Quyết định 1716/2003/QĐ-UB

Quyết định 1716/2003/QĐ-UB Ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo do Tỉnh Quảng Trị ban hành

Nội dung toàn văn Quyết định 1716/2003/QĐ-UB quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo Quảng Trị


UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1716/2003/QĐ-UB

Đông Hà, ngày 26 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHÁM, CHỮA BỆNH NGƯỜI NGHÈO

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994.

- Căn cứ Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo và Thông tư Liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT- BTC ngày 16/12/2002 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức khám,chữa bệnh và lập quản lý, sử dụng thanh quyết toán Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo .

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế và Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh, người nghèo.

Điều 2: Quy chế Quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo được áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước của tỉnh.

Sở Y tế, Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc khám, chữa bệnh cho người nghèo trong tỉnh.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2003. Những quy định trước đây trái với Quy chế ban hành kèm theo quyết định này đều bị bãi bỏ.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 


Nơi nhận:  
- Như điều 3
- Bộ Y tế, Bộ Tài chính
- T.vụ T.uỷ, TT/HĐND tỉnh
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
- T.viên BQL Quỹ KCBNN tỉnh
. Các Phó VP, CV
- Lưu VT,VX

TM/UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Kỳ

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHÁM, CHỮA BỆNH NGƯỜI NGHÈO
(Ban hành kèm theo QĐ số: 1716/2003/QĐ-UB ngày 26/8/2003 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước thực hiện chế độ khám, chữa bệnh người nghèo theo quy định tại Quy chế này bao gồm: Trạm Y tế xã, phường, thị trấn ( sau đây gọi chung là Trạm Y tế xã), Phòng khám Đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, Bệnh viện khu vực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có nhiệm vụ tổ chức khám chữa bệnh cho đối tượng thuộc Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ theo đúng tuyến được quy định.

Điều 2: Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo do UBND tỉnh quản lý, hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, được thanh toán theo hình thức thực thanh, thực chi. Nguồn tài chính được quản lý theo qui định của Luật Ngân sách Nhà nước và các qui định tại Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Liên Bộ Y tế và Tài chính.

Điều 3: Quỹ Khám chữa bệnh người nghèo được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban thường trực được đăng ký chủ tài khoản; Phó Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá, Phó Ban phụ trách tài chính được ký uỷ quyền Chủ tài khoản; Trưởng phòng Tài chính- Kế toán Sở Y tế phụ trách kế toán và thành lập bộ phận chuyên trách giúp việc để thực hiện các quy định tại Điều I theo Quyết định số 601/UB ngày 6 tháng 4 năm 2003 của UBND tỉnh.

Điều 4:

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành có liên quan để xác định đối tượng hộ nghèo theo quy định của Nhà nước.

- Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh lập danh sách hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Sở Tài chính- Vật giá giám sát việc thu chi Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo theo đúng Pháp luật và chế độ Nhà nước quy định.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG, QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG QUYỀN LỢI KHÁM CHỮA BỆNH NGƯỜI NGHÈO

Điều 5: Đối tượng được hưởng quyền lợi Khám chữa bệnh người nghèo:

- Những người có giấy chứng nhận hộ nghèo do Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh cấp (theo từng giai đoạn điều tra).

- Nhân dân các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ (Danh sách do ban Dân tộc và Miền núi lập được UBND tỉnh duyệt).

Điều 6: Quỹ Khám chữa bệnh người nghèo hỗ trợ một phần viện phí cho những đối tượng không có thẻ khám, chữa bệnh người nghèo đang gặp khó khăn đột xuất, do mắc các bệnh nặng chi phí cao khi đến điều trị tại các cơ sở y tế Nhà nước trong tỉnh nhưng không đủ khả năng tiếp tục nộp tạm ứng viện phí để điều trị (Quy định trên không thuộc đối tượng tại điều 5,6 chương II của Quy chế này).

Người bệnh nằm trong diện được miễn một phần viện phí phải được UBND xã nơi cư trú xác nhận và đề nghị tại khoa phòng điều trị. Mức hỗ trợ không quá 50% chi phí khám, chữa bệnh sau khi trừ đi phần nộp tạm ứng của người bệnh, Giám đốc đơn vị điều trị chịu trách nhiệm miễn giảm theo mức từ 1% đến dưới 50%.

Điều 7: Quyền lợi và trách nhiệm của người được hướng chế độ khám, chữa bệnh miễn phí người nghèo:

1 Quyền lợi : Người được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh người nghèo được khám, chữa bệnh ngoại trú, điều trị nội trú, bao gồm:

a) Khám và làm các xét nghiệm, chiếu chụp X-quang, các thăm dò chức năng phục vụ cho các chẩn đoán và điều trị theo chỉ dẫn của Bác sĩ.

b) Cấp thuốc trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế trên cơ sở do các đơn vị xây dựng và được Hội đồng thuốc Sở Y tế duyệt, truyền máu, truyền dịch theo chỉ định của bác sĩ điều trị; sử dụng các vật tư tiêu hao thông dụng, thiết bị y tế phục vụ cho khám chữa bệnh.

c) Làm các thủ thuật và phẫu thuật.

d) Sử dụng giường bệnh.

e) Trong trường hợp đặc biệt, người bệnh cô đơn không nơi nương tựa được hỗ trợ tiền ăn 5.000đồng/ngày/người theo đề nghị của Trưởng Khoa điều trị, được Giám đốc đơn vị phê duyệt.

g) Khi bệnh nhân cấp cứu chuyển lên tuyến trên được sử dụng phương tiện ô tô cấp cứu miễn phí.

2. Trách nhiệm và nghĩa vụ :

Người có thẻ khám, chữa bệnh người nghèo khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở Y tế Nhà nước phải xuất trình các loại giấy tờ sau:

a) Đối với người nghèo: Giấy chứng nhận hộ nghèo; sổ hộ khẩu; chứng minh nhân dân (hoặc một loại giấy tuỳ thân có dán ảnh), sổ Khám chữa bệnh do Sở Y tế cấp.

b) Đối với nhân dân thuộc các xã đặc biệt khó khăn: Sổ hộ khẩu thường trú; chứng minh nhân dân (Hoặc một loại giấy tuỳ thân có dán ảnh), sổ Khám chữa bệnh do Sở Y tế cấp.

c) Đối với người dân tộc thiểu số không có thẻ khám chữa bệnh người nghèo: Chứng minh nhân dân (hoặc 1 loại giấy tờ tuỳ thân có dán ảnh ), sổ hộ khẩu; sổ khám, chữa bệnh do Sở Y tế cấp.

Trường hợp chuyển lên Phòng khám Đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, Bệnh viện khu vực thì phải có giấy giới thiệu của Trạm Y tế xã; chuyển lên Bệnh viện tỉnh thì phải có giấy giới thiệu chuyển tuyến nơi đang khám và điều trị.

Các cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu các thủ tục khi bệnh nhân đến khám và điều trị.

Điều 8: Không sử dụng kinh phí khám, chữa bệnh người nghèo để thanh toán khám, chữa bệnh cho các đối tượng sau:

- Đơi tượng diện chính sách đã có thẻ BHYT quy định tại điều 5,6 chương II của Quy chế này;

- Người say rượu, tự tử, tai nạn, khám chữa bệnh theo yêu cầu, hoặc sai tuyến quy định.

Chương III

CÔNG TÁC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH QUYẾT TOÁN QUỸ KHÁM CHỮA BỆNH NGƯỜI NGHÈO

Điều 9: Lập dự toán Quỹ Khám chữa bệnh người nghèo:

- Do ngân sách Nhà nước cấp (75%)

- Tiền đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước do UBND tỉnh phối hợp với UBMTTQVN tỉnh huy động;

- Tiền lãi thu được từ tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước của Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo chưa sử dụng.

Điều 10: Lập dự toán Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo:

- Hàng năm, Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo, căn cứ số lượng đối tượng được hưởng chế độ khám, chữa bệnh người nghèo do UBND tỉnh phê duyệt để lập dự toán ngân sách. Định mức tối thiểu 70.000 đồng/người/năm.

Điều 11: Quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo:

1. Ban Quản lý Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo có trách nhiệm thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo tại Phòng khám Đa khoa khu vực, Trung tâm Y tế huyện, thị xã Bệnh viện khu vực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo mức trần BHYT đang thực hiện, đồng thời được thanh toán thêm theo quy định tại điểm e và g, mục 1, điều 7,chương II của Quy chế này. Riêng đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú, bình quân cho mỗi lần khám tại Phòng khám Đa khoa khu vực không vượt quá 15.000đồng/ người/ lần; tại Trung tâm Y tế huyện không vượt quá 30.000đồng người/lần, tại Bệnh viện tỉnh không vượt quá 35.000 đồng/người/lần. Nếu vượt giá trần phải được Giám đốc Trung tâm Y tế, Bệnh viện nơi khám, chữa bệnh duyệt, nhưng không vượt quá 20% định mức trên cho một lần khám ngoại trú.

2. Đối với tuyến xã; hàng năm, Quỹ Khám chữa bệnh dành 10.000đồng/người nghèo/năm để khám chữa bệnh cho người nghèo tại Trạm Y tế xã. Trung tâm Y tế huyện, thị xã mua thuốc, vật tư tiêu hao thông dụng theo dự trù của Trạm Y tế xã để chi khám, chữa bệnh cho người nghèo.

Tại Trạm Y tế xã: Đối với bệnh nhân mãn tính kê đơn thuốc 5 ngày, bệnh nhân cấp tính kê đơn thuốc 3 ngày, bình quân cho một đơn thuốc từ 5.000đồng - 6.000đồng/ người/ lần. Nếu sử dụng thuốc thiết yếu do dự án Hỗ trợ Y tế Quốc gia cấp thì được thanh toán theo quy định của dự án Hỗ trợ Y tế Quốc gia. Đối với bệnh nhân thuộc đối tượng các bệnh xã hội như: lao, tâm thần, phong có thẻ khám, chữa bệnh người nghèo thì sử dụng thuốc các chương trình mục tiêu quốc gia cấp, đồng thời được thanh toán thêm một số thuốc điều trị trong đơn ngoài danh mục chương trình cấp nhưng không được vượt mức quy định.

3. Tháng đầu của quí, Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo chuyển trước cho Trung tâm Y tế huyện, thị xã, Bệnh viện khu vực Triệu Hải, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 70% tổng số kinh phí ước tính của đơn vị sẽ thanh toán trong quí, 6 tháng 1 lần, Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo tổ chức giám định và thanh toán dứt điểm kinh phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, sau đó mới tiếp tục cấp kinh phí cho 6 tháng tiếp theo.

4. Chi phí quản lý tại Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo được trích từ Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo nhưng không quá 5% tổng giá trị Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo bao gồm:

- Chi phí giám định (xăng xe, công tác phí).

- Chi phí in ấn tài liệu (thẻ, sổ KCB, các biểu mẫu chuyên môn cho tuyến xã).

5. Nghiêm cấm việc sử dụng Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo sai mục đích. Trưởng Trạm Y tế xã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, Giám đốc Bệnh viện khu vực, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chịu hoàn toàn trách nhiệm việc sử dụng kinh phí khám chữa bệnh người nghèo tại đơn vị. Trường hợp sử dụng sai mục đích qui định phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại gây ra.

6. Thanh quyết toán Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo:

- Chế độ kế toán và báo cáo quyết toán Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo được thực hiện theo Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 21/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư 14/2002/TTLT/BYT- BTC ngày 16/12/2002 của Liên Bộ Tài chính - Y tế và hướng dẫn mẫu bổ sung của Ban Quản lý Quỹ Khám chữa bệnh người nghèo Trung ương.

Điều 12: Chế độ nộp báo cáo quyết toán:

- Báo cáo quyết toán tháng, quí, năm phải đảm bảo chính xác, trung thực, kịp thời và đầy đủ.

- Báo cáo quyết toán tháng: Trạm Y tế xã gửi cho Trung tâm Y tế huyện, thị xã chậm nhất vào 5 ngày của tháng tiếp theo để Trung tâm Y tế huyện, thị xã tổng hợp quý.

- Báo cáo quyết toán quý: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện khu vực, Trung tâm Y tế huyện, thị xã nộp báo cáo về Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo tỉnh chậm nhất vào ngày 15 của tháng đầu quý sau.

Điều 13: Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát:

- Ban Quản lý Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát 6 tháng một lần và đột xuất. Ban Chuyên trách Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo thường xuyên tăng cường giám sát việc thực hiện, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo tại các cơ sở y tế Nhà nước.

Chương IV

TỔ CHỨC KHÁM ,CHỮA BỆNH TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 14: Các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước đã được quy định tại Điều I của Quy chế này có trách nhiệm thực hiện khám, chữa bệnh cho người nghèo. Trạm Y tế xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo khi đến khám chữa bệnh được cấp thuốc điều trị theo tình trạng bệnh tật và theo danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định cho từng tuyến. Trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn tại tuyến xã thì kịp thời giới thiệu bệnh nhân chuyển lên tuyến trên theo dõi và điều trị tiếp. Hàng tháng, Trạm Y tế xã có nhiệm vụ tổng hợp số liệu báo cáo lên Trung tâm Y tế huyện, thị xã.

Điều 15: TTYT huyện, thị xã thường xuyên giám sát, hướng dẫn cho các Trạm Y tế xã về phác đồ điều trị, kê đơn, cấp phát thuốc theo đúng quy định chuyên môn. Phát hiện và chấn chỉnh kịp thời sai sót, đảm bảo sử dụng đúng mục đích của Quỹ khám, chữa bệnh người nghèo đúng mục đích, có hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp đón, điều trị cho bệnh nhân do Trung tâm Y tế huyện, thị xã, Bệnh viện khu vực chuyển lên. Nếu vượt quá khả năng chuyên môn thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh kịp thời giới thiệu bệnh nhân lên tuyến trên để tiếp tục được khám và điều trị.

Trong trường hợp cấp cứu, bệnh nhân được hưởng chế độ khám, chữa bệnh người nghèo được khám và điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế Nhà nước nào gần nhất trong tỉnh. Ban Quản lý Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo sẽ thanh toán các chi phí khám, chữa bệnh cho cơ sở y tế đó.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16: UBND các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16/12/2002 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính và Quy chế này ở các cấp, các ngành có liên quan trên địa bàn.

Điều 17: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, các ngành liên quan và UBMTTQVN tỉnh giám sát, đánh giá việc thực hiện chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương để báo cáo UBND tỉnh theo quy định hiện hành.

Điều 18: Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu các cấp phối hợp với Uỷ ban MTTQVN cùng cấp giám sát việc thực hiện chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, yêu cầu các cấp, các ngành kịp thời phản ánh về Ban Quản lý Quỹ Khám, chữa bệnh người nghèo tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1716/2003/QĐ-UB

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1716/2003/QĐ-UB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành26/08/2003
Ngày hiệu lực01/09/2003
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thể thao - Y tế
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật17 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1716/2003/QĐ-UB

Lược đồ Quyết định 1716/2003/QĐ-UB quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo Quảng Trị


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1716/2003/QĐ-UB quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo Quảng Trị
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1716/2003/QĐ-UB
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Trị
                Người kýNguyễn Minh Kỳ
                Ngày ban hành26/08/2003
                Ngày hiệu lực01/09/2003
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Thể thao - Y tế
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật17 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 1716/2003/QĐ-UB quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo Quảng Trị

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 1716/2003/QĐ-UB quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh người nghèo Quảng Trị

                  • 26/08/2003

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 01/09/2003

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực