Nội dung toàn văn Quyết định 20-TTg phân cấp quản lý ngành lâm nghiệp
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 20-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 1962 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ NGÀNH LÂM NGHIỆP
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 140-CP ngày 29 tháng 09 năm 1962 của Hội đồng Chính phủ quy định quyền hạn, tổ chức và nhiệm vụ của Tổng cục Lâm nghiệp;
Theo đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và ý kiến của Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh trong phiên họp ngày 04 tháng 01 năm 1962;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. - Nhằm mục đích tăng cường sự tập trung thống nhất lãnh đạo của trung ương và đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy khả năng sáng tạo của các địa phương đối với việc phát triển ngành lâm nghiệp theo đường lối công nghiệp của Đảng và Chính phủ trước mắt là bảo đảm nhu cầu ngày càng tăng về lâm sản, đặc biệt về gỗ, phục vụ cho kế hoạch sản xuất và xây dựng của Nhà nước và nhân dân, nay quyết định phân cấp quản lý ngành lâm nghiệp theo những nguyên tắc như sau:
Ở trung ương (Tổng cục Lâm nghiệp):
a) Chỉ trực tiếp quản lý những cơ sơ lớn, có thiết bị phức tạp, những cơ sở mà sản phẩm phải phục vụ chung cho nhiều khu vực sản xuất và xây dựng của Nhà nước.
b) Những xí nghiệp có kỹ thuật, thiết bị phức tạp lúc đầu do trung ương (Tổng cục Lâm nghiệp) quản lý, về sau khi tình hình sản xuất đã ổn định và địa phương có đủ điều kiện bảo đảm được kỹ thuật thì sẽ chuyển giao dần cho địa phương quản lý.
c) Các xí nghiệp do trung ương hay địa phương quản lý đều sản xuất và cung cấp theo kế hoạch Nhà nước.
Điều 2. - Tổng cục Lâm nghiệp trực tiếp quản lý những cơ sở quy định như sau:
1. Lâm trường khai thác Chúc-a (Hà-tĩnh)
2. Lâm trường khai thác Hương-sơn (Hà-tĩnh),
3. Lâm trường khai thác Nghĩa-đàn (Nghệ-an),
4. Lâm trường khai thác Yên-cát (Thanh-hóa),
5. Lâm trường khai thác Yên-bình (Yên-bái),
6. Lâm trường khai thác Cao-bình (Tuyên-quang),
7. Lâm trường khai thác Chạm-chu (Tuyên-quang),
Điều 3. – Đối với những xí nghiệp trên, Tổng cục Lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về mọi mặt: kế hoạch, kỹ thuật, tài vụ, tổ chức, lao động tiền lương…
Khi lập kế hoạch thì xí nghiệp phải tranh thủ ý kiến của Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh để giúp đỡ xí nghiệp xây dựng kế hoạch. Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch do Tổng cục Lâm nghiệp đã giao cho các xí nghiệp trực thuộc, Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ chung của Nhà nước và của địa phương.
Ủy ban hành chính có trách nhiệm giải quyết cho các xí nghiệp này những yêu cầu về nhân lực, về phương tiện sẵn có v.v… ở địa phương đồng thời giám đốc và lãnh đạo về các mặt: chính trị, tư tưởng của cán bộ, công nhân, viên chức và bảo đảm an toàn sản xuất của các xí nghiệp. Các xí nghiệp có trách nhiệm thường kỳ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch và tình hình về chính trị, tư tưởng của cán bộ, công nhân, viên chức lên Tổng cục Lâm nghiệp đồng thời gửi cho Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh.
Điều 4. – Ngoài các xí nghiệp có tên ghi ở điều 2, các xí nghiệp, công trường, lâm trường khác thuộc ngành lâm nghiệp đều phân cấp quản lý cho các Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh.
Đối với các xí nghiệp, công trường của địa phương, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh (thông qua các Ty Lâm nghiệp) có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về mọi mặt: kế hoạch tài vụ, lao động tiền lương, tổ chức biên chế…, bảo đảm chỉ tiêu lâm sản chính cung cấp cho trung ương đúng kỳ hạn bảo đảm số lượng và chất lượng.
Hàng năm Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng kế hoạch về những sản phẩm chính phục vụ cho nhu cầu của Nhà nước (gỗ, tre, nứa, lá…), các địa phương có trách nhiệm đề ra nhu cầu xây dựng các công trình địa phương và của nhân dân, tổng hợp báo cáo lên Tổng cục Lâm nghiệp. Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm tổng hợp chung các nhu cầu của trung ương, địa phương, và nhân dân báo cáo lên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cân đối ghi vào kế hoạch và trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn cùng với các chỉ tiêu khác.
Khi cần điều chỉnh kế hoạch, địa phương có thể đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp điều chỉnh chỉ tiêu thuộc nhu cầu của địa phương và của nhân dân. Đối với chỉ tiêu của trung ương, nếu xét thấy cần phải điều chỉnh, thì Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm đề nghị lên Hội đồng Chính phủ quyết định.
Đối với các xí nghiệp, công ty… thuộc địa phương, Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo về mặt kỹ thuật, quy cách, phẩm chất theo yêu cầu quy phạm kỹ thuật của Nhà nước, hướng dẫn việc nghiên cứu phát triển các loại lâm sản mới, phổ biến kinh nghiệm, đào tạo và quản lý cán bộ theo chế độ chung và hiện hành của Nhà nước giúp đỡ các địa phương trong việc chỉ đạo các mặt khác…
Điều 5. – Đối với các cơ sở trực thuộc địa phương các Ủy ban hành chính có trách nhiệm giải quyết các loại vốn. Để đáp ứng yêu cầu củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất ở địa phương, việc lập dự toán về vốn kiến thiết cơ bản do Ủy ban hành chính địa phương xây dựng có sự tham gia ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp.
Điều 6. - Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu giá thành sản xuất, giá khoán sản phẩm, giá bán buôn, giá bán lẻ ở các địa điểm khai thác sản xuất tập trung và các thị trường chính trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn. Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh căn cứ vào giá chỉ đạo của trung ương mà quy định giá cả cho thích hợp từng nơi, từng vùng của địa phương mình.
Tiền bán khoán lâm sản và lãi thì Bộ Tài chính cùng Tổng cục Lâm nghiệp nghiên cứu có đề án trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn, dành lại cho địa phương một tỷ lệ thích đáng.
Điều 7. – Quyết định này bắt đầu thi hành từ ngày ban hành. Ông Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh chiếu quyết định thi hành.
| K.T.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |