Nội dung toàn văn Quyết định 1901/QĐ-UBND 2018 Đoàn Thanh niên giữ gìn trật tự an toàn giao thông Đồng Nai
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1901/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 05 tháng 06 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH TỈNH ĐỒNG NAI THAM GIA GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2022”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16/6/2017;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;
Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”;
Căn cứ Thông tri số 18-TT/TU ngày 15/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”;
Xét đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tại Tờ trình số 25-TTr/TĐTN-ĐKTHTN ngày 20/3/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2018 - 2022” (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chính sau đây:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung: Nâng cao hiểu biết, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét văn hóa trong thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông. Giảm thiểu số vụ, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông đặc biệt là các đối tượng thanh, thiếu niên. Phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và thanh niên tỉnh nhà trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
b) Mục tiêu cụ thể: Đề án được triển khai từ năm 2018 đến năm 2022 phấn đấu đạt
- 100% cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông vào các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý và năm.
- 100% Đoàn xã, phường, thị trấn có mô hình, đội hình thanh niên, công trình, phần việc tham gia bảo đảm an toàn giao thông.
- 100% Đoàn cấp huyện xây dựng thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông trong thanh niên.
- Cấp tỉnh và 100% các huyện, thị, thành đoàn mỗi năm tổ chức ít nhất 01 đợt phát động cao điểm “Tuổi trẻ Đồng Nai gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông” và Ngày hội “Tuổi trẻ Đồng Nai gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông”.
- 100% các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa duy trì hiệu quả hoạt động của đội hình thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51 đi ngang qua.
- 100% Liên đội có các hoạt động tuyên truyền về văn hóa giao thông; thành lập ít nhất 01 Câu lạc bộ măng non tuyên truyền về an toàn giao thông.
- 100% Đoàn các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông"; thành lập ít nhất 01 đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông tại cổng trường vào các giờ cao điểm.
2. Giải pháp và nội dung thực hiện
a) Giải pháp 1: Công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu nhi về an toàn giao thông
- Xây dựng chiến dịch tuyên truyền an toàn giao thông theo chủ đề cho đối tượng học sinh, sinh viên; thanh niên khu vực đô thị, thanh niên lao động trong các khu công nghiệp, khu vực nhà trọ, thanh niên vùng nông thôn
+ Nội dung và hình thức: Đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức như phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền; hội thi lái xe an toàn; kịch tương tác về an toàn giao thông; ra quân tuyên truyền về an toàn giao thông; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết thực hiện các tiêu chí tham gia Cuộc vận động “Thanh niên với Văn hóa giao thông” như: “6 tiêu chí lái xe an toàn”, “5 tích cực” và “5 không”; vận động 100% đoàn viên, thanh thiếu niên, nhi đồng đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn chất lượng khi đi mô tô, xe gắn máy hoặc ngồi sau mô tô, xe gắn máy.
+ Địa bàn triển khai:
Đối với khu vực đô thị: Chọn thành phố Biên Hòa làm điểm.
Đối với khu vực nông thôn: Chọn huyện Thống Nhất làm điểm.
Đối với khối sinh viên các trường đại học, cao đẳng: Chọn Trường Đại học Đồng Nai và Cao đẳng Nghề Đồng Nai làm điểm.
Đối với thanh niên lao động trong các khu công nghiệp, khu vực nhà trọ: Chọn huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch làm điểm.
+ Thời gian thực hiện: Hàng năm trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, trong tháng Thanh niên (tháng 3), Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (tháng 6 - 8), tháng an toàn giao thông (tháng 9).
- Xây dựng kế hoạch truyền thông về an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và thanh thiếu nhi theo chủ đề
+ Nội dung và hình thức: Tuyên truyền qua trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội của đoàn, hội, đội; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho các lái xe ô tô, thuyền trưởng tại các bến phà, bến đò (còn trong độ tuổi thanh niên); tổ chức hội thi tuyên truyền tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
+ Địa bàn triển khai: Các huyện, thị, thành đoàn.
+ Thời gian triển khai: Mỗi năm tổ chức 01 Hội thi tuyên truyền viên về an toàn giao thông theo chủ đề; dự kiến:
Năm 2018: Cuộc thi xây dựng khẩu hiệu tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông.
Năm 2019: Cuộc thi xây dựng video, clip tuyên truyền về an toàn giao thông.
Năm 2020: Cuộc thi thanh niên với văn hóa giao thông.
Năm 2021: Cuộc thi sinh viên với ý tưởng an toàn giao thông.
Năm 2022: Cuộc thi sáng tạo trẻ về bảo đảm an toàn giao thông trong thanh thiếu nhi.
- Tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên an toàn giao thông
+ Nội dung và hình thức: Trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên nòng cốt của các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc. Giới thiệu Luật Giao thông đường bộ và các văn bản có liên quan. Hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa khi tham gia giao thông; tập huấn kỹ năng lái xe an toàn và kỹ năng tổ chức các hoạt động truyền thông đảm bảo an toàn giao thông.
+ Địa bàn triển khai: 28 đơn vị trực thuộc.
+ Thời gian triển khai: Hàng năm cấp tỉnh tổ chức 02 lớp tập huấn; 28/28 đơn vị cấp trực thuộc hàng năm tổ chức tập huấn ít nhất 01 chuyên đề về tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông trong thanh thiếu nhi.
b) Giải pháp 2: Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Thanh niên Đồng Nai gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông”, thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông trong thanh thiếu nhi
- Nội dung và hình thức: Vận động thanh niên thực hiện các tiêu chí văn hóa khi tham gia giao thông như “6 tiêu chí lái xe an toàn”, “5 tích cực” và “5 không” kết hợp đánh giá, tổng kết; thông qua các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, giao lưu để thanh thiếu nhi phản ánh, đề xuất những tiêu chí văn hóa của thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông.
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về thực hiện Cuộc vận động “Thanh niên Đồng Nai gương mẫu thực hiện văn hóa giao thông” trên các trang fanpage và trang mạng xã hội, báo, tạp chí, chương trình truyền thanh, truyền hình của đoàn, hội; tổ chức các cuộc thi ảnh, thi sáng tác ca khúc, các tiểu phẩm về văn hóa giao thông; tổ chức các “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” ở các cấp.
Hàng năm đưa nội dung tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ đoàn trong tỉnh; hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của đoàn viên được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm.
- Địa bàn triển khai: 28 đơn vị trực thuộc.
- Thời gian triển khai: Hàng năm trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, trong tháng Thanh niên (tháng 3), Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (tháng 6 - 8), tháng cao điểm về an toàn giao thông (tháng 9).
c) Giải pháp 3: Nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc của thanh thiếu niên tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông
- Nâng cao an toàn giao thông tại các cổng trường học
+ Nội dung và hình thức:
Thành lập mới và duy trì hoạt động của 133 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Trong đó ưu tiên tổ chức các buổi tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí văn hóa khi tham gia giao thông, lên án các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, về nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Tổ chức đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực công trường trong các giờ cao điểm.
Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông. Vận động học sinh, sinh viên không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định.
Tổ chức các hoạt động giúp thanh niên hoàn thiện các kỹ năng khi tham gia giao thông như: Kỹ năng lái xe khoa học và an toàn; cách lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy định; cách xử lý các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn; tổ chức học và thi nhận giấy phép lái xe hạng A1 cho thanh niên khi đủ 18 tuổi.
+ Địa bàn triển khai: 28 đơn vị trực thuộc.
+ Thời gian triển khai: Giai đoạn 2018 - 2022.
- Nâng cao an toàn giao thông tại các bến đò ngang
+ Nội dung và hình thức: Thành lập mới và duy trì hoạt động của 16 mô hình “Bến đò ngang an toàn”, tại đó có đội thanh niên tình nguyện tham gia tổ chức các hoạt động trong giờ cao điểm có học sinh đi đò đến trường và tan trường như hướng dẫn mặc áo phao hoặc sử dụng thiết bị cứu sinh; nhắc nhở các chủ đò và người điều khiển phương tiện thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn chở đò; ứng cứu khi tai nạn xảy ra.
Tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân khu vực bến đò, nhất là các em thiếu nhi tại các trường học.
Tổ chức các khóa học bơi cho thiếu nhi.
Tham gia tu sửa, bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, thiết bị và xây dựng hạ tầng khu vực bến đò.
+ Số lượng: 16 bến đò ngang.
+ Thời gian và địa bàn triển khai: Đến năm 2022, 100% bến đò ngang trên địa bàn tỉnh tham gia đảm bảo các tiêu chí về an toàn giao thông đường thủy.
- Nâng cao an toàn giao thông tại các đường giao cắt với đường sắt
+ Nội dung và hình thức: Thành lập mới và duy trì hoạt động của 33 mô hình “Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn” tại các đường giao cắt với đường sắt không có rào chắn, nhất là tại các đường ngang tự phát. Tại đó có hoạt động của thanh niên tham gia cảnh báo giao thông, tuyên truyền không vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Giải tỏa vật cản hoặc cây xanh bảo đảm tầm nhìn cho lái xe và tài xế lái tàu.
+ Số lượng: 33 điểm giao cắt.
+ Địa bàn triển khai: Các huyện, thị, thành phố có đường sắt đi qua.
+ Thời gian triển khai: Giai đoạn 2018 - 2022.
- Nâng cao an toàn giao thông tại các tuyến đường bộ có khu công nghiệp, khu vực nhà trọ
+ Nội dung và hình thức: Xây dựng các đội thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền lưu động về an toàn giao thông, lồng ghép các tiểu phẩm tuyên truyền về thực hiện văn hóa khi tham gia giao thông vào các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương, đơn vị. Xây dựng các pano, áp phích tuyên truyền về an toàn giao thông ... tại các điểm tập trung đông thanh niên công nhân nhà trọ.
+ Số lượng: 06 điểm.
+ Địa bàn triển khai: Ngã tư Amata, Ngã tư Tam Hiệp - thành phố Biên Hòa, Khu Công nghiệp Bàu Xéo - huyện Trảng Bom; Khu Công nghiệp Nhơn Trạch - huyện Nhơn Trạch; Ngã ba Trị An - huyện Vĩnh Cửu; đường 767 - huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
+ Thời gian: Giai đoạn 2018 - 2022.
- Đẩy mạnh hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông
+ Nội dung và hình thức: Củng cố và duy trì hoạt động của Tổng đội Thanh niên tình nguyện An toàn giao thông tỉnh và 183 đội Thanh niên tình nguyện An toàn giao thông tại các đơn vị trực thuộc, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, tham gia phòng chống kẹt xe và phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân lưu thông đúng tuyến, đúng quy định trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra kẹt xe.
Cấp huyện tổ chức củng cố duy trì hoạt động các đội hình thanh niên tình nguyện an toàn giao thông, tham gia trực gác tại các tuyến quốc lộ nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông; đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến các chi đoàn, chi hội, tổ dân phố, khu phố - ấp; tổ chức các đội tuyên truyền cổ động bằng các hình thức sân khấu hóa biểu diễn phục vụ cộng đồng... Giao cho Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn nghiên cứu phân công các cơ sở đoàn đảm nhận điều hòa giao thông tại các chốt đèn trọng điểm trên địa bàn (ở mỗi điểm có phối hợp giữa Đoàn trường học và Đoàn địa phương với lực lượng công an).
Định kỳ hàng năm tổ chức lớp tập huấn về Luật Giao thông và kỹ năng nghiệp vụ cho các đội Thanh niên tình nguyện an toàn giao thông và duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên.
+ Số lượng: 183 đội thanh niên tình nguyện.
+ Địa bàn triển khai: 28 đơn vị trực thuộc.
+ Thời gian triển khai: Giai đoạn 2018 - 2022.
d) Giải pháp 4: Tổ chức tuyên dương các điển hình thanh thiếu nhi tham gia bảo đảm an toàn giao thông
- Nội dung: Biểu dương, khen thưởng các điển hình thanh thiếu nhi và các mô hình, đội hình tiêu biểu của đoàn, hội, đội tham gia tuyên truyền và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Hình thức tổ chức: Tuyên dương tại Lễ ra quân hưởng ứng năm An toàn giao thông, Lễ tổng kết năm An toàn giao thông, tháng cao điểm về an toàn giao thông, tại các ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”, tại các hoạt động lớn của đoàn, hội, đội; giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức gặp gỡ các điển hình tiêu biểu với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và Ban An toàn giao thông các cấp.
đ) Giải pháp 5: Phối hợp với các ngành trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
- Phối hợp với Ban An toàn giao thông các cấp đề xuất cấp kinh phí cho các hoạt động đảm bảo an toàn giao thông, nhất là việc cung cấp các tài liệu tuyên truyền và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực an toàn giao thông.
- Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình phối hợp với Sở Giao thông Vận tải về việc “Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”; Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc “Phối hợp đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật giao thông trong thanh thiếu nhi”; Chương trình phối hợp với Công an tỉnh về việc “Giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng chống đua xe trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.
3. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Kinh phí thực hiện Đề án: Từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
b) Ngân sách Nhà nước: Căn cứ vào các mục tiêu và các giải pháp của Đề án và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương đoàn; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, tháng 8 hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chủ động dự toán kinh phí, phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Đồng thời chỉ đạo đoàn cấp huyện chủ động dự toán trình Ban An toàn giao thông và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Tổ chức thực hiện
a) Ban Thường vụ Tỉnh đoàn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp, Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa trong việc tổ chức, triển khai Đề án.
- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh xây dựng nhiệm vụ và dự toán thực hiện Đề án từng năm; phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.
- Báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình thực hiện Đề án; kiến nghị những thay đổi, điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tế của thời kỳ.
- Thời gian thực hiện sơ kết và tổng kết Đề án:
+ Năm 2020 tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá các nội dung đã thực hiện được của Đề án.
+ Năm 2022, tổng kết Đề án, tiến hành đánh giá Đề án, lựa chọn các giải pháp, nội dung tiêu biểu và có tính bền vững. Tham mưu cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện cho những năm tiếp theo.
b) Sở Giao thông Vận tải; Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh
Phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.
c) Công an tỉnh
Phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hỗ trợ báo cáo viên tập huấn kiến thức về đứng chốt giao thông, hỗ trợ phân luồng giao thông, bảo vệ hiện trường khi có tai nạn giao thông.
d) Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho thanh thiếu nhi kiến thức về an toàn giao thông trong trường học.
đ) Sở Tài chính
Bố trí kinh phí ngân sách nhà nước được duyệt cho Ban Thường vụ Tỉnh đoàn để thực hiện Đề án theo quy định.
e) Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể trong đề án theo thẩm quyền được phân công.
g) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa
- Hàng năm bố trí kinh phí nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông của Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn.
- Chỉ đạo các ban, ngành của huyện phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn triển khai thực hiện các hoạt động tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Giao Tỉnh đoàn Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức thực hiện Đề án.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |