Quyết định 17/2010/QĐ-UBND hạn mức công nhận đất ở đã được thay thế bởi Quyết định 32/2014/QĐ-UBND hạn mức công nhận đất ở thửa đất có vườn ao Hậu Giang và được áp dụng kể từ ngày 22/11/2014.
Nội dung toàn văn Quyết định 17/2010/QĐ-UBND hạn mức công nhận đất ở
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2010/QĐ-UBND | Vị Thanh, ngày 29 tháng 6 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở ĐỐI VỚI THỬA ĐẤT CÓ VƯỜN, AO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định về hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao nằm trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư.
2. Đối tượng áp dụng: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Giải thích từ ngữ:
1. Khu dân cư trong Quyết định này được hiểu là khu vực có các hộ gia đình, cá nhân sống tập trung, diện tích đất khu vực này chủ yếu để xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại khu vực đó, được xã hội và pháp luật thừa nhận hoặc quy hoạch dân cư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Phạm vi khu dân cư được xác định bởi đường khoanh bao khép kín dựa vào các yếu tố địa lí như: đường giao thông, kênh rạch, sông ngòi… có hệ thống giao thông đã được hình thành theo đúng quy hoạch.
Các tuyến dân cư, cụm dân cư, điểm dân cư đã hình thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 cũng được hiểu như giải thích trên; điểm khác nhau là về quy mô hộ gia đình, cá nhân sinh sống và quy mô về đất đai.
2. Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ địa chính, ranh giới thửa đất được xác định như sau:
a) Ranh giới thửa đất trên thực địa được xác định bằng tên thửa đất, các cạnh thửa là đường nối giữa các mốc giới tại các đỉnh thửa liền kề; mốc giới trên thực địa được xác định bởi các dấu mốc, cọc mốc;
b) Ranh giới thửa đất mô tả trên hồ sơ địa chính được xác định bằng các cạnh thửa là đường ranh giới tự nhiên hoặc đường nối giữa các địa vật cố định.
3. Hộ gia đình: theo Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.
Điều 3. Hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 (Luật Đất đai có hiệu lực thi hành) và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất có vườn, ao được xác định như sau:
1. Đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư.
2. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai hoặc hồ sơ địa chính nhưng không ghi rõ diện tích đất ở thì hạn mức đất ở được quy định theo nhân khẩu của hộ gia đình như sau:
a) Đối với hộ gia đình có từ 08 (tám) nhân khẩu trở xuống thì hạn mức công nhận đất ở bằng 02 (hai) lần hạn mức giao đất ở quy định tại Quyết định về hạn mức giao đất ở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình đang sử dụng;
b) Đối với hộ gia đình có từ 09 (chín) nhân khẩu trở lên thì hạn mức công nhận đất ở bằng 03 (ba) lần hạn mức giao đất ở quy định tại Quyết định về hạn mức giao đất ở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
3. Trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở quy định tại điểm a, b, khoản 2 Điều này thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở quy định tại điểm a, b, khoản 2 Điều này, phần diện tích còn lại sau khi đã xác định đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.
4. Trường hợp diện tích thửa đất thực tế nhỏ hơn hạn mức công nhận quy định tại điểm a, b, khoản 2 Điều này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất.
5. Đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì diện tích đất ở có vườn, ao được xác định theo mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân quy định tại Quyết định hạn mức đất ở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |