Nội dung toàn văn Quyết định 17/2018/QĐ-UBND Quy định khen thưởng phong trào thi đua Dân vận khéo Quảng Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2018/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 14 tháng 8 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHEN THƯỞNG PHONG TRÀO THI ĐUA “DÂN VẬN KHÉO” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, Khen thưởng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 58/TTr-SNV ngày 14 tháng 5 năm 2018 và Báo cáo thẩm định số 52/STP-BC ngày 13 tháng 4 năm 2018 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và bãi bỏ Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Thủ trưởng Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
KHEN THƯỞNG PHONG TRÀO THI ĐUA “DÂN VẬN KHÉO” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, nội dung, tiêu chuẩn, thẩm quyền và hình thức, trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (sau đây gọi tắt là Phong trào thi đua).
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
Quy định này áp dụng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 3. Nguyên tắc khen thưởng.
1. Khen thưởng được thực hiện công khai, dân chủ, chính xác, công bằng, kịp thời.
2. Khen thưởng phải căn cứ vào thành tích và các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6, Điều 7 của Quy định này. Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn thì được xem xét đề nghị khen thưởng với mức cao hơn.
3. Kết hợp chặt chẽ động viên tinh thần với khuyến khích bằng lợi ích vật chất.
4. Khen thưởng: Chủ yếu động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân ở cấp cơ sở; không khen thưởng Ban Chỉ đạo và cá nhân là thành viên Ban Chỉ đạo phong trào thi đua.
5. Không xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân không đăng ký thi đua.
Chương II
NỘI DUNG THI ĐUA, TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỀU KIỆN KHEN THƯỞNG, QUY TRÌNH VÀ THẨM QUYỀN KHEN THƯỞNG
Điều 4. Nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
1. Lĩnh vực kinh tế:
Khéo vận động nhân dân trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, vật nuôi, cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động, sáng tạo, tiết kiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa; tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án trên địa bàn.
2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội:
Khéo vận động nhân dân tham gia chương trình giảm nghèo, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương”, “Nhà đại đoàn kết”, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, hiến đất làm đường, làm nhà văn hoá thôn, khu, làng, bản; xây dựng các khu dân cư không có tệ nạn xã hội, xây dựng địa bàn an ninh, trật tự, phát triển các loại hình tự quản, xây dựng ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, đơn vị, bảo vệ môi trường, tham gia công tác nhân đạo, từ thiện, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng; giải quyết các vấn đề bức xúc trong dân cư, người lao động…
3. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh:
Khéo vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đường biên mốc giới, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn…
4. Lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị:
Khéo vận động các cá nhân, tổ chức trong việc thành lập, xây dựng các tổ chức Đảng, đoàn thể, hội quần chúng trong sạch, vững mạnh; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công trên địa bàn; vận động đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động góp phần vào phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng…
Điều 5. Tổ chức phong trào thi đua.
1. Căn cứ vào kế hoạch phát động thi đua của tỉnh; nhiệm vụ chính trị, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức xác định rõ nội dung, hình thức và biện pháp tổ chức thực hiện phong trào tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
2. Phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhất là học tập và làm theo phong cách dân vận của Bác, gắn với nhiệm vụ được giao với các phong trào thi đua khác.
3. Các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng quy định khen thưởng phong trào “Dân vận khéo” của cấp mình; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện; sơ, tổng kết phong trào thi đua.
4. Phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt việc thi đua, khen thưởng theo thẩm quyền được phân cấp.
5. Các điển hình “Dân vận khéo” được xét công nhận mỗi năm một lần; việc tổ chức bình xét phải được thực hiện từ cơ sở.
Điều 6. Tiêu chuẩn khen thưởng.
1. Đối với tập thể:
a) Nắm vững và khéo tuyên truyền, giải thích để quần chúng hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp những phương án, giải pháp hữu hiệu giải quyết được những vấn đề bức xúc, những việc khó, cấp bách, những nhiệm vụ chính trị mà cấp ủy Đảng, chính quyền có chủ trương và đang tổ chức thực hiện. Nắm được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân.
c) Tạo điều kiện để quần chúng tham gia bàn bạc, xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kế hoạch công tác, kế hoạch sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị. Cấp ủy đảng, chính quyền có những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đem lại lợi ích hài hoà giữa nhà nước, tập thể và công dân; tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, người lao động. Thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định của Chính phủ về quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở khác.
d) Phối hợp và huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia công tác vận động quần chúng. Cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu; Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể vận động các tổ chức thành viên, các đoàn viên, hội viên của mình làm nòng cốt lôi kéo quần chúng cùng thực hiện. Các tổ chức trong hệ thống chính trị của cơ sở được công nhận trong sạch, vững mạnh hoặc được các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng; các doanh nghiệp - sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đạt trong sạch, vững mạnh.
đ) Vận động và tổ chức được đông đảo quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
2. Đối với cá nhân:
a) Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền, thuyết phục cho quần chúng hiểu, tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, đơn vị.
b) Nắm được tình hình nhân dân, phản ánh kịp thời cho cấp ủy Đảng, chính quyền những vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân. Có ý tưởng hay, cách làm sáng tạo, tham mưu được những biện pháp, giải pháp đúng đắn cho cấp ủy Đảng, chính quyền để giải quyết những vấn đề bức xúc trong quần chúng.
c) Có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống lành mạnh. Bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt các quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị; chống tham nhũng, tiêu cực; có sức lôi cuốn, vận động quần chúng làm theo, tạo được niềm tin của quần chúng.
d) Kết quả vận động quần chúng góp phần giải quyết được những vấn đề cấp ủy Đảng, chính quyền đang tập trung chỉ đạo thực hiện. Kinh nghiệm vận động quần chúng được cơ quan, đơn vị, địa phương thừa nhận, có sức lan toả, có tính bền vững.
Điều 7. Điều kiện khen thưởng.
1. Khen thưởng định kỳ:
a) Tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp cơ sở: Có đăng ký danh hiệu thi đua ngay từ đầu năm và phải được 90% trở lên số phiếu bầu của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp cơ sở.
b) Tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh được lựa chọn trong số các điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp cơ sở và phải được 90% trở lên số phiếu bầu của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cùng cấp.
c) Tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp tỉnh được lựa chọn trong số các tập thể, cá nhân 02 năm liên tục đạt danh hiệu điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.
2. Khen thưởng đột xuất:
Đối với các tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” trong thực hiện nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong công tác, có sức lan toả cao trong xã hội, góp phần hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị… Tuỳ thuộc vào mức độ đóng góp, hiệu quả của điển hình, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp xem xét quyết định khen thưởng đột xuất theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng.
Điều 8. Quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng.
1. Quy trình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng
a) Hằng năm, các tập thể, cá nhân lập hồ sơ đăng ký xây dựng các điển hình “Dân vận khéo” bằng văn bản (có xác nhận của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh) gửi về Ban Dân vận Tỉnh ủy trước ngày 01 tháng 3 để theo dõi, tổng hợp.
Hồ sơ đăng ký thi đua gồm: Bản đăng ký thi đua có đề nghị cấp khen thưởng, tên điển hình “Dân vận khéo”, thời gian triển khai.
b) Căn cứ đăng ký từ đầu năm, thành tích đạt được của các tập thể, cá nhân và đề nghị của cấp cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị tổ chức họp, bình xét khen thưởng đồng thời xét, gửi về Ban Dân Vận Tỉnh ủy trước 31 tháng 10 hằng năm để tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh khen thưởng.
2. Hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của chính phủ:
a) Thành phần hồ sơ gồm:
- Tờ trình đề nghị khen thưởng của địa phương, cơ quan, đơn vị (bao gồm từ cấp cơ sở);
- Biên bản họp xét duyệt thi đua của Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp trình khen;
- Báo cáo thành tích có xác nhận, chữ ký đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp, có xác nhận, chữ ký, đóng dấu của cấp trình khen (kèm theo Bản tự đánh giá, chấm điểm theo mẫu ban hành kèm theo Quy định này; mẫu báo cáo thành tích được áp dụng mẫu số 07 ban hành kèm theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ).
Báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng cần căn cứ vào các tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ đạt được của điển hình; nêu rõ cách làm, kinh nghiệm, tác dụng, tính lan toả, sự bền vững của điển hình.
Các tiêu chí theo bản tự đánh giá, chấm điểm phải đạt 90% số điểm từng tiêu chí và tổng số điểm phải đạt từ 90 điểm trở lên, đồng thời phải có các tài liệu kiểm chứng kèm theo để xác định mức độ tin cậy của việc đánh giá, chấm điểm.
b) Số lượng hồ sơ: 02 bộ.
3. Quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp cơ sở; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh khen thưởng: Do các địa phương, cơ quan, đơn vị quy định cụ thể dựa trên quy định của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Điều 9. Thẩm quyền công nhận và hình thức khen thưởng
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận và tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân đạt danh hiệu “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp cơ sở.
2. Thủ trưởng Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Bí thư các Đảng bộ trực thuộc tỉnh và tương đương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố công nhận danh hiệu “Dân vận khéo” và tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân đạt danh hiệu “Dân vận khéo” cấp mình đồng thời lựa chọn: Cấp huyện không quá 03 tập thể, cá nhân; các đơn vị còn lại không quá 02 tập thể, cá nhân đủ điều kiện tiêu chuẩn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng hàng năm.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của các địa phương, cơ quan, đơn vị (số lượng khen thưởng không quá 30 tập thể, cá nhân).
Điều 10. Thời gian tổng kết.
Tổ chức vào quý IV hằng năm.
Điều 11. Kinh phí khen thưởng.
Thực hiện quy định tại Điều 73 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của chính phủ; nguồn tiền thưởng trích trong kinh phí khen thưởng của tỉnh.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12: Trách nhiệm thực hiện
1. Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan thường trực phong trào thi đua; chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua; hướng dẫn, đôn đốc, thẩm định hồ sơ xét chọn, tổng hợp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định khen thưởng.
2. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) phối hợp cùng Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện phong trào thi đua; đôn đốc, thẩm định hồ sơ, xét chọn, tổng hợp đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân.
3. Thủ trưởng Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; Bí thư các Đảng bộ trực thuộc tỉnh và tương đương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai Quy định này.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, kịp thời phản ảnh về Cơ quan thường trực Phong trào thi đua và Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BẢNG TỰ ĐÁNH GIÁ CHẤM ĐIỂM VỀ ĐIỂN HÌNH “DÂN VẬN KHÉO”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 14/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
1. Đối với tập thể điển hình “Dân vận khéo”
STT | Chỉ tiêu | Điểm chuẩn | Điểm tự chấm | Tài liệu kiểm chứng |
1 | Nắm vững và khéo tuyên truyền, giải thích để quần chúng hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. | 15 |
| Số liệu cụ thể, ví dụ: Đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng, học tập… |
2 | Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp những phương án, giải pháp hữu hiệu giải quyết được những vấn đề bức xúc, những việc khó, cấp bách, những nhiệm vụ chính trị mà cấp ủy Đảng, chính quyền có chủ trương và đang tổ chức thực hiện. Nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân. | 15 |
| Số liệu cụ thể, ví dụ: Liệt kê, ghi rõ những phương án, giải pháp đã tham mưu, đề xuất… |
3 | Tạo điều kiện để quần chúng tham gia bàn bạc, xây dựng các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, kế hoạch công tác, kế hoạch sản xuất - kinh doanh của cơ quan, đơn vị. Cấp ủy đảng, chính quyền có những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đem lại lợi ích hài hoà giữa nhà nước, tập thể và công dân; tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, người lao động. Thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, nghị định của Chính phủ về quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở khác. | 15 |
| Có số liệu cụ thể |
4 | Phối hợp và huy động được nhiều lực lượng cùng tham gia công tác vận động quần chúng. Cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu; Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể vận động các tổ chức thành viên, các đoàn viên, hội viên của mình làm nòng cốt lôi kéo quần chúng cùng thực hiện. Các tổ chức trong hệ thống chính trị của cơ sở được công nhận trong sạch, vững mạnh hoặc được các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng; đạt danh hiệu thi đua xuất sắc; các doanh nghiệp - sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đạt trong sạch, vững mạnh. | 15 |
| Có số liệu cụ thể |
5 | Vận động và tổ chức được đông đảo quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. | 15 |
| Có số liệu cụ thể |
6 | Tập thể đạt nhiều thành tích xuất sắc trong năm, được cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị khen thưởng; có nhiều cá nhân tích cực trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” | 15 |
| Số liệu cụ thể, ví dụ: Liệt kê các thành tích đã đạt được |
7 | Có cách làm hay, sáng tạo trong công tác vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. | 10 |
| Có số liệu cụ thể |
Tổng điểm | 100 |
|
|
2. Đối với cá nhân điển hình “Dân vận khéo”
STT | Chỉ tiêu | Điểm chuẩn | Điểm tự chấm | Tài liệu kiểm chứng |
1 | Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyên truyền, thuyết phục cho quần chúng hiểu, tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, đơn vị. | 15 |
| Số liệu cụ thể, ví dụ như đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng, học tập…. |
2 | Nắm được tình hình nhân dân, phản ánh kịp thời cho cấp ủy Đảng, chính quyền những vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân. | 15 |
| Có số liệu cụ thể |
3 | Có ý tưởng hay, cách làm sáng tạo, tham mưu được những biện pháp, giải pháp đúng đắn cho cấp ủy đảng, chính quyền để giải quyết những vấn đề bức xúc trong quần chúng. | 20 |
| Số liệu cụ thể, ví dụ: Liệt kê các ý tưởng, cách làm sáng tạo… |
4 | Bản thân có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức, lối sống lành mạnh. Bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt các quy định của địa phương, cơ quan, đơn vị; chống tham nhũng, tiêu cực. | 10 |
| Số liệu cụ thể, ví dụ: Đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa |
5 | Có sức lôi cuốn, vận động quần chúng làm theo, tạo được niềm tin của quần chúng. | 10 |
| Có số liệu cụ thể |
6 | Kết quả vận động quần chúng góp phần giải quyết được những vấn đề cấp ủy đảng, chính quyền đang tập trung chỉ đạo thực hiện. | 15 |
| Số liệu cụ thể, ví dụ: Vận động như thế nào, kết quả… |
7 | Kinh nghiệm vận động quần chúng được thừa nhận, có sức lan toả, có tính bền vững. | 15 |
| Có số liệu cụ thể |
Tổng điểm | 100 |
|
|