Quyết định 214/2005/QĐ-TTg

quyết định 214/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển thị trường công nghệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Nội dung toàn văn quyết định 214/2005/QĐ-TTg đề án phát triển thị trường công nghệ


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 214/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 188/2002/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về khoa học và công nghệ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Đề án Phát triển thị trường công nghệ" với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Xây dựng và hoàn thiện các thể chế cơ bản của thị trường công nghệ, môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2. Thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

3. Tăng nhanh số lượng và chất lượng các giao dịch mua bán công nghệ; phấn đấu mức tăng trưởng giá trị giao dịch mua bán công nghệ đạt bình quân 10% mỗi năm trong giai đoạn 2006 - 2010.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2010

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và hệ thống văn bản hướng dẫn Luật.

2. Hoàn thành cơ bản việc chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ của nhà nước có sản phẩm gắn với thị trường sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

3. Ban hành quy định về sở hữu, quản lý và khai thác thương mại tài sản trí tuệ được tạo ra từ kinh phí nhà nước theo hướng khuyến khích mạnh mẽ về lợi ích vật chất và tinh thần cho các tổ chức, cá nhân tạo ra, chuyển giao, áp dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả cao.

4. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, quản lý tài sản trí tuệ.

5. Hình thành và đưa vào hoạt động một số trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động mua bán, chuyển giao công nghệ ở trung ương và địa phương, bao gồm: 2 trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; một số trung tâm đánh giá, thẩm định, giám định, định giá công nghệ độc lập; một số trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại các khu vực tập trung cơ sở đào tạo và nghiên cứu và ở các khu công nghệ cao. Đồng thời thúc đẩy phát triển mạng lưới các tổ chức tư vấn, môi giới, xúc tiến mua bán, chuyển giao công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế.

III. GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển thị trường công nghệ.

a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần thiết cho thị trường công nghệ vận hành.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đảm bảo lợi ích quốc gia, đáp ứng yêu cầu của những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, xúc tiến hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ và các chế định trong các lĩnh vực liên quan khác hỗ trợ cho hoạt động mua bán công nghệ.

b) Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.

Hoàn thiện các quy định về thực thi trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật; nâng cao hiểu biết và năng lực của cán bộ trong việc phát hiện vi phạm và giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, thực hiện bảo vệ có hiệu quả quyền lợi thực tế của các cá nhân, tổ chức đối với tài sản trí tuệ được pháp luật công nhận.

Nâng cao nhận thức pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng khoa học và công nghệ và khu vực doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học; xây dựng chương trình bổ túc về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho cán bộ ở các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các cơ quan thực thi pháp luật. Tăng cường đào tạo luật sư về sở hữu trí tuệ.

Bổ sung chức năng quản lý phát triển thị trường công nghệ cho các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ ở cấp Bộ, ngành và địa phương.

2. Nhóm giải pháp kích cầu công nghệ

a) Xây dựng môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Hoàn thiện môi trường kinh tế vĩ mô tạo thuận lợi và động lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư đổi mới công nghệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; đẩy nhanh sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; chủ động hội nhập quốc tế và khu vực. Phát triển các thị trường tài chính, lao động, bất động sản và các thị trường khác, tạo sự đồng bộ và liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thị trường này trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

b) Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Rà soát để sửa đổi, bãi bỏ các quy định cản trở doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới công nghệ; ban hành mới các hướng dẫn cụ thể, minh bạch, dễ áp dụng và thực hiện nguyên tắc một cửa trong xét duyệt ưu đãi cho các hoạt động đổi mới công nghệ. Quy định đầu tư cho đổi mới công nghệ là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế phối hợp, đối thoại giữa các cơ quan nhà nước các cấp với tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện và giải quyết các vướng mắc trong thực thi chính sách ưu đãi, khuyến khích hoạt động đổi mới công nghệ.

Có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển năng lực công nghệ, cụ thể: xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực về nghiên cứu và phát triển, thiết kế và quản lý công nghệ; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động dạy nghề; sử dụng nguồn tài trợ chính thức của quốc tế (ODA) vào việc đào tạo kỹ năng công nghệ cho các ngành công nghiệp, chú trọng các dự án đầu tư có ý nghĩa chiến lược; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Khuyến khích doanh nghiệp thành lập các quỹ phát triển khoa học và công nghệ để chủ động thực hiện nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ. Doanh nghiệp được hạch toán khoản đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ vào chi phí sản xuất hợp lý và được áp dụng mức hạch toán cao hơn đối với lĩnh vực công nghệ cao.

Phát triển mạng lưới khuyến công với sự tham gia tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp, các trung tâm chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ ở địa phương nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao ý thức quản lý công nghệ, học hỏi công nghệ ở doanh nghiệp; tổng kết, phổ biến những bài học, kinh nghiệm, cách làm tốt về quản lý công nghệ; phát hiện và đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế về công nghệ mang tính ngành, liên ngành.

Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thành lập bộ phận nghiên cứu và đổi mới công nghệ, sử dụng dịch vụ của các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm ươm tạo công nghệ, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ để tiến hành đổi mới công nghệ.

c) Phát triển nhu cầu công nghệ trong nông nghiệp và nông thôn.

Nhà nước hỗ trợ các hoạt động xúc tiến và phát triển thị trường nông sản trong nước và ở nước ngoài, khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hoá dựa trên công nghệ với quy mô đủ lớn tại những địa bàn có điều kiện phù hợp.

Có chính sách hỗ trợ nông dân về thông tin, đào tạo và kinh phí cho ứng dụng công nghệ, đặc biệt đối với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông trong công tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho nông nghiệp và nông thôn.

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp và nông dân để phát triển, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối để thực hiện các liên kết này tại địa phương.

3. Nhóm giải pháp thúc đẩy cung công nghệ

a) Phát triển nguồn cung công nghệ trong nước.

- Tạo động lực mạnh mẽ cho các tổ chức, cá nhân tạo ra và thương mại hóa công nghệ có giá trị thực tiễn:

Quy định rõ trách nhiệm đối với các cơ quan chuyển giao và nhận chuyển giao đối với kết quả nghiên cứu phục vụ công ích; có chế độ khen thưởng thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Chuyển mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ gắn với thị trường:

Đổi mới phương thức xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước theo hướng gắn việc hình thành nhiệm vụ khoa học và công nghệ với nhu cầu thực tiễn, với thị trường. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đặt hàng với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài và tham gia đề xuất, tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước.

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập để phát huy tính năng động của các tổ chức này trong nền kinh tế thị trường. Chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ của Nhà nước có sản phẩm gắn với thị trường sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức này trong quá trình chuyển đổi. Khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học thành lập hoặc liên doanh, liên kết với các tổ chức trong nước, nước ngoài để thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; có chính sách khuyến khích đầu tư đặc biệt về cơ sở hạ tầng, thuế, sử dụng đất đai đối với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao.

- Đổi mới chính sách đầu tư cho khoa học và công nghệ:

Tập trung đầu tư có chọn lọc để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực cho một số hướng công nghệ trọng điểm, có tác dụng lớn đối với việc hiện đại hoá các ngành kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo điều kiện phát triển các ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu đầu tư của Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng tăng tỷ lệ đầu tư cho các hoạt động phát triển và hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nghiên cứu nhu cầu công nghệ và tiếp thị công nghệ. Hỗ trợ kinh phí cho các dự án chuyển giao công nghệ quốc phòng cho mục đích dân sự theo nhu cầu của thị trường.

Hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, ngành, tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân, đồng thời, vận hành có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. Xây dựng các quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ.

Hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ.Tổ chức tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân khác phát triển, xác lập quyền sở hữu, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ ở trong nước và ở nước ngoài. Quy định rõ trách nhiệm quản lý tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới và chuyển giao công nghệ ở địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, có sự điều phối, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Lồng ghép các chương trình đổi mới công nghệ, các chương trình khoa học và công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế chuyển giao, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, thành phố.

b) Tăng cường hợp tác công nghệ với nước ngoài

Xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ theo hướng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn lao động và bảo vệ môi trường; khuyến khích nhập công nghệ gắn với làm chủ và nội địa hoá công nghệ trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, trên cơ sở liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hỗ trợ các khoản chi phí liên quan tới quyền khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp, phí chuyển giao công nghệ, chi phí đào tạo cán bộ, chi phí thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài.

Khuyến khích thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ liên kết giữa các công ty nước ngoài với công ty và các tổ chức nghiên cứu - đào tạo của Việt Nam. Xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư đặc biệt để thu hút các công ty đa quốc gia có công nghệ nguồn, công nghệ cao đầu tư và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; khuyến khích công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam trong các hợp đồng liên doanh và hợp tác kinh doanh; có cơ chế thu hút chuyên gia giỏi trong nước và nước ngoài làm việc chuyên môn, quản lý trong các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp tại Việt Nam.

c) Tăng cường cung cấp các kỹ thuật tiến bộ, giống mới cho khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Đa dạng hoá và hoàn thiện các kênh chuyển giao công nghệ cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, thông qua các chương trình hỗ trợ khoa học và công nghệ và các chương trình kinh tế - xã hội khác. Tổ chức các điểm giao dịch công nghệ thường xuyên ở quy mô vùng, tỉnh tại những địa bàn có nhu cầu và điều kiện phù hợp.

Phát triển chuỗi liên kết doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học nhằm giải quyết đầu vào - đầu ra trong sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phát triển các loại hình khu nông nghiệp công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư.

Huy động các nguồn tài chính, trong đó có kinh phí khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với các vùng nông thôn kém phát triển, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tiếp tục hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ miễn phí, hỗ trợ một phần hoặc toàn phần hoạt động thông tin, đào tạo, khuyến nông phục vụ cho nông dân nghèo.

4. Nhóm giải pháp phát triển các loại hình dịch vụ, xúc tiến mua bán công nghệ

a) Hình thành và phát triển các tổ chức xúc tiến mua bán công nghệ.

Trong giai đoạn trước mắt, Nhà nước hỗ trợ việc tổ chức chợ công nghệ - thiết bị định kỳ ở quy mô cả nước; khuyến khích tổ chức các hoạt động này ở quy mô địa phương. Tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, các Sở Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai thực hiện các hợp đồng mua bán công nghệ sau ký kết. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quy chế về chợ công nghệ - thiết bị.

Thành lập và đưa vào hoạt động hai trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm: cung cấp cơ sở hạ tầng cho các tổ chức dịch vụ hỗ trợ mua bán công nghệ, kể cả các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho các bên tham gia thị trường tìm hiểu thông tin, tiến hành đàm phán, mua bán công nghệ; tổ chức các cuộc triển lãm, giới thiệu, trình diễn công nghệ; xây dựng các cơ sở dữ liệu về công nghệ chào bán và nhu cầu công nghệ phục vụ hoạt động của trung tâm giao dịch, bao gồm cả hoạt động giao dịch điện tử; tiến hành thu thập các thống kê về giao dịch mua bán công nghệ.

Tổ chức lại hoạt động của các trung tâm thông tin khoa học và công nghệ thuộc các cơ quan nhà nước theo hướng cân đối giữa các chức năng đảm bảo thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ cộng đồng và hoạt động kinh doanh thông tin thương mại về công nghệ; nâng cao tính chuyên nghiệp và hữu dụng của dịch vụ thông tin; chú trọng công tác xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu công nghệ phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển mạng lưới cung cấp thông tin điện tử về thị trường công nghệ xuống cấp huyện, xã.

Đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ tổ chức chợ công nghệ - thiết bị, trung tâm giao dịch công nghệ và dịch vụ thông tin công nghệ.

b) Phát triển các dịch vụ tư vấn, giám định, thẩm định, đánh giá công nghệ.

Nâng cao năng lực hoạt động, chất lượng dịch vụ của các tổ chức tư vấn, giám định, thẩm định, đánh giá công nghệ của Nhà nước. Thành lập hai trung tâm đánh giá, thẩm định, định giá công nghệ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Thu hút các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, các tổ chức và cá nhân khác trong nước và nước ngoài tham gia cung cấp các loại dịch vụ trên. Đồng thời, nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ tư vấn, giám định, thẩm định, đánh giá công nghệ trong hoạt động kinh tế - xã hội.

c) Phát triển dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ và các dịch vụ pháp lý khác liên quan tới mua bán công nghệ. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý về sở hữu trý tuệ và chuyển giao công nghệ.

Xem xét huỷ bỏ những quy định không còn phù hợp liên quan tới hành nghề tư vấn pháp lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Xây dựng các quy định về những ưu đãi tài chính đối với các dịch vụ pháp lý về sở hữu trí tuệ và các dịch vụ pháp lý khác liên quan tới mua bán công nghệ. Thành lập các tổ chức tư vấn pháp lý về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận.

d) Phát triển các dịch vụ tài chính.

Khuyến khích các tổ chức tài chính thuộc mọi thành phần kinh tế cung ứng các dịch vụ tài chính hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ; các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư mạo hiểm cho ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tạo môi trường và điều kiện cho hoạt động của thị trường chứng khoán để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ sau khi ươm tạo thành công.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện và thu hút sự tham gia các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác thực hiện các mục tiêu và giải pháp phát triển thị trường công nghệ.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Đề án này và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Từ nay đến cuối năm 2007:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

- Rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến phát triển thị trường công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2005);

- Xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ (trình Quốc hội năm 2005) và Luật Chuyển giao công nghệ (trình Quốc hội năm 2006); xây dựng các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành hai Luật này (trình Chính phủ năm 2006, 2007);

- Xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006);

- Xây dựng quy định về sở hữu, quản lý và khai thác tài sản trí tuệ được tạo ra bằng nguồn kinh phí nhà nước (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006);

- Xây dựng Đề án phát triển các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006);

- Xây dựng Đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006).

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Xây dựng chính sách huy động các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế;

- Xây dựng Đề án nâng cao năng lực quản lý và phát triển công nghệ cho doanh nghiệp (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006).

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật về tài chính cho phát triển thị trường công nghệ (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006).

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, Bộ Thuỷ sản chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo các Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và ngư nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006).

đ) Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập hai trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (trình Thủ tướng Chính phủ năm 2006).

e) Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các đề án nêu ở các điểm a, b, c, d mục này sau khi được phê duyệt.

g) Cuối năm 2007, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm và đề ra những việc cần phải làm để phát triển thị trường công nghệ trong những năm tiếp theo.

3. Từ năm 2008 đến 2010:

a) Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện các đề án đã được phê duyệt.

b) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổng kết và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của Đề án phát triển thị trường công nghệ (2010).

4. Kinh phí thực hiện:

a) Kinh phí thực hiện Đề án được đảm bảo từ các nguồn:

- Ngân sách nhà nước trung ương và địa phương.

- Kinh phí huy động từ các nguồn khác, bao gồm vốn của doanh nghiệp, cá nhân, vốn đầu tư từ nước ngoài.

b) Hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 214/2005/QĐ-TTg

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu214/2005/QĐ-TTg
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành30/08/2005
Ngày hiệu lực27/09/2005
Ngày công báo12/09/2005
Số công báoSố 16
Lĩnh vựcThương mại, Công nghệ thông tin
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật16 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 214/2005/QĐ-TTg

Lược đồ quyết định 214/2005/QĐ-TTg đề án phát triển thị trường công nghệ


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                quyết định 214/2005/QĐ-TTg đề án phát triển thị trường công nghệ
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu214/2005/QĐ-TTg
                Cơ quan ban hànhThủ tướng Chính phủ
                Người kýPhạm Gia Khiêm
                Ngày ban hành30/08/2005
                Ngày hiệu lực27/09/2005
                Ngày công báo12/09/2005
                Số công báoSố 16
                Lĩnh vựcThương mại, Công nghệ thông tin
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật16 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản được hợp nhất

                      Văn bản gốc quyết định 214/2005/QĐ-TTg đề án phát triển thị trường công nghệ

                      Lịch sử hiệu lực quyết định 214/2005/QĐ-TTg đề án phát triển thị trường công nghệ

                      • 30/08/2005

                        Văn bản được ban hành

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 12/09/2005

                        Văn bản được đăng công báo

                        Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                      • 27/09/2005

                        Văn bản có hiệu lực

                        Trạng thái: Có hiệu lực