Nội dung toàn văn Quyết định 17/2017/QĐ-UBND phân cấp quản lý phạm vi bảo vệ đê điều Quảng Trị
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2017/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 01 tháng 9 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ PHẠM VI BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU, KÈ BẢO VỆ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2016;
Căn cứ Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Thực hiện Quyết định số 3327/QĐ-BNN-TCTL ngày 15/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân loại, phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 199/TTr-SNN ngày 23/8/2017.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp quản lý và phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải; Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có các tuyến đê, kè đi qua và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ PHẠM VI BẢO VỆ ĐÊ ĐIỀU, KÈ BẢO VỆ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định phân cấp quản lý và phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến quản lý và phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phân cấp quản lý
Tuyến đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển đi qua địa bàn huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) nào thì UBND cấp huyện đó tổ chức quản lý và giao cho UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi có tuyến đê, kè đi qua chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ.
Trường hợp công trình nằm giữa địa giới hành chính 2 xã thì UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện cụ thể để giao cho 1 xã quản lý.
Đối với các công trình được đầu tư xây dựng mới thì chủ đầu tư và UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm tổ chức bàn giao, tiếp nhận công trình phù hợp quy định này.
Điều 4. Phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển
1. Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm: đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.
2. Phạm vi bảo vệ kè bảo vệ bờ sông, bờ biển bao gồm: kè bảo vệ bờ sông, bờ biển, cống qua kè, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ kè bảo vệ bờ sông, bờ biển, cống qua kè.
3. Hành lang bảo vệ đê:
Đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 23 của Luật Đê điều.
Đối với đê cấp IV, cấp V trên địa bàn tỉnh, hành lang bảo vệ quy định như sau:
a) Những vị trí đê đi qua khu dân cư, đô thị và khu du lịch, hành lang bảo vệ được tính từ chân đê trở ra:
Đê biển: 15 mét về phía biển và 10 mét về phía bờ;
Đê cửa sông, đê sông: 10 mét về phía sông và 5 mét về phía đồng;
Đê bao: 5 mét về phía sông và phía đồng;
Đê cát: 10 mét về cả 2 phía.
b) Đối với các vị trí khác, hành lang bảo vệ tính từ chân đê trở ra:
Đê biển: 50 mét về phía biển và 30 mét về phía bờ;
Đê cửa sông, đê sông: 20 mét về phía sông và 15 mét về phía đồng;
Đê bao: 15 mét ve phía sông và 10 mét về đồng;
Đê cát: 30 mét về cả 2 phía.
4. Hành lang bảo vệ kè bảo vệ bờ sông, bờ biển:
a) Những tuyến kè đi qua khu dân cư, đô thị và khu du lịch, hành lang bảo vệ được tính như sau:
Kè biển: 15 mét từ chân kè về phía biển và 5 mét từ mép trong đỉnh kè về phía bờ;
Kè sông: 10 mét từ chân kè về phía sông và 5 mét từ mép trong đỉnh kè về phía bờ.
c) Đối với các vị trí khác, hành lang bảo vệ được tính như sau:
Kè biển: 50 mét từ chân kè về phía biển và 15 mét từ mép trong đỉnh kè về phía bờ;
Kè sông: 25 mét từ chân kè về phía sông và 15 mét từ mép trong đỉnh kè về phía bờ.
5. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê, cống qua kè được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của kè bảo vệ đê, cống qua đê, cống qua kè trở ra mỗi phía 50 mét.
Điều 5. Cắm mốc, biển báo và xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển
1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức cắm mốc ki-lô-mét, biển báo các loại và mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên thực địa cho tất cả các tuyến đê, kè được đã được phân cấp quản lý trên địa bàn.
2. Đối với các dự án tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê, kè thì các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện cắm mốc, biển báo các loại và mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên thực địa trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý, sử dụng.
3. Căn cứ mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển được cắm trên thực địa, việc xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển được thực hiện theo quy định tại Điều 27, Luật Đê điều và Điều 6, Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều.
Điều 6. Sử dụng hành lang bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển
1. Đất trong hành lang bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển được kết hợp làm đường giao thông hoặc trồng cây chắn sóng, chắn cát, lúa và cây ngắn ngày.
2. Việc khai thác cây chắn sóng, chắn cát trong hành lang bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển phai theo sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm quản lý của các Sở, ngành, chủ đầu tư
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã nơi có các tuyến đê, kè đi qua tham mưu UBND các tỉnh các nội dung về thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân theo quy định.
b) Tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục các tuyến đê, kè phân cấp quản lý cho các địa phương trên địa bàn tỉnh: rà soát, bổ sung danh mục phân loại, phân cấp đê trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt theo quy định.
c) Hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai thực hiện các nội dung về quản lý và phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển đối với các tổ chức, đơn vị quản lý đê, kè trên địa bàn tỉnh theo Quy định này.
d) Xây dựng quy hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao hiểu biết, nhận thức của cộng đồng về pháp luật đê điều.
g) Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và các nội dung trong Quy định này; phối hợp với chính quyền địa phương các cấp xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
h) Hàng năm, chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện nơi có các tuyến đê, kè tổ chức đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ đê, kè; báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
i) Tổng hợp, quản lý thông tin, dữ liệu hàng năm về đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trong phạm vi toàn tỉnh.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện việc cắm móc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đê, kè hàng năm; kinh phí tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân khi được thành lập.
3. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Xây dựng, Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nghiêm túc Quy định này nhằm quản lý hiệu quả, bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển an toàn, sử dụng lâu dài.
4. Việc lập quy hoạch hoặc xây dựng các tuyến đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển đi qua các công trình quốc phòng hoặc quy hoạch quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
5. Các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh sau khi hoàn thành, Chủ đầu tư phải có trách nhiệm giao nộp hồ sơ công trình về Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND cấp huyện để tổ chức quản lý theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác đê điều trên địa bàn, cụ thể như sau:
a) Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển và hộ đê trên địa bàn.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ, sử dụng đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển và hộ đê.
c) Tổng hợp, quản lý thông tin, dữ liệu về đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi địa phương.
d) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, khắc phục hậu quả do lũ, lụt, bão gây ra đối với đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển.
đ) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương.
e) Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền việc khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Thực hiện các nhiệm vụ được giao về thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân theo quy định của UBND tỉnh. Theo dõi, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức hoạt động của lực lượng quản lý để nhân dân; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này.
3. Căn cứ mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển để rà soát, tổng hợp số lượng các công trình, nhà ở vi phạm phạm vi bảo vệ cần tháo dỡ, di dời; xây dựng kế hoạch, thực hiện việc phá dỡ, di dời với các trường hợp vi phạm và thu hồi, giao đất hành lang bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển cho đơn vị quản lý đê, kè.
4. Hàng năm, lập báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý, tình hình hư hỏng và danh mục các công trình đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển cần nâng cấp, sửa chữa trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 9. Trách nhiệm quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân thuộc địa bàn theo quy định và thực hiện các nội dung hướng dẫn của UBND cấp huyện. Trực tiếp quản lý và điều hành lực lượng quản lý đê nhân dân.
2. Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác đê điều trên địa bàn cụ thể như sau:
a) Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển và hộ đê trên địa bàn.
b) Huy động lực lượng lao động tại địa phương và lực lượng quản lý đê nhân dân để tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn trong mùa mưa, bão.
c) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hộ đê, khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra đối với đê điều, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển.
d) Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.
đ) Xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kịp thời xử lý.
3. Tổ chức phổ biến pháp luật về đê điều và các nội dung tại quy định này để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết và thực hiện.
Điều 10. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; các cơ quan, đơn vị và cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế./.