Nội dung toàn văn Quyết định 2155/QĐ-TTg năm 2013 Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2155/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC THANH TRA NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ngày 07 tháng 3 năm 2012 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020 với những nội dung sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Giai đoạn đến hết năm 2015
a) Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chung:
- 60% công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cơ bản;
- 20% thanh tra viên được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính;
- 05% thanh tra viên chính được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp.
b) Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành: 60% thanh tra viên, công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm.
c) Về cơ cấu ngạch công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội:
- 60% công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên;
- 20% công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên chính;
- 0,5% công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên cao cấp.
d) Về trình độ học vấn của thanh tra viên và công chức thanh tra: 100% có trình độ Đại học trở lên, trong đó:
- 10% đạt trình độ Thạc sỹ;
- 0,5% đạt trình độ Tiến sỹ.
đ) Số lượng thanh tra viên, công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội được tăng cường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
e) Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ được tăng cường một bước.
2. Giai đoạn từ năm 2016 đến hết năm 2020
a) Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chung:
- 70% công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cơ bản;
- 30% thanh tra viên được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính;
- 10% thanh tra viên chính được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp.
b) Về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành: 90% thanh tra viên, công chức thanh tra được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm.
c) Về cơ cấu ngạch công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội:
- 75% công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên;
- 25% công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên chính;
- 0,5% công chức thanh tra được bổ nhiệm thanh tra viên cao cấp.
d) Về trình độ học vấn của thanh tra viên và công chức thanh tra: 100% có trình độ Đại học trở lên, trong đó:
- 20% đạt trình độ Thạc sỹ;
- 01% đạt trình độ Tiến sỹ.
đ) Số lượng thanh tra viên, công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục được tăng cường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
e) Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ tiếp tục được tăng cường, đáp ứng những yêu cầu cơ bản.
II. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN
1. Hoàn thiện hành lang pháp lý về tổ chức, hoạt động và chế độ chính sách đối với thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Xây dựng tiêu chuẩn chức danh, nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Xây dựng, áp dụng thống nhất quy trình, nội dung thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Kiện toàn tổ chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Về biên chế:
- Rà soát đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra làm cơ sở xây dựng kế hoạch biên chế;
- Xây dựng kế hoạch biên chế dài hạn làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm;
- Xây dựng kế hoạch biên chế hằng năm trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, phù hợp với kế hoạch biên chế dài hạn.
b) Về tổ chức bộ máy:
- Kiện toàn về tổ chức bộ máy trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của Thanh tra Bộ; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Nghiên cứu, thí điểm mô hình tổ chức của thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với địa bàn có số lượng doanh nghiệp và số lượng lao động lớn;
- Nghiên cứu thành lập đại diện của Thanh tra Bộ ở một số vùng kinh tế trọng điểm để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
3. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho thanh tra viên, công chức thanh tra:
a) Rà soát về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra viên, công chức thanh tra làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hằng năm và 05 năm;
b) Xây dựng đội ngũ giảng viên để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra;
c) Xây dựng chương trình, nội dung, kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội cho đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra và đội ngũ giảng viên.
III. CÁC GIẢI PHÁP
1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực về thanh tra lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội cho thanh tra viên, công chức thanh tra và đội ngũ giảng viên.
3. Tăng cường lực lượng thanh tra viên lao động, thương binh và xã hội phù hợp với yêu cầu thực tế của đối tượng thanh tra và nhiệm vụ quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Bảo đảm cơ bản điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở đào tạo cho đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, học tập, trao đổi kinh nghiệm về mô hình tổ chức và hoạt động thanh tra; tranh thủ nguồn lực của các nước, các tổ chức quốc tế.
6. Tăng cường trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và hoạt động của thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Kinh phí thực hiện Đề án bao gồm:
- Ngân sách nhà nước;
- Hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
2. Việc bố trí, sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Đề án
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án;
b) Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu của Đề án;
c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án;
d) Thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án;
đ) Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tình hình thực hiện Đề án.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo quy định.
3. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai Đề án này.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án tại địa phương;
b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án trên địa bàn;
c) Bố trí đủ số lượng thanh tra viên, công chức thanh tra và các phương tiện, điều kiện cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn;
d) Thực hiện sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |