Quyết định 165/QĐ-NH5

Quyết định 165/QĐ-NH5 năm 1994 về Quy chế tổ chức, hoạt động của hợp tác xã tín dụng nông thôn do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Quyết định 165/QĐ-NH5 Quy chế tổ chức hoạt động hợp tác xã tín dụng nông thôn 1994 đã được thay thế bởi Quyết định 2039/QĐ-NHNN bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật 2015 và được áp dụng kể từ ngày 16/10/2015.

Nội dung toàn văn Quyết định 165/QĐ-NH5 Quy chế tổ chức hoạt động hợp tác xã tín dụng nông thôn 1994


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 165/QĐ-NH5

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG NÔNG THÔN.

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30-9-1992;

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ban hành theo Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước số 37-LCT/HĐNN8 và số 38-LCT/HĐNN8 ngày 24-5-1990;

- Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 15/CP ngày 2-3-1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các định chế tài chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tổ chức, hoạt động của hợp tác xã tín dụng nông thôn".

Điều 2

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 282-QĐ/NH5 ngày 16-12-1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Các văn bản khác về Hợp tác xã tín dụng ban hành trước đây trái với Quyết định này đều hết hiệu lực thi hành.

Điều 3

Vụ trưởng các Vụ các định chế tài chính Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn thi hành thực hiện quy chế này.

Điều 4

Chánh Văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng các định chế tài chính, các thủ trưởng đơn vị liên quan ở Ngân hàng Nhà nước trung ương, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các Hợp tác xã tín dụng nông thôn đang hoạt động hoặc sẽ thành lập theo Phép lệnh Ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Cao Sĩ Kiêm

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 165/QĐ-Nh5 ngày 10-8-1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương I

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1

Hợp tác xã tín dụng nông thôn là tổ chức tín dụng ở nông thôn gồm các xã viên là thể nhân và pháp nhân tự nguyện gia nhập, hoạt động theo Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính về tiền tệ, tín dụng và dịch vụ Ngân hàng, theo nguyên tắc kinh doanh, nhằm mục đích tương trợ giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống, vì lợi ích của xã viên và của cộng đồng trên cơ sở tôn trọng luật pháp của Nhà nước và các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2

Hợp tác xã tín dụng thành lập theo nguyên tắc:

- Tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, hợp tác tương trợ và cùng có lợi.

- Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả tài chính.

Điều 3

Hợp tác xã tín dụng được thành lập ở những xã nhu cầu dịch vụ Ngân hàng.

Điều 4

Hợp tác xã tín dụng là một pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng tổng kết tài sản, có con dấu riêng, có trụ sở hoạt động phù hợp với Hợp tác xã tín dụng.

Điều 5

Hợp tác xã tín dụng thành lập theo quyết định của ủy ban nhân dân, huyện, thị xã, được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động và thanh tra, giám sát.

Điều 6

Hợp tác xã tín dụng đặt dưới quyền quản trị của Hội đồng quản trị, quyền điều hành của chủ nhiệm và kiểm soát của kiểm soát viên.

Điều 7

Những người sau đây không được cùng tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát và giữ chức vụ kế toán trưởng: vợ, chồng, thân thuộc trực hệ 3 đời, anh, chị, em ruột vợ hoặc chồng.

Chương II

XÃ VIÊN

Điều 8

8.1 Xã viên Hợp tác xã tín dụng gồm thể nhân và pháp nhân cư trú trong địa bàn xã và có thể ở thôn xóm của xã khác liền kề tự nguyên góp vốn cổ phần xác lập theo điều lệ Hợp tác xã tín dụng.

Mỗi xã viên chỉ một phiếu

8.2 Chỉ những xã viên cư trú trong địa bàn xã mới ứng cử, đề cử vào các chức danh quản trị, điều hành kiểm soát Hợp tác xã tín dụng.

Điều 9

9.1 ở những xã có nhu cầu thành lập Hợp tác xã tín dụng, phải có ít nhất 12 xã viên sáng lập, mới được cử Hội đồng quản trị lâm thời, tối thiểu 3 người để xúc tiến công việc thành lập Hợp tác xã tín dụng.

9.2 Khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, các xã viên phải ghi rõ trong điều lệ của Ngân hàng thương mại, cổ phần, Công ty tài chính cổ phần.

Chương III

HOẠT ĐỘNG

Mục I. NGUỒN VỐN HOẠT ĐỘNG

Điều 10

Nguồn vốn hoạt động của Hợp tác xã tín dụng gồm vốn điều lệ, vốn huy động, vốn vay, vốn ủy thác, vốn trích trừ lợi nhuận và các loại vốn khác.

10.1 Vốn điều lệ gồm:

10.1.1 Cổ phần xác lập: do các xã viên góp theo quy định của Điều lệ Hợp tác xã tín dụng, tối thiểu là 30.000 đồng, không được hưởng lãi.

10.1.2 Cổ phần thường xuyên: do Hợp tác xã tín dụng phát hành hàng năm đối với xã viên, được hưởng lợi tức theo kết quả kinh doanh năm tài chính.

10.1.3 Cổ phần xác lập, cổ phần thường xuyên được chuyển nhượng, được thừa kế theo pháp luật; xã viên không được rút vốn cổ phần trong thời gian Hợp tác xã tín dụng đang hoạt động, trừ trường hợp đặc biệt do Hội đồng quản trị giải quyết theo quy định của Điều lệ.

10.2 Vốn huy động: Hợp tác xã tín dụng huy động vốn bằng các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn trong và ngoài xã viên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

10.3 Vốn vay: Hợp tác xã tín dụng vay vốn của các tổ chức tài chính - tín dụng hoặc Hợp tác xã tín dụng khác và có thể được Ngân hàng Nhà nước cho vay.

10.4 Vốn ủy thác: Hợp tác xã tín dụng được nhận vốn ủy thác của các pháp nhân, thế nhân trong nước (và ngoài nước, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép).

10.5 Vốn trích từ lợi nhuận ròng hàng năm và các loại vốn khác được hình thành trong quá trình hoạt động khác.

Mục II. SỬ DỤNG VỐN VÀ CÁC DỊCH VỤ KHÁC

Điều 11

Hợp tác xã tín dụng sử dụng vốn và thực hiện các dịch vụ sau:

11.1 Cho vay vốn ngắn hạn đối với các xã viên

11.2 Làm ủy thác dịch vụ tài chính, tín dụng cho Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước ( khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép).

11.3 Được sử dụng vốn điều lệ và qũy phát triển kỹ thuật nghiệp vụ để mua sắm tài sản cố định và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ kinh doanh.

11.4 Hợp tác xã tín dụng được gửi tiền hoặc cho vay đối với các tổ chức tín dụng khác; được mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại một tổ chức tín dụng hoặc tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; được trực tiếp cho vay hoặc thông qua chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cho vay đối với Hợp tác xã tín dụng.

Mục II. HẠCH TOÁN LỢI NHUẬN VÀ QŨY

Điều 12.

12.1 Năm tài chính của Hợp tác xã tín dụng bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.

12.2 Hợp tác xã tín dụng mở sổ sách kế toán, hạch toán nghiệp vụ thống kê, báo cáo lưu trữ số liệu, bảo quản sổ sách chứng từ theo quy định tại Pháp lệnh kế toán thống kê và các quy định có liên quan của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính ban hành.

12.3 Căn cứ kết quả tài chính, theo quyết toán đã được đại hội xã viên phê duyệt, phần lợi nhuận thực hiện sẽ trích lập theo tuần tự như sau:

12.3.1 Trích từ 10-20% lập qũy bù đắp rủi ro.

12.3.2 Nộp thuế lợi tức theo luật định.

12.3.3 Trích lập các qũy: qũy dự trữ chung, qũy phát triển kỹ thuật nghiệp vụ, qũy phúc lợi, qũy khen thưởng.

12.3.4 Lợi nhuận còn trả lợi tức cho cổ phần thường xuyên và thưởng cho các xã viên gửi tiền vay, vay tiền Hợp tác xã tín dụng.

12.4 Mức lợi nhuận trích lập cho từng qũy, mức lợi tức của cổ phần thường xuyên và mức tiền thưởng, được thực hiện theo quy định tại điều lệ của Hợp tác xã tín dụng.

Điều 13

Trường hợp quyết toán năm tài chính bị lỗ, đại hội xã viên quyết định theo hướng: trích từ qũy bù đắp rủi ro để bù đắp. Nếu qũy này không đủ, trích thêm từ qũy dự trữ chung.

Phần trích từ qũy chung sẽ được hoàn lại từ nguồn lợi nhuận của năm tài chính kế tiếp.

Điều 14

Trường hợp bị lỗ đến 30% số vốn điều lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập đại hội xã viên bất thường để bàn biện pháp khắc phục.

Mục IV. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN

Điều 15

Hợp tác xã tín dụng có trách nhiệm:

15.1 Chấp hành các chính sách và Pháp luật của Nhà nước.

15.2 Chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ - tín dụng - thanh toán về hoa hồng, lệ phí.

15.3 Thường xuyên đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn vốn trong hoạt động kinh doanh.

Điều 16

Hợp tác xã tín dụng có quyền hạn:

16.1 Yêu cầu người vay cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính khi xin vay Hợp tác xã tín dụng.

16.2 áp dụng các chế tài tín dụng đối với người vay không trả nợ đúng hạn (gốc và lãi) theo pháp luật hiện hành và nghị quyết của đại hội xã viên Hợp tác xã tín dụng.

Chương IV

TỔ CHỨC, QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH, KIỂM SOÁT

Mục I. ĐẠI HỘI XÃ VIÊN

Điều 17

Đại hội xã viên (hoặc đại hội đại biểu xã viên): gồm đại hội đầu tiên, đại hội thường niên, đại hội bất thường, là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của Hợp tác xã tín dụng. Đại hội xã viên phải có từ 2/3 số xã viên (hoặc đại biểu) của Hợp tác xã tín dụng mới hợp lệ.

17.1 Đại hội đầu tiên do Chủ tịch Hội đồng quản trị lâm thời triệu tập để:

17.1.1 Thông qua điều lệ Hợp tác xã tín dụng

17.1.2 Thông qua phương án hoạt động 2 năm đầu;

17.1.3 Bầu các thành viên Hội đồng quản trị;

17.1.4 Bầu các kiểm soát viên.

17.2 Đại hội thường xuyên do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập để:

17.2.1 Thông qua báo cáo thực hiện nghị quyết đại hội kỳ trước, quyết định phương án nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động kinh doanh của năm tài chính mới;

17.2.2 Xét duyệt quyết toán năm tài chính;

17.2.3 Quyết định phương án phân phối lợi nhuận, trích các qũy, chia lợi tức cổ phần thường xuyên;

17.2.4 Quyết định mức tiền thưởng cho các khách hàng là xã viên gửi và vay tiền của Hợp tác xã tín dụng;

17.2.5 Xem xét sai phạm của Hội đồng quản trị, Chủ nhiệm gây thiệt hại cho Hợp tác xã tín dụng.

17.2.6 Bầu bãi miễn hoặc bổ sung thành viên Hội đồng quản trị và kiểm soát viên;

17.2.7 Bổ sung, sửa đổi Điều lệ (nếu có);

17.2.8 Quyết định mức thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị, kiểm soát viên.

17.3 Đại hội bất thường, do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến sự tồn tại và phát triển của Hợp tác xã tín dụng.

Mục II. TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

Điều 18

Hội đồng quản trị

18.1 Hội đồng quản trị Hợp tác xã tín dụng có từ 3 đến thành viên, được trúng cử hoặc bị bãi miễn với đa số phiếu, tại đại hội xã viên theo thể thức trực tiếp bỏ phiếu kín.

18.2 Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị từ đến 2 năm kể từ ngày được bầu. Các thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại.

18.3 Các thành viên Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch. Chủ tịch và các ủy viên Hội đồng quản trị được bầu hoặc bị bãi miễn phải được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y mới có hiệu lực pháp lý.

Điều 19

Các thành viên Hội đồng quản trị phải có đầy đủ các điều kiện sau:

19.1 Là xã viên hoặc người đại diện hợp pháp của pháp nhân là xã viên;

19.2 Có uy tín, hiểu biết nhất định về quản lý kinh tế và Ngân hàng.

19.3 Không vi phạm 1 trong 4 khoản tại Điều 16 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính;

19.4 Tuân thủ quy định tại Điều 17 Quy chế này.

Điều 20

Các trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị:

20.1 Mất trí, chết;

20.2 Pháp nhân là xã viên mất tư cách pháp nhân;

20.3 Do thay thế người đại diện pháp nhân;

20.4 Do vi phạm 1 trong 4 khoản tại Điều 16 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính.

Điều 21

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị:

21.1 Hội đồng quản trị được nhân danh Hợp tác xã tín dụng để quyết định các vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của Hợp tác xã tín dụng (trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội xã viên).

21.2 Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm trước đại hội xã viên những việc cụ thể như sau:

21.1.1 Quản trị Hợp tác xã tín dụng theo đúng pháp luật của Nhà nước, các Pháp lệnh về Ngân hàng, quy chế tổ chức, hoạt động của Hợp tác xã tín dụng, điều lệ và nghị quyết của đại hội xã viên.

21.2.2 Trình đại hội xã viên quyết định về:

a) Cơ cấu tổ chức bộ máy, quy chế nhân viên, biên chế, qũy lương;

b) Định hướng về hoạt động, kinh doanh, huy động vốn;

c) Tăng giảm vốn điều lệ và chuyển nhượng vốn cổ phần thường xuyên.

d) Xử lý các khoản vay có nguy cơ thất thoát không thu hồi được.

21.2.3 Trình đại hội xã viên báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị, kết quả kinh doanh, quyết toán hàng năm, phương án phân phối lợi nhuận, chia lợi tức cổ phần thường xuyên, các mức tiền thưởng cho người gửi tiền, vay tiền là xã viên của Hợp tác xã tín dụng.

21.2.4 ấn định trong giới hạn quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về:

a) Các mức lãi suất cụ thể đối với tiền gửi và tiền cho vay;

b) Các tỷ lệ hoa hồng, lệ phí, tiền phạt áp dụng cho tất cả các nghiệp vụ.

21.2.5 ấn định việc trích lập các qũy theo thẩm quyền, cách thức sử dụng theo nghị quyết của đại hội xã viên.

21.2.6 Bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm và kế toán trưởng Hợp tác xã tín dụng (các chức danh khác của Hợp tác xã tín dụng do Chủ nhiệm bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi được Hội đồng quản trị chấp thuận).

21.2.7 Phân cấp quyền phán quyết cho vay của chủ nhiệm và giám sát việc điều hành của chủ nhiệm.

21.2.8 Xem xét việc khởi kiện và bị kiện liên quan đến Hợp tác tín dụng.

21.2.9 Kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều lệ.

21.2.10 Quyết định triệu tập đại hội xã viên.

21.2.11 Chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ, những sai phạm trong quản lý gây thiệt hại cho Hợp tác xã tín dụng.

21.2.12 Quyết định tiền lương, tiền thưởng cho các viên chức của Hợp tác xã tín dụng. Trường hợp chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ nhiệm thì lương của Chủ nhiệm do đại hội xã viên quyết định.

21.2.13 Quyết định việc cho vay đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 30 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính.

21.2.4 Xem xét những sai phạm của Chủ nhiệm gây thiệt hại cho Hợp tác xã tín dụng và thực thi các biện pháp cần thiết để khắc phục.

Điều 22

Họp Hội đồng quản trị:

22.1 Hội đồng quản trị họp thường kỳ ngày, một tháng hoặc hai lần một tháng, nhưng không được để kéo dài quá 3 tháng. Trường hợp cần thiết, Hội đồng quản trị có thể họp phiên bất thường theo yêu cầu: của Chủ tịch Hội đồng quản trị, của ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng quản trị, của kiểm soát viên trưởng hoặc ít nhất 2/3 số kiểm soát viên; đề nghị của Chủ nhiệm.

22.2 Phiên họp của Hội đồng quản trị có mặt tối thiểu 2/3 số thành viên mới hợp lệ. Hội đồng quản trị quyết định theo đa số thành viên có mặt. Trường hợp tối thiểu ngang nhau thì phiếu của Chủ tịch hay Phó Chủ tịch chủ tọa phiên họp là quyết định.

22.3 Mỗi phiên họp của Hội đồng quản trị phải ghi biên bản, có đầy đủ chữ kỹ của chủ tọa phiên họp và thư ký.

Mục III. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ.

Điều 23

Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện cho Hợp tác xã tín dụng trước pháp luật, có trách nhiệm và quyền hạn.

23.1 Triệu tập các phiên Họp hội đồng quản trị.

23.2 Chuẩn bị nội dung, chương trình và điều khiển các phiên họp để thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị.

23.3 Lập chương trình công tác và phân công các thành viên thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Hợp tác xã tín dụng theo đúng nghị quyết của Hội đồng quản trị.

23.4 Ký các văn bản trình Ngân hàng Nhà nước về kết quả bãi miễn thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên và các văn bản nói tại Khoản 21.2 Điều 21 Quy chế này.

Điều 24

Phó Chủ tịch thứ nhất (trường hợp có 2 Phó Chủ tịch) hoặc Phó chủ tịch (trường hợp có một Phó Chủ tịch) có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ được Chủ tịch phân công; thay mặt Chủ tịch thực thi công việc quy định tại Điều 23 của Quy chế này, trong thời gian Chủ tịch vắng mặt.

Điều 25

Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có trách nhiệm và quyền hạn:

25.1 Nghiên cứu, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động và đóng góp vào việc xây dựng phương hướng, kế hoạch hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã tín dụng qua từng thời kỳ.

25.2 Tham dự các phiên họp của Hội đồng quản trị, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nội dung phiên họp; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, trước đại hội xã viên và trước Hội đồng quản trị về những ý kiến của mình.

25.3 Thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị có liên quan đến từng thành viên Hội đồng quản trị và chấp hành sự phân công, phân nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Điều 26

Thành viên Hội đồng quản trị không có lương có thù lao công vụ và được đài thọ cho các phí cần thiết khác. Mức thù lao do đại hội xã viên quyết định.

Mục IV. NGƯỜI ĐIỀU HÀNH

Điều 27

Người điều hành Hợp tác xã tín dụng là Chủ nhiệm. Chủ nhiệm do Hội đồng quản trị bổ nhiệm miễn nhiệm sau khi được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y mới có hiệu lực pháp lý.

Giúp việc có 1 hoặc 2 Phó Chủ nhiệm do Hội đồng quản trị bổ nhiệm theo đề nghị của chủ nhiệm. Chủ nhiệm Hội đồng quản trị có thể kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã tín dụng.

Điều 28

Các điều kiện để xét chọn Chủ nhiệm hợp tác tín dụng:

28.1 Phải là xã viên Hợp tác xã tín dụng;

28.2 Am hiểu nghiệp vụ Hợp tác xã tín dụng;

28.3 Không vi phạm một trong 4 khoản tại Điều 16 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính;

28.4 Tuân thủ quy định tại Điều 7 Quy chế này.

Điều 29

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm:

29.1 Chủ nhiệm điều hành và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động nghiệp vụ của Hợp tác xã tín dụng, theo đúng Pháp luật, điều lệ của Hợp tác xã tín dụng và nghị quyết của Hội đồng quản trị.

29.2 Quyền hạn của chủ nhiệm:

29.2.1 Tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị, phát biểu ý kiến của mình nhưng không được biểu quyết.

29.2.2 Được quyền lựa chọn, đề nghị Hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh Phó Chủ nhiệm, Kế toán trưởng.

29.2.3 Được quyền tuyển chọn, kỷ luật và cho thôi việc các nhân viên Hợp tác xã tín dụng theo quy chế do Hội đồng quản trị ban hành.

29.2.4 Ký các báo cáo, văn bản, hợp đồng, chứng từ của Hợp tác xã tín dụng.

29.2.5 Trình Hội đồng quản trị báo cáo tình hình hoạt động tài chính và kết quả kinh doanh của Hợp tác xã tín dụng.

Mục V. KIỂM SOÁT VIÊN

Điều 30:

30.1 Kiểm soát viên có từ hai đến ba người, được trúng cử hoặc bị bãi miễn với đa số phiếu tại đại hội xã viên, bằng thể trực tiếp bỏ phiếu kín. Các kiểm soát viên bầu một người giữ chức vụ kiểm soát viên trưởng.

Kiểm soát viên trưởng và các Kiểm soát được bầu hoặc bị bãi miễn phải được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y mới có hiệu lực pháp lý.

30.2 Các điều kiện chọn kiểm soát viên:

30.2.1 Phải là xã viên, am hiểu kỹ thuật nghiệp vụ của Hợp tác xã tín dụng.

30.2.2 ít nhất một người có chuyên môn về kế toán Hợp tác xã tín dụng.

30.2.3 Không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, Kế toán trưởng Hợp tác xã tín dụng.

30.3 Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên cùng nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị. Các Kiểm soát viên có thể được bầu lại. Trong nhiệm kỳ có khuyết Kiểm soát viên, phải được bổ sung. Phương thức bổ sung Kiểm soát viên phải ghi rõ trong điều lệ của Hợp tác xã tín dụng.

Điều 31

Trách nhiệm và quyền hạn của kiểm soát viên:

31.1 Kiểm soát viên trưởng có trách nhiệm phân công Kiểm soát viên phụ trách từng loại công việc kiểm soát.

31.2 Mỗi Kiểm soát viên dưới sự chỉ đạo và phân công của Kiểm soát viên trưởng, có trách nhiệm và quyền hạn.

31.2.1 Kiểm soát các hoạt động kinh doanh, kiểm tra sổ sách kế toán tài sản, các báo cáo, bảng quyết toán năm tài chính và kiến nghị khắc phục các sai phạm (nếu có).

31.2.2 Được quyền yêu cầu cán bộ, nhân viên của Hợp tác xã tín dụng cung cấp tình hình, số liệu và thuyết minh các hoạt động kinh doanh.

31.2.3 Trình Đại hội xã viên báo cáo thẩm tra bảng tổng kết năm tài chính của Hợp tác xã tín dụng.

31.2.4 Báo cáo đại hội xã viên về những sự kiện tài chính bất thường, những ưu khuyết điểm trong quản lý tài chính của Hội đồng quản trị và người điều hành với các ý kiến độc lập của mình; chịu trách nhiệm cá nhân về những đánh giá và kết luận của mình trước đại hội xã viên. Nếu biết sai phạm mà không báo cáo là đồng tình, là vi phạm pháp luật.

31.2.5 Thông báo định kỳ tình hình kết quả kiểm tra cho Hội đồng quản trị.

31.2.6 Tham dự các cuộc họp Hội đồng quản trị, phát biểu ý kiến và có những kiến nghị, nhưng không tham gia biểu quyết.

Nếu có ý kiến khác với quyết định của Hội đồng quản trị, được quyền đề nghị ghi ý kiến của mình vào biên bản phiên họp và được trực tiếp báo cáo trước đại hội xã viên.

31.2.7 Kiểm soát viên trưởng hoặc 2/3 Kiểm soát viên có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị họp phiên bất thường hoặc yêu cầu Hội đồng quản trị triệu tập đại hội xã viên bất thường.

Điều 32

Các Kiểm soát viên được hưởng thù lao theo quyết định của đại hội xã viên.

Chương V

CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG

Điều 33

Quan hệ với Ngân hàng Nhà nước.

33.1 Hợp tác xã tín dụng chịu sự quản lý Nhà nước về thực hiện chính sách tiền tệ,tín dụng và ngân hàng, chịu sự thanh tra, giám sát kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước.

33.2 Hợp tác xã tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin và có thể được mời tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, hội thảo, hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

33.3 Hợp tác xã tín dụng được mở tài khoản tiền gửi, tiền vay tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố và được gửi vốn, vay Ngân hàng Nhà nước theo cơ chế tái chiết khấu.

33.4 Hợp tác xã tín dụng phải gửi đầy đủ các loại báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và bị xử phạt nếu vi phạm các quy định của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 34

Quan hệ với chính quyền địa phương:

34.1 Hợp tác xã tín dụng được ủy ban nhân dân huyện thị, xã cấp giấy phép thành lập; chịu sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương.

34.2 Hợp tác xã tín dụng được chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động có hiệu quả.

Điều 35

Quan hệ với các tổ chức tài chính - tín dụng

Hợp tác xã tín dụng đặt quan hệ hợp tác với tất cả các tổ chức tài chính - tín dụng ở trong nước theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.

Chương VI

TỐ TỤNG, TRANH CHẤP, THANH LÝ, GIẢI THỂ

Điều 36

Khi có tố tụng, tranh chấp:

36.1 Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã tín dụng là người đại diện có thẩm quyền trước pháp luật.

36.2 Hợp tác xã tín dụng được quyền bình đẳng trước pháp luật với các thành viên và thể nhân.

Điều 37

Thanh lý, giải thể:

37.1 Hợp tác xã tín dụng có thể bị giải thể trong các trường hợp sau:

37.1.1 Vi phạm nghiêm trọng pháp luật;

37.1.2 Nhà nước thu hồi giấy phép hoạt động;

37.1.3 Các trường hợp khác theo quy định của Pháp luật.

37.2 Trước khi giải thể, Hợp tác xã tín dụng tiến hành thanh lý dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan tài chính.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 38

Các Hợp tác xã tín dụng đang hoạt động theo Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính, căn cứ quy chế này, điều chỉnh lại tổ chức và hoạt động Hợp tác xã tín dụng cho phù hợp với quy định mới.

Điều 39

Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản của bản Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 165/QĐ-NH5

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu165/QĐ-NH5
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành10/08/1994
Ngày hiệu lực10/08/1994
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Tiền tệ - Ngân hàng
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 16/10/2015
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 165/QĐ-NH5

Lược đồ Quyết định 165/QĐ-NH5 Quy chế tổ chức hoạt động hợp tác xã tín dụng nông thôn 1994


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 165/QĐ-NH5 Quy chế tổ chức hoạt động hợp tác xã tín dụng nông thôn 1994
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu165/QĐ-NH5
                Cơ quan ban hànhNgân hàng Nhà nước
                Người kýCao Sĩ Kiêm
                Ngày ban hành10/08/1994
                Ngày hiệu lực10/08/1994
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcDoanh nghiệp, Tiền tệ - Ngân hàng
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 16/10/2015
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 165/QĐ-NH5 Quy chế tổ chức hoạt động hợp tác xã tín dụng nông thôn 1994

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 165/QĐ-NH5 Quy chế tổ chức hoạt động hợp tác xã tín dụng nông thôn 1994