Nội dung toàn văn Quyết định 198-TTg kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng các xí nghiệp các Bộ và tài sản Nhà nước rải rác địa phương
PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 198-TTg | Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 1958 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KIỂM TRA TÀI SẢN NHÀ NƯỚC Ứ ĐỌNG Ở CÁC XÍ NGHIỆP CÁC BỘ VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC RẢI RÁC Ở CÁC ĐỊA PHƯƠNG.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Quyết định số 141-TTg ngày 8 tháng 4 năm 1957 về việc kiểm kê tài sản, xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh;
Theo đề nghị của ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm kê toàn quốc,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Để củng cố và phát huy kết quả của việc kiểm kê tài sản, xét định vốn của các xí nghiệp quốc doanh, nay quy định tiến hành các công tác sau đây:
- Kiểm tra các loại tài sản của Nhà nước chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng ở các xí nghiệp quốc doanh và ở các Bộ.
- Điều tra, nắm chính xác các loại tài sản của Nhà nước còn rải rác ở các địa phương; kiểm kê, đánh giá và tập trung các loại tài sản đó.
Nhằm mục đích:
Giúp các xí nghiệp quốc doanh và các Bộ chấp hành kế hoạch định mức vốn cần thiết, củng cố và đẩy mạnh việc thi hành chế độ hạch toán kinh tế trong các xí nghiệp quốc doanh.
Có kế hoạch bảo quản, phân phối, sử dụng, động viên các nguồn vốn vào sự nghiệp kiến thiết và sản xuất, đồng thời tăng cường lực lượng dự trữ vật tư của Nhà nước, tổ chức việc dự trữ một cách hợp lý theo tinh thần tiết kiệm.
Điều 2. – Nay thành lập ở Thủ tướng phủ Ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương:
Ban kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương có trách nhiệm lãnh đạo công việc kiểm tra tài sản của Nhà nước chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng trong phạm vi toàn quốc, theo đúng nội dung và mục đích nói trong điều 1 trên đây.
Ban kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương sẽ quy định những nguyên tắc, chế độ và phương pháp cụ thể để hướng dẫn và chỉ đạo các Bộ và các địa phương tiến hành việc kiểm tra tài sản chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng.
Điều 3. - Ở các Bộ Công nghiệp, Thủy lợi và Kiến trúc, Giao thông và Bưu điện, Nông lâm, Thương nghiệp, Tài chính… ông Bộ trưởng hay Thứ trưởng nhất định phải trực tiếp chỉ đạo công việc kiểm tra tài sản ứ đọng trong các ngành của Bộ.
Tùy nhu cầu cần thiết của từng Bộ có thể thành lập một Ban kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng của Bộ, thành phần như sau:
- Bộ trưởng hay Thứ trưởng
(người nào đã chuyên trách công việc kiểm kê tài sản)……Trưởng ban
- Ủy viên Thường trực Ủy ban kiểm kê của Bộ…………… Ủy viên
- Giám đốc hay Phó Giám đốc Cục hay tổ chức cung cấp, cung tiêu, vật liệu ở Bộ…..Ủy viên.
- Giám đốc hay Phó Giám đốc Vụ Kế hoạch Bộ………….Ủy viên
Cũng có thể giao trách nhiệm cho Ủy ban Kiểm kê của Bộ kiêm nhiệm công việc kiểm tra tài sản chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng trong các xí nghiệp quốc doanh và ở Bộ, nhưng cần có đại diện Cục Cung cấp và Vụ Kế hoạch của Bộ tham gia.
“Ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng” của Bộ có trách nhiệm lãnh đạo công việc kiểm tra tài sản của Nhà nước chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng trong phạm vi các ngành thuộc Bộ và chịu sự chỉ đạo của Ban Kiểm tra tài sản của Nhà nước ứ đọng Trung ương.
Ở các Cục Quản lý và các xí nghiệp cơ sở, các kho, Giám đốc Cục, Giám đốc xí nghiệp, Chủ nhiệm kho, chịu trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra tài sản của Nhà nước chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng thuộc đơn vị mình, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Kiểm tra tài sản ứ đọng của Bộ và theo đúng nguyên tắc, chế độ phương pháp, kế hoạch của Ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương.
Điều 4. – Thành lập ở các tỉnh và thành phố Ban Kiểm tra tài sản rải rác của tỉnh hoặc thành phố, thành phần gồm có:
- Chủ…………. tịch hay Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính ………. Trưởng ban.
- Trưởng ty tài chính tỉnh……………………………….. Ủy viên.
- Ủy viên thường trực Ủy ban Kế hoạch tỉnh …………... Ủy viên.
Ban kiểm tra tài sản rải rác của tỉnh hoặc thành phố có trách nhiệm kiểm tra các tài sản Nhà nước rải rác ở địa phương trong phạm vi của tỉnh hoặc thành phố và tổ chức bảo quản, đặt kế hoạch phân phối, sử dụng theo nguyên tắc do Ban kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương đề ra.
Ban Kiểm tra tài sản rải rác của tỉnh hoặc thành phố, chịu sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính tỉnh hoặc Ủy ban hành chính thành phố và sự chỉ đạo của Ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương.
Điều 5. – Các Ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương, Bộ, Tỉnh, thành phố sẽ dùng một số cán bộ của các ngành Tài chính, Kế hoạch. Cung cấp và một số cán bộ của Ủy ban Kiểm kê.
Ban Kiểm tra tài sản ứ đọng Trung ương và ở Bộ cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm kê toàn quốc và Ủy ban Kiểm kê của Bộ để nắm một cách chính xác tình hình tài sản của Nhà nước chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng.
Những việc chỉ tiêu về nhân sự, về công tác, về khuân vác, cân, đo, vận chuyển tài sản, vv… sẽ do Ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương thỏa thuận với Bộ Tài chính quy định.
Điều 6. – Các ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương, Bộ, tỉnh, thành phố cần tổ chức một cách thiết thực bộ máy, huấn luyện cán bộ, tuyên truyền, phổ biến chủ trương và kế hoạch công tác, động viên cán bộ và công nhân nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra tài sản của Nhà nước chưa sử dụng và không sử dụng còn ứ đọng vào cuối quý 3 năm 1958.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Ban Kiểm tra tài sản Nhà nước ứ đọng Trung ương, Bộ, tỉnh, thành phố sẽ giải tán.
Điều 7. – Ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm kê toàn quốc, các ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ Thủy lợi và Kiến trúc, Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Nông lâm, Bộ Thương nghiệp, Bộ Tài chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |