,7%), GV người dân tộc Banah 41 người (tỉ lệ 3,14%), GV người dân tộc khác 40 người (tỉ lệ 3,07%); có 654 GV biết giao tiếp bằng tiếng Jrai, Banah (tỉ lệ 50,23%)[1].
Theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập là (đối với nhóm trẻ: bố trí tối đa 2,5 GV/nhóm trẻ; đối với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: bố trí tối đa 2,2 GV/lớp) nhưng hiện nay định mức GV/lớp là 1,1 tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh vì vậy đội ngũ GV còn thiếu theo quy định so với định mức.
3. Về cơ sở vật chất
Toàn tỉnh hiện có 2.947 phòng học (trong đó: 1.203 phòng học kiên cố (tỉ lệ 40,82%), 1.744 phòng học bán kiên cố (tỉ lệ 59,17%), 51 phòng học nhờ/tạm (tỉ lệ 1,73%), bố trí 1 phòng/1 nhóm, lớp; có 1.154 bộ đồ dùng dạy học tối thiểu và 984 bộ đồ chơi ngoài trời.
Các trường mầm non thuộc vùng khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh có 1.142 phòng học (trong đó 26 phòng học nhờ, tạm); có 516 bộ đồ dùng dạy học tối thiểu/1.172 nhóm, lớp; 284 bộ đồ chơi ngoài trời/540 điểm trường; thiếu so với nhu cầu đến năm 2030 là 1.427 bộ đồ dùng dạy học tối thiểu; 604 bộ đồ chơi ngoài trời; 126 phòng học[2].
4. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ
Kết quả về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non toàn tỉnh: 100% các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) thực hiện Chương trình GDMN do Bộ GDĐT ban hành, 100% trẻ được an toàn trong trường học, phát triển theo yêu cầu cần đạt của từng độ tuổi, 100% trẻ 05 tuổi được đánh giá theo Bộ chuẩn trẻ 05 tuổi và hoàn thành Chương trình GDMN đạt trên 99%, tỉ lệ nhóm, lớp được học 02 buổi/ngày đạt 85,4%; tỉ lệ trẻ ăn trưa tại trường 64,2%. 100% trẻ em đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng so với đầu năm học; thực hiện chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và phòng chống dịch bệnh. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các thể nhẹ cân là 6,9%, thấp còi 7,5% và trẻ thừa cân, béo phì được khống chế ở tỉ lệ 0,76%.
Kết quả về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non vùng khó khăn: các trường mầm non vùng khó khăn tăng cường công tác phối kết hợp ban ngành, chính quyền địa phương, tuyên truyền phụ huynh và cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ theo khoa học; phát triển mô hình bán trú cho trẻ các vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ tại trường mầm non; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ; tỉ lệ trẻ học 02 buổi/ngày 83,42%; tỉ lệ trẻ ăn trưa tại trường 43,67%; 100% trẻ em đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các thể nhẹ cân, thể thấp còi, thừa cân, béo phì giảm dần hàng năm (trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 7,1%, thấp còi chiếm 7,5%, thừa cân béo phì 0,07%); trẻ 05 tuổi được đánh giá theo Bộ chuẩn trẻ 05 tuổi đạt 100% và hoàn thành Chương trình GDMN đạt trên 90%.
(Phụ lục 1, 2, 3, 4 đính kèm).
5. Một số khó khăn, hạn chế
Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ở các vùng khó khăn thấp.
Tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (7,1%) và thể thấp còi (7,5%) tại các trường vùng khó khăn vẫn còn khá cao so với vùng thuận lợi.
Toàn tỉnh hiện có 943 điểm trường, trong đó có 540 điểm trường vùng khó khăn; nhiều điểm trường cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Giáo viên, nhân viên thiếu so với định mức theo quy định (hiện tại chỉ đạt 1,1 GV/lớp).
Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GDĐT quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; nhà công vụ còn thiếu so với nhu cầu thực tiễn của các đơn vị.
Công tác xã hội hóa giáo dục huy động các nguồn lực phát triển GDMN tại các địa phương có kinh tế xã hội khó khăn nên khó thực hiện.
6. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế
Địa bàn rộng, mạng lưới trường lớp mầm non chủ yếu là điểm lẻ, thuộc vùng DTTS, vùng khó khăn.
Đời sống của nhân dân trên địa bàn vùng khó khăn chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông, thu nhập thấp; một số phụ huynh người DTTS nhận thức, kỹ năng còn hạn chế về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non.
Nguồn tuyển dụng GV còn khó khăn do theo Luật Giáo dục 2019.
Kinh phí Nhà nước đầu tư cho GDMN chưa đủ để đầu tư, xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng theo quy định Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT .
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
Trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở GDMN thuộc các huyện nghèo, thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, các thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, cơ quan có thẩm quyền (sau đây gọi chung là vùng khó khăn) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
III. MỤC TIÊU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu chung
Hỗ trợ phát triển giáo GDMN vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đối với trẻ em
- Đến năm 2025: phấn đấu có ít nhất 8% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN (hiện tại đạt 4,9%) và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN (hiện tại đạt 88,7%), trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt (TCTV) trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 50% các huyện tập trung đông trẻ em người DTTS có mô hình về TCTV trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
- Đến năm 2030: phấn đấu có ít nhất 11% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 92% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở GDMN được TCTV trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các huyện tập trung đông trẻ em người DTTS có mô hình về TCTV trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
- Hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ.
2.2. Đối với giáo viên
- Đến năm 2025: bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ (hiện tại có 654/1.302 giáo viên chỉ biết giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của trẻ đạt 19,55%).
- Đến năm 2030: bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định.
2.3. Đối với cơ sở GDMN
Đến năm 2030: phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm (hiện tại vùng khó khăn có 26 phòng học nhờ, tạm); xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Bảo đảm chính sách phát triển GDMN vùng khó khăn
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở GDMN vùng khó khăn;
- Đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở GDMN vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ em nhà trẻ, bao gồm một số chính sách: hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Phấn đấu đảm bảo định mức GV/nhóm, lớp theo quy định đối với vùng khó khăn, ưu tiên đối với GV dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Rà soát, nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách đối với đội ngũ GV vùng khó khăn, nhất là đội ngũ trực tiếp dạy trẻ em người đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện đầy đủ kịp thời chế độ thu hút, động viên GV công tác lâu dài ở vùng khó khăn; tuyển dụng GV người địa phương.
Rà soát việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung các phòng học, mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu, đồ chơi ngoài trời đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN vùng khó khăn lồng ghép với các chương trình, đề án giai đoạn 2021-2025 đã ban hành: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển GDMN tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh); Kế hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 29/01/2022 của UBND tỉnh); Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 29/01/2022 của UBND tỉnh).
2. Đẩy mạnh công tác truyền thông
Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách của đảng, nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GDMN vùng khó khăn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, gia đình và cộng đồng trong việc đầu tư, chăm lo phát triển GDMN vùng khó khăn của tỉnh.
Tuyên truyền các cấp, các ngành, phối hợp chặt chẽ với gia đình, già làng, trưởng bản để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, trong đó tập trung các giải pháp để huy động trẻ ra lớp; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS theo Kế hoạch số 1784/KH-UBND ngày 10/8/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất.
Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời nêu gương những gương người tốt, việc tốt, những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển GDMN vùng khó khăn, giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao năng lực đội ngũ CBQL, GV cơ sở GDMN vùng khó khăn, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho CBQL, GV về: công tác quản lý, triển khai chương trình GDMN phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn; phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ; tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người đồng bào DTTS đảm bảo theo Kế hoạch số 1784/KH-UBND , đặc biệt quan tâm đến trẻ em nhà trẻ, trẻ mẫu giáo mới ra lớp, xây dựng mô hình điểm, tổ chức thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.
Tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc (tiếng mẹ đẻ) cho GV dạy trẻ em người DTTS; khuyến khích GV trong công tác tự bồi dưỡng tiếng dân tộc phù hợp với nơi GV công tác; tăng cường các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Việt với cha mẹ trẻ là người đồng bào DTTS; quan tâm cha mẹ trẻ có con trong độ tuổi chưa đến trường mầm non; xây dựng môi trường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại gia đình và cộng đồng phù hợp, thiết thực và hiệu quả.
Hình thành đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ, thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Bổ sung nội dung giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em người đồng bào DTTS vào chương trình đào tạo giáo viên mầm non trong các cơ sở đào tạo giáo viên của tỉnh.
4. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
Tổ chức rà soát hiện trạng cơ sở vật chất của từng cơ sở GDMN vùng khó khăn, xác định các hạng mục, danh mục đầu tư, mua sắm theo thứ tự ưu tiên bổ sung để bảo đảm các điều kiện tổ chức hoạt động GDMN.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp đầu tư xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung phòng học còn thiếu; xem xét, nghiên cứu xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở những nơi có nhu cầu; mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi tại vùng khó khăn đáp ứng nhu cầu tới trường, lớp của trẻ em, quan tâm đến đối tượng trẻ nhà trẻ, mẫu giáo ba tuổi, bốn tuổi, bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng cao chất lượng GDMN vùng khó khăn.
Xây dựng cảnh quan môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; đặc biệt xây dựng mô hình môi trường giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy ưu thế của vùng miền, cảnh quan môi trường phù hợp với trẻ và văn hóa riêng của cơ sở GDMN; tạo dựng và nhân rộng mô hình điểm làm nơi tập huấn, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ GDMN cho vùng khó khăn.
5. Triển khai Chương trình GDMN phù hợp với vùng khó khăn, phù hợp với đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ em
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, phù hợp với đặc điểm của trẻ em người DTTS, đổi mới nội dung, phương pháp GDMN phù hợp với vùng khó khăn, đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ.
Chú trọng khai thác yếu tố văn hóa bản địa trong tổ chức, thực hiện Chương trình GDMN đối với trẻ em vùng khó khăn, trẻ em người đồng bào DTTS.
Tổ chức tập huấn và chia sẻ tài liệu, học liệu thân thiện, phù hợp với trẻ em tại các cơ sở GDMN vùng khó khăn, trẻ em người đồng bào DTTS; đẩy mạnh tập huấn việc thực hiện chương trình và phương pháp phù hợp với đội ngũ GV trực tiếp dạy trẻ em người đồng bào DTTS.
Duy trì môi trường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong cơ sở GDMN có trẻ người DTTS; quan tâm đến đối tượng trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo mới ra lớp chưa nói được tiếng Việt.
6. Huy động nguồn lực phát triển GDMN vùng khó khăn
Tăng cường công tác phối hợp, huy động sức mạnh, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các ban ngành có liên quan, đặc biệt là vai trò của ban dân tộc, các tổ chức đoàn thể Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội khuyến học, Đoàn Thanh niên trong hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn; nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em mầm non, gia đình và cộng đồng, tham gia dạy tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ em là người đồng bào DTTS.
Huy động các nguồn vốn hợp pháp, vận động thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở GDMN vùng khó khăn; vận động sự tham gia của toàn dân và các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy sáng kiến của cộng đồng phát triển GDMN vùng khó khăn.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí
1.1. Nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo; lồng ghép từ nguồn vốn của các chương trình, dự án (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025) được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch hằng năm của ngành, địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành.
1.2. Nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao và giai đoạn 2026-2030 phù hợp khả năng cân đối của ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.
1.3. Nguồn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
2. Việc lập và triển khai thực hiện kế hoạch tài chính cho các nhiệm vụ của Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính trung hạn của Nhà nước.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung UBND cấp huyện) thực hiện những nội dung của Kế hoạch này.
Phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện đảm bảo nguồn lực xây dựng nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với GV mầm non và trẻ em theo quy định hiện hành.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho CBQL, GV, NV về công tác quản lý, đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện chương trình GDMN phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn; phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp với đối tượng trẻ em người đồng bào DTTS. Khuyến khích GV dạy trẻ em người DTTS học tiếng dân tộc tại địa phương nơi GV công tác.
Tham mưu UBND và Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách đặc thù về giáo dục của địa phương (nếu cần thiết); đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng đồ chơi, học liệu trong các cơ sở GDMN, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm trường lẻ vùng khó khăn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Rà soát nhu cầu GV ở nhà công vụ báo cáo UBND tỉnh; tham mưu, đề xuất bổ sung cơ sở vật chất còn thiếu theo thứ tự ưu tiên cho vùng khó khăn.
Chủ động tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, tham mưu tuyển dụng, bổ sung biên chế CBQL, GV, NV cho vùng khó khăn bảo đảm thực hiện mục tiêu Kế hoạch.
Tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch theo từng giai đoạn, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kịp thời có những giải pháp hiệu quả nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
2. Ban Dân tộc
Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp để đạt mục tiêu của Kế hoạch.
Phối hợp với Sở GDĐT tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển GDMN vùng khó khăn, tăng cường tiếng Việt đối với trẻ em người đồng bào DTTS trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
Phối hợp với Sở GDĐT, các sở, ban ngành liên quan kiểm tra việc triển khai, thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu của Kế hoạch.
Phối hợp với Sở GDĐT tăng cường công tác truyền thông nâng cao năng lực để thực hiện Kế hoạch đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tại vùng khó khăn; giám sát việc thực hiện các chính sách có liên quan đến trẻ em mầm non vùng khó khăn theo chức năng quản lý được giao.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cụ thể hóa các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì tổng hợp trình UBND tỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và hằng năm thực hiện nhiệm vụ, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Kế hoạch.
Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn đầu tư phát triển GDMN trong các chương trình, dự án, đề án được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
6. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động của Kế hoạch theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
7. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở GDĐT và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện khi Bộ, ngành Trung ương ban hành quy định sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với CBQL, GV, NV trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn (nếu có).
Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, hợp đồng, sử dụng, đãi ngộ, khen thưởng đội ngũ CBQL, GV nghiên cứu đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí đủ GV mầm non theo quy định hiện hành.
8. Sở Thông tin và truyền thông
Chủ trì công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha, mẹ, CBQL, GV và cộng đồng đối với việc đầu tư, chăm lo phát triển GDMN vùng khó khăn.
9. Các sở, ngành, đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Xây dựng Kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn (Kế hoạch của đơn vị gửi về Sở GDĐT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh).
Bố trí kinh phí, trực tiếp triển khai đảm bảo hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch đề ra tại địa phương.
Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các cơ chế chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, học liệu trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn, đặc biệt tại các nhóm, lớp, các điểm trường lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.
Hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để giáo viên dạy trẻ em người DTTS học tiếng dân tộc tại địa phương nơi giáo viên công tác.
Tổ chức rà soát, xem xét, nghiên cứu, đề xuất xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở những nơi có nhu cầu đảm bảo quy định, sắp xếp, bổ sung số phòng học còn thiếu và thay thế các phòng học tạm, phòng học nhờ cho vùng khó khăn.
Quan tâm, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi phù hợp với tình hình thực tế của các trường mầm non vùng khó khăn.
Chỉ đạo, tổ chức, chủ động tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng, ưu tiên tuyển dụng, bố trí, bổ sung biên chế GV, CBQL và NV cho vùng khó khăn thuộc địa phương bảo đảm thực hiện mục tiêu Kế hoạch.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra giám sát đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn. Báo cáo định kỳ hàng năm về Sở GDĐT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai Kế hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức đầu tư, chăm lo, hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2022-2030. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện./.
[1] GV chỉ biết giao tiếp bằng tiếng Jrai, Banah, chưa biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ để thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.
[2] Theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GDĐT quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.