Nội dung toàn văn Quyết định 2083/QĐ-UBND đào tạo bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới Khánh Hòa 2016 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2083/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 20 tháng 07 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của liên bộ: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 4044/QĐ-BNN-VPĐP ngày 12/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 1448/TTr-SNN ngày 11/07/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Chánh Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2083/QĐ-UBND ngày 20 tháng 07 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
I. MỤC TIÊU
- Mục tiêu chung: Nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi của cán bộ xây dựng nông thôn mới ở các cấp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở có đủ năng lực để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới.
- Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, có 100% cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp được đào tạo, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới, có khả năng tham mưu, tổ chức thực hiện các nội dung thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phù hợp với vị trí công tác được giao.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
1. Đối tượng
a) Cấp huyện
Trưởng, Phó và các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện; cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện; cán bộ của các phòng, ban có liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới.
b) Cấp xã
- Cán bộ, công chức xã theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ; cán bộ Đảng, đoàn thể; cán bộ được cấp trên tăng cường về xã; cán bộ nguồn trong diện qui hoạch của xã;
- Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban giám sát cộng đồng; cán bộ thôn (Bí thư Chi bộ thôn, trưởng thôn, thành viên Ban phát triển thôn).
2. Nội dung và thời gian đào tạo, bồi dưỡng
Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng thực hiện theo Chương trình khung được ban hành tại phụ lục I và phụ lục II Quyết định số 4044/QĐ-BNN-VPĐP ngày 12/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
3. Kinh phí thực hiện
Từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh) được bố trí hàng năm để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
4. Kế hoạch thực hiện
a) Phân cấp đào tạo, bồi dưỡng
- Cấp tỉnh: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp huyện và một số lớp điểm cho cán bộ cấp xã; được tổ chức tại thành phố Nha Trang.
- Cấp huyện: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp xã, thôn; được tổ chức tại địa bàn cấp huyện.
Số lượng học viên được đào tạo tại tỉnh, huyện do cấp tỉnh, huyện tổ chức có thể trong từng địa phương hoặc kết hợp các địa phương với nhau nhằm đảm bảo số lượng học viên cơ bản của một lớp.
b) Dự kiến số lượng lớp học, số học viên, kinh phí thực hiện và phân cấp đào tạo giai đoạn 2016 -2020 như sau:
Phân cấp đào tạo | Năm thực hiện | Số lớp | Số học viên | Kinh phí |
Cấp tỉnh | 2016 | 11 | 550 | 581 |
2017 | 11 | 550 | 581 | |
2018 | 11 | 550 | 581 | |
2019 | 11 | 550 | 581 | |
2020 | 11 | 550 | 581 | |
Cấp huyện | 2016 | 28 | 1.401 | 752 |
2017 | 28 | 1.401 | 752 | |
2018 | 25 | 1.263 | 663 | |
2019 | 24 | 1.212 | 632 | |
2020 | 23 | 1.165 | 602 | |
Tổng cộng |
| 183 | 9.192 | 6.306 |
(Bằng chữ: Sáu tỷ ba trăm lẻ sáu triệu đồng)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở Tài chính hàng năm cân đối từ nguồn ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh phân bổ cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện kế hoạch này.
2. Sau khi nhận được kinh phí phân bổ từ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện thị xã, thành phố phân bổ về cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các Văn phòng Điều phối nông thôn mới các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm theo dõi chỉ đạo quá trình đào tạo, bồi dưỡng do các Văn phòng Điều phối các cấp triển khai thực hiện.
3. Các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh để thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng này./.