Nội dung toàn văn Quyết định 2180/QĐ-UBND 2008 lập thẩm định phê duyệt Quản lý kiến trúc đô thị Thanh Hoá
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2180/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 21 tháng 07 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về Quản lý kiến trúc đô thị;
Căn cứ Thông tư số 08/2007/TT-BXD ngày 10/9/2007 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị”;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng Thanh Hóa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như sau:
1. Quyết định này quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị (QLKTĐT) cho các khu vực nội thành, nội thị, khu vực cửa ngõ, khu đặc thù thuộc thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn, các thị trấn (đô thị loại V) và các đô thị mới thành lập tương đương đô thị loại V trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các khu vực ngoại thành, ngoại thị, các điểm dân cư tập trung khác khuyến khích việc lập Quy chế QLKTĐT làm cơ sở quản lý.
2. Đối tượng áp dụng bao gồm: Chính quyền đô thị, các cơ quan có trách nhiệm quản lý đô thị, các cơ quan chuyên môn về quản lý quy hoạch kiến trúc xây dựng các cấp; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xây dựng.
3. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị là các quy định hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang trong đô thị phù hợp với các đồ án QHXD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đồ án Thiết kế đô thị (đã và đang được nghiên cứu); làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương quản lý việc quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đơn vị hành chính (thành phố, quận, thị xã, phường, thị trấn), các khu vực đặc thù và các khu chức năng trong đô thị một cách hiệu quả, làm căn cứ để quản lý cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị nhằm nâng cao chất lượng và thẩm mĩ kiến trúc cho toàn đô thị.
4. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị (KTĐT) bao gồm: Quy chế quản lý KTĐT cấp I, Quy chế quản lý KTĐT cấp II và Quy chế quản lý KTĐT chung cho toàn đô thị.
Thành phố Thanh Hóa và Khu Kinh tế Nghi Sơn lập Quy chế quản lý KTĐT cấp I và cấp II theo quy định tại Thông tư 08/2007/TT-BXD ngày 10/9/2007 của Bộ Xây dựng.
Các đô thị còn lại gồm thị xã Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, các thị trấn loại V và các đô thị mới tương đương loại V lập kết hợp nội dung Quy chế quản lý KTĐT cấp I và Quy chế quản lý KTĐT cấp II thành Quy chế quản lý KTĐT chung cho toàn đô thị.
5. Cơ quan lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị:
- Sở Xây dựng Thanh Hóa chủ trì phối hợp với UBND thành phố thanh Hóa và Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn lập và hiệu chỉnh Quy chế quản lý KTĐT cấp I cho thành phố Thanh Hóa và Khu Kinh tế Nghi Sơn.
- UBND thành phố Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng lập và điều chỉnh Quy chế quản lý KTĐT cấp II cho thành phố Thanh Hóa và Khu Kinh tế Nghi Sơn.
- UBND các huyện, thị xã còn lại chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng lập và điều chỉnh Quy chế quản lý KTĐT chung cho các đô thị do mình quản lý.
6. Cơ quan thẩm định và phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị:
- Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt: Quy chế quản lý KTĐT cấp I và cấp II cho thành phố Thanh Hóa và Khu Kinh tế Nghi Sơn; Quy chế quản lý KTĐT chung toàn đô thị cho thị xã Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn.
- UBND các huyện có trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt Quy chế quản lý KTĐT các đô thị còn lại do mình quản lý.
7. Thời gian lập và phê duyệt Quy chế quản lý KTĐT tối thiểu là 5 tháng (đối với Quy chế quản lý KTĐT cấp I) và 3 tháng (đối với Quy chế quản lý KTĐT cấp II và Quy chế quản lý KTĐT chung toàn đô thị) sau khi đồ án QHCXD, QHCTXD được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý KTĐT trên địa bàn toàn tỉnh; kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm thi hành./.
| CHỦ TỊCH |