Nội dung toàn văn Quyết định 2031/QĐ-BKHCN mục tiêu, nội dung Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước 2006-2010 xây dựng con người,văn hóa hội nhập quốc tế
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2031/QĐ-BKHCN | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010: “XÂY DỰNG CON NGƯỜI VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ.”
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 67/2006/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 5 năm 2006-2010;
Căn cứ Quyết định số 1870/2006/QĐ-BKHCN ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Danh mục các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của các Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Vụ Xã hội và Tự nhiên và Vụ Kế hoạch - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2006-2010: “Xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”. Mã số: KX.03/06-10 (Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Ban chủ nhiệm KX.03/06-10, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010: “XÂY DỰNG CON NGƯỜI VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ” MÃ SỐ: KX.03/06-10
(Kèm theo Quyết định số 2031 /QĐ-BKHCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. MỤC TIÊU
1. Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
2. Đánh giá thực trạng quá trình xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới; phân tích nguyên nhân; dự báo các xu hướng biến đổi và phát triển; định hướng xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực nhân cách văn hoá của cá nhân, nhóm xã hội và các tầng lớp dân cư.
3. Đề xuất hệ quan điểm, các chính sách, giải pháp và bước đi để xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, nhằm tạo ra động lực và sức bật mới trong phát triển kinh tế - xã hội, để cho các chuẩn mực, giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người.
II. NỘI DUNG
1. Đúc kết những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần bảo tồn và phát huy; phân tích những hạn chế, thiếu hụt, yếu kém cần khắc phục và bổ sung để đáp ứng yêu cầu xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
2. Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng con người và phát triển văn hoá của một số nước chọn lọc trong khu vực và thế giới; những yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển nguồn nhân lực và xây dựng nhân cách văn hoá của con người Việt Nam trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.
3. Nghiên cứu những tác nhân và sự biến đổi hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống, nếp sống,.. trong đời sống văn hoá gia đình, nhóm xã hội, các tầng lớp dân cư trong nước, cộng đồng tộc người, cộng đồng tôn giáo ở các vùng miền và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
4. Nghiên cứu đặc điểm và những phẩm chất văn hoá tốt đẹp của các nhóm xã hội tiêu biểu (cán bộ lãnh đạo - quản lý, doanh nhân, nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hoá nghệ thuật,....). Phân tích những hiện tượng phi văn hoá, phản văn hoá trong đời sống xã hội nước ta hiện nay, những tác động tiêu cực của nó đến quá trình phát triển. Xây dựng hệ giá trị và chuẩn mực nhân cách văn hoá của đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý, đội ngũ nhà giáo, thầy thuốc, nhà khoa học, nhà hoạt động văn hoá nghệ thuật, doanh nhân, công dân, v.v..
5. Xác lập hệ quan điểm cơ bản, các chính sách, giải pháp và bước đi về xây dựng con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ở hai thập niên đầu thế kỷ XXI trên cơ sở vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa văn hoá nhân loại.
III. DỰ KIẾN CÁC SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Các đề xuất hệ về hệ quan điểm, chính sách, giải pháp và bước đi để xây dựng nhân cách văn hoá của con người và phát triển văn hoá Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
2. Một số mô hình cụ thể được đề xuất (thể chế hoá kết quả nghiên cứu) về quản lý, đào tạo và nâng cao nhận thức nhằm xây dựng con người và phát triển văn hoá ở một số Bộ ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo v.v...
3. Các kết quả nghiên cứu được công bố, phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng; các công trình nghiên cứu được xuất bản; các kết quả về đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ.
IV. CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH
1. Chỉ tiêu về trình độ khoa học: 100% số đề tài có kết quả được xuất bản thành sách và được công bố trên các tạp chí khoa học và công nghệ chuyên ngành có uy tín trong nước hoặc quốc tế, trong đó tỷ lệ công bố quốc tế không thấp hơn 20%.
2. Chỉ tiêu về đào tạo: 70% số đề tài đào tạo được hoặc đang đào tạo ít nhất 1 tiến sỹ và 1 thạc sỹ.
3. Chỉ tiêu về cơ cấu nhiệm vụ khi kết thúc chương trình:
- 30% số đề tài nghiên cứu có kết quả đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
- 20% số đề tài có kết quả góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới và hoàn chỉnh cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương.
- 50% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức chính trị - tư tưởng, đóng góp cho việc phát triển các lĩnh vực KHXH&NV.