Nội dung toàn văn Quyết định 2030/QĐ-BKHCN mục tiêu, nội dung Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước 2006-2010 phát triển xã hội tiến trình đổi mới Việt Nam
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2030/QĐ-BKHCN | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010: “QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM”
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 67/2006/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006-2010;
Căn cứ Quyết định số 1870/2006/QĐ-BKHCN ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Danh mục các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của các Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Vụ Xã hội và Tự nhiên và Vụ Kế hoạch - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010: “Quản lý phát triển xã hội trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam”. Mã số: KX.02/06-10 (Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Ban chủ nhiệm KX.02/06-10, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010: “QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM” MÃ SỐ: KX.02/06-10
(Kèm theo Quyết định số 2030 /QĐ-BKHCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. MỤC TIÊU
1. Xây dựng cơ sở lý luận về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
2. Đánh giá thực trạng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hơn 20 năm đổi mới; dự báo sự phát triển xã hội Việt Nam đến năm 2020.
3. Cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, đề xuất giải pháp và khung chính sách quản lý phát triển xã hội Việt Nam đến năm 2020.
II. NỘI DUNG
1. Nghiên cứu các lý thuyết cơ bản về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Kinh nghiệm của thế giới, đặc biệt là của các nước trong khu vực về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội; bài học rút ra cho Việt Nam.
2. Nghiên cứu tác động của các yếu tố toàn cầu hoá, cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế thị trường... tác động đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội .
3. Nghiên cứu những nội dung chủ yếu về phát triển xã hội và quản lý xã hội:
a) Thực trạng và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội; các nhóm lợi ích; các nhóm xã hội yếu thế.
b) Phân hoá xã hội và vấn đề xoá đói giảm nghèo; xung đột xã hội và đồng thuận xã hội.
c) Hệ thống an sinh xã hội và chính sách an sinh xã hội; xu hướng, mô hình hệ thống các dịch vụ xã hội trong quản lý phát triển xã hội.
d) Các quan hệ, tác động của vấn đề dân tộc và tôn giáo trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
đ) Quản lý xã hội trong quá trình đô thị hoá, di động xã hội và giải quyết việc làm.
e) Vấn đề tham nhũng, tội phạm và tệ nạn xã hội trong quản lý phát triển xã hội.
g) Thiết chế xã hội trong tiến trình dân chủ hoá và xây dựng nhà nước pháp quyền (xã hội dân sự, các tổ chức xã hội, gia đình).
h) Các quan hệ, tác động của các chính sách phát triển con người Việt Nam trong giáo dục, y tế, môi trường nhân văn tới quản lý xã hội.
i) Tác động của vấn đề giới đến phát triển xã hội, quản lý xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp háa, hiện đại hoá.
4. Xây dựng luận cứ khoa học cho việc đổi mới và hình thành quan điểm cơ bản về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam. Nghiên cứu và đề xuất giải pháp, khung chính sách, mô hình và cơ chế quản lý phát triển xã hội của Việt Nam.
III. DỰ KIẾN CÁC SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH (TRONG ĐÓ CÓ CHỈ TIÊU CỤ THỂ)
1. Hệ thống các lý thuyết, quan điểm cơ bản và luận cứ khoa học về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng.
2. Những kết luận và đánh giá về thực trạng phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam trong 20 năm qua.
3. Những kết quả dự báo, đề xuất về khung chính sách và các giải pháp đột phá về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội đến năm 2020.
4. Những luận cứ khoa học và đề xuất về mô hình, chính sách, cơ chế quản lý phát triển xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
5. Các kết quả nghiên cứu được xuất bản, công bố; kết quả đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ.
IV. CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH
1. Chỉ tiêu về trình độ khoa học: 100% số đề tài có kết quả được xuất bản thành sách và được công bố trên các tạp chí khoa học và công nghệ chuyên ngành có uy tín trong nước hoặc quốc tế, trong đó tỷ lệ công bố quốc tế đạt ít nhất 20%.
2. Chỉ tiêu về đào tạo: 70% số đề tài đào tạo được hoặc đang đào tạo ít nhất 1 tiến sỹ và 1 hoặc nhiều thạc sỹ, cử nhân.
3. Chỉ tiêu về cơ cấu nhiệm vụ khi kết thúc chương trình:
- 30% số đề tài nghiên cứu có kết quả đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
- 20% số đề tài có kết quả góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn chỉnh cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương.
- 50% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng, đóng góp cho việc phát triển các lĩnh vực KHXH&NV.