Nội dung toàn văn Quyết định 22/2011/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2011/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 5 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ LẦN THỨ IX VỀ CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chương trình hành động số 09-CTrHĐ/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1692/TTr-SNV ngày 01 tháng 12 năm 2010 về Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Thủ trưởng các các sở - ban - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Kế hoạch này để xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể, thiết thực nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Hiệu trưởng Trường Cán bộ thành phố, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Thủ trưởng các sở - ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ IX VỀ CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Thực hiện Chương trình hành động số 09-CTrHĐ/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015; Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU CHUNG
Xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó, tập trung nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố; đặc biệt tập trung nguồn nhân lực cho ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Để thực hiện tốt mục tiêu trên, trong giai đoạn 2011 - 2015, cần tập trung thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể 6 chương trình sau:
1. Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng;
2. Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề;
3. Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân;
4. Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao;
5. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế;
6. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị.
A. Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng
1. Mục tiêu:
Chủ động nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố; từng bước tham gia thị trường lao động kỹ thuật cao trong khu vực ASEAN và quốc tế.
2. Chỉ tiêu cụ thể:
- Phấn đấu đến năm 2015, hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đạt chuẩn cơ bản theo quy định; trong đó, có 5 trường và các khoa chuyên ngành đạt chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN; từng bước thu hút sinh viên các nước khu vực ASEAN đến học tập.
- Có 80% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo.
- Có từ 15 đến 20% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đạt chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN, đáp ứng yêu cầu công việc các ngành trọng điểm, các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước. Yêu cầu cụ thể như sau:
+ Có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một vị trí công tác nhất định theo cấp độ đào tạo đại học;
+ Sử dụng thành thạo các thiết bị, công nghệ hiện đại liên quan đến công việc;
+ Có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu chuyên môn, giao tiếp;
+ Có kỹ năng xã hội (giao tiếp, ứng xử, hợp tác…) và năng lực hoạt động độc lập, sáng tạo;
+ Có tác phong lao động công nghiệp và sức khỏe tốt.
+ Có tiềm năng để không ngừng phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp.
3. Nhiệm vụ chủ yếu:
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể các trường đại học, cao đẳng (Khu Tây Bắc, Đông Bắc, Khu Nam thành phố), tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên cho các cơ sở đào tạo ngành nghề kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực nội sinh để tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến; bổ sung cơ chế, chính sách để các trường huy động nguồn vốn đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng hiện đại, đón đầu sự phát triển của xã hội, xu hướng hội nhập thế giới; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực này.
- Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giảng dạy; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và xu thế phát triển của khu vực và thế giới;
- Đổi mới quản lý theo hướng thực hiện đúng luật pháp, quy chế, tạo động lực phát huy năng lực sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của từng trường, của đội ngũ giảng viên, sinh viên, phát huy tiềm năng đầu tư của xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài.
4. Giải pháp thực hiện:
a) Củng cố, phát triển mạng lưới các trường và ký túc xá:
- Xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể các trường đại học, cao đẳng, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng đào tạo theo mục tiêu đề ra; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng viên;
- Trên cơ sở quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng tại thành phố đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 699/QĐ-TTg tiến hành đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở trường lớp, ưu tiên cho các cơ sở đào tạo ngành nghề kỹ thuật cao, đào tạo chất lượng theo chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực trình độ cao của thành phố;
- Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các trường thu hút các nguồn vốn đầu tư: nguồn vốn vay Nhà nước (theo chương trình kích cầu đầu tư hoặc trái phiếu Chính phủ); vay và viện trợ, hợp tác nước ngoài; vốn từ các doanh nghiệp và từ các tổ chức chính trị xã hội để đầu tư xây dựng trường, đổi mới trang thiết bị dạy học, thí nghiệm thực hành, xưởng trường; xây dựng ký túc xá để đảm bảo cơ bản chỗ ở và học tập cho sinh viên theo kế hoạch đã đề ra.
b) Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo:
- Duy trì và nâng cao chất lượng của giáo dục phổ thông trong việc thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố; chất lượng giáo dục ở bậc học phổ thông có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng đào tạo nghề nghiệp ở các trình độ (Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, Dạy nghề).
- Thông qua hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng, tư vấn xây dựng danh mục các ngành đào tạo, xây dựng khung chương trình khối ngành, chuẩn đào tạo, chuẩn đánh giá sinh viên; tổ chức biên soạn giáo trình dùng chung cho các môn học, cho khối ngành… Trong đó, chú trọng gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tham khảo các chương trình, giáo trình tương tự của các trường tiên tiến ở nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2015 các trường đều có đủ giáo trình cho mỗi môn học của mỗi ngành đào tạo do giảng viên của trường hoặc của trường khác biên soạn hoặc do trường lựa chọn, mua bản quyền qua nhà xuất bản nước ngoài, dịch và in trong nước;
- Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục, đặc biệt là đổi mới phương pháp giảng dạy; tạo điều kiện để giáo viên tích cực thâm nhập thực tế, tìm hiểu thực tiễn sản xuất và nhu cầu các doanh nghiệp. Từ đó giúp cho giáo viên nâng cao năng lực tổ chức hướng dẫn sinh viên phương pháp tự học thông qua nghiên cứu, khảo sát thực tế trong quá trình học tập ở nhà trường;
- Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, thi và đánh giá sinh viên một cách thực chất trong quá trình học nhằm tăng cường tính sàng lọc tiến đến đào thải những người không đạt yêu cầu học tập theo mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo.
c) Tăng cường hợp tác, liên kết trong đào tạo:
- Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách gắn kết, phối hợp đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố trong các lĩnh vực xây dựng chương trình; tổ chức thực hành, thực tập, giải quyết việc làm cho sinh viên; kết hợp nghiên cứu khoa học và sản xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu thực tế;
- Xây dựng các khối liên kết giữa các trường có cùng khối ngành đào tạo nhằm mở rộng, tăng cường hoạt động hợp tác và liên kết. Qua đó, chia sẻ các nguồn lực giữa các trường thực hiện thống nhất, liên thông chương trình đào tạo, công nhận tín chỉ của nhau, tổ chức nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội;
- Xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế của các trường đại học theo các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm bằng các mô hình, phương thức hợp tác như: chuyển giao công nghệ, công nhận chương trình, liên kết đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu khoa học, thực tập sinh viên, phát triển cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp giảng dạy. Chủ động phối hợp tìm kiếm đối tác có uy tín ở nước ngoài để giới thiệu với thành phố hỗ trợ cho chương trình hợp tác của đơn vị trong điều kiện và phạm vi của thành phố.
d) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn:
- Tiếp tục củng cố tổ chức, hoàn thiện quy chế hoạt động của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học; xây dựng quy chế quản lý thống nhất các trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn thành phố. Thực hiện việc sáp nhập và giải thể các trường chưa đảm bảo điều kiện hoạt động, giám sát việc thực hiện 3 công khai và chuẩn đầu ra; nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội;
- Củng cố, kiện toàn bộ phận tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới quản lý giáo dục đại học trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 - 2012 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Xây dựng cơ chế, chính sách phối hợp đào tạo giữa thành phố với các trường đại học, cao đẳng; giữa các trường với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao theo nhu cầu của thành phố. Có chính sách về nhà ở, thu nhập cao để thu hút và giữ được nhân lực chất xám từ các địa phương trong cả nước phục vụ trên các lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm của thành phố. Có cơ chế trách nhiệm cụ thể giữa thành phố với cấp chủ quản các trường đại học được lựa chọn xây dựng thành trường trọng điểm.
B. Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo nghề
1. Mục tiêu:
Đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có chất lượng cao cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; gắn đào tạo với sử dụng lao động đã qua đào tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động thành phố; xây dựng hệ thống đào tạo nghề của thành phố thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước.
2. Chỉ tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 70%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố (điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí tự động, hoá chất, chế biến thực phẩm, tài chính - tín dụng - ngân hàng, du lịch - khách sạn - nhà hàng) đạt 100%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, dịch vụ đạt trên 80%.
3. Nhiệm vụ chủ yếu:
- Công tác dạy nghề phải đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; phát triển dạy nghề gắn với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động ở cả 3 cấp trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội; trong đó, tập trung đào tạo nghề trình độ cao trong những ngành công nghiệp trọng yếu (như cơ khí, hóa chất, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh thực phẩm) và các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng cao (du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng…) đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế;
- Dự báo, xác định nhu cầu và yêu cầu nhân lực; điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo theo các tiêu chí nhân lực chất lượng cao, nâng dần tính tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động;
- Nâng cao trình độ học vấn, trình độ tay nghề, tính kỷ luật, phẩm chất đạo đức của người lao động, trước hết tại các khu công nghiệp tập trung, các doanh nghiệp có nhiều lao động, tăng khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, tăng năng suất lao động; tương ứng tăng thu nhập, ổn định việc làm và khả năng phát triển. Xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả đề án dạy nghề lao động nông thôn.
4. Giải pháp thực hiện:
a) Tiếp tục triển khai Chương trình số 38-Ctr/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đổi mới. Cụ thể như sau:
- Thông qua các đoàn thể, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công nhân, người lao động;
- Bổ túc trình độ văn hóa cho công nhân đạt mặt bằng phổ cập giáo dục chung của thành phố bằng các hình thức và chế độ thích hợp;
- Bồi dưỡng nâng bậc thợ, tay nghề đồng thời với nâng tiền lương, bậc lương cho công nhân, người lao động;
- Có chế độ khuyến khích tự học, tự nâng cao trình độ, tuyên dương, tôn vinh thợ giỏi, lao động kỹ thuật giỏi.
b) Xây dựng hệ thống thông tin, dự báo, xác định nhu cầu và yêu cầu đối với nguồn nhân lực:
- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố có gắn kết với công tác dự báo nhu cầu nhân lực;
- Xây dựng hệ thống thông tin nhu cầu nhân lực các cấp trình độ, ngành nghề, thường xuyên cập nhật kịp thời để các cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý đào tạo sử dụng có hiệu quả;
- Thực hiện có hiệu quả chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cải tiến nội dung, hình thức hướng nghiệp tại các trường phổ thông trung học; giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, phục vụ tốt hơn yêu cầu phân luồng, nhất là sau bậc trung học phổ thông và nhu cầu thị trường lao động theo các lĩnh vực ngành nghề và trình độ tương ứng;
- Tăng cường thông tin, giúp học sinh, sinh viên xác định được lĩnh vực ngành nghề, nội dung, chương trình, hình thức đào tạo để chọn lựa ngành học phù hợp.
c) Tổ chức mạng lưới cơ sở đào tạo, xây dựng các phương thức đào tạo phù hợp, nâng chất lượng đầu vào các lĩnh vực đào tạo:
- Xác định thế mạnh theo lĩnh vực ngành nghề của các đơn vị đào tạo; phân công nhiệm vụ đào tạo theo yêu cầu từng lĩnh vực, trong đó ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm; tăng cường đầu tư đúng chuẩn để đảm bảo chất lượng đào tạo;
- Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các trường dạy nghề trọng điểm, xây dựng các cơ sở đào tạo tại địa bàn còn khó khăn;
- Đầu tư phát triển các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề thành phố theo chuẩn các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN để đào tạo các ngành nghề phục vụ lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao;
- Tổ chức thí điểm hợp nhất tập trung kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp vào trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề tại một số quận - huyện;
- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư trong nước và nước ngoài; khuyến khích đối tác nước ngoài hợp tác với các cơ sở đào tạo trong nước nâng quy mô, trình độ đào tạo;
- Xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở các yêu cầu của thị trường lao động về kiến thức, kỹ năng… của vị trí công việc, gắn đào tạo với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp; xây dựng chương trình theo cấu trúc module tích hợp kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp; đảm bảo khả năng liên thông giữa các trình độ;
- Tập trung phổ cập giáo dục trung học phổ thông cho đại bộ phận thanh niên trong độ tuổi để nâng chất lượng đầu vào của giáo dục nghề nghiệp.
d) Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy:
- Phát triển đội ngũ giáo viên từ nhiều nguồn: giáo viên cơ hữu, trao đổi, thỉnh giảng giữa các trường, các viện, các chuyên gia kỹ thuật, kỹ thuật viên có tay nghề cao từ các doanh nghiệp, nghệ nhân, phấn đấu đạt tỷ lệ giáo viên/học sinh theo chuẩn chuyên ngành;
- Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, phấn đấu 95% giáo viên đạt chuẩn;
- Thường xuyên tổ chức cho giáo viên thâm nhập thực tế, tìm hiểu thực tiễn sản xuất, dịch vụ để cập nhật thông tin về kỹ thuật, công nghệ mới, cải tiến nội dung và phương pháp đào tạo;
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, học tập, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ (trong và ngoài nước) để cập nhật thông tin, cải tiến phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy;
- Xây dựng các khoa sư phạm dạy nghề trong các trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc gia, từng bước tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới.
đ) Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác về giáo dục và đào tạo:
- Đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị trong nước, giữa đơn vị trong nước và nước ngoài về chương trình, giáo viên, công nghệ, thiết bị đào tạo… nhằm bổ sung thế mạnh giữa các đơn vị, nâng cao kết quả và chất lượng đào tạo;
- Khai thác, hợp đồng sử dụng chương trình, công nghệ đào tạo tiên tiến của nước ngoài phù hợp yêu cầu phát triển của thành phố;
- Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu đối với nhân lực, tổ chức cho lao động thực tập, cử chuyên gia kỹ thuật tham gia đào tạo, chuyển giao công nghệ, đánh giá kết quả đào tạo, giải quyết việc làm.
e) Về cơ chế, chính sách:
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động vốn đầu tư trong nước và nước ngoài; phát triển hoạt động giáo dục, đào tạo; huy động sự đóng góp của người học và các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn, trình độ, chất lượng cao;
- Ngân sách thành phố tập trung đầu tư theo chuẩn các nước tiên tiến đối với các trường dạy nghề trọng điểm để đào tạo các ngành nghề ưu tiên phát triển, các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; đầu tư cho chương trình “đào tạo có địa chỉ”;
- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực tại các đơn vị; đặc biệt chú trọng sử dụng lao động đúng chuyên môn đã được đào tạo.
- Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đào tạo nghề nghiệp.
C. Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân.
1. Mục tiêu:
Nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật, nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp các ngành kinh tế trọng yếu, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Đối tượng: cán bộ lãnh đạo, quản lý của các Công ty, Tổng Công ty 90 thuộc thành phố; các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.
3. Chỉ tiêu cụ thể:
Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015, dự kiến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng khoảng 650 lớp các loại với khoảng trên 30.000 lượt học viên tham gia.
4. Giải pháp thực hiện:
4.1. Về thiết kế chương trình chuẩn, mẫu, module:
- Xác định nội dung chương trình nhằm khắc phục các hạn chế và phát huy ưu thế của mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trong từng ngành.
- Phân tích theo ngành nhằm nắm bắt, dự báo hoạt động của các doanh nghiệp trong một ngành nghề cụ thể; từ đó xác định các hạn chế lẫn cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành, làm nền tảng cho việc thiết kế chương trình hỗ trợ phù hợp, có tác dụng và hiệu quả nhất.
- Xác định rõ đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia giảng dạy, quy mô lớp học, thời gian và địa điểm đào tạo, phương pháp học tập và kiểm tra, đánh giá hiệu quả của khóa học.
4.2. Về đào tạo khởi sự doanh nghiệp:
Tập trung cung cấp thông tin cần thiết về luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, những quy định về thành lập và hoạt động doanh nghiệp; những kiến thức, kỹ năng lập chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
4.3. Về đào tạo quản trị doanh nghiệp:
Tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch và quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh; tăng cường năng lực quản lý nhân sự; đào tạo cho nhân viên các doanh nghiệp về các kiến thức cụ thể như: kế toán, nhân sự, marketing…; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp và dân dụng; đào tạo áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, pháp chế tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng; đào tạo Quản trị viên tài sản trí tuệ và các chuyên đề mở rộng; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế chế tạo và chuyển giao công nghệ, thiết bị mới.
4.4. Về các chương trình đào tạo theo chuyên ngành:
- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực: trong đó tập trung hỗ trợ về phương pháp thiết kế, phần mềm thiết kế, công nghệ chế tạo, thiết bị gia công công nghệ cao, thiết bị tự động hóa... và các vấn đề kỹ thuật khác cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng.
- Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin khoa học và công nghệ. Đào tạo chuyên sâu về các kỹ năng kinh doanh, xuất nhập khẩu thông qua các hình thức huấn luyện, hội thảo, trong đó các doanh nghiệp được cung cấp và cập nhật kiến thức, thông tin về các thị trường xuất khẩu mới, kỹ năng thâm nhập thị trường, các kỹ năng cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu, kiến thức về pháp luật, nâng cao nghiệp vụ hải quan, lý thuyết cơ bản về công tác xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, thực hành các quy trình xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp...
- Ngoài nguồn vốn hỗ trợ đào tạo từ ngân sách thành phố, kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đào tạo doanh nghiệp để tạo điều kiện mở rộng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm cập nhật những kiến thức mới trong quá trình hội nhập, góp phần đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế nước nhà.
- Nghiên cứu thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để làm đầu mối tổ chức thực hiện Chương trình này.
D. Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao
1. Mục tiêu:
Tăng cường phát hiện, tuyển chọn, đào tạo tài năng trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, xây dựng lực lượng này trở thành những chuyên gia ở các lĩnh vực trên, góp phần thực hiện tốt định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; củng cố, xây dựng, phát triển lĩnh vực thể dục - thể thao, nhất là thể thao thành tích cao của thành phố.
2. Đối tượng:
a) Lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật:
- Đối với bộ môn nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, duy trì giá trị phi vật thể quý báu của dân tộc như: cải lương, hát bội, múa rối, múa dân gian…: phát hiện, tuyển chọn, có chính sách động viên, khuyến khích tài năng xuất thân trong các gia đình có nhiều thế hệ làm nghệ thuật, các lò luyện giọng ca, ngón đàn để đào tạo theo 02 hướng: đào tạo có bằng cấp, trình độ chuyên môn đối với những trường hợp có khả năng hoàn tất văn hóa bậc phổ thông trung học; đào tạo nghệ nhân được quốc gia công nhận để tiếp tục truyền nghề cho những thế hệ tiếp theo đối với những trường hợp không có điều kiện hoàn tất văn hóa phổ thông;
- Đối với bộ môn nghệ thuật có tính chất hàn lâm, bác học, kỹ năng, kỹ xảo như: nhạc giao hưởng, opéra, múa ba lê, xiếc…: phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng từ các lớp năng khiếu của nhạc viện, trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi;
- Đối với tài năng sáng tác, phê bình văn học, nghiên cứu sử học: tuyển chọn những tài năng qua những cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, nghiên cứu của thành phố (Thành ủy có chủ trương định kỳ tổ chức) để đầu tư đào tạo trình độ cao, tạo ra diện mạo mới trong đời sống văn học nghệ thuật thành phố.
b) Lĩnh vực thể dục thể thao:
- Tập trung đầu tư 12 môn thể thao trọng điểm có khả năng đạt thành tích cao như: cờ vua, điền kinh, bơi lội, nhảy cầu, thể dục dụng cụ, bóng bàn, Teakwondo, Judo, đấu kiếm, cầu lông, quần vợt, đua thuyền.
- Phát hiện, đào tạo năng khiếu thể dục thể thao theo hệ thống 05 tuyến: năng khiếu ban đầu, trọng điểm, dự bị tập trung, năng khiếu tập trung, dự tuyển; từ trung tâm thể dục thể thao quận - huyện, lực lượng thanh - thiếu niên, học sinh thông qua các giải thi đấu phong trào các cấp, Hội khỏe Phù Đổng các cấp.
3. Chỉ tiêu cụ thể:
a) Lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật:
- 20 trung cấp diễn viên cải lương; 10 trung cấp diễn viên hát bội.
- 05 đạo diễn sân khấu cải lương, hát bội;
- 03 nghệ nhân tạo hình con rối nước; 05 họa sĩ thiết kế sân khấu truyền thống cải lương, hát bội, múa rối;
- 10 trung cấp xiếc (đào tạo trong và ngoài nước).
- 10 trung cấp múa dân gian; 02 biên đạo múa dân gian (đào tạo tại Trung Quốc);
- 10 trung cấp nhạc cụ dân tộc (đào tạo tại Trung Quốc);
- 05 trung cấp nhạc lễ cho loại hình hát bội (đào tạo trong nước);
- 10 cử nhân dàn nhạc giao hưởng (đào tạo tại Nga, New Zealand…); 02 cử nhân biên đạo múa và 04 trung cấp múa ba lê hạng solist (đào tạo tại Pháp, Hà Lan…);
- 10 sau đại học chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng, nhạc cụ, họa sĩ thiết kế sân khấu hiện đại… (đào tạo tại Châu Âu);
- 10 sau đại học ngành lý luận phê bình văn học, ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, văn hóa học… (đào tạo trong và ngoài nước).
b) Lĩnh vực thể dục - thể thao:
- Mỗi môn thi đấu sẽ đào tạo 01 huấn luyện viên, 01 trọng tài và từ 02 - 05 vận động viên ưu tú, cụ thể:
+ 12 huấn luyện viên; 12 trọng tài đối với 12 môn thể thao trọng điểm;
+ 100 vận động viên ưu tú đối với 12 môn thể thao trọng điểm, hình thức tập trung giai đoạn huấn luyện chuyên môn hóa, hay chuyên môn hóa sâu, chu kỳ 8 - 10 tháng/lần.
- Tiếp nhận 12 chuyên gia thể thao nước ngoài đến thành phố huấn luyện cho vận động viên tuyến năng khiếu tập trung và tuyến dự tuyển.
- Đào tạo 05 sau đại học về giáo dục thể chất, chế độ y học, dinh dưỡng để đảm bảo sự hồi phục thể lực của vận động viên.
- Đào tạo 10 chuyên gia kinh doanh thể thao giải trí để đưa hoạt động thể thao thành phố đi vào chuyên nghiệp (đào tạo ở nước ngoài theo nhu cầu).
4. Giải pháp thực hiện:
- Xác định nhu cầu theo nhóm ngành; tuyển dụng và đào tạo bổ sung, đào tạo mới đạt chuẩn; chủ động và linh hoạt trong việc tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng văn hóa - nghệ thuật, năng khiếu thể dục thể thao;
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho ngành văn hóa, thể dục - thể thao, tạo điều kiện cho việc tập luyện, sinh hoạt và cống hiến của các tài năng trên các lĩnh vực này;
- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao; đào tạo trong nước và tập huấn, đào tạo ở nước ngoài đối với những tài năng đỉnh cao; từng bước xây dựng đội ngũ văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao đẳng cấp khu vực, quốc tế;
- Xây dựng Quy chế tuyển sinh, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.
Đ. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế
1. Mục tiêu:
Đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực y tế, nhất là nhân lực có chất lượng cao với cơ cấu và phân bố hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, công tác dân số, nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển.
2. Chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2015 đạt:
- 15 bác sĩ /10.000 dân
- 02 dược sĩ đại học /10.000 dân
- 25 điều dưỡng /10.000 dân
- 70% cán bộ y tế công tác tại bệnh viện hạng 1 và 50% cán bộ y tế công tác tại bệnh viện hạng 2 có trình độ sau đại học.
- Đào tạo lại: 100% cán bộ y tế đang hoạt động trong lĩnh vực y tế phải được đào tạo cập nhật về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ phục vụ.
- Lĩnh vực y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở đạt 30% cán bộ y tế/tổng cán bộ y tế của ngành.
3. Giải pháp:
a) Xây dựng mô hình kết hợp viện - trường giữa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với Bệnh viện Nhân dân 115 để nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, cơ sở thực hành và tăng cường đội ngũ giảng viên. Đầu tư nâng cấp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đủ sức đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế thành phố và đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao. Tiếp tục phát triển xây dựng Viện - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở Tân Kiên, Bình Chánh để hoàn chỉnh Viện - Trường bằng nguồn ngân sách nhà nước.
- Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm số lượng và chất lượng đào tạo theo mục tiêu đề ra; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; thực hiện điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực để khắc phục sự mất cân đối giữa các lĩnh vực.
- Tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo giữa các trường đại học y, dược với hình thức đào tạo hợp đồng theo địa chỉ sử dụng để có đủ số cán bộ theo định biên.
- Tăng quy mô đào tạo đại học hệ chính quy tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thành lập khoa Dược và khoa Y tế công cộng tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để đào tạo cán bộ Dược và cán bộ Y tế công cộng.
- Khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư các loại hình đào tạo (đại học dân lập). Mở thêm mã ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp về: y học dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình để bổ sung đội ngũ cán bộ y tế hiện đang thiếu tại các lĩnh vực này.
b) Nghiên cứu bổ sung đề án đào tạo 300 Thạc sĩ - Tiến sĩ Y khoa và cán bộ quản lý bệnh viện vào chương trình đào tạo Thạc sĩ - Tiến sĩ của thành phố. Các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện hạng 1 có kế hoạch ưu tiên phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho sinh viên thực hành, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện nghiêm túc.
- Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý y tế, nhất là cán bộ quản lý bệnh viện. Mở rộng việc đưa cán bộ có trình độ cao đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí nhà nước, khuyến khích du học tự túc theo các chuyên ngành có nhu cầu.
- Mời các chuyên gia giỏi, giảng viên có trình độ và kinh nghiệm ở nước ngoài tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng trường đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao trong phạm vi lĩnh vực của ngành; ưu tiên các dự án mở trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Lồng ghép nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vào các dự án do các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tài trợ: dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế phường - xã; nâng cao năng lực y tế dự phòng của Tổ chức Y tế Thế giới; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành y trong khuôn khổ hợp tác đào tạo y khoa với các nước Cộng hòa Pháp (chương trình FFI), Vương quốc Bỉ (chương trình đào tạo Bác sĩ Gia đình).
c) Đào tạo lại cho 5.000 điều dưỡng đã tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo chất lượng phục vụ.
- Kiện toàn, củng cố nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở đào tạo liên tục thuộc thẩm quyền quản lý để đảm bảo chất lượng đào tạo.
- Phối hợp với các Hội nghề nghiệp, quần chúng (Hội Y học, Hội Dược học thành phố Hồ Chí Minh, Hội Dược học Việt Nam, Hiệp hội sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam...) để mở các lớp bồi dưỡng chuyên ngành cơ bản và nâng cao cho lực lượng cán bộ y tế.
d) Nghiên cứu chính sách thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ y tế có trình độ cao đến công tác tại vùng sâu, vùng xa như huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, Bệnh viện Nhân Ái, Khu điều trị Phong Bến Sắn, các đơn vị y tế cơ sở phường - xã, thị trấn.
E. Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị thành phố
1. Mục tiêu:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị thành phố, trước tiên là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, có năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn trong thời kỳ đẩy mạnh công nhiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố đến năm 2015 và các giai đoạn tiếp theo.
2. Nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể:
- Bảo đảm 100% cán bộ đương nhiệm, dự bị các chức danh lãnh đạo, quản lý các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội đạt trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn quy định đối với từng loại chức danh cán bộ;
- 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập từ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên có trình độ đại học chuyên ngành, quản lý, chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhận; có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, sử dụng thông thạo tin học trong công việc. Riêng đối với cán bộ, công chức khối quản lý nhà nước phải qua đào tạo trung cấp quản lý nhà nước trở lên;
- Đến năm 2015 có 100% cán bộ chủ chốt cơ sở phường - xã, thị trấn (Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; trưởng, phó các đoàn thể phường - xã, thị trấn) dưới 50 tuổi có trình độ đại học, cao cấp lý luận chính trị - hành chính (trong đó có 50% cán bộ dưới 40 tuổi). Đối với công chức công tác chuyên môn ở phường - xã, thị trấn, có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên phù hợp với công việc đảm nhận, trung cấp quản lý nhà nước, trung cấp lý luận chính trị trở lên.
- Phấn đấu hoàn thành Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2007 - 2010; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo đối với các chuyên ngành khoa học kỹ thuật, trong đó tập trung các lĩnh vực: công nghệ thông tin, vật liệu mới, xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường; quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, quản trị kinh doanh, thị trường tài chính, chứng khoán….; các học viên trong chương trình giai đoạn từ 2007 trở về sau được bố trí công tác và phát huy tốt ở các ngành các lĩnh vực được phân công theo ngành nghề đào tạo.
- Đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học ở nước ngoài (sinh học phân tử động, thực vật; di truyền chọn tạo giống cây trồng; vaccin, protein tái tổ hợp; công nghệ sinh học môi trường; công nghệ vi sinh; công nghệ sinh học thủy sản…).
- Đào tạo đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử… phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác các chương trình phần mềm ứng dụng trong quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông - vận tải, các tuyến metro, đường thủy, hầm ngầm, cầu vượt trên cao…
- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi các cấp, các ngành, gắn với việc luân chuyển về cơ sở (phường - xã, thị trấn, doanh nghiệp) để đào tạo toàn diện. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới đạt quy định của Trung ương; đồng thời thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo 100 cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.
3. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng:
a) Đào tạo, bồi dưỡng trong nước:
- Kiến thức chung: lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, quan hệ ứng xử, giao tiếp của công chức, viên chức với nhân dân và kiến thức khác; bồi dưỡng ngắn hạn về pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, kiến thức quản lý hành chính Nhà nước, hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách hành chính, chính quyền điện tử, thương mại điện tử…;
- Kiến thức và kỹ năng chuyên ngành cụ thể cho từng chức danh về ngân hàng, tài chính, nội vụ, ngoại vụ, giao thông vận tải, xây dựng, thanh tra, quy hoạch kiến trúc, xây dựng công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp...;
- Trình độ tin học, ngoại ngữ:
+ Đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ ở các ngành có quan hệ giao tiếp thường xuyên với nước ngoài hoặc ở lĩnh vực nghiên cứu như: ngoại giao, du lịch, ngân hàng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, các dự án đầu tư có vốn nước ngoài, vốn ODA, các viện nghiên cứu… thông qua các chương trình tài trợ học bổng của các nước.
+ Đào tạo kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử… phục vụ cho việc vận hành, quản lý, khai thác các chương trình phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực giao thông vận tải, các tuyến metro, đường thủy, hầm ngầm, cầu vượt trên cao…
b) Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài:
- Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo 500 tiến sĩ, thạc sĩ cho cán bộ, công chức trẻ, có triển vọng và năng lực thực tiễn theo các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật tại các nước, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, vật liệu mới, xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, quản trị kinh doanh, thị trường tài chính, chứng khoán…;
- Thực hiện chương trình bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ chủ chốt diện Thành ủy quản lý hiện đang công tác ở các sở - ngành, quận - huyện và cán bộ quy hoạch, cán bộ nguồn của cơ quan, đơn vị có nhu cầu giao tiếp tiếng Anh phục vụ công tác chuyên môn;
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo các chương trình được tài trợ học bổng của các nước bạn; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, bảo dưỡng hệ thống Metro, các tuyến đường cao tốc, đường sắt đô thị (Monorail, Tramway) và dưới lòng đất (hầm Thủ Thiêm).
- Thực hiện chương trình đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ sinh học ở nước ngoài gồm các chuyên ngành: Sinh học phân tử động, thực vật; Di truyền chọn tạo giống cây trồng; Vaccin, Protein tái tổ hợp; Công nghệ sinh học môi trường; Công nghệ vi sinh; Công nghệ sinh học thủy sản… Ưu tiên cử cán bộ, công chức đi đào tạo ở các nước có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực công nghệ sinh học.
4. Giải pháp thực hiện:
a) Xây dựng quy hoạch tổng thể công tác đào tạo cán bộ, công chức:
- Xây dựng quy hoạch tổng thể công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gắn với việc bố trí sử dụng;
- Xác định cụ thể chương trình đào tạo theo công việc của người học, tránh trùng lắp, dàn trải, tràn lan;
- Gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng, khắc phục tình trạng bố trí không đúng ngành nghề đào tạo;
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước khi bổ nhiệm theo đúng tiêu chuẩn của chức danh được bổ nhiệm; đào tạo lại phù hợp với vị trí mới khi thực hiện luân chuyển cán bộ hoặc điều động theo yêu cầu đột xuất, chậm nhất sau khi bố trí 6 tháng. Cán bộ dự bị hoặc sinh viên trong diện cán bộ nguồn, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo dài hạn, được bổ nhiệm đúng chức danh sau thời gian tập sự, nếu không phát huy năng lực phải bố trí lại cho phù hợp.
b) Về nội dung, chương trình đào tạo:
- Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo theo yêu cầu thực tế, linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, có tính liên thông, tránh trùng lắp giữa các chương trình; chú trọng bồi dưỡng đào tạo kỹ năng, tác nghiệp, tăng thực hành, giảm lý thuyết, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm xử lý tình huống. Thực hiện chế độ tu nghiệp hàng năm đối với cán bộ, công chức.
- Cơ sở đào tạo: tổ chức biên soạn tài liệu theo nội dung quy định trong chương trình khung được giao, phù hợp với đối tượng được phân công đào tạo và chịu trách nhiệm về nội dung tài liệu do mình biên soạn theo quy định.
c) Về hình thức, phương pháp đào tạo:
* Hình thức đào tạo, bồi dưỡng:
- Đào tạo, bồi dưỡng với hình thức tập trung, tại chức, bán tập trung, tập huấn, tham quan trong và ngoài nước;
- Thực hiện chế độ đào tạo theo tín chỉ, học phần;
- Đào tạo theo nhu cầu của cán bộ (cơ quan chỉ hỗ trợ thời gian) hoặc cán bộ ứng trước tiền đi học các môn học theo tiêu chuẩn quy định tại các trường được nhà nước công nhận, khi xuất trình bằng cấp tốt nghiệp, nhà nước sẽ hoàn trả kinh phí và thực hiện các chính sách theo quy định;
- Bồi dưỡng và tổ chức thi hoặc công nhận trình độ, học vị cho những người có công trình sáng tạo, hữu ích cao cho địa phương, cho đất nước như các nghệ nhân, nghệ sĩ, người chế tạo máy móc thiết bị, sáng tạo công nghệ,…
* Quy trình quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức:
- Thực hiện tuyển dụng công chức theo hình thức thi tuyển công khai, cạnh tranh; bảo đảm tiêu chuẩn quy định;
- Thực hiện việc quy hoạch, đào tạo cán bộ qua thực tiễn công tác tại cơ sở;
- Đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ dài hạn, thực hiện tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện thuận lợi để công chức phát triển toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng, trình độ;
- Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy đạt trình độ theo tiêu chuẩn do Nhà nước quy định; sử dụng cán bộ giảng dạy là Việt kiều hoặc người nước ngoài ở một số chuyên ngành…
d) Liên kết và liên thông trong đào tạo, bồi dưỡng:
- Nghiên cứu thành lập các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hướng liên quận - huyện hoặc khu vực để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng dạy;
- Kiến nghị Trường Cán bộ thành phố được nâng cấp thành Trường Đại học Chính trị - Hành chính, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ thành phố. Khuyến khích các cơ sở đào tạo của các Bộ - ngành, các tỉnh, thành phố đóng trên địa bàn tăng cường liên kết đào tạo trong nước hoặc liên kết với các trường của nước ngoài đóng tại địa bàn thành phố để phối hợp đào tạo có hiệu quả;
- Có chính sách thu hút nhân tài hoặc người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm vào làm việc tại các tổ chức của hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên môn và cán bộ khoa học đầu ngành;
- Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo và cán bộ phụ trách công tác đào tạo của Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ có phẩm chất đạo đức, tầm nhìn, năng lực sáng tạo và tính chuyên nghiệp cao;
- Hàng năm hoặc theo định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng Ban, Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó Ban Thường trực; lãnh đạo các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; một số sở - ngành liên quan tham gia thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo các sở - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối hợp các Bộ, ngành Trung ương, các Viện nghiên cứu, trường học để triển khai thực hiện Chương trình này.
2. Phân công nhiệm vụ:
2.1. Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có trách nhiệm tổng hợp chung các chương trình nhánh; theo dõi việc thực hiện và báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố theo định kỳ. Trực tiếp triển khai Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị thành phố. Phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và Trường Cán bộ thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức khối Chính quyền, Đảng, đoàn thể. Tiếp tục thực hiện Chương trình đào tạo 500 thạc sĩ - tiến sĩ của thành phố;
2.2. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp cùng với các Trường Đại học, Cao đẳng, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng của thành phố;
2.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề; trực tiếp chỉ đạo khối dạy nghề, hoạt động của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động kịp thời tham mưu nhu cầu lao động và việc làm cho thành phố;
2.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, các trường Đại học, Hiệp hội doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân; nghiên cứu đề xuất chính sách kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước;
2.5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp các trường đào tạo năng khiếu trong và ngoài nước xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao;
2.6. Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Trường Y khoa xây dựng kế hoạch thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế;
2.7. Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hệ thống truyền thông, xây dựng chương trình thường xuyên hoặc định kỳ hàng tháng, quí để thông tin về đào tạo và việc làm;
2.8. Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Cán bộ thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, công chức thành phố; phối hợp với Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn xây dựng chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng;
2.9. Các sở - ban - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã, thị trấn và các đơn vị liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cử cán bộ, công chức đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt các nội dung của chương trình;
2.10. Sở Tài chính chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, cấp kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố giai đoạn 2011 - 2015 theo quy định. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách về tài chính, thuế; huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình, bao gồm: nguồn ngân sách của thành phố; các dự án viện trợ của Bộ - ngành Trung ương; các dự án tài trợ học bổng của nước ngoài; các nguồn đóng góp của các tổ chức cử cán bộ, công chức đi học.
3. Chậm nhất cuối quý II năm 2011, các đơn vị được phân công xây dựng xong kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình nhánh, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, triển khai thực hiện từng năm, từng giai đoạn theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị lãnh đạo các cơ quan liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.
PHỤ LỤC
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố )
Số TT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian hoàn thành |
01 | Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các trường đại học, cao đẳng, Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố | Quý II/2011 |
02 | Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | UBND các quận - huyện, BQL các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP | Quý II/2011 |
03 | Kế hoạch thực hiện Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Công Thương, Viện Nghiên cứu phát triển, Hiệp hội DNTP, Trung tâm Xúc tiến TM&ĐT, các trường đại học trên địa bàn thành phố | Quý II/2011 |
04 | Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Trường Đại học Văn hóa, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật, các trường đào tạo năng khiếu trong và ngoài nước | Quý II/2011 |
05 | Kế hoạch thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị thành phố | Sở Nội vụ | Ban Tổ chức TU, Trường Cán bộ TP, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM | Quý II/2011 |
06 | Tổ chức hệ thống truyền thông, xây dựng chương trình thông tin về đào tạo và việc làm | Sở Thông tin và Truyền thông | Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Hiệp hội Doanh nghiệp TP | Quý II/2011 |
07 | Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng | Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Cán bộ TP | Sở Nội vụ, Ban Tổ chức TU, Trường Đại học Quốc gia TPHCM, các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP | Quý II/2011 |
08 | Cơ chế, chính sách về tài chính, thuế để thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP | Sở Tài chính | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế | Quý II/2011 |