Nội dung toàn văn Quyết định 21/2019/QĐ-UBND tiêu chí xác định hồ sơ xử phạt vi phạm có nội dung phức tạp Hà Tĩnh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2019/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 4 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ, THẨM QUYỀN, CÁCH THỨC XÁC ĐỊNH HỒ SƠ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH CÓ NỘI DUNG PHỨC TẠP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013;
Căn cứ Thông tư số 19/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị quyết số 63/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quy định mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nội dung chi và mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Văn bản số 167/TTr-STP ngày 08/4/2019.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định tiêu chí, thẩm quyền và cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp trên địa bàn tỉnh để áp dụng mức chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 3 Nghị quyết số 63/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quy định mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nội dung chi và mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Ủy ban nhân dân các cấp; các sở, ban, ngành cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Điều 3. Tiêu chí, thẩm quyền, cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp
1. Các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được coi là phức tạp phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
a) Hồ sơ cần xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, kiểm tra, đánh giá, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không thuộc trường hợp giải trình;
b) Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Khoản 1, Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
c) Hồ sơ phải xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt;
d) Hồ sơ xử phạt có văn bản, tài liệu mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn;
đ) Hồ sơ có đối tượng bị xử phạt là cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh;
e) Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính;
g) Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức khác;
h) Hồ sơ do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết nhưng sau đó chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính;
i) Hồ sơ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều chủ thể (từ 02 ngành, lĩnh vực, chủ thể quản lý trở lên).
2. Thẩm quyền xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp:
Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp khi thực hiện kiểm tra, đánh giá hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền có trách nhiệm xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được coi là phức tạp.
3. Cách thức xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp:
a) Người có thẩm quyền được quy định tại Khoản 2 Điều này giao cho người có năng lực trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính tiến hành kiểm tra các hồ sơ và xác định hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp theo các tiêu chí được quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Người tiến hành kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm lập danh mục đề nghị người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này xác nhận hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp để làm cơ sở thanh toán chi hỗ trợ;
c) Lập hồ sơ thanh toán chi hỗ trợ và mức chi theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 63/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quy định mức phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật; nội dung chi và mức chi cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
Điều 4. Kinh phí thực hiện
Kinh phí chi hỗ trợ công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2019.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |