Nội dung toàn văn Quyết định 2042/QĐ-UBND 2018 tăng cường quản lý môi trường cơ sở Bắc Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2042/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG CẤP CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG, GIAI ĐOẠN 2019-2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 10/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 139-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Kế hoạch số 242/KH-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 139-NQ/TU ngày 01/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1078/TTr-TNMT ngày 25/12/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2019-2025, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
- Tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp cơ sở đảm bảo thực hiện có hiệu quả trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;
- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường cấp cơ sở bảo đảm tính hài hòa về cơ cấu, cân đối theo đặc thù vùng, miền và gắn liền với yêu cầu của công việc theo tinh thần cải cách hành chính.
- Phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp cơ sở.
- Việc thực hiện cần có bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện trong từng giai đoạn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và khả thi.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường năng lực quản lý môi trường cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp cho cán bộ môi trường cấp xã. Đến năm 2020, 100% cán bộ chuyên trách cấp xã, công chức phụ trách công tác môi trường cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Đến năm 2025, 100% công chức phụ trách môi trường tại các phường, thị trấn và các xã có các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được bồi dưỡng chuyên sâu về các lĩnh vực: xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, hòa giải tranh chấp về môi trường trên địa bàn, quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường.
- Rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ công chức cấp xã, phấn đấu đến năm 2022, 100% UBND cấp xã có công chức phụ trách hoặc kiêm nhiệm công tác môi trường.
3. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện
3.1. Thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức cán bộ
- Rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ công chức theo hướng giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho 01 công chức trong số công chức hiện có kiêm nhiệm tại cấp xã chưa bố trí cán bộ phụ trách môi trường; thực hiện chế độ phụ cấp đối với công chức kiêm nhiệm theo quy định hiện hành.
- Thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn bổ nhiệm và luân chuyển công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý môi trường cấp xã.
- Phát hiện, lựa chọn những cán bộ trẻ có trình độ năng lực, tâm huyết với ngành để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tinh thông lĩnh vực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Đánh giá, sử dụng cán bộ làm công tác quản lý môi trường đảm bảo khách quan, khoa học và công tâm, lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá năng lực cán bộ; xây dựng cơ chế đề cao và khuyến khích cán bộ tự học, rèn luyện, nâng cao trình độ.
3.2. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
- Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ môi trường cấp cơ sở; trong đó tập trung hướng dẫn thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ thực tiễn, giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương; đề cao phương pháp tập huấn xử lý tình huống thực tế, tập trung những vướng mắc, tồn tại của từng địa phương, tránh chung chung, hình thức.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp cơ sở đối với các lĩnh vực: xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra; quản lý môi trường đất, nước, không khí; tổ chức hòa giải tranh chấp về môi trường trên địa bàn. Quan tâm đào tạo, rèn luyện và cập nhật kiến thức kỹ năng quản lý, kỹ năng nghiệp vụ hành chính, kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp.
- Tổ chức biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đảm bảo không trùng lặp, có kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn. Thực hiện quy trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ một cách khoa học, đồng bộ từ xác định nhu cầu đến biên soạn chương trình, tài liệu, xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đánh giá, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, tài liệu.
3.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường
Hàng năm xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung các nội dung về phân loại, thu gom, xử lý rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa dùng một lần.
3.4. Hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành về bảo vệ môi trường cấp cơ sở
- Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cấp cơ sở.
- Xây dựng khung kế hoạch công tác bảo vệ môi trường cho UBND cấp xã.
- Hướng dẫn UBND cấp xã đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm.
- Hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện công khai thông tin về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với cộng đồng dân cư.
- Hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; tổ chức hòa giải tranh chấp về môi trường trên địa bàn.
3.5. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền cấp cơ sở với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn
Tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện công tác bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cấp xã, các phương tiện truyền thông và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.
3.6. Huy động nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường
- Xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích các nguồn lực trong cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
- Xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường với sự tham gia của người dân. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản về môi trường.
3.7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở cơ sở
Hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với UBND cấp xã theo quy định.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện của các ngành, địa phương, đơn vị báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (trước 30/11 hàng năm).
- Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án và phối hợp với Sở Tài chính trong quá trình tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách để thực hiện Đề án.
4.2. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện trong việc theo dõi việc sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ cho công tác bảo vệ môi trường cấp xã trên địa bàn tỉnh theo quy định.
4.3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định kinh phí, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án.
4.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo quy định.
4.5. Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
4.6. UBND cấp huyện
- Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công của Đề án; bố trí, đảm bảo kinh phí để thực hiện Đề án theo quy định.
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án đối với UBND cấp xã; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/11 hàng năm).
4.7. UBND cấp xã
- Nghiên cứu, thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với UBND cấp xã tại khoản 3 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
- Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công của Đề án; bố trí, đảm bảo kinh phí để thực hiện các nội dung của Đề án theo quy định, Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND cấp huyện trước ngày 01/11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
(có Đề án chi tiết kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Giang; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT. CHỦ TỊCH |