Quyết định 2201/QĐ-UBND

Quyết định 2201/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Đề án "Vận động tình nguyện viên người nước ngoài hỗ trợ dạy ngoại ngữ tại Đồng Nai giai đoạn 2018-2022"

Nội dung toàn văn Quyết định 2201/QĐ-UBND 2018 Vận động tình nguyện viên nước ngoài dạy ngoại ngữ Đồng Nai


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2201/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 27 tháng 6 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "VẬN ĐỘNG TÌNH NGUYỆN VIÊN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HỖ TRỢ DẠY NGOẠI NGỮ TẠI ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2018 - 2022"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và Quyết định số 73/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quản lý, sử dụng các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 01/3/2012 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 4493/KH-UBND ngày 02/6/2016 của UBND tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 972/TTr-SNgV ngày 08/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án "Vận động tình nguyện viên người nước ngoài hỗ trợ dạy ngoại ngữ tại Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2022".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

ĐỀ ÁN

VẬN ĐỘNG TÌNH NGUYỆN VIÊN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI HỖ TRỢ GIẢNG DẠY NGOẠI NGỮ TẠI ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2018 - 2022
(Kèm theo Quyết định số 2201/QĐ-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay với xu thế chủ đạo là hòa bình, hợp tác cùng phát triển, ngoại ngữ ngày càng giữ vai trò quan trọng, là cầu nối trong quan hệ giao tiếp với các đối tác nước ngoài. Để xây dựng và phát triển tiếp thu các thành tựu về khoa học, kinh tế, văn hóa của thế giới hướng đến xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đòi hỏi phải chủ động hội nhập Quốc tế về kinh tế, chính trị, văn hóa để xây dựng đất nước con người Đồng Nai ngày càng phồn thịnh, quảng bá hình ảnh Đồng Nai - Việt Nam trên trường Quốc tế.

Tỉnh Đồng Nai là địa phương hình thành trên vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp, nhiều di tích danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp Quốc gia, Quốc gia đặc biệt (rừng Cát Tiên), được UNESCO vinh danh (Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai); nhiều lễ hội dân tộc mang bản sắc văn hóa (Đồng Nai có 31 dân tộc cộng cư)…Về kinh tế, Đồng Nai là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trên 12%. Trong tiến trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, Đồng Nai có quan hệ kinh tế rộng mở với trên 40 Quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (thông qua phát triển 32 khu công nghiệp). Những năm qua, Đồng Nai đã mở rộng quan hệ hợp tác Quốc tế về kinh tế, văn hóa, đã ký kết hữu nghị hợp tác với 36 đối tác nước ngoài thuộc 10 Quốc gia thuộc các tỉnh, thành phố của các nước trong khu vực và thế giới trong đó có các nước thường trực Hội đồng Liên hiệp quốc như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc…

Tuy nhiên, nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thành thạo ngoại ngữ để làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh còn hạn chế do một phần ngoại ngữ của người lao động và cán bộ công chức chưa đủ tầm để trực tiếp làm việc kết nối với phía bạn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc trao đổi thông tin giữa các đối tác nước ngoài với các công chức, viên chức cũng như giữa các doanh nhân người nước ngoài với các lao động phía Việt Nam.

Về chất lượng đào tạo ngoại ngữ tại các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh, sinh viên học ngoại ngữ nhưng không có nhiều thời gian được thực hành giao tiếp với người nước ngoài, kỹ năng nghe - nói còn hạn chế, thiếu tự tin trong giao tiếp bằng ngoại ngữ. Hầu hết các trường cũng không có được sự hỗ trợ từ các giáo viên là người bản xứ sử dụng các ngoại ngữ đang được triển khai giảng dạy. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do: Thứ nhất, các đơn vị không tìm được nguồn cung cấp giáo viên người bản xứ; thứ hai: Chi phí thù lao cho các giáo viên người bản xứ khá cao so với thù lao của giáo viên người Việt Nam.

Như đã trình bày trên, cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) của các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng cần được nâng cao kĩ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và vì thế, trong các Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, việc bồi dưỡng về ngoại ngữ cho CB, CC, VC luôn được tỉnh quan tâm. Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ qua 04 kĩ năng, Sở Ngoại vụ được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng về kĩ năng biên, phiên dịch. Hiện tại, học viên của các lớp nói trên vẫn còn bị hạn chế trong việc thực hành tiếng với người bản xứ.

Trong những năm qua, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kĩ năng biên, phiên dịch của tỉnh vẫn rất khó khăn trong việc mời giáo viên là người bản xứ tham gia giảng dạy do không tìm được nguồn cung cấp giáo viên người bản xứ và chi phí thù lao cho các giáo viên này rất cao. Chính vì vậy, việc vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hỗ trợ giảng dạy ngoại ngữ tại địa bàn Đồng Nai, tăng cường thực hành giao tiếp bằng ngoại ngữ cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học và CB, CC, VC của tỉnh là cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng kĩ năng sử dụng ngoại ngữ, cũng chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có một số trường đại học, cao đẳng có mời giảng viên dạy ngoại ngữ là người nước ngoài vào làm việc theo nhiều hình thức khác nhau nhưng việc quản lý nhà nước với đối tượng này chưa được chú trọng, rất dễ phát sinh các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh Quốc gia.

Chính vì thế, nhằm tìm nguồn cung cấp giáo viên người bản xứ hỗ trợ giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học và CB, CC, VC trong tỉnh, để triển khai hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng về năng lực sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và trong công tác biên, phiên dịch của các đối tượng người học nói trên, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Vận động tình nguyện viên người nước ngoài (TNVNNN) hỗ trợ giảng dạy ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật, Hàn) tại Đồng Nai giai đoạn 2018 - 2022” nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực hiện việc quản lý nhà nước đối với tình nguyện viên, giảng viên người nước ngoài tại Đồng Nai.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

2. Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

3. Nghị định số 93/2009/NĐ-CP , ngày 22/10/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và Quyết định số 73/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc quản lý, sử dụng các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

4. Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 01/3/2012 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

5. Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 4493/KH-UBND ngày 02/6/2016 của UBND tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020.

III. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đối tượng vận động: Tình nguyện viên người nước ngoài vào giảng dạy ngoại ngữ.

2. Đối tượng thụ hưởng: Giáo viên, sinh viên các trường cao đẳng và đại học; CB, CC, VC và người học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

IV. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học; CB, CC, VC các sở, ngành trong tỉnh; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, làm việc và giao dịch với người nước ngoài; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, tạo thuận lợi cho việc giao thương kết nối về kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới là phương tiện để thực hiện thành công việc hội nhập Quốc tế trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Vận động TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ là các tình nguyện viên của các cơ quan ngoại giao (CQNG), các tổ chức phi Chính phủ (NGO) đang được phép hoạt động tại Việt Nam vào giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học, các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ nói chung và bồi dưỡng kỹ năng biên, phiên dịch cho CB, CC, VC trong tỉnh. Qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh.

b) Cụ thể:

- Bắt đầu từ năm 2018 mỗi năm vận động từ 05 - 06 TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ, trong đó có 03 đến 04 giáo viên ngôn ngữ Anh và 01 đến 02 giáo viên ngôn ngữ Trung. Đây là 02 trong số những ngoại ngữ đang được sử dụng rộng rãi nhất.

- Từ năm 2021: Vận động tình nguyện viên giảng dạy ngôn ngữ Nhật và Hàn từ 01 đến 02 giáo viên cho mỗi ngôn ngữ/năm, số tình nguyện viên ngôn ngữ Anh, Trung tăng từ 04 - 06 giáo viên cho mỗi ngôn ngữ/năm.

V. HIỆU QUẢ, TÍNH KHẢ THI CỦA ĐỀ ÁN

1. Hiệu quả của Đề án

a) Đề án giúp nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin giao tiếp và làm việc với các đối tác nước ngoài, có cơ hội tìm việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cao hơn, có thể thi tuyển tìm kiếm các học bổng ở nước ngoài.

b) Đề án tạo ra một môi trường đào tạo ngoại ngữ có chất lượng cao với đầy đủ các điều kiện về đội ngũ giảng viên người bản địa. Cán bộ quản lý và giảng viên ngoại ngữ của các trường có cơ hội giao tiếp học tập kinh nghiệm với các đồng nghiệp người nước ngoài về phương pháp, dạy và học ngoại ngữ tiên tiến hiện đại; tạo tiền đề thuận lợi để triển khai các ngành học ngoại ngữ mới trong từng trường và nhân rộng trong các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, hội nhập với giáo dục đại học trong khu vực và thế giới.

c) Đề án có tác động tích cực đến việc xây dựng và nâng cấp chất lượng, chương trình đào tạo ngoại ngữ theo chuẩn khung trình độ Châu Âu, góp phần nâng dần chuẩn chương trình ngoại ngữ đầu ra của các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh, tiếp cận với chuẩn chương trình của các nước tiên tiến.

d) Về tài chính, Đề án sẽ tiết kiệm ngân sách Nhà nước cấp cho các trường công lập để trả lương cho giảng viên, đồng thời nâng cao năng lực tự chủ cho trường đại học, cao đẳng; giúp các trường thực thi và thử thách năng lực tự chủ và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư trong kế hoạch phát triển của nhà trường.

đ) Thông qua việc thực hiện Đề án, một cơ chế quản lý giáo dục đại học hiệu quả sẽ được thiết lập với sự tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội cao của các trường đại học, cao đẳng và sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng.

e) Đề án là một trong những cơ sở để xây dựng các trường đại học, cao đẳng có thương hiệu đẳng cấp Quốc tế của Đồng Nai.

2. Tính khả thi và bền vững của Đề án

a) Sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hỗ trợ vận động của Sở Ngoại vụ, sự đồng tình của các sở, ngành, sự sẵn sàng và quyết tâm của các trường cao đẳng, đại học, của sinh viên là cơ sở thành công của Đề án.

b) Nguồn cung cấp tình nguyện viên giảng dạy ngoại ngữ của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và các địa phương nước ngoài mà tỉnh Đồng Nai có quan hệ hợp tác khá dồi dào có thể vận động tình nguyện viên vào thực hiện Đề án theo kế hoạch.

c) Đề án giai đoạn đầu chọn trường Đại học Đồng Nai để thực hiện Đề án và là nơi thực hiện đầu tiên trong việc tiếp nhận TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ tại trường, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo và mở rộng triển khai tại các trường khác.

d) Việc thực hiện Đề án là cơ sở để các trường thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác Quốc tế, đảm bảo cho Đề án phát triển bền vững và có thể mở rộng việc hợp tác phát triển sang các ngành nghề đào tạo khác.

VI. NHIỆM VỤ

1. Khảo sát nhu cầu TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

2. Tập hợp thông tin về các nguồn cung cấp TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ có tình nguyện viên dạy ngoại ngữ. Trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của TNVNNN theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giáo viên dạy ngoại ngữ tại các trung tâm ngoại ngữ trong nước. Giáo viên là người nước ngoài có bằng đại học trở lên và có giấy chứng nhận được đào tạo dạy ngoại ngữ.

3. Xây dựng quy chế tiếp nhận và quản lý TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ trên địa bàn.

4. Xây dựng kế hoạch (kế hoạch toàn bộ giai đoạn và kế hoạch theo năm) vận động TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ tại các trường cao đẳng, đại học thông qua đường công văn, thư ngỏ và trực tiếp gặp gỡ gửi đến các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ (NGO) đang được phép hoạt động tại Việt Nam và các cơ sở đào tạo ở các địa phương nước ngoài mà tỉnh Đồng Nai có quan hệ hợp tác.

5. Phối hợp theo dõi, quản lý Nhà nước về TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ, báo cáo định kỳ tình hình tiếp nhận, quản lý giảng viên người nước ngoài vào giảng dạy ngoại ngữ tại đơn vị và trên địa bàn.

6. Đánh giá hiệu quả của Đề án, đề ra phương án thực hiện tiếp theo hoặc kết thúc Đề án.          

VII. GIẢI PHÁP

1. Thành lập Ban Vận động, tiếp nhận và quản lý TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện Đề án gồm đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ làm Trưởng ban, lãnh đạo Trường Đại học Đồng Nai làm Phó ban Thường trực và các thành viên là chuyên viên giúp việc thuộc các phòng chuyên môn của Sở Ngoại vụ; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Công an tỉnh Đồng Nai, Trường Đại học Đồng Nai làm thành viên. Ban Vận động xây dựng quy chế tiếp nhận và quản lý TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ, xúc tiến việc liên lạc với các đơn vị tìm nguồn cung cấp TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ, phân bổ và quản lý về mặt Nhà nước đối với TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ tại các đơn vị trong tỉnh.

2. Thành lập Tổ Chuyên môn nhằm tiến hành việc rà soát, nắm bắt nhu cầu tiếp nhận TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của các đơn vị trong tỉnh, theo dõi, quản lý, báo cáo về mặt chuyên môn của đội ngũ TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ tại địa phương. Tổ chuyên môn bao gồm cán bộ Sở Ngoại vụ làm Tổ trưởng và chuyên viên Phòng Nghiên cứu khoa học, Sau đại học và Quan hệ Quốc tế của Trường Đại học Đồng Nai làm thành viên.

3. Tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện theo từng năm để vận động các tổ chức và cá nhân người nước ngoài tham gia giảng dạy.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

a) Giai đoạn 2018 - 2020:

- Tháng 6/2018 đến 8/2018: Thành lập Ban Vận động và Tổ Chuyên môn, triển khai việc khảo sát các đơn vị tiềm năng cung ứng nguồn TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ, lên kế hoạch tiếp xúc các đơn vị tiềm năng và triển khai việc vận động TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ, xây dựng và ban hành Quy chế tiếp nhận, quản lý Nhà nước đối với TNVNNN giảng dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

- Tháng 9/2018: Triển khai việc tiếp nhận TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của năm 2018, phân bổ về các trường trong tỉnh. Thời gian công tác của TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ: Từ 03 - 09 tháng/người/đợt công tác.

- Tháng 5/2019: Đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm việc tiếp nhận TNVNNN sau đợt tiếp nhận đầu tiên, tiếp tục vận động và triển khai việc tiếp nhận TNVNNN cho năm 2019.

- Tháng 5/2020: Vận động và triển khai việc tiếp nhận TNVNNN cho năm 2020.

- Tháng 12/2020: Sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án.

b) Giai đoạn 2021 - 2022:

- Tháng 5/2021: Vận động và triển khai việc tiếp nhận TNVNNN cho năm 2021.

- Tháng 5/2022: Vận động và triển khai việc tiếp nhận TNVNNN cho năm 2022.

- Tháng 12/2022: Tổng kết đánh giá hiệu quả của Đề án, đề ra phương hướng cho các năm tiếp theo.

2. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

a) Nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước.

- Chi cho công tác liên hệ, trao đổi với các đơn vị tiềm năng cung cấp đội ngũ TNVNNN được chi theo chế độ đi lại, lưu trú và công tác phí hiện hành.

Dự kiến 05 đơn vị x 1.500.000đ/đơn vị = 7.500.000đ/năm x 05 năm = 37.500.000đ.

- Chi cho công tác kiểm tra việc triển khai Đề án; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc triển khai Đề án.

Dự kiến:

+ Kiểm tra: 1.000.000đ x 02 lần = 2.000.000đ/năm x 05 năm = 10.000.000đ.

+ Hội nghị sơ, tổng kết: 5.000.000 đồng x 02 lần = 10.000.000đ.

+ Khen thưởng: 35 cá nhân x 1.500.000đ/người = 52.500.000đ.

Tổng cộng nguồn chi từ ngân sách cho 05 năm: 110.000.000đ.

b) Nguồn kinh phí hợp pháp của các đơn vị tiếp nhận TNVNNN.

Các đơn vị tiếp nhận TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ có trách nhiệm hỗ trợ chỗ ở, phương tiện đi lại và sinh hoạt phí hàng tháng cho TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ trong suốt thời gian TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ tại đơn vị theo thỏa thuận với đơn vị cung cấp TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ.

3. Trách nhiệm của các đơn vị

a) Sở Ngoại vụ:

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Vận động, tiếp nhận và quản lý TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của tỉnh và Tổ Chuyên viên giúp việc để tổ chức triển khai thực hiện Đề án gồm đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ làm Trưởng ban, lãnh đạo Trường Đại học Đồng Nai làm Phó ban Thường trực và các chuyên môn giúp việc thuộc các phòng chuyên môn của Sở Ngoại vụ; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Công an tỉnh Đồng Nai, Trường Đại học Đồng Nai làm thành viên.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng quy chế tiếp nhận và quản lý Nhà nước đối với TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét ban hành.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch (kế hoạch toàn bộ giai đoạn và kế hoạch theo năm) vận động TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ tại các trường cao đẳng, đại học.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị khảo sát nhu cầu TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

- Tập hợp thông tin về các nguồn cung cấp TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi Chính phủ (NGO) đang được phép hoạt động tại Việt Nam và các cơ sở đào tạo ở các địa phương nước ngoài mà tỉnh Đồng Nai có quan hệ hợp tác.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị đánh giá hiệu quả của Đề án, đề ra phương án thực hiện tiếp theo hoặc kết thúc Đề án.

b) Trường Đại học Đồng Nai:

Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các sở, ngành có liên quan xây dựng Quy chế tiếp nhận và quản lý TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ; là đầu mối theo dõi, quản lý, thẩm định báo cáo về mặt chuyên môn của TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh, cử nhân sự tham gia Ban Vận động và Tổ Chuyên môn của đề án.

c) Công an Đồng Nai:

- Cử nhân sự tham gia Ban Vận động của đề án, hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành liên quan thủ tục và các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập cảnh của TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các trường có tiếp nhận TNVNNN để quản lý, nắm tình hình về hoạt động, tạm trú của TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ đảm bảo an ninh - trật tự khi TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh về mặt an ninh, trật tự.

d) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Cử nhân sự tham gia Ban Vận động của đề án, hướng dẫn hỗ trợ việc cấp giấy phép lao động cho TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ tại địa phương theo các quy định hiện hành.

đ) Sở Tài chính:

Phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện Đề án.

e) Sở Nội vụ:

Phối hợp với các đơn vị cử CB, CC, VC tham dự các lớp bồi dưỡng của Đề án.

g) Các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh:

- Đăng ký nhu cầu tiếp nhận TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ của đơn vị mình về Sở Ngoại vụ;

- Tiếp nhận, quản lý TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ theo quy định của pháp luật; báo cáo định kỳ việc sử dụng TNVNNN vào giảng dạy ngoại ngữ về Sở Ngoại vụ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2201/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2201/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành27/06/2018
Ngày hiệu lực27/06/2018
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcGiáo dục
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật6 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2201/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2201/QĐ-UBND 2018 Vận động tình nguyện viên nước ngoài dạy ngoại ngữ Đồng Nai


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2201/QĐ-UBND 2018 Vận động tình nguyện viên nước ngoài dạy ngoại ngữ Đồng Nai
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2201/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Đồng Nai
                Người kýĐinh Quốc Thái
                Ngày ban hành27/06/2018
                Ngày hiệu lực27/06/2018
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcGiáo dục
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật6 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản được dẫn chiếu

                    Văn bản hướng dẫn

                      Văn bản được hợp nhất

                        Văn bản gốc Quyết định 2201/QĐ-UBND 2018 Vận động tình nguyện viên nước ngoài dạy ngoại ngữ Đồng Nai

                        Lịch sử hiệu lực Quyết định 2201/QĐ-UBND 2018 Vận động tình nguyện viên nước ngoài dạy ngoại ngữ Đồng Nai

                        • 27/06/2018

                          Văn bản được ban hành

                          Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                        • 27/06/2018

                          Văn bản có hiệu lực

                          Trạng thái: Có hiệu lực