Nội dung toàn văn Quyết định 174/CT phê duyệt dự án tiền khả thi xây dựng rừng phòng hộ môi trường thành phố Hà Nội
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 174/CT | Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN TIỀN KHẢ THI XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ MÔI TRƯỜNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Xét dự án đầu tư xây dựng công trình rừng phòng hộ - môi trường thành phố Hà nội theo tờ trình số 5268-TT/UB ngày 4 tháng 12 năm 1990 của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và tờ trình số 183-LN/KL ngày 29 tháng 2 năm 1991 của Bộ Lâm nghiệp;
Theo đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về việc phê duyệt dự án đầu tư này (văn bản số 408-UB/XD-NL ngày 8 tháng 5 năm 1991),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt dự án tiền khả thi xây dựng rừng phòng hộ môi trường thành phố Hà Nội với những nội dung kinh tế kỹ thuật chủ yếu như sau:
1. Tên dự án: Xây dựng rừng phòng hộ môi trường thành phố Hà Nội.
2. Khu vực, địa điểm và phạm vi đất đai vùng dự án quản lý:
- Đất lâm nghiệp thuộc vùng núi Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn.
- Vùng ven đường 21A (Xuân Mai - Ba Vì, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây).
- Vùng ven sông Cà Lồ.
- Vùng ven các sông Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Sét, sông Nhuệ, ven các hồ lớn: Đại Lải, Đồng Mô, Ngải Sơn, Suối Hai...
- Vùng ven các trục giao thông và cây phân tán trong nội thành.
Tổng diện tích hệ thống rừng phòng hộ môi trường khoản 14.100 hécta (chưa kể cây phân tán).
3. Mục tiêu dự án: bảo vê, khôi phục diện tích rừng đã có, tận dụng tối đa khả năng đất lâm nghiệp và đất khác để trồng cây lâu năm đưa độ che phủ của cây rừng trên tổng diện tích đất đai của thành phố Hà Nội đạt mức trên 25%, góp phần tích cực cải tạo, điều hoà môi sinh, điều tiết nước, tôn tạo thêm vẻ đẹp và cảnh quan thành phố.
- Kết hợp mục tiêu phòng hộ môi trường với việc hình thành vành đai cây ăn quả, tăng khả năng cung cấp thực phẩm tươi cho thành phố.
4. Quy hoạch nhiệm vụ:
- Rừng chuyên phòng hộ môi trường tại vùng xung yếu, bao gồm quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng khoản 6.500 hécta.
- Rừng phòng hộ kết hợp sản xuất tại khu vực ven đường 21A và vùng ven sông Cà Lồ khoảng 6.000 héc ta
- Vành đai rừng cây xanh, cây ăn quả ven nội và ven các hồ lớn khoản 4.000 ha.
- Hệ thống cây xanh phân tán, vườn cây quả: khoảng 50 triệu cây.
- Thời gian thi công toàn bộ dự án là 5 năm, bắt đầu từ năm 1991.
5. Các công trình đầu tư xây dựng chủ yếu:
- Rừng phòng hộ môi trường Ba Vì (bao gồm cả đất lâm nghiệp của các đơn vị quốc doanh Trung ương và Hà Nội, không tính rừng quốc gia Ba Vì).
- Rừng phòng hộ môi trường Mê Linh, Sóc Sơn (bao gồm cả đất lâm nghiệp thuộc các cơ sở của Trung ương).
- Đai rừng phòng hộ môi trường dọc đường 21A (bao gồm cả khu vực thuộc quân đội quản lý và huyện Thạch Thất, thị xã Sơn Tây).
- Rừng phòng hộ môi trường ven sông Kim Ngưu.
- Rừng phòng hộ môi trường ven sông Tô lịch.
- Rừng phòng hộ môi trường ven sông Sét.
- Rừng phòng hộ môi trường ven sông Nhuệ.
- Cụm cây xanh nội thành, các làng trọng điểm, các di tích lịch sử, trường học và ven các trục giao thông chính.
- Rừng phòng hộ môi trường ven các hồ lớn.
6. Các giải pháp chủ yếu.
a/ Giải pháp kỹ thuật.
Xây dựng rừng phòng hộ môi trường ở các thành phố lớn là vấn đề mới, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Lâm nghiệp có trách nhiệm thống nhất các giải pháp kỹ thuật và kịp thời quy định quy trình, quy phạm gây trồng các loại rừng phòng hộ môi trường để thực hiện.
Cây trồng và cơ cấu trồng phải đảm bảo phát huy tác dụng phòng hộ môi trường lâu dài và tuỳ từng vùng cụ thể có tác dụng góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân.
b/ Giải pháp tài chính.
Chương trình này mang ý nghĩa xã hội lớn. Vì vậy, những khu vực xung yếu, có quy mô tập trung lớn được sử dụng vốn ngân sách, vốn viện trợ ghi trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước để tổ chức thực hiện. Ngoài ra thành phố cần phát động phong trào quần chúng và đề nghị những chính sách phù hợp để huy động được cao nhất sự đóng góp của nhân dân thủ đô tham gia thực hiện chương trình, đặc biệt là đối với việc trồng cây phân tán, cây đường phố, cây ăn quả.
Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư sẽ được xác định mức độ hỗ trợ khác nhau cho từng dự án cụ thể của từng công trình.
c/ Giải pháp tổ chức lao động.
Nhà nước coi đây là một chương trình đầu tư quan trọng. Để bảo đảm đầu tư có kết quả, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội là chủ quản đầu tư, thành lập Ban quản lý chung để quản lý thực hiện chương trình và chỉ định các chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý việc thực hiện đầu tư đối với từng công trình cụ thể.
Ban Quản lý chương trình cùng các chủ đầu tư cần khẩn trương tiến hành khảo sát cụ thể, cùng các ngành liên quan và các cơ sở đang được giao quyền quản lý sử dụng đất thống nhất quy hoạch phân bố đất đai, lập và trình Luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình có quy mô nhỏ) lên cấp có thẩm quyền xét duyệt theo quy chế quản lý xây dựng cơ bản hiện hành để kịp triển khai các bước tiếp theo.
Đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch xây dựng rừng phòng hộ môi trường, đang thuộc phạm vi quản lý sử dụng của các cơ sở quốc doanh, trường học, đơn vị quân đội, thì các đơn vị này là chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thi công theo luận chứng kinh tế kỹ thuật.
Đất trồng rừng ngoài khu vực trên áp dụng nguyên tắc giao khoán cho các hộ gia đình thông qua hợp đồng trực tiếp để thực hiện.
d/ Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm xây dựng các chính sách để khuyến khích thực hiện nhiệm vụ trồng cây ăn quả và cây phân tán.
Điều 2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Lâm nghiệp, Ngân hàng đầu tư và phát triển và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này trong phạm vi chức năng quyền hạn được giao.
| Đồng Sĩ Nguyên (Đã ký) |