Quyết định 187/2003/QĐ-UB

Quyết định 187/2003/QĐ-UB ban hành Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Quyết định 187/2003/QĐ-UB Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được thay thế bởi Quyết định 141/2005/QĐ-UBND Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và được áp dụng kể từ ngày 21/08/2005.

Nội dung toàn văn Quyết định 187/2003/QĐ-UB Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh


ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

187/2003/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 09 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ XÃ HỘI HÓA DỊCH VỤ CẤP NƯỚC SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995 ;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998 ;
Căn cứ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ngày 20 tháng 5 năm 1998 ;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999 ;
Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ;
Căn cứ Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Danh mục A, B và C ban hành tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 ;
Căn cứ Quyết định số 93/2001/QĐ-UB ngày 15 tháng 10 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình nước sạch cho nhân dân nội thành và ngoại thành, giai đoạn 2001-2005 ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Công chánh tại Tờ trình số 374/GT-CTN ngày 11 tháng 8 năm 2003 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Giám đốc các Doanh nghiệp cấp nước, Thủ trưởng các sở-ban-ngành thành phố, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận :
 - Như điều 3   
- Văn phòng Chính phủ   
- Bộ Xây dựng
- Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
- Các Đoàn thể thành phố
- Văn phòng Thành ủy    
- Các Ban Thành ủy
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố
- Các Báo, Đài (để đưa thông tin và tuyên truyền)
- VPHĐ-UB : các PVP, các Tổ NCTH
- Lưu (ĐT/Th)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đua

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

QUY CHẾ

XÃ HỘI HÓA DỊCH VỤ CẤP NƯỚC SẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187 /2003/QĐ-UB ngày 19 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Mục đích :

Xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia rộng rãi các hình thức dịch vụ cấp nước sạch. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư nguồn nước, hạn chế thất thoát nước và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch, phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch thực hiện trong trừng thời kỳ và hàng năm của thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Nguyên tắc :

Các nhà đầu tư tham gia dịch vụ cấp nước sạch trên cơ sở các nguyên tắc sau :

1. Được hưởng các ưu đãi và các điều kiện thuận lợi trong đầu tư phát triển và cung cấp nước sạch theo quy định của pháp luật và quy chế này.

2. Tuân thủ các quy định về khai thác sử dụng tài nguyên nước, cung cấp nước sạch, sử dụng lao động,...và các quy định khác của pháp luật.

Điều 3.- Giải thích từ ngữ :

Trong quy chế này, các cụm từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :

1. “Nhà đầu tư” là doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần kinh tế, có đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất hoặc cung cấp nước sạch.

2. “Nước sạch” là nước được khai thác từ nguồn nước mặt hoặc nước ngầm đã được xử lý và khử trùng qua dây chuyền công nghệ khép kín, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh cho nước uống và sinh hoạt do Nhà nước quy định.

3. “Hệ thống cấp nước” bao gồm các công trình thu nước, trạm bơm, nhà máy xử lý, công trình chứa nước, trữ nước, tuyến ống truyền tải nước và tuyến ống phân phối nước tới người tiêu thụ.

4. “Tuyến ống cấp nước” là toàn bộ các đường ống dẫn nước sạch của Công ty Cấp nước có đường kính D600mm – D100mm, cống nhánh có đường kính D200mm – D100mm, các hầm van, khóa, đồng hồ nước,... và các thiết bị cấp nước phụ trợ khác.

5. “Giá bán nước sạch bình quân” là giá bình quân trên 01m3 nước bán ra của công ty Cấp nước theo từng thời điểm, khác với giá bán cho từng đối tượng. Giá này được Công ty Cấp nước công bố vào đầu quý I hàng năm.

Điều 4.- Các hình thức xã hội hóa cấp nước sạch :

1. Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng hệ thống cấp nước và tự tổ chức hoạt động kinh doanh tại khu vực chưa có hệ thống cấp nước của thành phố.

2. Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng trạm khai thác, xử lý nước, hợp đồng bán sỉ nước sạch qua đồng hồ tổng với Công ty Cấp nước tại khu vực đã có tuyến ống cấp nước nhưng không có nước hoặc áp lực nước yếu.

3. Nhà đầu tư ký hợp đồng với Công ty Cấp nước bỏ vốn cải tạo một khu vực hoặc toàn bộ tuyến ống cấp nước, kết hợp việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để hạ tỷ lệ thất thoát nước.

4. Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư phương tiện để vận chuyển nước sạch trên cơ sở hợp đồng vận chuyển với Công ty Cấp nước

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN THAM GIA, PHƯƠNG THỨC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 5.- Điều kiện tham gia đầu tư :

1. Nhà đầu tư phải đáp ứng Khoản 1, Điều 3 của quy chế này.

2. Có phương án tổ chức thực hiện dịch vụ, năng lực tài chánh, trang thiết bị, công nghệ kỹ thuật áp dụng, nhân lực, khả năng quản lý và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ cấp nước sạch.

Điều 6.- Hình thức chọn nhà đầu tư :

1. Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư tham gia tại khu vực đã công bố thì nhà đầu tư chỉ được chọn khi có phương án kinh doanh khả thi.

2. Trường hợp có hai Nhà đầu tư trở lên cùng muốn thực hiện một dự án đầu tư thì tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư theo quy chế đấu thầu hiện hành. Công ty Cấp nước tổ chức đấu thầu trong các trường hợp nhà đầu tư thực hiện các hình thức qui định tại Khoản 2, 3 và 4 , Điều 4. Sở Giao thông công chánh chỉ định đơn vị tổ chức đấu thầu trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện theo Khoản 1, Điều 4 của quy chế này.

Chương 3:

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ ĐẦU TƯ

Điều 7.- Quyền của Nhà đầu tư :

1. Lựa chọn hình thức, địa bàn, quy mô đầu tư dịch vụ cấp nước sạch; được thay đổi hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

2. Đăng ký các hình thức ưu đãi và mức hưởng các ưu đãi phù hợp với quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước.

3. Tự quyết định trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh đã đăng ký.

4. Thuê lao động không hạn chế về số lượng, trả tiền công trên cơ sở thỏa thuận với người lao động phù hợp với quy định của pháp luật về lao động.

5. Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ công chức nhà nước theo quy định của pháp luật.

6. Mở rộng quy mô kinh doanh theo quy hoạch và nhu cầu sử dụng nước sạch của người tiêu thụ, thể hiện trong các kế hoạch, chương trình phát triển dịch vụ cấp nước của thành phố.

7. Được các cơ quan quản lý Nhà nước, Công ty Cấp nước cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động đầu tư, dịch vụ về quy hoạch xây dựng, quy hoạch tổng thể về hệ thống cấp nước, nhu cầu nước sạch của từng khu vực và các văn bản kế hoạch, chương trình phát triển, quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành cấp nước.

8. Được tạm ngưng cấp nước trong các trường hợp sau :

+ Theo kế hoạch sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước không quá 24 giờ cho một lần và không quá hai lần trong một năm.

+ Do khách hàng vi phạm các quy định về sử dụng, thanh toán tiền nước sau khi có văn bản thông báo về nội dung vi phạm của khách hàng theo hợp đồng dịch vụ giữa hai bên.

+ Do các điều kiện bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh, hỏa hoạn hoặc do hệ thống cấp nước bị sự cố, hư hỏng đột xuất.

+ Do yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận, huyện nhằm thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính đối với các trường hợp vi phạm hành chính bị xử lý nhưng không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

9. Được hưởng chế độ trợ giá nước sạch, khi thực hiện kinh doanh dịch vụ cấp nước sạch mà theo quyết định giá nước sạch của Ủy ban nhân dân thành phố không đủ bù đắp chi phí dịch vụ của nhà đầu tư.

Điều 8.- Nghĩa vụ của nhà đầu tư :

1. Sản xuất, kinh doanh theo đúng đăng ký, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc đăng ký các hình thức ưu đãi và mức hưởng ưu đãi.

2. Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chánh khác theo quy định của pháp luật.

3. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuân thủ yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận-huyện về tạm ngưng cung cấp nước sạch nhằm thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính đối với các trường hợp vi phạm hành chính bị xử lý nhưng không chấp hành quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4. Tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đó hoạt động.

5. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động.

6. Tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh nước uống, nước sạch ; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phòng cháy chữa cháy.

7. Bảo đảm thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết với Công ty Cấp nước hoặc khách hàng sử dụng nước.

8. Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

9. Bảo đảm chất lượng nước sạch theo tiêu chuẩn đã đăng ký và chịu sự kiểm tra chất lượng vệ sinh của cơ quan có chức năng.

10. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện và sửa chữa kịp thời các sự cố về đường ống nước, công trình cấp nước, phát hiện các vi phạm về các công trình cấp nước và khu vực an toàn công trình cấp nước, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý hoặc phối hợp giải quyết theo quy định.

Điều 9.- Các chế độ ưu đãi đầu tư :

Nhà đầu tư được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư về miễn giảm các loại thuế, xét cấp ưu đãi theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm1999 và Nghị định số 35/2002/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước, như :

1. Tiền sử dụng đất :

- Được giảm 50% (nếu Nhà nước giao đất).

- Được miễn tiền sử dụng đất, nếu đầu tư tại khu vực huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

2. Tiền thuê đất :

- Được miễn tiền thuê đất 03 năm kể từ khi ký hợp đồng thuê đất (nếu được Nhà nước cho thuê đất) hoặc 06 năm nếu có số lao động bình quân trong năm ít nhất là 100 người.

- Nếu đầu tư tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ được miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ khi ký hợp đồng thuê đất (nếu được Nhà nước cho thuê đất) hoặc 13 năm nếu có số lao động bình quân trong năm ít nhất là 20 người..

3. Thuế sử dụng đất :

- Được giảm 50% thuế sử dụng đất trong 07 năm.

- Nếu đầu tư tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ được miễn 11 năm (hoặc trong 15 năm nếu có số lao động bình quân trong năm ít nhất là 20 người)

4. Thuế suất thu nhập doanh nghiệp :

4.1- Trường hợp dự án đầu tư về cấp nước gắn với việc thành lập doanh nghiệp :

- Được miễn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 02 năm tiếp theo (nếu số lao động sử dụng bình quân trong năm ít nhất là 100 người thì được miễn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 04 năm tiếp theo).

- Nếu đầu tư tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ được miễn 03 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 07 năm tiếp theo nếu có số lao động sử dụng bình quân trong năm ít nhất là 20 người.

4.2- Trường hợp hoạt động dịch vụ cấp nước là hoạt động bổ sung không gắn với việc thành lập doanh nghiệp :

- Được miễn 01 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 07 năm tiếp theo hoặc được miễn 03 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 05 năm tiếp theo nếu đầu tư tại huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

5. Không phải nộp thuế thu nhập bổ sung.

6. Được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng (nằm trong dây chuyền công nghệ) nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được hoặc chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng.

Điều 10.- Bảo đảm và hỗ trợ đầu tư :

1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.

2. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của Nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chánh.

Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của Nhà đầu tư, thì Nhà đầu tư được thanh toán hoặc bồi thường theo thời giá thị trường tại thời điểm công bố quyết định trưng mua hoặc trưng dụng đối với giá trị tài sản còn lại và được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn thích hợp.

3. Trong trường hợp do thay đổi quy định của pháp luật hoặc thay đổi tình hình cung cấp nước sạch mà làm thiệt hại đến lợi ích của nhà đầu tư , thì Nhà nước cho phép nhà đầu tư được tiếp tục hưởng các ưu đãi đã quy định tại Điều 9 của quy chế này cho thời gian còn lại hoặc Nhà nước giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho nhà đầu tư.

4. Nhà đầu tư đuợc Công ty Cấp nước hỗ trợ :

- Hướng dẫn, hỗ trợ toàn diện, liên tục cho Nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành.

- Huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết về quản lý hệ thống cấp nước.

Chương 4:

CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ

MỤC I:ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CẤP NƯỚC TỰ TỔ CHỨC QUẢN LÝ KINH DOANH

Điều 11.- Phạm vi :

Nhà đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước và tự tổ chức kinh doanh nước sạch tại các khu vực chưa có hệ thống cấp nước của Công ty Cấp nước.

Điều 12.- Giá bán nước sạch :

Giá bán nước sạch tới người tiêu thụ của khu vực phải được Sở Tài chánh-Vật giá thẩm định và Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trên cơ sở giá bán nước sạch bình quân của Công ty Cấp nước.

Điều 13.- Trách nhiệm của nhà đầu tư :

1. Nhà đầu tư tổ chức thu tiền dịch vụ : thu tiền nước sử dụng, lắp đặt đồng hồ nước, ống nhánh và sửa chữa hệ thống nước cho người tiêu thụ.

2. Nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định tại Điều 8 của quy chế này.

MỤC II:ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGUỒN NƯỚC VÀ KINH DOANH QUA ĐỒNG HỒ TỔNG

Điều 14.- Phạm vi :

Nhà đầu tư bỏ vốn khai thác nguồn nước, sản xuất nước sạch, hợp đồng bán sĩ nước sạch với Công ty Cấp nước, tại khu vực đã có hệ thống cấp nước của thành phố nhưng áp lực yếu hoặc không có nước.

Điều 15.- Giá nước :

Giá nước mua sỉ của công ty Cấp nước tại đồng hồ tổng được xác định theo công thức sau :

Gs = Gbq x 0,7 x k - Fm

Trong đó :

Gs : Giá nước mua sỉ tại đồng hồ tổng.

Gbq : Giá bán nước sạch bình quân tại kỳ công bố gần nhất.

0,7 : Tỷ lệ nước sạch bán ra với thất thoát nước ấn định là 30%

k : Hệ số khu vực địa chất thủy văn, chất lượng nước ngầm.

Fm : Chi phí mạng cấp 3 của Công ty Cấp nước được tính bằng 16,7% giá bán nước sạch bình quân (Fm = 0,167 x Gbq).

MỤC III:ĐẦU TƯ CẢI TẠO, ÁP DỤNG KHOA HỌC KỸ THUẬTHẠ TỶ LỆ THẤT THOÁT NƯỚC

Điều 16.- Phạm vi hoạt động :

Nhà đầu tư, ký hợp đồng với Công ty Cấp nước bỏ vốn cô lập Tuyến ống cấp nước, xác định tỷ lệ thất thoát nước ban đầu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, thực hiện cải tạo để hạ tỷ lệ thất thoát nước một khu vực hoặc toàn bộ hệ thống tuyến ống cấp nước, sau khi các giải pháp kỹ thuật đã được Công ty Cấp nước chấp thuận.

Điều 17.- Giá trị hạ tỷ lệ thất thoát nước được hưởng :

Nhà đầu tư được hưởng :

1. 100% giá trị nước thất thoát giảm được với đơn giá bán nước sạch bình quân;

2. Thời gian được hưởng kéo dài đến khi nhà đầu tư thu được 1,3 hiện giá chi phí vốn đầu tư (thu hồi vốn đầu tư + lãi 30% trên hiện giá chi phí vốn đầu tư), nhưng không kéo dài quá số năm khai thác đã quy định trong hợp đồng.

+ Giá trị được hưởng khi giảm tỷ lệ thất thoát nước, được xác định theo công thức sau:

Gg = Gbq x Q x hg

Trong đó:

Gg : Giá trị được hưởng khi làm giảm tỷ lệ thất thoát nước.

Gbq : Giá bán nước sạch bình quân

Q : Khối lượng nước qua đồng hồ tổng

hg (%): Tỷ lệ thất thoát nước giảm được.

+ Giá trị bồi thường khi làm tăng tỷ lệ thất thoát nước, được xác định theo công thức sau:

Gt = Gbq x Q x ht

Trong đó:

Gt : Giá trị bồi thường khi làm tăng tỷ lệ thất thoát nước.

Gbq : Giá bán nước sạch bình quân

Q : Khối lượng nước qua đồng hồ tổng

ht (%): Tỷ lệ thất thoát nước tăng lên.

Điều 18.- Phát hiện vi phạm sử dụng nước :

Trong quá trình thi công nhà đầu tư phát hiện được các đối tượng vi phạm quy định về sử dụng nước phải báo Công ty Cấp nước để xử lý vi phạm trong 24 giờ.

Điều 19.- Trách nhiệm của nhà đầu tư :

Tổ chức quản lý, theo dõi chế độ làm việc hệ thống cấp nước theo đúng quy trình kỹ thuật được quy định chi tiết trong hợp đồng.

Đảm bảo duy trì chế độ vận hành tuyến ống phân phối khu vực.

3. Chủ động kiểm soát đọc số từ đồng hồ tổng tới đồng hồ của ngư­ời tiêu thụ d­ưới sự giám sát của Công ty Cấp nư­ớc.

MỤC IV:VẬN CHUYỂN NƯỚC SẠCH

Điều 20.- Phạm vi :

Nhà đầu tư ký hợp đồng vận chuyển nước sạch với Công ty Cấp nước và cấp nước sạch tới người tiêu thụ tại các khu vực chưa có hệ thống cấp nước của thành phố (bằng xe bồn, xà lan).

Điều 21.- Giá vận chuyển nước sạch tới người tiêu thụ :

Giá vận chuyển nước sạch được tính trên cơ sở giá vận chuyển nhiên liệu hiện hành có tính đến đặc thù của ngành nước.

Điều 22.- Trách nhiệm của nhà đầu tư :

Nhà đầu tư phải thực hiện và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về phương tiện vận chuyển, bồn chứa nước sạch chuyên ngành cấp nước do Nhà nước ban hành, nước sạch vận chuyển trên các phương tiện tới người tiêu thụ phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vệ sinh của nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt theo quy định hiện hành của Nhà nước; đảm bảo quy trình tiêu chuẩn và chịu sự kiểm tra chất lượng vệ sinh của cơ quan có chức năng; đảm bảo an toàn giao thông.

Chương 5:

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 23.- Các cơ quan chức năng của thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình thường xuyên tổ chức việc kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành quy chế này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 24.- Các hoạt động đầu tư dịch vụ cung cấp nước sạch thuộc mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đều phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo từng lĩnh vực quản lý.

1. Tùy tình hình cụ thể của từng dịch vụ đầu tư có thể kiểm tra từng khâu hoặc tất cả các khâu của quá trình đầu tư.

2. Công tác kiểm tra phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về thanh tra và kiểm tra.

Điều 25.- Xử lý vi phạm :

Tổ chức, cá nhân nếu vi phạm các quy định của quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chánh, hoặc cao hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26.- Phân công trách nhiệm :

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư :

a) Tiếp nhận, hướng dẫn chính sách, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chánh trong lĩnh vực đầu tư và xem xét hồ sơ đề nghị ưu đãi đầu tư, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc cấp ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

b) Cấp giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ cấp nước.

2. Sở Giao thông Công chánh :

a) Sở Giao thông công chánh chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài Chánh-Vật Giá xem xét chọn nhà đầu tư và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

b) Chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận-huyện lập kế hoạch phát triển và nhu cầu nước sạch cho từng thời kỳ của khu vực, tổ chức thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại Ủy ban nhân dân các quận-huyện vào quý I hàng năm.

c) Hướng dẫn và công khai quy trình thủ tục quản lý kỹ thuật chuyên ngành, các thông tin về các công trình hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành có liên quan đến dự án cho nhà đầu tư. Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định quản lý chất lượng chuyên ngành, tổ chức đánh giá bảo đảm các tiêu chuẩn đã quy định của Nhà nước.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường :

Hướng dẫn thủ tục và các biểu mẫu xin cấp phép thăm dò, khai thác và tiếp nhận các hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, đăng ký khai thác nguồn nước thuộc thẩm quyền.

4. Sở Tài chánh-Vật giá :

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân quận- huyện lập các quy định và các chính sách về tài chính cho các loại hình dịch vụ cấp nước trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

b) Hướng dẫn thủ tục quản lý tài chính cho các nhà đầu tư và tổ chức liên quan thực hiện.

c) Xem xét, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt giá nước sạch của hình thức tự đầu tư và khai thác kinh doanh.

d) Chủ trì phối hợp cùng Sở Giao thông Công chánh và Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định hệ số k nêu tại Điều 15 (hệ số khu vực địa chất thủy văn, chất lượng nước ngầm) trên cơ sở kinh tế kỹ thuật phù hợp trong từng thời kỳ, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

5. Cục Thuế thành phố :

Hướng dẫn việc đăng ký nộp thuế, thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị định số 51/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ và Luật thuế.

6. Ủy ban nhân dân các quận-huyện :

a) Phối hợp với các cơ quan của thành phố có liên quan để lựa chọn khu vực đầu tư dịch vụ cung cấp nước, các khu vực cần cải tạo, mở rộng.

b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc quận-huyện hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư thực hiện tốt dịch vụ và các vấn đề có liên quan khi triển khai dự án đầu tư.

c) Hướng dẫn và công khai các quy trình thủ tục quản lý cho các nhà đầu tư thực hiện và tổ chức kiểm tra các dịch vụ trong các khu vực nói trên theo

7. Công ty Cấp nước :

a) Đảm nhận công tác phát triển mạng lưới cấp nước nói chung và trong địa bàn thực hiện xã hội hóa.

b) Hướng dẫn kỹ thuật cho các nhà đầu tư và tổ chức thực hiện các hình thức dịch vụ cấp nước, tổ chức thông tin quy hoạch chi tiết về cấp nước của các quận huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Tổ chức đấu thầu trong các trường hợp nhà đầu tư thực hiện các hình thức qui định tại Khoản 2, 3 và 4 , Điều 4.

d) Ký hợp đồng kinh tế với các nhà đầu tư trong các hình thức đầu tư dịch vụ cấp nước, đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, đồng thời theo dõi giám sát nhà đầu tư thực hiện đúng các nhiệm vụ đã nêu tại Điều 8 bản Quy chế này ; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân quận, huyện để tiếp nhận đưa vào hoạt động và quản lý các công trình đã hết thời gian hoạt động.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27.- Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 28.- Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc, hoặc Chính phủ ban hành những văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến nội dung của Quy chế này, Sở Giao thông công chánh có trách nhiệm phối hợp với các ngành, các cấp đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung thay thế trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định./.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 187/2003/QĐ-UB

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu187/2003/QĐ-UB
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành19/09/2003
Ngày hiệu lực04/10/2003
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcĐầu tư, Thương mại, Tài nguyên - Môi trường
Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 21/08/2005
Cập nhật7 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 187/2003/QĐ-UB

Lược đồ Quyết định 187/2003/QĐ-UB Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 187/2003/QĐ-UB Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu187/2003/QĐ-UB
                Cơ quan ban hànhThành phố Hồ Chí Minh
                Người kýNguyễn Văn Đua
                Ngày ban hành19/09/2003
                Ngày hiệu lực04/10/2003
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcĐầu tư, Thương mại, Tài nguyên - Môi trường
                Tình trạng hiệu lựcHết hiệu lực 21/08/2005
                Cập nhật7 năm trước

                Văn bản được dẫn chiếu

                  Văn bản hướng dẫn

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc Quyết định 187/2003/QĐ-UB Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

                      Lịch sử hiệu lực Quyết định 187/2003/QĐ-UB Quy chế xã hội hóa dịch vụ cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh