Nội dung toàn văn Quyết định 20/2017/QĐ-UBND khu vực bảo vệ cấm tập trung ghi âm ghi hình chụp ảnh Hậu Giang
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2017/QĐ-UBND |
Hậu Giang, ngày 28 tháng 6 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHU VỰC BẢO VỆ; KHU VỰC CẤM TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI; CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Căn cứ Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan;
Căn cứ Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm;
Căn cứ Thông tư số 38/2005/NĐ-CP">09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 08 tháng 7 năm 2017.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các ban, ngành, tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
KHU
VỰC BẢO VỆ; KHU VỰC CẤM TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI; CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết
định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2017
của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; tổ chức lắp đặt các biển báo và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. “Khu vực bảo vệ” là khu vực có giới hạn nhất định, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; khu vực đang xảy ra thiên tai, dịch bệnh hoặc đang diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Lực lượng công an, quân đội và các lực lượng bảo vệ có trách nhiệm bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của người, phương tiện, nhằm duy trì an ninh, trật tự và phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật Nhà nước, gây mất trật tự công cộng hoặc đang triển khai các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
2. “Khu vực cấm tập trung đông người” là khu vực được nêu tại Khoản 1 Điều này mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không cho phép tập trung từ 05 người trở lên hoặc dưới 05 người nhưng có biểu hiện thực hiện một số hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 6 Quy định này.
3. “Nơi công cộng” là khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người, như: vỉa hè, lòng đường, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng; khu vực trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hoặc những nơi công cộng khác.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Khu vực bảo vệ
1. Trụ sở các cơ quan: Tỉnh ủy và các Ban Đảng trực thuộc; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh; Trung tâm Hội nghị tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang.
2. Các khu vực khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, gồm:
a) Khu vực đang xảy ra thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm.
b) Khu vực đang xảy ra những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
c) Khu vực đang diễn ra các nghi lễ, hội nghị, hội thảo, các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, cuộc họp lớn do các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Tổ chức chính trị - xã hội tổ chức có yêu cầu cần bảo vệ.
Điều 5. Khu vực cấm tập trung đông người
1. Khu vực trụ sở các cơ quan cấp tỉnh, gồm:
a) Trụ sở Tỉnh ủy và các Ban Đảng trực thuộc, bao gồm toàn bộ khu vực hai bên hành lang vỉa hè, lòng đường xung quanh trụ sở thuộc các đường Nguyễn An Ninh, Nguyễn Huệ và Đại lộ Võ Nguyên Giáp, khu vực 2, phường IV, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
b) Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, bao gồm toàn bộ khu vực hai bên hành lang vỉa hè, lòng đường xung quanh trụ sở thuộc các đường Ngô Quyền, Hòa Bình, Thống nhất, khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
c) Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm Hội nghị tỉnh, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh bao gồm toàn bộ khu vực hai bên hành lang vỉa hè, lòng đường, quảng trường xung quanh trụ sở thuộc các đường Ngô Quyền, Hòa Bình, Điện Biên phủ, Trần Hưng Đạo và Quảng trường Hòa Bình, khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
d) Trụ sở Kho bạc Nhà nước tỉnh bao gồm toàn bộ khu vực hai bên hành lang vỉa hè, lòng đường xung quanh trụ sở thuộc đường 3/2, khu vực 2, phường IV, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
đ) Trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh bao gồm toàn bộ khu vực hai bên hành lang vỉa hè, lòng đường xung quanh trụ sở thuộc các đường Võ Văn Kiệt và đường nhánh, khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
e) Trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang bao gồm toàn bộ khu vực hai bên hành lang vỉa hè, lòng đường xung quanh trụ sở thuộc các đường Võ Văn Kiệt và đường Hùng Vương, khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
g) Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức và các khu vực được bố trí tiếp công dân.
2. Các khu vực bảo vệ được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy định này do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khi xét thấy cần thiết.
3. Cấp huyện: Căn cứ vào tình hình cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể các khu vực cấm tập trung đông người trên địa bàn theo quy định tại Điểm đ Khoản 6 Điều 12 Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm tại khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người
1. Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ và Mục 2 Thông tư số 38/2005/NĐ-CP">09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP hoặc có một số hành vi cụ thể sau thì bị xem là vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật:
a) Chặn xe các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh hoặc làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông; gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; lôi kéo, kích động, xúi giục người khác gây rối an ninh trật tự;
b) Mang băng rôn, biểu ngữ, cờ Tổ quốc, cờ Đảng, ảnh lãnh tụ, bằng Tổ quốc ghi công, Huân, Huy chương các hạng...; dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn...; mang theo chăn, màn, xoong, nồi, lều bạt..., ngồi lỳ, nằm lỳ, cởi quần, áo gây phản cảm, nấu ăn hoặc sinh hoạt trước “khu vực bảo vệ”; mặc áo tang, mang di ảnh người chết, quan tài, cờ tang đến trước “khu vực bảo vệ” với lý do khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo hoặc dưới mọi hình thức không vì mục đích mít tinh biểu dương lực lượng do cơ quan, Tổ chức chính trị - xã hội tổ chức theo quy định của pháp luật;
c) La hét hoặc dùng lời nói dung tục nhằm thóa mạ, xúc phạm lãnh đạo các cấp, các cơ quan chức năng, lực lượng đang làm nhiệm vụ; mang theo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các công cụ thô sơ khác hoặc dùng bất cứ hành vi nào khác nhằm đe dọa, hành hung người khác; đại, tiểu tiện, gây cháy nổ, ném gạch, đất, đá, cát hoặc ném bất cứ vật gì khác vào nhà, phương tiện giao thông, “khu vực bảo vệ” gây ô nhiễm môi trường, gây mất an ninh trật tự; tự ý xê dịch, tháo dỡ, phá hủy hoặc có hành vi khác gây hư hại đến các loại biển báo, biển hiệu, phương tiện, tài sản của Nhà nước và của Nhân dân hoặc tìm cách đột nhập vào bên trong “khu vực bảo vệ” dưới mọi hình thức.
2. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
1. Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong các trường hợp sau:
a) Những nơi có đặt biển khu vực cấm, địa điểm cấm; khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người;
b) Những vụ việc, tài liệu, số liệu, địa điểm, thời gian, vật, lời nói có nội dung quan trọng thuộc danh mục bí mật Nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an quy định trong phạm vi tỉnh Hậu Giang;
c) Khu vực đang xảy ra các vụ việc có ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và những vấn đề khác phải giữ bí mật cần phải cấm những người không có trách nhiệm tự ý ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
2. Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép các đối tượng khác; Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho phép cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh được ghi âm, ghi hình, chụp ảnh tại các khu vực được quy định tại Khoản 1 Điều này và sử dụng dữ liệu ghi âm, ghi hình, chụp ảnh này để phục vụ cho công tác đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và các hoạt động công vụ khác được pháp luật cho phép.
Dữ liệu ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trong các trường hợp này phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; nghiêm cấm việc tự ý cung cấp, tán phát tài liệu, dữ liệu cho những người không có trách nhiệm và trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi chưa được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Điều 8. Biển báo khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh
1. Biển báo có kích thước 80cm x 60cm, làm bằng vật liệu bền vững, chữ viết màu đen trên nền biển màu trắng; chữ viết được thể hiện bằng hai thứ tiếng Việt và Anh: Dòng trên tiếng Việt, chiều cao hàng chữ là 12 cm, dòng dưới tiếng Anh, chiều cao chữ là 10 cm (có phụ lục kèm theo).
2. Vị trí đặt biển báo
a) Biển báo “Khu vực bảo vệ” đặt cố định tại các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều 4 Quy định này; đặt tạm thời khi có yêu cầu bảo vệ tại các khu vực quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy định này. Biển báo cố định được đặt ở hai đầu vào “khu vực bảo vệ”;
b) Biển báo “Khu vực cấm tập trung đông người” đặt tạm thời tại các khu vực quy định tại Điều 5 Quy định này;
c) Biển báo “Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh” đặt cố định tại khu vực được quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 7 Quy định này, đặt tạm thời tại khu vực quy định tại Điểm b, c Khoản 1 Điều 7 Quy định này;
d) Các biển báo được đặt ở vị trí phù hợp, không bị che khuất tầm nhìn và không gây cản trở giao thông.
3. Hiệu lực biển báo được tính từ vị trí đặt biển và ghi giới hạn cụ thể trên biển tùy thuộc vào phạm vi khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; khu vực cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
1. Công an tỉnh có trách nhiệm
a) Chủ trì, tổ chức các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra tại các khu vực được xác định thuộc Điều 4, 5, 7 Quy định này theo đúng pháp luật.
b) Chủ động xây dựng phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực được xác định thuộc Điều 4, 5, 7 Quy định này để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì lập dự trù kinh phí khảo sát, lắp đặt biển báo, tổ chức thiết kế và chọn nhà thầu thi công; phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tiến hành lắp đặt các biển báo “Khu vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”; “Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh” và xây dựng nội quy và niêm yết công khai tại các khu vực, vị trí đã được xác định theo đúng quy định.
d) Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị cấp huyện làm biển báo theo đúng mẫu quy định; xây dựng nội quy bảo vệ và niêm yết công khai tại các khu vực được xác định là “Khu vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”; “Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh” tại các khu vực, vị trí đã được xác định theo đúng quy định.
2. Giao Sở Tài chính phối hợp Công an tỉnh lập dự trù kinh phí khảo sát, lắp đặt biển báo theo quy định. Kinh phí phục vụ việc triển khai lắp đặt biển cấm được sử dụng từ nguồn kinh phí được quy định tại Thông tư số 110/2013/TT-BTC ngày 14 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc công tác bảo vệ bí mật nhà nước và nguồn kinh phí khác theo đúng quy định của pháp luật.
3. Các cơ quan, đơn vị, địa phương được quy định tại Điều 4, 5, 7 có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh tổ chức đặt biển báo “Khu vực bảo vệ”; “Khu vực cấm tập trung đông người”; “Cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh” theo quy định tại Điều 8 Quy định này; xây dựng nội quy cụ thể và niêm yết công khai trước cổng trụ sở của cơ quan, đơn vị; bố trí lực lượng bảo vệ chuyên trách bảo đảm việc thực hiện nội quy trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình quản lý. Đồng thời, giải quyết những hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý bằng pháp luật trong phạm vi khu vực bảo vệ; khu vực cấm tập trung đông người; khu vực cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh xung quanh trụ sở cơ quan, đơn vị mình quản lý.
4. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể quần chúng nhân dân biết, thực hiện nghiêm túc Quy định này.
Điều 10. Điều khoản thi hành
1. Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ bí mật nhà nước tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và sơ tổng kết việc thực hiện Quy định này.
2. Quy định này được sửa đổi, bổ sung khi các văn bản có hiệu lực cao hơn quy định khác hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.