Quyết định 177/2008/QĐ-UBND bổ sung quy định trình tự xử lý đơn,giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo,tranh chấp đất đai tỉnh Ninh Thuận đã được thay thế bởi Quyết định 39/2013/QĐ-UBND xử lý đơn giải quyết khiếu nại tố cáo tranh chấp đất đai Ninh Thuận và được áp dụng kể từ ngày 19/07/2013.
Nội dung toàn văn Quyết định 177/2008/QĐ-UBND bổ sung quy định trình tự xử lý đơn,giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo,tranh chấp đất đai tỉnh Ninh Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 177/2008/QĐ-UBND | Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 11 tháng 7 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ XỬ LÝ ĐƠN, GIAO NHIỆM VỤ THAM MƯU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(ban hành kèm theo Quyết định số 100/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại công văn số 100/TTT-XKT ngày 08 tháng 4 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều sau đây của Quy định trình tự xử lý đơn, giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (ban hành kèm theo Quyết định số 100/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận).
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 4 như sau:
“8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp do tổ chức, công dân gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:
a) Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển trả đơn và hướng dẫn cho người khiếu nại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;
b) Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết thì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản giao cho các cơ quan chức năng trực thuộc để tiến hành thẩm tra xác minh các nội dung khiếu nại và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền;
c) Đơn tố cáo được xử lý theo Điều 22 của Quy định trình tự xử lý đơn, giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (ban hành kèm theo Quyết định số 100/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận);
d) Đối với đơn gửi nhiều cơ quan mà trong đơn xác định đã gửi đến các cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai theo quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 Quy định trình tự xử lý đơn, giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (ban hành kèm theo Quyết định số 100/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận) thì không xử lý và lưu đơn; các cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai phải chủ động chỉ đạo xử lý hoặc thụ lý, tham mưu giải quyết theo quy định của pháp luật.
9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tùy theo tình hình của mỗi địa phương giao cho Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc tập trung đầu mối xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai theo nội dung của điểm a, b, c, d nêu trên.”
2. Sửa đổi điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 6 như sau:
- Sửa đổi điểm b khoản 1 như sau:
“b) Giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai theo khoản 1, 2 Điều 63 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai”;
- Sửa đổi điểm b khoản 2 như sau:
“b) Giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai theo khoản 3 Điều 63 và khoản 1, 2 Điều 64 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ (lần đầu và lần 2).”
3. Sửa đổi khoản 3 Điều 7 như sau:
“3. Thời hạn giải quyết một vụ việc theo khoản 1 Điều 13 Quy định này. Hết thời gian phân công thụ lý, cán bộ thụ lý báo cáo cho Chánh Thanh tra, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường về kết quả thẩm tra, xác minh bằng văn bản Báo cáo, để Chánh Thanh tra và Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện báo cáo kết quả xác minh, kết luận, kiến nghị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết”.
4. Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 9 như sau:
“a) Thời hạn xác minh, báo cáo đề xuất, kèm dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại theo khoản 1 Điều 13 Quy định này kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 40 (bốn mươi) ngày kể từ ngày thụ lý.”
5. Bổ sung khoản 2 Điều 19 như sau:
“2. Các loại việc phải đối thoại:
- Các loại việc giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết khiếu nại về đất đai theo Điều 136 và 138 Luật Đất đai lần đầu phải đối thoại trực tiếp với người khiếu nại và người bị khiếu nại;
- Các loại việc giải quyết khiếu nại lần đầu và lần tiếp theo nếu khiếu nại là vụ việc phức tạp, đông người, gay gắt, kéo dài và các trường hợp khác chỉ đối thoại trực tiếp nếu xét thấy cần thiết.
- Các loại việc giải quyết khiếu nại khác khi giải quyết lần đầu theo Luật Khiếu nại, tố cáo đều phải tổ chức đối thoại trực tiếp với người khiếu nại.”
6. Bổ sung khoản 5 Điều 20 như sau:
“5. Lập biên bản đối thoại:
Cơ quan tham mưu giải quyết khiếu nại phải cử cán bộ, công chức tổ chức ghi biên bản đối thoại để lưu hồ sơ; biên bản đối thoại phải thể hiện đầy đủ ý kiến của các bên và đại diện các cơ quan hữu quan, ghi nhân đầy đủ các chứng cứ do các bên cung cấp.
Nội dung chủ yếu phải thể hiện:
- Người khiếu nại, người bị khiếu nại và các cơ quan tham gia đối thoại có đồng ý với bản báo cáo kết quả xác minh của cán bộ thụ lý không, điểm nào không đồng ý - chứng cứ;
- Ý kiến kết luận của người chủ trì đối thoại.
Biên bản đối thoại phải có chữ ký của những người tham dự đối thoại, người khiếu nại phải ký xác nhận vào biên bản đối thoại. Người chủ trì đối thoại ký và đóng dấu cơ quan chủ trì hoặc đóng dấu xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tranh chấp (nếu địa điểm tổ chức đối thoại tại Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc nơi cơ quan, đơn vị tổ chức đối thoại. Biên bản được lập thành hai bản, một bản gửi cho người khiếu nại (nếu có yêu cầu) và một bản lưu hồ sơ giải quyết khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại tham gia đối thoại không ký biên bản thì các thành viên tham gia đối thoại vẫn ký xác nhận biên bản và biên bản này được coi là tài liệu chứng minh việc tổ chức đối thoại đã được thực hiện, làm căn cứ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại được mời đối thoại ba lần nhưng không đến đối thoại theo giấy mời thì thủ tục đối thoại coi như đã hoàn thành, cơ quan tham mưu giải quyết khiếu nại trình người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Trường hợp tiếp xúc với tập thể đông người mà nội dung phản ảnh, khiếu nại, trả lời có cùng một nội dung vụ việc; việc lập biên bản ghi nhận nội dung buổi tiếp xúc, để làm căn cứ trả lời đông người, thì yêu cầu họ cử đại diện trình bày nội dung sự việc và ký biên bản buổi tiếp xúc.”
7. Sửa đổi Điều 28 như sau:
- Sửa đổi khoản 1 như sau:
“1. Phòng Tiếp công dân phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thông báo công khai buổi tiếp công dân của Lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trước 7 (bảy) ngày làm việc để công dân đến đăng ký trước nội dung khiếu nại, yêu cầu. Sau khi tiếp nhận các nội dung khiếu nại, Phòng Tiếp công dân có trách nhiệm đề nghị các cơ quan có liên quan trả lời nội dung khiếu nại hoặc chuẩn bị nội dung trả lời để phối hợp tiếp công dân theo yêu cầu; bố trí cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu tiếp dân cùng lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh theo lịch và tiếp công dân thường xuyên theo quy định”.
- Sửa đổi khoản 2 như sau:
“2. Các cơ quan có liên quan, khi tiếp nhận đề nghị của Phòng Tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị nội dung trả lời và hồ sơ tài liệu vụ việc để tham gia phục vụ cho việc giúp lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp công dân và trả lời trực tiếp cho công dân (thành phần tham gia: lãnh đạo hoặc Trưởng, Phó phòng và cán bộ, công chức trực tiếp thụ lý giải quyết vụ việc theo yêu cầu cụ thể của lãnh đạo tiếp công dân).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |