Quyết định 1925/QĐ-UBND

Quyết định 1925/QĐ-UBND năm 2019 quy định về trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt đô thị; xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Nội dung toàn văn Quyết định 1925/QĐ-UBND 2019 về trình tự xây dựng công bố công lệnh tải trọng Quảng Ninh


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1925/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ XÂY DỰNG, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG, CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ TRÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ; XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ TỔ CHỨC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU TRÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ, ĐƯỜNG SẮT CHUYÊN DÙNG KHÔNG NỐI RAY VỚI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

Căn cứ Thông tư số 24/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng biểu đồ chạy tàu và điều hành giao thông vận tải đường sắt;

Căn cứ Thông tư số 27/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ Giao thông vận tải về xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chạy chung với đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1662/TTr-SGTVT ngày 12 tháng 4 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt đô thị; xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Tường Huy

 

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ XÂY DỰNG, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG, CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ TRÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ; XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ TỔ CHỨC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU TRÊN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ, ĐƯỜNG SẮT CHUYÊN DÙNG KHÔNG NỐI RAY VỚI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 08/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt đô thị; xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt đô thị; xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia.

Cơ sở của việc tổ chức chạy tàu là biểu đồ chạy tàu và các quy định trong biểu đồ chạy tàu là mệnh lệnh đối với tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chạy tàu.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

- Đơn vị chủ quản lý đường sắt: Là đơn vị chủ đầu tư tuyến đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị hoặc được cơ quan có thẩm quyền giao là chủ sở hữu tuyến đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị.

- Đơn vị vận tải đường sắt: Là đơn vị quản lý, vận tải, khai thác kinh doanh, sử dụng tuyến đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị.

Chương II

XÂY DỰNG, CÔNG BỐ BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU

Điều 4. Biểu đồ chạy tàu khi xây dựng hoặc điều chỉnh phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Bảo đảm an toàn trong tổ chức chạy tàu.

- Đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa.

- Mật độ chạy tàu, tốc độ chạy tàu tương ứng với năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị.

- Sử dụng có hiệu quả phương tiện giao thông đường sắt.

- Dành được khoảng trống thời gian không chạy tàu trên một số khu gian, khu đoạn để phục vụ thi công, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

- Bảo đảm thứ tự ưu tiên các nhóm tàu quy định tại Thông tư số 24/2018/TT- BGTVT.

- Chỉ huy điều hành dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo tàu đi, đến đúng giờ.

- Bảo đảm thời gian và hành trình hợp lý trên các khu gian.

- Có đủ thời gian dừng, đỗ tàu để thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật hành khách, hàng hóa theo quy định tại các ga dừng, đỗ tàu.

Điều 5. Nội dung cơ bản của biểu đồ chạy tàu

Biểu đồ chạy tàu bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Tổng số đôi tàu khách, tàu hàng (bao gồm cả tàu chính thức và tàu dự bị), thành phần đoàn tàu, chiều dài đoàn tàu chạy, loại đầu máy kéo tàu trên các khu đoạn, các tuyến đường sắt trong một ngày đêm.

- Ga đỗ và thời gian đỗ làm tác nghiệp cắt, nối toa xe hàng, tác nghiệp hành khách, tác nghiệp tránh, vượt tàu và tác nghiệp kỹ thuật đầu máy, toa xe đối với từng đoàn tàu.

- Thời gian đi, đến, thông qua các ga, thời gian chạy trên từng khu gian của từng đoàn tàu.

- Các quy định cần thiết khác có liên quan đến việc lập tàu, bảo đảm an toàn chạy tàu, bảo đảm tàu đi, đến đúng giờ, các hướng dẫn và triển khai thực hiện biểu đồ chạy tàu.

Điều 6. Trình tự xây dựng, công bố, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia

1. Trình tự xây dựng biểu đồ chạy tàu:

a) Trước 80 ngày so với ngày dự kiến công bố biểu đồ chạy tàu, Đơn vị chủ quản lý đường sắt có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc xây dựng biểu đồ chạy tàu tới các Đơn vị vận tải đường sắt.

b) Trong vòng tối đa 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Đơn vị chủ quản lý đường sắt, các Đơn vị vận tải đường sắt phải gửi yêu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu trên các tuyến đường sắt đơn vị mình vận tải bằng văn bản tới Đơn vị chủ quản lý đường sắt.

c) Căn cứ vào năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt, năng lực đầu máy, toa xe, yêu cầu của Đơn vị vận tải đường sắt, nội dung của công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ đã công bố tại các điều trong Quy định này, Đơn vị chủ quản lý đường sắt xây dựng dự thảo biểu đồ chạy tàu gửi các doanh nghiệp nêu trên để tham gia ý kiến trước 40 ngày so với ngày dự kiến công bố biểu đồ chạy tàu.

d) Chậm nhất sau 05 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo biểu đồ chạy tàu, các Đơn vị vận tải đường sắt phải có ý kiến đóng góp bằng văn bản đối với dự thảo biểu đồ chạy tàu gửi Đơn vị chủ quản lý đường sắt.

đ) Trên cơ sở ý kiến tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, Đơn vị chủ quản lý đường sắt có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây: Tiến hành nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo biểu đồ chạy tàu để ban hành và công bố; gửi thông báo bằng văn bản đến các Đơn vị vận tải đường sắt về khả năng đáp ứng của Đơn vị chủ quản lý đường sắt đối với yêu cầu vận chuyển và tổ chức chạy tàu, mời các Đơn vị vận tải đường sắt tham gia vận chuyển đối với các tuyến đường sắt còn dư thừa năng lực chạy tàu.

e) Đối với trường hợp các Đơn vị quản lý đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia vừa là Đơn vị chủ quản lý đường sắt, vừa là Đơn vị vận tải đường sắt và không có đơn vị nào khác tham gia vận tải trên tuyến: Trên cơ sở Kế hoạch vận tải đường sắt, năng lực của kết cấu đường sắt, năng lực của phương tiện vận tải đường sắt của đơn vị, Đơn vị quản lý đường sắt chủ động xây dựng biểu đồ chạy tàu trên tuyến do đơn vị mình quản lý, đảm bảo các yêu cầu quy định tại Điều 4 của quy định này.

2. Công bố biểu đồ chạy tàu:

a) Sau khi hoàn chỉnh biểu đồ chạy tàu, Đơn vị chủ quản lý đường sắt có trách nhiệm gửi biểu đồ chạy tàu tới tất cả các Đơn vị vận tải đường sắt và các tổ chức có liên quan để triển khai thực hiện, gửi Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, UBND các địa phương, Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh Quảng Ninh để giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu chậm nhất là 10 ngày trước ngày biểu đồ chạy tàu có hiệu lực thi hành.

b) Sau khi thực hiện quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này, Đơn vị chủ quản lý đường sắt có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy tàu trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp các nội dung sau: Các đôi tàu tổ chức chạy, loại tàu, thành phần đoàn tàu chạy trên các tuyến đường sắt; ga xuất phát, ga cuối cùng của các đoàn tàu; thời gian chạy tàu lữ hành của các đoàn tàu; ga đỗ nhận khách, thời gian đỗ nhận khách; ga đỗ và thời gian đỗ tác nghiệp cắt nối toa xe hàng.

c) Sau khi nhận được biểu đồ chạy tàu, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy tàu của các đôi tàu đăng ký chạy tại ga đường sắt có tác nghiệp hành khách, hàng hóa. Nội dung công bố biểu đồ chạy tàu tại các ga bao gồm các nội dung công bố của Đơn vị chủ quản lý đường sắt quy định tại điểm b khoản này và các nội dung sau: Thời gian đi, đến tại các ga của các đoàn tàu trên tuyến; các quy định cần thiết khác có liên quan đến việc lập tàu, đảm bảo an toàn chạy tàu, đảm bảo tàu đi, đến đúng giờ, các hướng dẫn và triển khai thực hiện biểu đồ chạy tàu.

3. Sau khi công bố biểu đồ chạy tàu mà còn có ý kiến khác nhau về quyền được tham gia tổ chức chạy tàu của các Đơn vị vận tải đường sắt và các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường sắt thì Đơn vị chủ quản lý đường sắt chủ trì việc đàm phán để thỏa thuận giải quyết.

4. Trường hợp có từ 02 Đơn vị vận tải đường sắt trở lên cùng đăng ký một hành trình chạy tàu trong biểu đồ chạy tàu thì doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trả giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cao nhất sẽ được phân bổ hành trình chạy tàu theo nhu cầu của doanh nghiệp.

5. Đơn vị xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu:

- Đối với tuyến đường sắt chuyên dùng thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu thuộc trách nhiệm của các đơn vị do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giao trách nhiệm chủ quản lý tuyến đường sắt chuyên dùng thực hiện.

- Đối với tuyến đường sắt đô thị: Việc xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu thuộc trách nhiệm của đơn vị được UBND tỉnh giao là chủ đầu tư, quản lý, khai thác tuyến đường sắt đô thị.

Điều 7. Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu

a) Các trường hợp điều chỉnh biểu đồ chạy tàu:

- Yêu cầu rút ngắn hành trình chạy tàu theo kế hoạch sản xuất, vận tải của Đơn vị vận tải đường sắt.

- Sự cố do thiên tai, tai nạn, có trở ngại trên đường hoặc chạy thêm các đoàn tàu đặc biệt mà phải điều chỉnh ngay hành trình chạy tàu của các đoàn tàu đang chạy trên tuyến.

b) Trình tự thực hiện điều chỉnh biểu đồ chạy tàu.

- Trường hợp điều chỉnh biểu đồ chạy tàu có liên quan đến việc rút ngắn hành trình chạy tàu so với hành trình đã công bố theo đề nghị của Đơn vị vận tải đường sắt, Đơn vị chủ quản lý đường sắt tiến hành điều chỉnh và gửi báo cáo giải trình lý do rút ngắn hành trình chạy tàu và biểu đồ chạy tàu điều chỉnh tới Cơ quan có thẩm quyền quy định tại mục a Điều 11, trước khi công bố để thực hiện kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh, công bố và thực hiện biểu đồ chạy tàu điều chỉnh.

- Trường hợp đặc biệt do thiên tai, tai nạn, sự cố, trở ngại trên đường hoặc chạy thêm các đoàn tàu đặc biệt mà phải điều chỉnh ngay hành trình chạy tàu của các đoàn tàu đang chạy trên tuyến: Đơn vị chủ quản lý đường sắt chủ động điều chỉnh để đảm bảo khôi phục nhanh nhất việc chạy tàu theo biểu đồ chạy tàu đã công bố. Việc điều chỉnh trên chỉ thực hiện trong một thời điểm nhất định để giải quyết các sự cố, tai nạn, sau khi hoàn tất việc xử lý sự cố, tiếp tục thực hiện theo biểu đồ chạy tàu đã công bố trước đó, sau đó gửi báo cáo về việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu cho Cơ quan có thẩm quyền tại mục a Điều 11 để theo dõi.

- Việc điều chỉnh biểu đồ chạy tàu trong các trường hợp nêu trên phải tuân thủ các nội dung tại Điều 5 của Quy định này.

- Việc công bố biểu đồ chạy tàu điều chỉnh thực hiện theo khoản 1,2,3 Điều 6 của Quy định này, trừ trường hợp đặc biệt do thiên tai, tai nạn, sự cố, trở ngại trên đường hoặc chạy thêm các đoàn tàu đặc biệt mà phải điều chỉnh ngay hành trình chạy tàu của các đoàn tàu đang chạy trên tuyến thì biểu đồ chạy tàu được điều chỉnh đột xuất khi được Cơ quan có thẩm quyền tại mục a Điều 11 quyết định, cho phép bằng văn bản hoặc chỉ đạo bằng trực tiếp nhằm giải quyết sự cố.

Chương III

XÂY DỰNG CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG, CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ

Điều 8. Yêu cầu xây dựng, cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

Ngoài các yêu cầu đối với công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ quy định tại Luật Đường sắt và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt, khi xây dựng, cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Bảo đảm an toàn giao thông vận tải đường sắt qua các khu vực dân cư, lối đi tự mở.

- Bảo đảm tải trọng trục, tải trọng rải đều, tốc độ kỹ thuật cho phép của công trình đường sắt và tốc độ khai thác đường sắt phù hợp với điều kiện dân sinh khu vực.

Điều 9. Trình tự xây dựng, cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

1. Các nội dung cơ bản liên quan đến xây dựng công lệnh tải trọng:

Khi xây dựng công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ, Đơn vị chủ quản lý đường sắt phải tuân thủ các quy định của Luật Đường sắt và các văn bản pháp lý có liên quan về tải trọng và tốc độ vận tải trên đường sắt và thực hiện các nội dung như sau:

a) Trình tự xây dựng, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

- Căn cứ trạng thái kỹ thuật cho phép, khả năng khai thác của công trình đường sắt và tải trọng của phương tiện giao thông đường sắt, Đơn vị vận tải đường sắt xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trên đường sắt chuyên dùng và đường sắt đô thị; Đơn vị chủ quản lý đường sắt chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ.

- Trước 30 ngày so với ngày dự kiến công bố, Đơn vị chủ quản lý đường sắt gửi đến các cơ quan có liên quan quy định tại Điều để tham gia ý kiến.

- Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày nhận được nội dung lấy ý kiến tham gia dự thảo công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ, các cơ quan có liên quan phải có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi Đơn vị chủ quản lý đường sắt.

- Đơn vị chủ quản lý đường sắt có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ và công bố theo quy định của Luật Đường sắt.

- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày công bố, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ phải được gửi đến Đơn vị vận tải đường sắt, Cơ quan có thẩm quyền tại mục a Điều 11, và các cơ quan có liên quan để biết kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện.

- Công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ phải được công bố công khai trên trang thông tin đại chúng của địa phương và có hiệu lực sau 05 ngày kể từ ngày công bố.

b) Cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

- Đơn vị chủ quản lý đường sắt xem xét, quyết định cập nhật, công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ trong các trường hợp sau:

+ Khi có sự thay đổi về năng lực của kết cấu hạ tầng đường sắt;

+ Khi có sự thay đổi về phương tiện giao thông đường sắt.

- Việc cập nhật công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ phải bảo đảm yêu cầu quy định tại Điều 8 của Quy định này.

- Việc công bố công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ sau khi cập nhật thực hiện theo quy định tại điểm b Điều 9 của Quy định này.

Chương IV

NỘI DUNG GIÁM SÁT KIỂM TRA, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU, CÔNG BỐ CÔNG LỆNH TẢI TRỌNG, CÔNG LỆNH TỐC ĐỘ, BIỂU ĐỒ CHẠY TÀU VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ LIÊN QUAN

Điều 10. Nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu

- Kiểm tra, giám sát việc xây dựng, công bố, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu.

- Kiểm tra, giám sát sự phù hợp của biểu đồ chạy tàu với công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng của kết cấu hạ tầng đường sắt đã công bố, với đặc tính kỹ thuật của đầu máy, toa xe vận dụng trên từng khu đoạn, từng tuyến.

- Khi kiểm tra phát hiện ra các sai phạm thì yêu cầu các Đơn vị chủ quản lý đường sắt, Đơn vị vận tải đường sắt thực hiện các biện pháp khắc phục ngay các sai phạm trong việc xây dựng, điều chỉnh, công bố, thực hiện biểu đồ chạy tàu. Trường hợp các Đơn vị trên không thực hiện các biện pháp khắc phục các sai phạm, uy hiếp đến an toàn chạy tàu thì được yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng chạy tàu cho đến khi khắc phục xong các sai phạm.

Điều 11. Phân công nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan:

a) Trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị được giao là Chủ đầu tư, Chủ sở hữu đường sắt đô thị.

- Chỉ đạo, giao các đơn vị tổ chức quản lý, xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu, công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng thực hiện theo quy định tại Luật Đường sắt, các văn bản pháp lý hướng dẫn thi hành Luật và các nội dung tại Quy định này.

- Kiểm tra giám sát việc thực hiện của các đơn vị có liên quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật đối với việc triển khai thực hiện.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, Công an tỉnh, Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan.

- Bố trí kinh phí khắc phục các sự cố liên quan để đảm bảo vận hành đúng biểu đồ chạy tàu đã công bố.

- Là cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo ban hành các Quyết định công bố biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng và công lệnh tốc độ của các tuyến đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị.

b) Trách nhiệm của Công an tỉnh

- Kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng và công lệnh tốc độ.

- Điều tra, xác minh, giải quyết các vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông đường sắt; Kiến nghị sửa đổi, bổ sung biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ khi phát hiện thấy có những bất cập, không đảm bảo an toàn chạy tàu.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và cá nhân có liên quan để tổ chức bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt.

c) Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

- Hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xây dựng, công bố biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng. Phối hợp với Công an tỉnh, Đơn vị chủ quản lý đường sắt trong kiểm tra việc thực hiện biểu đồ chạy tàu của đơn vị vận tải đường sắt.

- Phối hợp hướng dẫn Đơn vị chủ quản lý đường sắt và UBND các địa phương thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang, lối đi tự mở.

d) Trách nhiệm của UBND các địa phương trong tỉnh có tuyến đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị chạy qua.

- Phối hợp với Đơn vị chủ quản lý đường sắt trong việc rà soát lối đi tự mở, đường dân sinh và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; tuyên truyền giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.

- Thông tin tới các tổ chức, cá nhân và các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị về biểu đồ chạy tàu, công lệnh tốc độ các tuyến đường sắt.

- Chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, phòng ban đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an toàn chạy tàu và tăng cường các giải pháp đảm bảo giao thông tại các vị trí đường dân sinh, lối đi tự mở.

e) Trách nhiệm của các đơn vị xây dựng, công bố, giám sát biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ

- Đảm bảo kết cấu hạ tầng đường sắt ổn định, an toàn tương ứng với biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ được công bố.

- Xây dựng, công bố, cập nhật và tổ chức kiểm tra, giám sát biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ theo trình tự, nội dung, yêu cầu tại Quy định này; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tài liệu tổ chức xây dựng và công bố.

- Thông báo biểu đồ chạy tàu, công lệnh tốc độ kịp thời tới địa phương, các Sở ngành liên quan để phối hợp trong công tác đảm bảo giao thông; cùng với chính quyền địa phương có rà soát, thực hiện các biện pháp tăng cường an toàn giao thông tại các vị trí đường ngang, đường dân sinh, lối đi tự mở; Xử lý ngay các vị trí có nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

- Tổ chức hướng dẫn Đơn vị vận tải đường sắt thực hiện nghiêm chỉnh biểu đồ chạy tàu, công lệnh tải trọng và công lệnh tốc độ đã công bố. Hàng năm kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của biểu đồ chạy tàu, công lệnh tốc độ để điều chỉnh cho phù hợp.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ việc thực hiện quy định này và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt, gửi UBND tỉnh báo cáo thông qua Sở Giao thông vận tải.

f) Trách nhiệm của Đơn vị vận tải đường sắt

- Thực hiện chạy tàu đúng hành trình đã được phân bổ đảm bảo an toàn, đúng công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng và biểu đồ chạy tàu đã ban hành hoặc điều chỉnh.

- Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin về nhu cầu vận tải, năng lực phương tiện, thiết bị vận tải phục vụ cho doanh nghiệp quản lý, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt để phục vụ cho việc xây dựng, điều chỉnh, ban hành và công bố, thực hiện công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh về Sở Giao thông vận tải để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 1925/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu1925/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành08/05/2019
Ngày hiệu lực15/05/2019
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiao thông - Vận tải
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật5 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 1925/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 1925/QĐ-UBND 2019 về trình tự xây dựng công bố công lệnh tải trọng Quảng Ninh


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 1925/QĐ-UBND 2019 về trình tự xây dựng công bố công lệnh tải trọng Quảng Ninh
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu1925/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Quảng Ninh
                Người kýCao Tường Huy
                Ngày ban hành08/05/2019
                Ngày hiệu lực15/05/2019
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiao thông - Vận tải
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật5 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 1925/QĐ-UBND 2019 về trình tự xây dựng công bố công lệnh tải trọng Quảng Ninh

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 1925/QĐ-UBND 2019 về trình tự xây dựng công bố công lệnh tải trọng Quảng Ninh

                        • 08/05/2019

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 15/05/2019

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực