Nội dung toàn văn Quyết định 188/2004/QĐ-TTg Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến 2010-2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 188/2004/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 188/2004/QĐ-TTG NGÀY 01 THÁNG 11 NĂM 2004 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Trên cơ sở ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thương mại, Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Xây dựng; Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp ngày 14 tháng 02 năm 2004 tại thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại tờ trình số 2165/TTr-KH ngày 05 tháng 5 năm 2004 và công văn số 4287/CV-KH ngày 28 tháng 8 năm 2004,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, có tính đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển:
- Phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành Thành phố công nghiệp vào năm 2015 - 2017, là Trung tâm công nghiệp, giữ vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
- Phát triển mạnh các ngành công nghiệp đang là thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, có thị trường trong nước và xuất khẩu của Thành phố; nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên phát triển các ngành áp dụng công nghệ cao để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
- Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Thành phố theo hướng ưu tiên và tập trung phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là ngành công nghiệp điện tử - tin học - viễn thông, công nghiệp hoá chất, công nghiệp cơ khí chế tạo máy.
- Tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực và quốc tế, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, khai thác các nguồn vốn trong nhân dân để phát triển công nghiệp.
- Phát triển công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao cho quá trình phát triển công nghiệp và chủ động tham gia vào quá trình phân công lao động khu vực và quốc tế.
- Quy hoạch lại, sắp xếp, điều chỉnh các khu, cụm công nghiệp tập trung trên địa bàn theo hướng chuyên môn hoá và hợp tác hoá kết hợp với phân bổ hợp lý, tập trung xây dựng một số khu công nghiệp chuyên ngành. Phân bổ hợp lý công nghiệp trong một không gian kinh tế thống nhất với toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên cơ sở lợi thế vị trí, lợi thế của từng địa phương, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng. Di dời các cơ sở công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường ra vùng quy hoạch ở ngoại thành, gắn với đổi mới công nghệ và xử lý chất thải.
2. Mục tiêu phát triển:
a) Mục tiêu phát triển chung của Thành phố:
Các chỉ tiêu | Đơn vị | 2005 | ưư2010 | 2015 | 2020 |
GDP bình quân đầu người của thành phố so với cả nước | Lần | 3,45 | 3,9 | 4,05 | 4,2 |
Tỷ trọng giá trị gia tăng của GDP trên địa bàn so với cả nước | % | 29,0 | 29,1 | 31,0 | 33,2 |
Tỷ trọng giá trị gia tăng của công nghiệp trên địa bàn so với cả nước | % | 29,0 | 29,1 | 29,5 | 30,1 |
Tỷ trọng của ngành công nghiệp trong kinh tế thành phố | % | 42,42 | 39,28 | 39,4 | 39,66 |
Tỷ trọng của ngành dịch vụ trong kinh tế thành phố | % | 49,99 | 54,13 | 54,3 | 54,66 |
Tỷ trọng của các ngành khác trong kinh tế thành phố | % | 7,59 | 6,59 | 6,3 | 5,68 |
Lao động trong công nghiệp thành phố | Người | 0,9 triệu | 1,2 triệu | 1,4 triệu | 1,55 triệu |
b) Tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn (giá 1994):
Các chỉ tiêu của Thành phố | Đơn vị | Giai đoạn | ||
2001 - 2005 | 2006 - 2010 | 2011 - 2020 | ||
Tốc độ tăng trưởng GDP | % | 10,55 | 11,7 | 8,89 |
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp | % | 13 | 10 | 9 |
c) Tổng vốn và tỷ trọng đầu tư cho công nghiệp trên địa bàn:
Chỉ tiêu | Đơn vị | Giai đoạn | ||
2001 - 2005 | 2006 - 2010 | 2011 - 2020 | ||
Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn | Tỷ USD | 14,5 - 15 | 26 - 28 | 40,5 - 43 |
Trong đó đầu tư cho công nghiệp | Tỷ USD | 6,5 - 7 | 9,2 - 11,8 | 15,7 - 18,8 |
Tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp | % | 45 - 47 | 35 - 42 | 39 - 44 |
d) Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp Thành phố đến 2010 (giá 1994):
TT | Nhóm ngành công nghiệp | Tỷ trọng so với toàn ngành (%) | |
2005 | 2010 | ||
| Toàn ngành công nghiệp Thành phố, gồm có: | 100,00 | 100,00 |
1 | Công nghiệp khai thác khoáng sản | 0,06 | 0,04 |
2 | Công nghiệp chế biến | 97,09 | 97,68 |
a | Các ngành công nghiệp cơ bản | 47,25 | 62,10 |
* | Ngành cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại | 18,97 | 29,58 |
* | Công nghiệp luyện kim | 1,86 | 1,17 |
* | Công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin | 6,86 | 10,69 |
* | Công nghiệp hoá chất | 19,56 | 20,66 |
b | Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm | 25,73 | 18,70 |
c | Công nghiệp dệt may - da giầy | 18,35 | 12,70 |
d | Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng | 3,29 | 2,39 |
đ | Công nghiệp khác (in, tái chế) | 2,47 | 1,80 |
3 | Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước | 2,85 | 2,28 |
đ) Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các nhóm ngành công nghiệp đến năm 2010 so với toàn quốc (giá 1994).
TT | Nhóm ngành công nghiệp | Tỷ trọng toàn quốc (%) | |
2005 | 2010 | ||
| Toàn ngành công nghiệp trên địa bàn | 30 - 31 | 29 - 30 |
1 | Công nghiệp khai thác khoáng sản | 0,15 | 0,12 |
2 | Công nghiệp chế biến | 36 - 37 | 31 - 32 |
a | Các ngành công nghiệp cơ bản | 40 - 43 | 40 - 42 |
* | Ngành cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại | 40 - 41 | 41- 42 |
* | Công nghiệp luyện kim | 21 - 22 | 9 - 10 |
* | Công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin | 31 - 32 | 36 - 37 |
* | Công nghiệp hoá chất | 58 - 59 | 53 - 54 |
b | Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm | 32 - 33 | 25 - 26 |
c | Công nghiệp dệt may - da giầy | 42 - 43 | 24 - 25 |
d | Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng | 11 - 12 | 9 - 10 |
đ | Công nghiệp khác (in, tái chế) | 78 - 79 | 60 - 61 |
3 | Công nghiệp sản xuất, phân phối điện, nước | 14 - 15 | 11 - 12 |
3. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp:
a) Quy hoạch tổng thể:
- Trong giai đoạn đến năm 2005 tập trung sắp xếp lại các ngành công nghiệp, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, giảm tải và tiến tới loại trừ dần việc phát triển công nghiệp ở khu vực trung tâm thành phố, dành diện tích phát triển cho ngành thương mại, dịch vụ, tài chính, khoa học công nghệ và các ngành công nghiệp sạch có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.
- Giảm dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, trình độ thấp và dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của các vùng xung quanh. Tăng dần các ngành công nghiệp cơ bản, các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, trình độ công nghệ hiện đại. Ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng điểm như điện tử - tin học - viễn thông, cơ khí. Tăng cường công tác đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho quá trình phát triển công nghiệp hội nhập AFTA và WTO.
- Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện có. Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường để tăng nhanh khả năng xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn vốn cho phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu.
- Phối hợp với các địa phương xung quanh trong lĩnh vực đầu tư phát triển nhằm hạn chế tình trạng cục bộ, phát triển chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu nội lực phát triển giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Từ năm 2006 đến năm 2010 không phát triển thêm các khu công nghiệp tổng hợp. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại các khu công nghiệp hiện có theo hướng củng cố, lấp đầy, sử dụng hiệu quả diện tích đã được cấp và đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường sinh thái. Tập trung xây dựng một vài khu công nghiệp chuyên ngành như khu công nghiệp cơ khí chế tạo máy, khu công nghệ cao, khu công nghiệp hoá chất ... để tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng các công nghệ cao. Di dời bớt các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động đơn giản. Dành khoảng 300 ha để xây dựng cụm công nghiệp cơ khí chế tạo máy và gia công kim loại.
- Phát triển công nghiệp phần mềm với tốc độ nhanh, phấn đấu đưa Thành phố trở thành Trung tâm phần mềm của cả nước và khu vực.
- Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn với quy mô ngày càng lớn, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và xuất khẩu.
- Chuyển đổi cơ bản về chất các ngành công nghiệp của Thành phố, tạo dựng nhiều thương hiệu sản phẩm trên thị trường khu vực và thế giới, đưa thành phố trở thành Thành phố công nghiệp vào năm 2015 - 2017.
- Tổng nhu cầu đất dành cho phát triển công nghiệp đến 2020 là 14.900 ha, gồm:
* Diện tích đất dành cho các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung: 7.000 ha;
* Diện tích đất dành cho phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp : 1.900 ha;
* Diện tích đất dành cho kho bãi : 4.000 ha;
* Diện tích đất của các công trình kỹ thuật điện, nước : 2.000 ha
b) Quy hoạch các ngành công nghiệp chủ yếu:
- Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm, đồ uống: Tập trung đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt chương trình di dời và phát triển ra vùng quy hoạch ở ngoại thành. Phát triển các ngành có thế mạnh như sữa, dầu thực vật, bia rượu, thuỷ sản, chế biến thịt...
- Ngành công nghiệp dệt may - da giầy: Xây dựng trung tâm xuất, nhập khẩu và cung cấp nguyên phụ liệu cũng như các dịch vụ phát triển ngành ở khu vực phía Nam. Tăng cường đầu tư chiều sâu để sản xuất các sản phẩm dệt may - da giầy cao cấp có hàm lượng sáng tạo và giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghệ thiết kế, tạo mẫu mốt và thương hiệu cho các sản phẩm của thành phố. Di dời phần lớn các cơ sở sản xuất ra vùng quy hoạch ở ngoại thành để giải toả sức ép về lao động và môi trường.
- Ngành sản xuất vật liệu xây dựng: Tập trung phát triển các sản phẩm vật liệu mới, có giá trị tăng thêm cao, ít tác động đến môi trường.
- Các ngành công nghiệp trọng yếu sẽ được ưu tiên phát triển trên địa bàn trong giai đoạn đến 2010 là:
+ Cơ khí chế tạo máy: Tập trung ưu tiên cao các ngành sản xuất và nội địa hoá lắp ráp ôtô; sản xuất các phương tiện vận tải thuỷ và các nhà máy vệ tinh; máy móc phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến; sản xuất máy công cụ thế hệ mới để trang bị cho nền kinh tế quốc dân; sản xuất trang thiết bị điện, cơ - điện tử, robot công nghiệp...
+ Điện tử - công nghệ thông tin: Tập trung ưu tiên sản xuất linh kiện, phụ tùng, các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính thương hiệu Việt, các phần mềm xuất khẩu, các dịch vụ điện tử - tin học, nghiên cứu và phát triển (R&D) và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
+ Hoá chất: Tập trung ưu tiên sản xuất các sản phẩm hoá dược, thảo dược và thuốc y tế, các sản phẩm hoá chất công nghiệp nhựa, cao su kỹ thuật cao cấp.
4. Các dự án đầu tư chủ yếu của ngành công nghiệp trên địa bàn:
Các dự án đầu tư chủ yếu của ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố được nêu trong quy hoạch, có tổng vốn đầu tư đến năm 2010 khoảng 60.000 tỷ đồng và sẽ được chuẩn xác thêm khi triển khai lập quy hoạch chi tiết các chuyên ngành công nghiệp.
5. Các cơ chế, chính sách:
a) Chính sách về tài chính:
- Tập trung vốn nhà nước trong những năm tới cho các dự án công nghiệp trọng điểm, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thực hiện chuyển dịch có hiệu quả cơ cấu công nghiệp của thành phố.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, trong đó đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, các sản phẩm công nghiệp chủ lực.
- Mở rộng quyền của doanh nghiệp trong việc sử dụng đất, xây dựng biểu định giá thuê đất theo giá thị trường.
- Tăng chi từ ngân sách của thành phố cho nghiên cứu khoa học - công nghệ lên mức 3 - 5% tổng chi ngân sách hàng năm.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán. Kịp thời xem xét, điều chỉnh các chính sách tài chính chưa phù hợp với cam kết AFTA và các thông lệ quốc tế.
- Tiếp tục triển khai các giải pháp hoàn thiện và củng cố hoạt động của thị trường chứng khoán, nâng cao năng lực hoạt động của thị trường giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm tra bắt buộc đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán.
- Xây dựng hệ thống đăng ký thế chấp vay tín dụng quốc tế của thành phố, kết nối thành mạng toàn quốc để phát triển thị trường vốn.
b) Chính sách về thuế và ưu đãi tài chính - tín dụng đối với đầu tư nước ngoài:
- Có cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm cần khuyến khích, nhất là đối với ngành cơ khí. Khuyến khích các nhà ĐTNN góp vốn vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất ưu tiên, không hạn chế tỷ lệ tham gia.
- Có quy định khuyến khích tài chính cụ thể đối với các dự án FDI về chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho các dự án đầu tư trung và dài hạn....
c) Chính sách thị trường và tiêu thụ sản phẩm:
- Cho phép thành phố thí điểm áp dụng các chế tài đủ mạnh để hạn chế tình trạng bán phá giá, bán hàng kém chất lượng ra thị trường, gian lận thương mại; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng hàng công nghiệp.
- Tăng chi ngân sách, hỗ trợ cho các hoạt động khuyến khích xuất khẩu và xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp công nghiệp. Mức ưu đãi cao nhất giành cho các sản phẩm xuất khẩu chế biến sâu, các sản phẩm chất lượng cao, đặc biệt là những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, thương hiệu "Sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh".
d) Chính sách về khoa học - công nghệ:
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học - công nghệ. Các khoản thu từ việc sử dụng quỹ nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ để đổi mới, cải tiến công nghệ không phải chịu thuế; các khoản chi cho mục tiêu này được tính vào giá thành sản phẩm. Thành phố được dùng ngân sách để hỗ trợ một phần kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ của doanh nghiệp.
- Đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng Trung tâm giám định chất lượng và giá cả.
- Ưu đãi cho các dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài có chuyển giao công nghệ cao. Tiếp tục loại bỏ những trở ngại về pháp lý và chính sách đối với việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.
6. Một số giải pháp hỗ trợ phát triển:
a) Các giải pháp quản lý nhà nước về công nghiệp:
- Thực hiện quy hoạch chi tiết các ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn làm cơ sở cho việc quản lý phát triển.
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn làm căn cứ bố trí các dự án đầu tư mới và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi thành phố.
- Kiện toàn cơ chế hoạt động và bộ máy quản lý, tăng cường nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Sở Công nghiệp để phù hợp với đặc thù của một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước.
- Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân thành phố trong việc quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp; tham gia, gắn kết hoạt động với Ban điều hành vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam của Chính phủ.
b) Đổi mới và đẩy mạnh công tác vận động và xúc tiến đầu tư:
- Tăng cường chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu, thu hút đầu tư. Chú ý ưu tiên cho các dự án có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại và sản xuất hàng tư liệu sản xuất.
- Cấp kinh phí thường xuyên từ ngân sách thành phố tài trợ cho các hoạt động quảng cáo kêu gọi đầu tư và được bồi hoàn sau từ nguồn thu phí tư vấn, môi giới đầu tư...
- Khuyến khích phát triển dịch vụ bảo hiểm đầu tư trong nước và quốc tế để tăng độ an toàn và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài an tâm và tích cực đầu tư vào Việt Nam.
c) Những giải pháp chủ yếu khác:
- Đẩy mạnh cổ phần hoá, sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước. Tập trung xây dựng một số tập đoàn kinh tế với nền tảng là các tổng công ty mạnh, có sự tham gia bình đẳng theo cơ chế thị trường của các thành phần kinh tế khác.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường để hỗ trợ mọi thành phần kinh tế phát triển các hoạt động sản xuất công nghiệp. Thành lập các trung tâm dịch vụ công nghiệp. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học công nghệ, thị trường vốn, thị trường lao động...
- Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề tương xứng với vai trò đầu tàu của thành phố để giải quyết vấn đề nhân lực cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thành phố và các tỉnh phía Nam.
- Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các cơ sở giao thông vận tải, hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc viễn thông của Thành phố.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
- Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp tiến hành việc xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển 3 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm trên địa bàn là ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hoá chất, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin đến năm 2010, có tính đến năm 2020.
- Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân trong việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ chế phối hợp gắn kết hoạt động của Thành phố với Ban Điều hành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trình Chính phủ thông qua.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ các quy định của pháp luật xây dựng các chính sách tài chính ưu đãi đặc thù trên địa bàn cho các ngành công nghiệp trọng yếu và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 12 năm 2004.
- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |