Quyết định 176/QĐ-UB

Quyết định 176/QĐ-UB năm 1979 quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống quận (huyện) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Quyết định 176/QĐ-UB Bản quy định tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống đã được thay thế bởi Quyết định 5986/QĐ-UB-NC bãi bỏ văn bản pháp luật hết hiệu lực lĩnh vực tổ chức bộ máy do UBND thành phố ban hành từ 02/7/1976 đến 31/12/1996 và được áp dụng kể từ ngày 11/11/1998.

Nội dung toàn văn Quyết định 176/QĐ-UB Bản quy định tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 176/QĐ-UB

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 6 năm 1979

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN VẬT TƯ – THƯƠNG NGHIỆP – ĐỜI SỐNG QUẬN (HUYỆN)

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ quyết định số 37/QĐ-UB ngày 23-2-1979 của Ủy ban nhân dân thành phố, ban hành “Bản quy định về phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân quận (huyện) và cơ cấu tổ chức khối cơ quan chánh quyền quận (huyện) ;
- Xét đề nghị của đồng chí Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Giám đốc Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống và khách sạn, Sở Lương thực, Chủ nhiệm Công ty vật tư tổng hợp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này “Bản quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống quận (huyện)”.

Điều 2. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng ban Tổ chức chánh quyền, Giám đốc các Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống và khách sạn, Sở Lương thực, Chủ nhiệm Công ty vật tư tổng hợp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN VẬT TƯ - THƯƠNG NGHIỆP - ĐỜI SỐNG QUẬN (HUYỆN)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 176/QĐ-UB ngày 13 - 6 - 1979 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

I.- CHỨC NĂNG,NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống quận (huyện) là Ban chuyên môn của Ủy ban nhân dân quận (huyện); đồng thời là cơ quan trong hệ thống quản lý ngành từ trung ương đến địa phương của các ngành vật tư, nội thương, lương thực. Ban có chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân quận (huyện) quản lý và chỉ đạo các mặt công tác của quận (huyện) về cung ứng vật tư - kỹ thuật, thương nghiệp bán lẻ (gồm quốc doanh, hợp tác xã và cá thể), ăn uống công cộng và dịch vụ, thu mua (đối với huyện ngoại thành), tiếp nhận, chế biến và phân phối lương thực, quản lý thị trường, chống đầu cơ tích trữ, mua bán phi pháp, nhằm phục vụ đắc lực cho sản xuất và góp phần ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân lao động, cán bộ công nhân viên chức trong quận (huyện).

Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống quận (huyện) chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban nhân dân quận (huyện), đồng thời chịu sự chỉ đạo về lập và thực hiện kế hoạch, về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chuyên ngành của Ủy ban nhân dân thành phố (Công ty Vật tư tổng hợp, Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống và khách sạn, Sở Lương thực).

Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở Ngân hàng theo quy định của Nhà nước.

Ban Vật tư – thương nghiệp- đời sống quận (huyện) có nhiệm vụ và quyền hạn chính như sau :

1. Về vật tư :

a) Đối với các quận (nội thành)

- Tham gia với Ban Kế hoạch trong việc tổng hợp nhu cầu, lập dự án kế hoạch vật tư - kỹ thuật cân đối với kế hoạch sản xuất và xây dựng của quận.

- Giúp Ủy ban nhân dân quận quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch vật tư đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, việc chấp hành chính sách sử dụng và các định mức tiêu dùng vật tư - kỹ thuật, nhằm bảo đảm thực hiện tốt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống thất thoát lãng phí vật tư - kỹ thuật của Nhà nước.

- Kiểm tra nắm chắc tồn kho ứ đọng, giúp Ủy ban nhân dân điều động vật tư - kỹ thuật từ nơi thừa (hoặc không dùng đến) sang nơi thiếu giữa các cơ quan và đơn vị kinh tế của quận, nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất và xây dựng của quận.

- Được Ủy ban nhân dân quận ủy nhiệm quản lý và chỉ đạo xí nghiệp cung ứng vật tư quận thực hiện: thu mua phế liệu, phế thải trong quận, tiếp nhận, bảo quản và phân phối vật tư - kỹ thuật, quan hệ với các quận, huyện khác của thành phố để khai thác vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp của quận.

- Phối hợp với cơ quan quản lý cung ứng vật tư của thành phố trong việc kiểm tra tồn kho và điều phối vật tư - kỹ thuật đối với các cơ quan, đơn vị kinh tế của quận.

- Làm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận và ngành chủ quản cấp thành phố về tình hình quản lý vật tư, số liệu tồn kho ứ đọng vật tư.

b/ Đối với các huyện (ngoại thành)

Ngoài các nhiệm vụ như các quận nêu trên, Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống huyện còn có thêm nhiệm vụ và quyền hạn :

- Được Ủy ban nhân dân huyện ủy nhiệm hoàn chỉnh việc tổ chức xí nghiệp đại lý cung ứng vật tư tổng hợp huyện (theo quyết định số 19/QĐ-UB ngày 26-1-1979 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập xí nghiệp đại lý cung cứng vật tư tổng hợp huyện ngoại thành và quản lý, chỉ đạo hoạt động của xí nghiệp này.

- Quan hệ với các sở chuyên ngành và các tổ chức cung ứng vật tư - kỹ thuật của thành phố để yêu cầu các cơ quan này thực hiện đầy đủ việc rót và vận chuyển vật tư - kỹ thuật cho huyện theo chỉ tiêu kế hoạch do Ủy ban nhân dân thành phố phân bổ cho huyện, nhất là vật tư - kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp của huyện.

- Đi sát các xã nắm chắc các nhu cầu về vật tư - kỹ thuật, chỉ đạo xí nghiệp đại lý cung cứng vật tư tổng hợp huyện đáp ứng kịp thời để phục vụ cho sản xuất.

- Thông qua công tác quản lý cung ứng vật tư - kỹ thuật, tham gia với các tổ chức thu mua trong việc vận động, đôn đốc các tập đoàn sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân thực hiện tốt việc bán nông sản phẩm cho Nhà nước theo hợp đồng hai chiều.

2/ Về thương nghiệp quốc doanh (gồm các lĩnh vực : thu mua, thương nghiêp bán lẻ, ăn uống công cộng và dịch vụ) :

- Trên cơ sở điều tra nắm chắc tình hình sản xuất, nhu cầu về hàng hóa của quận (huyện), dựa theo sự hướng dẫn của Sở Thương nghiệp, Ban Vật tư – thương nghiệp – đời sống chỉ đạo các tổ chức thương nghiệp của quận (huyện) lập các dự án kế hoạch thu mua gia công, kế hoạch bán lẻ, kế hoạch kinh doanh ăn uống và dịch vụ của quận (huyện).

Ban xem xét các dự án kế hoạch nêu trên, sau đó gởi cho Ban Kế hoạch quận (huyện) tổng hợp vào kế hoạch chung của quận (huyện), đồng thời gởi cho Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống và khách sạn (phần kế hoạch ăn uống và dịch vụ) để Sở tổng hợp thành kế hoạch ngành toàn thành phố,.

- Được Ủy ban nhân dân quận (huyện) ủy nhiệm quản lý và chỉ đạo các tổ chức thương nghiệp của quận (huyện) thực hiện các kế hoạch thu mua, gia công bán lẻ, ăn uống và dịch vụ, sau khi đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và Ủy ban nhân dân quận (huyện) giao chỉ tiêu chính thức.

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức thương nghiệp của quận (huyện) ký kết và thực hiện hợp đồng tiếp nhận hàng hóa với các công ty thương nghiệp cấp II, hợp đồng thu mua, gia công với các cơ sở sản xuất.

- Kiểm tra, giám sát các tổ chức thương nghiệp của quận (huyện) và các tổ chức của công ty thương nghiệp cấp II phục vụ trên địa bàn quận (huyện) thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ về phân phối hàng hóa, bảo đảm phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động trong lĩnh vực phân phối, bảo đảm hàng hóa được phân phối công bằng, hợp lý, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn định lượng và thuận tiện cho người tiêu dùng.

Chỉ đạo việc tổ chức màng lưới bán lẻ hợp lý, thuận tiện cho người tiêu dùng và tiết kiệm lao động, giảm chi phí lưu thông.

- Nghiên cứu đề xuất để Ủy ban nhân dân quận (huyện) quyết định các biện pháp cụ thể thực hiện chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước, của Ủy ban nhân dân thành phố và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Thương nghiệp và Sở Ăn uống và khách sạn về công tác cải tạo và quản lý thị trường trong phạm vi quận (huyện).

+ Tổ chức quản lý, sắp xếp lại các chợ ; xử lý các vụ vi phạm chính sách, chế độ về lưu thông phân phối và quản lý thị trường trong phạm vi quyền hạn được giao,

+ Giúp Ủy ban nhân dân quận (huyện) xét cấp giấy phép kinh doanh hành nghề đối với các cơ sở tư nhân kinh doanh thương nghiệp, ăn uống và các nghề dịch vụ mà tư nhân còn được phép kinh doanh.

+ Tổ chức thực hiện công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp, ăn uống công cộng và các ngành nghề dịch vụ tư doanh trong quận, huyện theo chương trình kế hoạch chung do Ủy ban nhân dân thành phố đề ra. Kết hợp với các Ban chuyên môn khác có liên quan thực hiện việc chuyển tư sản thương nghiệp và một số bộ phận tiểu thương sang sản xuất.

- Tổ chức xét duyệt, cấp phát và quản lý bìa sổ mua hàng, tem phiếu cho các cơ quan, xí nghiệp và nhân dân trong quận (huyện) theo sự hướng dẫn của Sở Thương nghiệp.

Cụ thể hóa về phương thực và đối tượng phân phối áp dụng trong quận (huyện) đối với những mặt hàng mà Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Thương nghiệp hướng dẫn về nguyên tắc và ủy nhiệm cho quận (huyện) chỉ đạo cụ thể.

- Phối hợp với Ban Tài chánh – giá cả xây dựng trình Ủy ban nhân dân quận (huyện) duyệt giá đối với các mặt hàng mà Trung ương và thành phố không quản lý và phân cấp cho quận (huyện) thu mua và phân phối trong địa phương.

3/ Về thương nghiệp hợp tác xã :

- Tổ chức thường xuyên việc củng cố kiện toàn các hợp tác xã tiêu thụ, hợp tác xã mua bán, vận động phát triển xã viên, huy động cổ phần, thực hiện quản lý dân chủ nội bộ, phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên theo đúng Điều lệ hợp tác xã, Chỉ đạo các hợp tác xã hoạt động kinh doanh đúng chủ trương, phương hướng, mục tiêu của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đề ra (hợp tác xã tiêu thụ, mua bán “phải luôn luôn nắm vững mục tiêu phục vụ nhu cầu bữa ăn hàng ngày của nhân dân lao động là chủ yếu”), làm tốt vai trò trợ thủ đắc lực cho thương nghiệp quốc doanh, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân lao động.

- Hướng dẫn các hợp tác tiêu thụ, hợp tác xã mua bán và cửa hàng tổng hợp hợp tác xã của quận (huyện) xây dựng kế hoạch lưu chuyển hàng hóa, tổng hợp lại thành kế hoạch kinh doanh thương nghiệp hợp tác xã của quận (huyện) để Ủy ban nhân dân quận (huyện) thông qua báo cáo lên Sở Thương nghiệp (Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và mua bán thành phố) ; chỉ đạo thực hiện kế hoạch ấy sau khi đã được xét duyệt.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hợp tác xã tiêu thụ và hợp xã mua bán thực hiện đúng các chủ trương, chính sách, chế độ quy định của Nhà nước, của Ủy ban nhân dân thành phố trong các hoạt động kinh doanh : đại lý bán lẻ, đại lý thu mua cho thương nghiệp quốc doanh ; sản xuất chế biến nhỏ ; thu mua tự doanh những mặt hàng không thuộc diện quản lý thống nhất của thương nghiệp quốc doanh hoặc thương nghiệp quốc doanh chưa khai thác hết.

- Chỉ đạo việc chấn chỉnh, cải tiến, sắp xếp bố trí hợp lý các điểm bán hàng của hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán kết hợp với các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh hình thành một mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa hợp lý, thuận tiện và tiết kiệm trên địa bàn quận (huyện).

- Tổ chức việc hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về : quản lý, kế toán, thống kê, bán hàng, kho tàng, bảo quản hàng hóa ... cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán trong quận (huyện).

4/ Về lương thực

a/ Đối với các huyện (ngoại thành)

- Căn cứ vào phương hướng nhiệm vụ sản xuất của huyện và trên cơ sở điều tra nắm chắc khả năng sản xuất lương thực và nhu cầu về lương thực của huyện, xây dựng dự án kế hoạch cân đối lương thực trong huyện (thu mua, tiếp nhận, chế biến, phân phối) và kế hoạch xây dựng phát triển cơ sở chế biến, kho tàng và mạng lưới cửa hàng lương thực và các kế hoạch khác về công tác lương thực, để Ủy ban nhân dân huyện thông qua báo cáo lên Sở Lương thực tổng hợp cân đối thành kế hoạch chung của ngành lương thực toàn thành phố. Tổ chức chỉ đạo việc thực hiện các kế hoạch ấy sau khi đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo và quản lý công tác thu mua lương thực ở các địa phương, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch thu mua. Kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp giải quyết các khó khăn, mất cân đối lương thực để Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Lương thực điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cung cấp lương thực cho sát với tình hình của địa phương.

- Chỉ đạo các cửa hàng lương thực, các kho thực hiện tốt việc tiếp nhận, bảo quản lương thực, tránh thất thoát, hư hỏng thiệt hại cho Nhà nước.

- Tổ chức xét duyệt cấp phát và quản lý sổ mua lương thực, xét duyệt tăng giảm, cắt chuyển và nhập lương thực ; chỉ đạo, quản lý chặt chẽ việc cung cấp, phân phối lương thực cho các cơ quan, xí nghiệp, cán bộ công nhân viên chức, các cơ sở sản xuất tập thể, cá thể và nhân dân phi nông nghiệp thuộc diện được phân phối lương thực theo đúng chính sách, chế độ và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố và theo sự hướng dẫn của Sở Lương thực.

- Chỉ đạo các cơ sở của huyện hoàn thành kế hoạch xay xát, chế biến lương thực ; quản lý chặt chẽ việc thực hiện nghiêm chính xác tiêu chuẩn định mức chế biến, tiêu hao nhiên liệu, chống thất thoát, mất mát và lãng phí lương thực, nhiên liệu của Nhà nước.

- Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình tồn kho và mức dự trữ lương thực, báo cáo với Ủy ban nhân dân huyện và Sở Lương thực để giải quyết kịp thời sự thiếu hụt nhằm ổn định tình hình lương thực trong địa phương.

- Tổ chức huy động lương thực kịp thời theo quyết định của Ủy ban nhân dân huyện và Sở Lương thực để cứu đói cho nhân dân địa phương trong những trường hợp thiên tai mất mùa.

- Nghiên cứu chấn chỉnh, cải tiến, sắp xếp, bố trí hợp lý mạng lưới các điểm bán lương thực trên địa bàn huyện thuận tiện cho khách hàng và tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

b/ Đối với các quận : duy trì Phòng Lương thực quận với chức năng, nhiệm vụ như hiện nay. Phòng Lương thực chịu sự lãnh đạo và quản lý của Ủy ban nhân dân quận thông qua Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống.

5. Ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn đối với từng mặt công tác nêu trên, Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống còn có nhiệm vụ bao quát chung là :

- Phối hợp với các Ban Kế hoạch, Ban Tài chánh – giá cả giúp Ủy ban nhân dân quận (huyện) xét duyệt công nhận hoàn thành kế hoạch năm và xét khen thưởng cuối năm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành vật tư, thương nghiệp, ăn uống - dịch vụ, lương thực của quận (huyện).

- Quản lý tổ chức, biên chế và cán bộ thuộc ngành vật tư, thương nghiệp, ăn uống - dịch vụ, lương thực theo sự phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân quận (huyện).

- Theo sự phân công và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành cấp thành phố, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về các mặt công tác vật tư, thương nghiệp, ăn uống - dịch vụ, lương thực cho cán bộ nhân viên thuộc ngành của quận (huyện).

- Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành vật tư, thương nghiệp, ăn uống - dịch vụ, lương thực quận (huyện) quản lý, sử dụng có hiệu quả kinh tế cao : lao động, tiền vốn, vật tư, tài sản.

- Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo thống kê và báo cáo định kỳ (báo cáo nhanh, tháng, qúy, 6 tháng, năm) cho Ủy ban nhân dân quận (huyện) và cho sở, ngành chủ quản thành phố theo yêu cầu và nội dung quy định.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC.

Cơ cấu tổ chức của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống quận (huyện) gồm có :

a) Bộ máy cơ quan Ban chia ra thành các tổ sau đây :

1. Tổ vật tư (hoặc nhóm vật tư ở những quận (huyện) có khối lượng công tác ít).

2. Tổ thương nghiệp quốc doanh.

3. Tổ thương nghiệp hợp tác xã – Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán.

4. Tổ lương thực (đối với huyện ngoại thành)

5. Tổ tổng hợp – hành chính – tổ chức.

- Tùy theo yêu cầu cần thiết, đối với các tổ có nhiều lĩnh vực công tác và khối lượng công tác lớn, thì Tổ có thể chia thành một số nhóm công tác. Việc lập nhóm công tác trong Tổ do Trưởng Ban quyết định.

- Các tổ, nhóm công tác nêu trên có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình. Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc để giúp Trưởng Ban chỉ đạo và quản lý ngành vật tư, thương nghiệp, ăn uống - dịch vụ, lương thực của quận (huyện) theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống, được quy định ở mục I của Bản quy định này.

- Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán vẫn còn được duy trì, với tính chất là tổ chức cấp trên của các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán trong quận (huyện).

Tổ thương nghiệp hợp tác xã là một tổ công tác trong Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống, đồng thời là bộ máy làm việc của Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán (Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán không có biên chế và bộ máy riêng).

Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã mua bán quận (huyện) có con dấu riêng để quan hệ giao dịch công tác.

- Biên chế bộ máy cơ quan Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống thuộc biên chế quản lý Nhà nước, được Ủy ban nhân dân quận (huyện) phân bổ chỉ tiêu kế hoạch biên chế và qũy lương hàng năm, trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch biên chế và qũy lương của Ủy ban nhân dân thành phố giao cho quận (huyện).

Riêng biên chế lao động, qũy tiền lương và kinh phí của Tổ lương thực và vốn hoạt động của các cửa hàng lương thực, các cơ sở xay xát, chế biến lương thực do Sở Lương thực rót về quận (huyện) theo hệ thống ngành dọc. Nhưng, tổ chức và hoạt động của Tổ lương thực, Phòng lương thực, các cửa hàng lương thực, các cơ sở xay xát, chế biến lương thực chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân quận (huyện) thông qua Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống.

- Các tổ công tác không có con dấu riêng. Riêng Tổ lương thực (huyện ngoại thành), có con dấu riêng (theo kiểu cách con dấu của đơn vị nội bộ, do Sở Công an quy định) để sử dụng trong công tác xét cấp phát, tăng giảm, cắt chuyển lương thực (chuyển lương thực đi các tỉnh dùng con dấu của Ban).

b) Các đơn vị quản lý thị trường trực thuộc Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống, gồm có :

- Các ban quản lý chợ (đối với các chợ thuộc diện quản lý của quận (huyện).

- Đội kiểm soát kinh tế.

c) Các tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc ngành vật tư, thương nghiệp, ăn uống - dịch vụ, lương thực đều trực thuộc Ủy ban nhân dân quận (huyện). Ủy ban nhân dân quận (huyện) ủy nhiệm Trưởng Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống trực tiếp quản lý và chỉ đạo mọi mặt hoạt động của các đơn vị này, gồm có :

- Xí nghiệp cung ứng vật tư quận, hoặc xí nghiệp đại lý cung ứng vật tư tổng hợp huyện là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập.

- Công ty tổng hợp bán lẻ là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, dưới công ty là các cửa hàng chuyên doanh hoặc tổng hợp hạch toán định mức hoặc báo sổ (sửa đổi điểm 1 điều 2 của quyết định số 232/QĐ-UB ngày 2-2-1978 của Ủy ban nhân dân thành phố).

- Công ty ăn uống và dịch vụ (hoặc cửa hàng ở những quận (huyện) quy mô kinh doanh còn nhỏ) là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, bên dưới là những cửa hàng (ăn uống, dịch vụ) hạch toán định mức hoặc báo sổ.

- Cửa hàng lương thực quận (huyện), bên dưới là những điểm bán lương thực từng phường hoặc khu vực.

- Các xưởng quốc doanh, công tư hợp doanh xay xát, chế biến lương thực, là các đơn vị hạch toán kinh tế độc lập.

- Riêng cửa hàng tổng hợp hợp tác xã tiêu thụ và mua bán trực thuộc Ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và mua bán (như quy định ở quyết định số 451/QĐ-UB ngày 13-4-1978 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh nêu trên đều có tư cách pháp nhân đầy đủ, có con dấu riêng và được mở tài khoản ở Ngân hàng. Các cửa hàng hoặc trạm thu mua hạch toán nội bộ cũng được phép sử dụng con dấu riêng để giao dịch trong hoạt động kinh doanh.

III. LỀ LỐI LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC.

1) Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống quận (huyện) làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể. Một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận (huyện) phụ trách Trưởng Ban.

Trưởng Ban phụ trách chung, toàn diện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân quận (huyện) và trước thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp trên về : điều hành mọi mặt công tác của ban được Ủy ban nhân dân quận (huyện) ủy nhiệm chỉ đạo Phòng Lương thực (đối với các quận nội thành). Giúp việc cho Trưởng Ban có một số Phó trưởng Ban, mỗi Phó trưởng Ban được phân công phụ trách công tác nghiệp vụ chuyên môn của Tổ chuyên ngành và trực tiếp kiêm Tổ trưởng (hoặc Trưởng phòng Lương thực đối với quận nội thành). Một Phó trưởng Ban phụ trách Trưởng ban quản lý hợp tác xã tiêu thụ và mua bán quận (huyện) kiêm Tổ trưởng Tổ thương nghiệp hợp tác xã. Phó trưởng Ban được Trưởng ban ủy nhiệm quyền giải quyết một số công tác về chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành của Ban. Trong các Phó Trưởng Ban có một Phó trưởng Ban được Trưởng Ban ủy nhiệm thay mặt Trưởng ban điều hành giải quyết công việc chung của Ban khi Trưởng Ban đi vắng.

2. Các tổ chuyên ngành của Ban có mối quan hệ nội bộ bình đẳng với nhau trong một tổ chức thống nhất, cộng đồng trách nhiệm để giúp Ban hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của Ban.

Các Tổ đều chịu sự chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất của Trưởng Ban, đồng thời mỗi tổ công tác chuyên ngành có mối quan hệ chặt chẽ, được sự hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ của ngành chủ quản cấp thành phố.

Tổ trưởng được đại diện Ban tham dự các cuộc họp có liên quan đến nhiệm vụ công tác của Tổ do Ủy ban nhân dân quận (huyện) hoặc ngành cấp thành phố triệu tập.

3) Quan hệ công tác giữa Ban vật tư – thương nghiệp - đời sống với các Ban chuyên môn khác là quan hệ bình đẳng, hợp tác xã hội chủ nghĩa, có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi và giúp đỡ nhau để xây dựng và phát triển tốt mọi mặt công tác của quận (huyện).

Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống phải chủ động đề ra kế hoạch và phối hợp với các ngành có liên quan cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển sản xuất, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân lao động, cán bộ công nhân viên chức của địa phương.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

- Căn cứ vào Bản quy định này, các đồng chí Giám đốc các Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống và khách sạn, Sở Lương thực và Chủ nhiệm Công ty Vật tư tổng hợp có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cụ thể về nhiệm vụ, lề lối làm việc, mối quan hệ công tác cho các tổ công tác thuộc ngành mình trong Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống quận (huyện).

- Bãi bỏ các quy định trước đây của thành phố trái với Bản quy định này. Bản quy định này có giá trị thi hành kể từ ngày ban hành.

- Việc bổ sung, sửa đổi Bản quy định này do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 176/QĐ-UB

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu176/QĐ-UB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành13/06/1979
Ngày hiệu lực13/06/1979
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcBộ máy hành chính
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/11/1998
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 176/QĐ-UB

Lược đồ Quyết định 176/QĐ-UB Bản quy định tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 176/QĐ-UB Bản quy định tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu176/QĐ-UB
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýLê Quang Chánh
                Ngày ban hành13/06/1979
                Ngày hiệu lực13/06/1979
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcBộ máy hành chính
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/11/1998
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 176/QĐ-UB Bản quy định tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 176/QĐ-UB Bản quy định tổ chức và hoạt động của Ban Vật tư – thương nghiệp - đời sống