Quyết định 18/2014/QĐ-UBND

Quyết định 18/2014/QĐ-UBND về định mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2014-2015 và 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Quyết định 18/2014/QĐ-UBND hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 2014 2015 và 2016 2020 Quảng Nam đã được thay thế bởi Quyết định 737/QĐ-UBND 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm tỉnh Quảng Nam và được áp dụng kể từ ngày 11/03/2019.

Nội dung toàn văn Quyết định 18/2014/QĐ-UBND hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 2014 2015 và 2016 2020 Quảng Nam


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2014/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 11 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG, ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2014-2015 VÀ 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn;

 Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2013/ TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 Hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 68/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 21/5/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện dự án 3 và dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính Quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 202/TTr-SNN&PTNT ngày 03 tháng 7 năm 2014;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 giai đoạn 2014-2015 và 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện có dự án và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các Bộ NN và PTNT, KH&ĐT, TC (b/c);
- Ủy ban Dân tộc;
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Sở Tư pháp;
- CPVP;
- Trung tâm Tin học công báo tỉnh;
- Lưu VT, KTTH, TH, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG, ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2014-2015 VÀ 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 11/7/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, quy định tại Quyết định số 2405/QĐ-TTg ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã an toàn khu, xã biên giới vào diện đầu tư Chương trình 135 năm 2014 và 2015; Quyết định số 447/QĐ/UBDT ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc công nhận thôn ĐBKK, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2012-2015 và các văn bản điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản trên (nếu có) (sau đây gọi tắt là vùng dự án) trên địa bàn tỉnh:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành, hiện đang sinh sống tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

2. Nhóm hộ: Theo quy định tại Thông tư 05/3013/TTLB-UBDT-BNN-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

Thực hiện theo quy định tại Điều 2, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013. Cụ thể trên địa bàn tỉnh tập trung các nguyên tắc sau:

1. UBND các huyện nằm trong vùng Dự án phải huy động nhiều nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất đạt hiệu quả như quy định tại Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

2. Dựa vào nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh với tổng mức vốn hàng năm của Chương trình 135, trên cơ sở định mức vốn hỗ trợ bình quân của xã, thôn; UBND tỉnh phân bổ vốn cho các huyện thuộc Chương trình 135 theo tiêu chí (mức độ khó khăn) do UBND tỉnh quy định; UBND huyện giao kế hoạch chi tiết cho các xã thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135;

3. Đối với nhóm hộ được lựa chọn công khai, dân chủ từ thôn, bản trên cơ sở tự nguyện gồm những hộ nghèo, cận nghèo và những hộ khác có uy tín đang sinh sống trên cùng địa bàn, có kinh nghiệm trong sản xuất, có khả năng hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo trong nhóm để vươn lên thoát nghèo;

4. Nhóm hộ phải có cam kết và quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ để thực hiện kế hoạch, dự án sản xuất đã được xác định và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên. Việc thành lập nhóm hộ do UBND xã quyết định; trong nhóm có số lượng không phải là hộ nghèo không quá 20% tổng số hộ của nhóm và phải có sự thống nhất của đa số hộ nghèo, cận nghèo. Nhóm hộ tự xây dựng nội quy hoạt động, được trưởng thôn đồng thuận và Chủ tịch UBND xã phê duyệt.

Điều 4. Chủ đầu tư: UBND xã là chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NỘI DUNG CHI VÀ MỨC HỖ TRỢ

Điều 5. Nội dung chi và mức hỗ trợ khuyến nông

1. Chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo:

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông.

1.1. Đối tượng:

Người sản xuất, bao gồm: Nông dân sản xuất nhỏ, nông dân sản xuất hàng hóa, nông dân thuộc diện hộ nghèo; chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã; công nhân nông, lâm trường; doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia chương trình đào tạo dạy nghề do nhà nước hỗ trợ;

1.2. Nội dung chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo, gồm:

Chi in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ lớp học; văn phòng phẩm; nước uống; thuê phương tiện, hội trường, trang thiết bị phục vụ lớp học; vật tư thực hành lớp học (nếu có); chi bồi dưỡng cho giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật, chi tiền đi lại, tiền ở, phiên dịch (nếu có); chi cho học viên: Hỗ trợ tiền ăn, đi lại, tiền ở (nếu có); chi khác: Khai giảng, bế giảng, in chứng chỉ, tiền y tế cho lớp học, khen thưởng.

1.3. Mức hỗ trợ:

a. Đối với người sản xuất:

(1) Người nông dân sản xuất nhỏ, nông dân thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn tối đa không quá 70.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại tỉnh, thành phố; không quá 50.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại huyện, thị xã; không quá 25.000 đồng/ngày thực học/người đối với các lớp tập huấn, đào tạo tổ chức tại xã, phường, thị trấn. Hỗ trợ tiền đi lại theo giá giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học xa nơi cư trú từ 15 km trở lên; đối với nơi không có phương tiện giao thông công cộng thanh toán theo mức khoán tối đa không quá 150.000 đồng/người/khóa học.

Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí.

(2) Người nông dân sản xuất hàng hóa, chủ trang trại, xã viên tổ hợp tác và hợp tác xã, công nhân nông, lâm trường được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại tối đa không quá 50% theo mức quy định tại Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010.

Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 50% chi phí.

b. Đối với người hoạt động khuyến nông khi tham gia bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo được hỗ trợ:

(1) Người hoạt động khuyến nông hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học;

Đối với chỗ ở cho người học: Đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ: Chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên thì được hỗ trợ 100% chi phí.

(2) Người hoạt động khuyến nông không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, chỗ ở cho người học.

c. Chi bồi dưỡng giảng viên thực hiện theo quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

2. Chi xây dựng các mô hình trình diễn về khuyến nông

Dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tập quán sản xuất của địa phương; kết quả thảo luận, lựa chọn của cộng đồng và đối tượng được hỗ trợ; UBND xã căn cứ những nội dung định hướng sau đây để lựa chọn xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp. Chú ý ưu tiên hỗ trợ những mô hình sản xuất có lợi thế so sánh, có thị trường tiêu thụ ổn định và có khả năng mở rộng thành sản xuất hàng hóa.

2.1. Nội dung:

a. Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học và công nghệ;

b. Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp;

c. Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

2.2. Quy mô:

a. Mô hình trình diễn là một nội dung của dự án khuyến nông được thực hiện nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hoặc tiến bộ về quản lý có quy mô phù hợp để làm mẫu nhân ra diện rộng.

b. Điểm trình diễn là cụ thể hóa của mô hình trình diễn ở một địa điểm tập trung với quy mô nhất định.

c. Một mô hình có từ 2 đến 5 điểm trình diễn;

2.3. Quy trình, thủ tục chung về xây dựng các mô hình trình diễn

a. Định mức kỹ thuật (vật tư, thiết bị), định mức cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thực hiện mô hình, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b. Phương án tổ chức sản xuất mô hình phải được UBND huyện phê duyệt, đồng thời tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, giám sát, kiểm tra;

c. Giá mua giống, vật tư theo giá thị trường tại thời điểm triển khai, có hóa đơn hợp pháp ( trừ trường hợp mua của dân phải có giấy biên nhận mua, bán, có xác nhận của trưởng thôn, bản và xác nhận của UBND xã nơi bán để làm chứng từ thanh toán); giá mua máy móc, thiết bị phải có thẩm định của tổ chức có chức năng thẩm định giá, đồng thời thực hiện việc mua máy móc, thiết bị đúng theo quy định hiện hành.

2.4. Mức hỗ trợ:

Áp dụng điểm 3.2 khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông.

a. Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn để phổ biến và nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

(1) Mô hình sản xuất nông nghiệp trình diễn: ở địa bàn khó khăn, các xã thuộc khu vực III được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và các vật tư thiết yếu (bao gồm: các loại phân bón, hóa chất, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản), nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/mô hình; ở địa bàn thuộc khu vực II được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 50% chi phí mua vật tư thiết yếu, nhưng tối đa không quá 120 triệu đồng/mô hình; ở địa bàn còn lại thuộc khu vực I được hỗ trợ 100% chi phí mua giống và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu, nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng/mô hình.

(2) Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến và ngành nghề nông thôn được hỗ trợ chi phí mua công cụ, máy cơ khí, thiết bị: ở địa bàn khó khăn thuộc khu vục III được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình; ở địa bàn trung du miền núi thuộc khu vực II được hỗ trợ 75% chi phí, nhưng tối đa không quá 125 triệu đồng/mô hình; ở địa bàn còn lại thuộc khu vực I được hỗ trợ 50%, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng/mô hình.

(3) Mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả và bền vững: Hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/mô hình.

b. Chi thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình trình diễn tính bằng mức lương tối thiểu/22 ngày nhân (x) số ngày thực tế thuê.

c. Chi triển khai mô hình trình diễn: Tập huấn cho người tham gia mô hình, tổng kết mô hình và chi khác (nếu có). Mức chi tối đa không quá 12 triệu đồng/mô hình, riêng mô hình công nghệ cao tối đa không quá 15 triệu đồng/mô hình. Trong đó mức chi hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia tập huấn không quá 25.000 đồng/người/ngày.

3. Chi nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng:

Hỗ trợ kinh phí thông tin, tuyên truyền, quảng cáo, hội nghị đầu bờ. Mức chi 15 triệu đồng/1 mô hình, điển hình sản xuất tiên tiến; trong đó mức hỗ trợ cho người tham gia triển khai mô hình, giảng viên, hướng dẫn viên thực hành thao tác kỹ thuật áp dụng quy định tại điểm c, mục 1.3, khoản 1 Điều 5 của Thông tư 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010.

4. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Ưu tiên hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tùy theo điều kiện và nhu cầu cụ thể, có thể hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo có đủ lao động, đất đai các loại giống và chi phí phòng trị một số bệnh chính với các đối tượng nuôi, trồng gồm: giống gia súc, gia cầm, giống thủy sản; giống cây trồng như: ngô, lúa; giống cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp, giống cây lâm nghiệp để xây dựng mô hình, mức hỗ trợ cụ thể như sau:

4.1. Hỗ trợ một lần tiền mua giống; hỗ trợ ba năm liền tiền mua phân bón, để chuyển từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm (chè, cao su, cây ăn quả, cây dược liệu, cây nguyên liệu sinh học…..). Mức hỗ trợ 08 triệu đồng/hộ.

4.2. Hỗ trợ tiền mua giống và phân bón cho 3 vụ sản xuất liên tiếp để chuyển đổi cơ cấu giống đối với cây ngắn ngày để xây dựng mô hình, bao gồm: Cây lương thực, cây thực phẩm, mỗi hộ không quá 1 ha. Mức hỗ trợ tối đa không quá 05 triệu đồng/ha/hộ.

4.3. Hỗ trợ từ một đến hai lần tiền mua giống gia cầm hoặc một lần tiền mua giống gia súc. Mức hỗ trợ đối với con bò, trâu, hỗ trợ một lần không quá 10 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ đối với con heo, dê không quá 04 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ đối với gia cầm, thủy cầm không quá 03 triệu đồng/hộ. (con heo, con dê và gia cầm, thủy cầm được hỗ trợ từ một đến hai lần đối với hộ nghèo; một lần đối với hộ cận nghèo).

5. Hỗ trợ tiêm phòng gia súc, gia cầm

Hộ nông dân trực tiếp chăn nuôi được hỗ trợ 100% tiền vắc xin và chi phí bảo quản vắc xin để tiêm phòng đối với các bệnh nguy hiểm: Lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả, dịch tai xanh ở lợn, cúm gia cầm;

6. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị máy móc, công cụ sản xuất và chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch

Tùy theo nhu cầu từng địa bàn, lựa chọn loại và công nghệ phù hợp phục vụ sản xuất và bảo quản chế biến sau thu hoạch: hỗ trợ máy móc công cụ sản xuất như: máy tuốt lúa, tách bắp ngô, thái lát sắn, máy cày cầm tay (đối với máy cày cầm tay hỗ trợ theo nhóm hộ), máy cắt lúa đeo vai, xe rùa…..; công cụ, thiết bị phục vụ cho phát triển ngành nghề, mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/hộ.

Giá mua theo giá thị trường tại thời điểm triển khai, có hóa đơn hợp pháp; giá mua máy móc, thiết bị phải có thẩm định của cơ quan có chức năng thẩm định giá, đồng thời thực hiện việc mua máy móc, thiết bị đúng theo quy định hiện hành.

Điều 6. Nội dung chi và mức hỗ trợ khuyến công

Nội dung và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến công được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 2 năm 2014 của Liên bộ Tài chính và Công thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; Quyết định số 4093/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2012 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện, quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công và quản lý kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 7. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật cấp xã, huyện tham gia chỉ đạo, quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Áp dụng theo Thông tư 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Điều 8. Kinh phí quản lý

Áp dụng tại mục 4, khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số: 05/2013/ TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD ngày 18/11/2013 hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn.

Điều 9. Quy trình lập, thẩm định phê duyệt kế hoạch và thanh quyết toán

1. Ủy ban nhân dân xã

1.1 Tổ chức thông tin, tuyên truyền về Dự án Hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 trên địa bàn xã.

Căn cứ vào kế hoạch phân bổ vốn, định mức hỗ trợ do UBND tỉnh quy định, UBND xã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức: qua hệ thống loa đài truyền thanh, niêm yết công khai tại các nơi sinh hoạt công cộng để giúp người dân trong xã hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua Dự án đối với hộ nghèo cũng như nội dung của dự án.

1.2. Tổ chức họp dân trong thôn, bản hoặc liên thôn, bản để lựa chọn phương án sản xuất, lựa chọn hộ, nhóm hộ tham gia dự án (huyện, xã cần cử cán bộ phụ trách chương trình 135, cán bộ khuyến nông xuống hỗ trợ các trưởng thôn, bản thực hiện công việc này). Nội dung cuộc họp:

- Thông báo công khai các chính sách hỗ trợ của Chương trình, các đối tượng được hỗ trợ (ưu tiên trước hết cho các hộ thuộc diện chính sách, tật nguyền, nghèo nhất). Căn cứ vào đó, cộng đồng bình chọn, lập danh sách các hộ, nhóm hộ tham gia dự án đợt đầu và các đợt tiếp theo.

- Phổ biến chủ trương của huyện, xã về kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, những loại cây trồng, vật nuôi, nghề sản xuất được chú trọng và có lợi thế phát triển…để các hộ được biết trước khi lựa chọn đăng ký nội dung tham gia dự án. Việc lựa chọn này cần tập trung vào một vài nội dung có lợi thế ở địa phương, các hộ nghèo trên địa bàn dễ tiếp cận, tránh dàn trải.

- Các hộ tự nguyện đăng ký (bằng phiếu đăng ký) để chọn nội dung tham gia dự án.

- Cuộc họp phải có biên bản (theo mẫu 02-phụ lục Thông tư 12/2009/TT-BNN ngày 06/03/2009), đọc lại công khai trước khi bế mạc và lưu hồ sơ.

1.3. Lập danh sách các hộ, nhóm hộ tham gia dự án:

- Trưởng thôn, bản tổng hợp các nội dung mà các hộ, nhóm hộ đã đăng ký, lập danh sách các hộ, nhóm hộ đăng ký kèm theo nội dung xin tham gia dự án, mức hỗ trợ (theo mẫu 03 - phụ lục Thông tư 12/2009/TT-BNN ngày 06/03/2009);

- Trường hợp có hộ, nhóm hộ đăng ký nội dung chưa phù hợp với quy định thì trưởng thôn, bản cần gặp gỡ trao đổi để hướng dẫn hộ, nhóm hộ điều chỉnh trước khi lập danh sách niêm yết công khai;

- Tổ chức niêm yết công khai tại nơi công cộng và thông báo trên hệ thống loa truyền thanh;

- Sau thời gian 01 tuần kể từ khi thực hiện niêm yết công khai, nếu không có ý kiến khác từ cộng đồng thì căn cứ vào kết quả đã niêm yết, lập kế hoạch dự án (theo mẫu 04 - phụ lục kèm theo) gửi về UBND xã.

1.4. UBND xã (chủ đầu tư) lập kế hoạch thực hiện kèm dự toán chi tiết (theo mẫu 05 - phụ lục Thông tư 12/2009/TT-BNN ngày 06/03/2009). Kế hoạch được lập cho cả giai đoạn đến 2020 và có chia ra từng năm, trình UBND huyện phê duyệt.

2. Ủy ban nhân dân huyện: thẩm định, phê duyệt kế hoạch cho các xã, đồng thời lập thành kế hoạch chung của huyện, báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: căn cứ vào kế hoạch của các huyện, tổng hợp thành kế hoạch chung của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh để báo cáo về cơ quan thường trực Chương trình là Ủy ban Dân tộc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Thanh quyết toán:

4.1. Nguồn vốn đầu tư cho Chương trình 135 đều phải quản lý và thanh toán tập trung qua Kho bạc nhà nước.

4.2. Thanh quyết toán phải đảm bảo các chứng từ tài chính theo quy định hiện hành.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, ngành và UBND các cấp

1. Sở Nông nghiệp và PTNT: Là cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách và trực tiếp chỉ đạo thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 giai đoạn 2014-2015 và 2016-2020; chịu trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Xây dựng quy trình triển khai thực hiện, quy định các thủ tục của từng bước công việc; từ khi bắt đầu khảo sát, lập dự án, tổ chức thực hiện đến nghiệm thu, thanh quyết toán và bàn giao để tập huấn cho các chủ đầu tư thực hiện;

Hướng dẫn các huyện, xã lập kế hoạch đầu tư, tổng hợp kế hoạch đầu tư, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn chi tiết cho các chủ đầu tư báo cáo Ban Chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt;

Tổ chức thực hiện một số mô hình trình diễn để nhân rộng;

Kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh;

Chỉ đạo, tổng kết, phổ biến và nhân rộng mô hình sản xuất trên địa bàn;

Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng và 1 năm về cơ quan Thường trực chương trình 135 của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2. Các Sở, Ban, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, Lao động Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước tỉnh: Theo chức năng của các đơn vị có trách nhiệm trong việc triển khai, hướng dẫn, giám sát thực hiện.

3. Ủy ban nhân dân các huyện:

Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, địa bàn và đạt hiệu quả sử dụng vốn;

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn UBND các xã xây dựng kế hoạch đầu tư; thẩm định, tham mưu phê duyệt các nội dung về hỗ trợ phát triển sản xuất; tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT;

Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện dự án tại các xã và xây dựng, tổng kết, phổ biến nhân rộng các mô hình điểm;

Tổng hợp kết quả thực hiện dự án để báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Thường trực chương trình 135 của tỉnh định kỳ 3 tháng, 6 tháng và 1 năm theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân các xã: Chịu trách nhiệm trước UBND huyện và nhân dân trong xã về toàn bộ hoạt động của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn, kết quả và hiệu quả sử dụng vốn.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chương trình 135 giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020;

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và hướng dẫn người dân lựa chọn các nội dung hỗ trợ từ dự án;

Làm chủ đầu tư dự án;

Xây dựng dự án trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt;

Tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đến hộ, nhóm hộ;

Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án đảm bảo quy chế dân chủ cơ sở;

Tổng hợp kết quả thực hiện dự án định kỳ 3 tháng, 6 tháng và 1 năm báo cáo UBND huyện.

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc thì các Sở, Ban ngành và UBND các cấp có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để hướng dẫn, giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp. Trong trường hợp các nội dung tại Quy định này trái với Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì sẽ được điều chỉnh, bổ sung theo đúng quy định./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 18/2014/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu18/2014/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành11/07/2014
Ngày hiệu lực21/07/2014
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/03/2019
Cập nhật4 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 18/2014/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 18/2014/QĐ-UBND hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 2014 2015 và 2016 2020 Quảng Nam


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản bị đính chính

        Văn bản được hướng dẫn

          Văn bản đính chính

            Văn bản bị thay thế

              Văn bản hiện thời

              Quyết định 18/2014/QĐ-UBND hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 2014 2015 và 2016 2020 Quảng Nam
              Loại văn bảnQuyết định
              Số hiệu18/2014/QĐ-UBND
              Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Nam
              Người kýNguyễn Ngọc Quang
              Ngày ban hành11/07/2014
              Ngày hiệu lực21/07/2014
              Ngày công báo...
              Số công báo
              Lĩnh vựcVăn hóa - Xã hội, Tài chính nhà nước
              Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 11/03/2019
              Cập nhật4 năm trước

              Văn bản gốc Quyết định 18/2014/QĐ-UBND hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 2014 2015 và 2016 2020 Quảng Nam

              Lịch sử hiệu lực Quyết định 18/2014/QĐ-UBND hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình 135 2014 2015 và 2016 2020 Quảng Nam