Nội dung toàn văn Quyết định 1786/QĐ-BNN-TCCB 2023 nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức Cục Thủy sản
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1786/QĐ-BNN-TCCB | Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THỦY SẢN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
Xét đề nghị của Tổng cục Thủy sản tại Tờ trình số 172/TTr-TCTS-VP ngày 14/02/2023 về việc phê duyệt đề án, quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Cục Thủy sản là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Tổng cục Thủy sản thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư.
Cục Thủy sản thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; đăng kiểm tàu cá, quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tổ chức sản xuất thủy sản gắn với chế biến, thương mại thủy sản, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái thủy sinh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
2. Cục Thủy sản có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Cục Thủy sản đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Các dự thảo: luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị định, nghị quyết của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật khác về thủy sản;
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm, cơ chế, chính sách và các chương trình, dự án, đề án và công trình quan trọng quốc gia về thủy sản.
2. Tổ chức xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo phân công của Bộ và quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.
3. Ban hành văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.
4. Hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.
5. Về quản lý nuôi trồng thủy sản:
a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực;
- Điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; nội dung, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; nội dung, trình tự, thủ tục cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển;
- Nội dung, trình tự, thủ tục: chứng nhận cơ sở nuôi sinh trưởng, sinh sản, trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là Phụ lục CITES), loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục CITES, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm từ nuôi trồng, khai thác từ tự nhiên; quy định về chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh loài thủy sản thuộc Phụ lục CITES, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực;
- Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; Danh mục tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
b) Thực hiện kiểm tra, cấp phép:
- Kiểm tra, tham mưu cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo quy định pháp luật;
- Cấp phép nhập khẩu thủy sản sống chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để làm thực phẩm, làm cảnh, giải trí, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, nghiên cứu khoa học theo quy định;
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về: nuôi trồng thủy sản; an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục CITES, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm từ nuôi trồng, khai thác từ tự nhiên; chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh loài thủy sản thuộc Phụ lục CITES, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; mùa vụ, quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản; đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản trong khu vực đồng quản lý; quan trắc, cảnh báo, giám sát, xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; chứng nhận trong nuôi trồng thủy sản;
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, nuôi trồng thủy sản trên biển kết hợp với trồng và bảo vệ rừng ngập mặn; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và đất liền theo hướng công nghiệp, sinh thái.
6. Về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:
a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Quy định việc đặt tên, sai số cho phép trong phân tích chất lượng, chỉ tiêu kỹ thuật phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Điều kiện cơ sở về: sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; khảo nghiệm giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản;
- Nội dung, trình tự thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện: sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Đặt tên giống thủy sản; nội dung, trình tự, thủ tục khảo nghiệm giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam hoặc cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định về chất lượng; tiếp nhận thông tin sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường đối với thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn cập nhật thông tin giống thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản;
- Quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại nước xuất khẩu;
- Công bố cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản đủ điều kiện kiểm định giống thủy sản.
b) Thực hiện kiểm tra, cấp phép, cấp giấy chứng nhận:
- Kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản đối với giống thủy sản bố mẹ; kiểm tra, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận và kiểm tra duy trì cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;
- Kiểm tra điều kiện khảo nghiệm, phê duyệt đề cương khảo nghiệm giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu;
- Cấp phép xuất, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định;
- Cấp phép xuất khẩu loài thủy sản có tên trong Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu hoặc không đáp ứng điều kiện quy định trong Danh mục loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện vì mục đích nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ;
- Cấp phép nhập khẩu giống thủy sản chưa có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm;
- Cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hàng hóa thủy sản xuất, nhập khẩu.
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về: giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; điều kiện sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
d) Tổ chức tiếp nhận và quản lý thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản do cơ sở sản xuất, nhập khẩu gửi đến trước khi lưu thông trên thị trường.
đ) Hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định đối với giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản.
7. Về quản lý khai thác thủy sản:
a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi, sản lượng cho phép khai thác theo loài; hướng dẫn xác định, công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng ven bờ và vùng lộng;
- Tiêu chí, trình tự thủ tục công bố danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp;
- Điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hàng năm, dự báo ngư trường; xác định trữ lượng, sản lượng cho phép khai thác, đánh giá sự biến động của nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường sống của loài thủy sản;
- Nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; xác nhận nguyên liệu thủy sản nhập khẩu hoặc sản phẩm thủy sản được sản xuất từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;
- Tiêu chí và Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản;
- Chức danh, nhiệm vụ theo chức danh và định biên thuyền viên tàu cá; tiêu chuẩn chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên tàu cá; sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; tiêu chuẩn thuyền viên là người nước ngoài làm việc trên tàu cá Việt Nam.
b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung về khai thác nguồn lợi thủy sản thuộc quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
c) Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam, Giấy phép khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam; chấp thuận tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc cấp phép đối với khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực.
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về: quản lý thuyền viên, sổ thuyền viên tàu cá; đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển; điều kiện khai thác thủy sản; ngư trường, mùa vụ, nghề nghiệp, ngư cụ khai thác thủy sản; nội dung, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước; khai thác thủy sản tại các hệ sinh thái thủy sản trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn đất ngập nước.
đ) Hướng dẫn tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản, liên kết, hợp tác, đồng quản lý trong khai thác thủy sản; thực hiện bản tin dự báo ngư trường khai thác thủy sản.
e) Quy định quy trình, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức triển khai điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm; dự báo ngư trường.
g) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, phát triển khai thác thủy sản.
8. Về quản lý tàu cá, tàu công vụ thủy sản:
a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký, xóa đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; đăng kiểm tàu cá, tàu công vụ thủy sản;
- Điều kiện cơ sở: đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá; đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá; đăng kiểm tàu cá;
- Tiêu chuẩn chuyên môn và chương trình bồi dưỡng đăng kiểm viên tàu cá; nội dung quản lý, cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ đăng kiểm viên tàu cá;
- Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng tàu cá; định mức kinh tế - kỹ thuật đối với tàu cá.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đóng mới, cải hoán tàu cá; đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tàu công vụ thủy sản; đào tạo, bồi dưỡng thuyền viên tàu cá; đánh dấu tàu cá và đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển.
c) Kiểm tra, đánh giá và công nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đăng kiểm tàu cá.
d) Hướng dẫn, quản lý điều kiện, cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá.
đ) Cấp Giấy phép nhập khẩu tàu cá, thuê tàu trần; quyết định việc tiếp nhận tàu cá do Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài tặng cho, viện trợ cho cơ quan nhà nước của Việt Nam.
e) Tổ chức quản lý, vận hành hệ thống giám sát tàu cá thống nhất từ trung ương đến địa phương theo quy định.
9. Về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá:
a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phê duyệt, điều chỉnh, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;
- Công bố mở, đóng cảng cá loại I; danh sách khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên phạm vi toàn quốc;
- Điều kiện, công bố danh sách cảng cá chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách cảng cá cho tàu cá hoạt động vùng khơi cập cảng; danh sách cảng cá cho tàu cá nước ngoài cập cảng.
b) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện quy hoạch quốc gia về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Quản lý hoạt động của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật.
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc ghi, thu, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; kiểm tra tàu cá tại cảng và giám sát thủy sản bốc dỡ qua cảng cá; xác nhận nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.
d) Quản lý cơ sở dịch vụ, hậu cần khai thác thủy sản (sản xuất, cung cấp vật tư, máy, trang thiết bị phục vụ khai thác, dây lưới, sợi, ngư cụ khai thác thủy sản, bảo quản, thu mua thủy sản....).
10. Thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế về thủy sản thuộc nhiệm vụ của Cục theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Bộ trưởng:
a) Trình Bộ trưởng việc vận động, kêu gọi, tiếp nhận, quản lý và điều phối hỗ trợ của quốc tế thuộc chức năng, nhiệm vụ của Cục theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Bộ;
b) Đầu mối nhóm công tác nghề cá ASEAN; nhóm công tác Nghề cá và Đại dương APEC; Mạng lưới Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương NACA; Ủy ban Nghề cá FAO (Tiểu ban Nuôi trồng thủy sản, Tiểu ban Thương mại Thủy sản,...); Ủy ban Nghề cá châu Á - Thái Bình Dương; Hồ sơ tàu cá toàn cầu của FAO; Hồ sơ tàu cá khu vực; hợp tác thủy sản theo các biên bản ghi nhớ của Bộ với các quốc gia, các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế theo phân công, phân cấp của Bộ. Thường trực đại diện Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á tại Việt Nam;
c) Chủ trì tham mưu, tổ chức thực hiện Hiệp định Nghề cá Vịnh Bắc Bộ và các hoạt động hợp tác với Ủy ban Nghề cá Trung Tây Thái Bình Dương. Phối hợp thực hiện Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO và các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chức năng, nhiệm vụ của Cục;
d) Tham mưu việc đàm phán, ký kết, thực hiện các hiệp định, điều ước quốc tế, văn bản hợp tác trong lĩnh vực thủy sản theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Bộ.
11. Về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản:
a) Chủ trì tham mưu, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản, rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản;
b) Tham mưu hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản; hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý thủy sản gồm các chương trình quan trắc đất, nước, trầm tích, các hệ sinh thái thủy sinh phục vụ phát triển thủy sản bền vững;
c) Thực hiện truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường thủy sản; ứng phó với biến đổi khí hậu ngành thủy sản; quản lý chất thải từ hoạt động thủy sản; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong hoạt động thủy sản; công tác về cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản.
12. Về đa dạng sinh học trong hệ sinh thái thủy sinh:
a) Tham mưu trình Bộ trưởng các chương trình, đề án, dự án về đa dạng sinh học trong thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác quản lý thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng ngập mặn, khu bảo tồn đất ngập nước, ao, hồ, đầm, sông, suối liên quan đến hoạt động thủy sản;
c) Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác khai thác, sử dụng các hệ sinh thái thủy sinh, phát triển nguồn gen, loài thủy sinh vật bảo đảm đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái phục vụ phát triển thủy sản bền vững;
d) Tham mưu trình Bộ, tổ chức thực hiện thu thập, lưu giữ giống gốc giống thủy sản; thu thập, lưu trữ, khai thác nguồn gen thủy sản, bảo tồn quỹ gen thủy sản.
13. Về phát triển thị trường thủy sản:
a) Chủ trì hoặc phối hợp xử lý rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Cục; tham mưu về chuyên môn chuyên ngành thủy sản trong các hiệp định thương mại thủy sản;
b) Tiếp nhận thông tin về thủy sản từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế; cung cấp thông tin về quản lý thủy sản trong nước cho các cá nhân, quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật;
c) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phát triển thị trường thủy sản theo phân công, phân cấp của Bộ.
14. Về chế biến và thương mại sản phẩm thủy sản:
a) Trình Bộ trưởng các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, bảo quản và thương mại sản thủy sản;
b) Tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và tổng hợp báo cáo về hoạt động phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, bảo quản và thương mại thủy sản;
c) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về chế biến và thương mại sản phẩm thủy sản theo phân công, phân cấp của Bộ.
15. Thực hiện việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận; chỉ định tổ chức thử nghiệm, kiểm định, giám định và chứng nhận lĩnh vực thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Cục.
16. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản, tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
17. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ về sơ chế, bảo quản, vận chuyển, an toàn thực phẩm thủy sản, xúc tiến đầu tư, phòng, chống thiên tai về thủy sản theo quy định và theo phân công, phân cấp của Bộ.
18. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về: kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản; quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở, lấy mẫu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản; an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; quản lý cảng cá, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản.
Tập huấn, bồi dưỡng giám sát viên trên tàu cá. Bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận về quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế cho thuyền viên tàu cá đi khai thác tại vùng biển quốc tế. Bồi dưỡng, cấp, cấp lại, thu hồi thẻ đăng kiểm viên tàu cá.
19. Về quản lý tổ chức, hoạt động dịch vụ công:
a) Trình Bộ cơ chế, chính sách về cung cấp sản phẩm dịch vụ công; thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung cấp sản phẩm dịch vụ công; định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và các quy định về dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của Cục;
b) Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức thực hiện dịch vụ công về thủy sản theo quy định của pháp luật.
20. Quản lý quy hoạch, điều tra cơ bản về thủy sản trong phạm vi quản lý của Cục và phân công, phân cấp của Bộ.
21. Tổ chức thực hiện công tác thống kê; xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, hệ thống thông tin chuyên ngành thủy sản, hệ thống giám sát tàu cá thuộc phạm vi quản lý của Cục.
22. Thực hiện công tác pháp chế; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
23. Thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số về thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Cục.
24. Thực hiện nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy sản và các công trình xây dựng khác có liên quan; nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình thủy sản theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật. Đề xuất chương trình, dự án, phối hợp xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Bộ thuộc lĩnh vực quản lý của Cục.
25. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao; tổ chức quản lý việc thu, sử dụng phí, lệ phí thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật.
26. Tổ chức, phối hợp thực hiện quản lý khoa học và công nghệ. Thực hiện chuyển giao ứng dụng công nghệ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng.
27. Quản lý tổ chức bộ máy, danh mục vị trí việc làm, biên chế, cơ cấu ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng. Thực hiện chế độ, chính sách, thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, hợp đồng lao động thuộc quyền quản lý của Cục theo quy định.
28. Hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động của các hội, hiệp hội trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục; tham gia ý kiến về công nhận Ban vận động thành lập hội, hiệp hội và Điều lệ hội, hiệp hội thuộc chuyên ngành được giao quản lý theo quy định.
29. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và phân công, phân cấp của Bộ.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Cục:
a) Cục Thủy sản có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định;
b) Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về hoạt động của Cục. Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo phân công của Cục trưởng; chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công;
c) Cục trưởng có trách nhiệm: trình Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức tham mưu thuộc Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Cục sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ; bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo của các tổ chức trực thuộc Cục theo phân cấp của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
2. Các tổ chức tham mưu:
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Kế hoạch, Tài chính;
c) Phòng Pháp chế, Thanh tra;
d) Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế;
đ) Phòng Nuôi trồng thủy sản;
e) Phòng Giống và Thức ăn thủy sản;
g) Phòng Khai thác thủy sản;
h) Phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Trung tâm Thông tin thủy sản;
b) Trung tâm Đăng kiểm tàu cá;
c) Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/5/2023.
Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp
1. Cục Thủy sản có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan của Tổng cục Thủy sản theo chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định này, quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.
2. Cục Thủy sản tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan của Tổng cục Thủy sản theo phân công, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng và thực hiện các chương trình, dự án, đề tài, đề án đã được giao quản lý cho đến khi có quyết định khác thay thế.
3. Trung tâm Thông tin thủy sản; Trung tâm Đăng kiểm tàu cá; Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi có quyết định kiện toàn, sắp xếp lại của cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Thủy sản và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |