Nội dung toàn văn Quyết định 2134/QĐ-UBND 2013 Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến 2020 Bình Phước
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2134/QĐ-UBND | Bình Phước, ngày 08 tháng 11 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI "CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÝ LỊCH TƯ PHÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; Quyết định số 1713/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng về hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 213/TTr-STP ngày 25/10/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030" trên địa bàn tỉnh Bình Phước kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI "CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÝ LỊCH TƯ PHÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2134/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước)
Luật Lý lịch tư pháp được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Sự ra đời của Luật Lý lịch tư pháp và tiếp sau là các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này đã tạo thành hành lang pháp lý quan trọng, đầy đủ để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từng bước vững chắc theo đúng nguyên tắc của hoạt động lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và lâu dài; gắn việc quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Ngày 19 tháng 02 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030"; trên cơ sở đó, ngày 05 tháng 7 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Việc triển khai và thực hiện kế hoạch tổng thể của chiến lược này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Sở Tư pháp với các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Quốc Phòng, Thi hành án dân sự…trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Chủ tịch UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch triển khai "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030" trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thực hiện có hiệu quả mục tiêu của "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030" được Ban hành theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1713/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 của Bộ Tư pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
- Xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các hoạt động để triển khai thực hiện Chiến lược, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược;
- Phát triển lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước, trên cơ sở thiết lập, tăng cường cơ chế phối hợp đồng bộ, toàn diện giữa các cơ quan có liên quan như Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự…trong việc tra cứu, trao đổi, cung cấp thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu tốt nhất của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời phát huy vai trò của lý lịch tư pháp theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng hình sự.
2. Yêu cầu
- Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời những nội dung đã được quy định trong Chiến lược;
- Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phải bảo đảm khả thi, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu của Chiến lược;
- Các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có liên quan nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mình đồng thời bảo đảm phối hợp có hiệu quả với Sở Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Chiến lược.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Giai đoạn 2013 - 2015
- Thiết lập, tăng cường và hoàn thiện mối quan hệ phối hợp với các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự, các cơ quan có liên quan khác…trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin với Sở Tư pháp để phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc rà soát và sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp thực hiện Luật Lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh được Ban hành kèm theo Quyết định số 2087/QĐ-UBND ngày 13/9/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh để đảm bảo thống nhất với những quy định của Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Hàng năm, Sở Tư pháp chủ trì tổ chức các cuộc họp liên ngành giữa Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan khác nhằm tăng cường công tác phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự, Công an trên địa bàn tỉnh tiếp tục cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người bị Tòa án kết án trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 và có từ ngày 01 tháng 7 năm 2010 bằng đường công văn hoặc trực tiếp, đảm bảo giai đoạn 2013-2015 các thông tin lý lịch tư pháp phải được cung cấp đầy đủ 100% cho cơ quan quản lý để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
- Đẩy mạnh việc khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và sử dụng có hiệu quả việc khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp để phục vụ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Triển khai cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và Sở Tư pháp, bảo đảm từ năm 2013-2015 trên 50% thông tin lý lịch tư pháp chính thức được trao đổi giữa Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và Sở Tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử.
- Thiết lập cơ chế cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức có liên quan qua hệ thống mạng; đảm bảo từ năm 2014 - 2015 trên 50% thông tin lý lịch tư pháp được trao đổi, cung cấp qua hệ thống mạng.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về lý lịch tư pháp nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò của công tác lý lịch tư pháp; biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp;
- Đảm bảo bố trí đủ biên chế làm công tác lý lịch tư pháp, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động lý lịch tư pháp. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp nhằm đáp ứng những yêu cầu do chiến lược đề ra;
- Đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện làm việc, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng văn bản giấy và dữ liệu điện tử tại Sở Tư pháp; đầu tư cơ sở, vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan như Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự để phục vụ việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp qua hệ thống mạng.
2. Giai đoạn 2016-2020
- Tiếp tục tăng cường mối quan hệ chặt chẽ, cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức có liên quan khác trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
- Thiết lập cơ chế cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử giữa Sở Tư pháp và cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự qua hệ thống mạng, đảm bảo 90% thông tin lý lịch tư pháp được trao đổi dưới dạng điện tử;
- Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp chuyên nghiệp, đảm bảo 95% công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp tại các cơ quan có liên quan.
3. Định hướng năm 2030
- Cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương nhằm thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên cơ sở tra cứu thông tin từ cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia qua hệ thống mạng trực tuyến.
- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh, bảo đảm thực hiện xây dựng, tổ chức cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Chuyên nghiệp hóa trong việc trao đổi, tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp, đưa công tác này vào nề nếp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh; xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền như sách hỏi đáp pháp luật, cẩm nang nghiệp vụ…; chủ trì tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan khác trong việc phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp; tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Tư pháp.
2. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu đề xuất bổ sung biên chế làm công tác lý lịch tư pháp bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.
3. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp hàng năm xây dựng dự toán kinh phí trình UBND tỉnh bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở, vật chất, kỹ thuật cho Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; bố trí kinh phí cho các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Thi hành án dân sự, Công an phục vụ việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp theo từng giai đoạn của Kế hoạch.
4. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu thiết lập cơ chế cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự qua hệ thống mạng.
5. Cơ quan Tòa án, Công an, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự, các cơ quan có liên quan khác trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược. Tiếp tục trao đổi, tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật./.