Quyết định 2226/QĐ-UBND

Quyết định 2226/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2025

Nội dung toàn văn Quyết định 2226/QĐ-UBND quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi chế biến xuất khẩu Thanh Hóa 2016


ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2226/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 27 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU CÁ RÔ PHI PHỤC VỤ CHẾ BIẾN, XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2015 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/8/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKH ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Công văn số 231/CV-HĐND ngày 07/6/2016 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015-2025;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 125/TTr-SNN&PTNT ngày 14/6/2016 về việc xin phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015-2025; văn bản số 1723/SKHĐT-KTNN ngày 13/5/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc báo cáo kết quả thẩm định Quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2025; báo cáo kết quả thẩm định số 30/BCTĐ-UBND ngày 18/5/2016 của Hội đồng thẩm định và hồ sơ quy hoạch kèm theo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2025 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2025 phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi theo hướng nuôi thâm canh, chất lượng, hiệu quả gắn với chế biến, xuất khẩu và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên mặt đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2025.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng mặt nước, đất đai tạo điều kiện để cá rô phi trở thành con nuôi chủ lực đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.

- Tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khối nông nghiệp, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

- Gắn phát triển vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến thủy sản; thu hút các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào vùng nguyên liệu và chế biến xuất khẩu.

2.2. Mục tiêu chủ yếu

a. Giai đoạn 2015-2020.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm giai đoạn 2015-2020: 14,5 %/năm.

- Diện tích vùng nguyên liệu đạt khoảng 1.000 ha.

- Sản lượng nguyên liệu 20.000 tấn/năm. Trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 10.000 tấn/năm.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu: 29,5 triệu USD.

b. Giai đoạn 2021 - 2025.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm giai đoạn 2021-2025: 8,8 %/năm.

- Diện tích vùng nguyên liệu đạt khoảng 1.500 ha.

- Sản lượng nguyên liệu 30.000 tấn/năm. Trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 15.000 tấn/năm.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu: 45 triệu USD.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Quy hoạch vùng nuôi cá rô phi xuất khẩu

* Tiêu chí quy hoạch vùng nuôi

- Có nguồn nước đảm bảo chất lượng, ổn định; đất có khả năng giữ nước tốt, không có phèn tiềm tàng trong đất.

- Cách xa các khu dân cư, giao thông thuận tiện. Ưu tiên cho các vùng nuôi cá rô phi đã và đang nuôi có hiệu quả, có cơ sở hạ tầng đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản.

* Quy hoạch vùng nuôi cá rô phi xuất khẩu

Tổng diện tích quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 là 1.537 ha với 41 vùng nguyên liệu; trong đó, giai đoạn từ năm 2015 - 2020 là 1.010 ha với 21 vùng nguyên liệu, giai đoạn từ năm 2021 - 2025 là 527 ha với 20 vùng quy hoạch, cụ thể:

- Huyện Hà Trung: Tổng diện tích quy hoạch 428 ha, chia làm 10 vùng nguyên liệu; trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 được quy hoạch 03 vùng nguyên liệu có diện tích 250 ha gồm: Khu Bảy Mẩu, xã Hà Ngọc (90 ha); Khu đồng Thôn Kim Hưng, Kim Tiên, Núi Gà và Kim Thành xã Hà Đông (80 ha); Khu đồng Cát xã Hà Phong (80 ha). Giai đoạn 2021 - 2025 được quy hoạch thêm 07 vùng nguyên liệu có diện tích 178 ha gồm: Khu đồng A xã Hà Thanh (25 ha); khu đồng Gon, đồng Gả, đồng Kếnh, xã Hà Thanh (23 ha); khu đồng Nến, bờ Khăm, đồng Chung, Nghĩa Thương, Bái Trước, xã Hà Toại (30 ha); khu đồng Lưới, đồng Ao thôn Hoàng Vân, Yên Mỹ xã Hà Long (20 ha); phía tây kênh 2, xã Hà Yên (30 ha); phía đông kênh 2, xã Hà Yên (20 ha); khu đồng Quang Trung, xã Hà Vân (30 ha).

- Huyện Nông Cống: Tổng diện tích quy hoạch 253 ha, chia làm 06 vùng nguyên liệu; trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 được quy hoạch 04 vùng nguyên liệu có diện tích 215 ha gồm: Khu vực dọc đê 773, xã Trường Giang (100 ha); khu nuôi tôm công nghiệp, xã Trường Giang (45 ha); khu đồng Chiều, thôn Thọ Xương, xã Tượng Văn (30 ha); thôn đồng Cao, xã Trung Chính (40 ha). Giai đoạn 2021 - 2025 được quy hoạch thêm 02 vùng nguyên liệu có diện tích 38 ha gồm: Khu đồng thôn Thanh Minh, xã Minh Nghĩa (19 ha); khu đập đồng Ngang, xã Tượng Lĩnh (19 ha).

- Huyện Yên Định: Tổng diện tích quy hoạch là 231 ha được chia làm 06 vùng nguyên liệu; trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 được quy hoạch 04 vùng nguyên liệu có diện tích 170 ha gồm: Khu vực Cựu Mã Giang, xã Yên Bái (30 ha); khu Bến Hà, xã Yên Trung (60 ha); sông Bầu Nga, xã Định Hòa (40 ha); khu đồng Hội, xã Yên Tâm (40 ha). Giai đoạn 2021 - 2025 được quy hoạch thêm 02 vùng nguyên liệu có diện tích 61 ha gồm: Khu Hón, xã Định Liên (20 ha); khu đồng Đò, xã Định Tăng (41 ha).

- Huyện Vĩnh Lộc: Tổng diện tích quy hoạch là 195 ha được chia làm 07 vùng nguyên liệu; trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 là 60 ha tại khu Đập Căng, Dưới Đồng xã Vĩnh Hưng; giai đoạn 2020 - 2025 mở rộng thêm 06 vùng nguyên liệu với diện tích 135 ha gồm: Khu đồng Náu, xã Vĩnh Hòa (22 ha); khu đồng Mực, xã Vĩnh Hùng (22 ha); khu đồng Cầu và đồng Chông, xã Vĩnh Hưng (19 ha); khu đồng Bể, xã Vĩnh Hưng (20 ha); hồ thôn Mỹ Xuyên, xã Vĩnh Yên (26 ha); khu đồng Chiêm, thôn Chùa, xã Vĩnh Tân (30 ha).

- Huyện Thọ Xuân: Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 2015 - 2020 là 110 ha, chia làm 2 vùng nguyên liệu: Khu đồng Núc, đồng giấy, đồng Quan xã Thọ Trường (40 ha); Khu Đồng Xốn, xã Thọ trường và xã Xuân Vinh (70 ha).

- Huyện Hậu Lộc: Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 2015 - 2020 là 97 ha, chia làm 03 vùng nguyên liệu gồm: Khu đầm Vuông, đầm Tròn, xã Hòa Lộc (19 ha); khu đầm Phường, xã Hòa Lộc (28 ha); khu đồng Vực, đồng Trại Bung, đồng Gai, đồng Hói, đồng Trại Mẫu xã Quang Lộc (50 ha).

- Huyện Thiệu Hóa: Tổng diện tích quy hoạch 97 ha, chia làm 02 vùng nguyên liệu; trong đó, giai đoạn 2015 - 2020 quy hoạch 47 ha khu đồng Vước, xã Thiệu Công và Thiệu Long; giai đoạn 2021 - 2025 mở rộng thêm 50 ha khu Cửa Đình và Dọc Liên xã Thiệu Hòa.

- Huyện Thạch Thành: Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 2015 - 2020 là 19 ha tại đồng Lỳ, xã Thạch Long.

- Huyện Tĩnh Gia: Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 2015 - 2020 là 23 ha, tại khu đồng Quan xã Hải Nhân.

- Huyện Hoằng Hóa: Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 2015 - 2020 là 20 ha tại khu đồng đê Sao Vàng, xã Hoằng Phụ.

- Huyện Đông Sơn: Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 40 ha tại khu đồng Nhâm, đồng Nhanh thuộc các xã Đông Anh, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Thanh.

- Thành phố Thanh Hóa: Tổng diện tích quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 là 21 ha xã Đông Lĩnh.

3.2. Quy hoạch cơ sở sản xuất cá giống

- Nâng cấp Trại sản xuất cá giống Đông Sơn và Thiệu Hóa.

- Đầu tư xây dựng Trung tâm giống nước ngọt tỉnh Thanh Hóa tại xã Thiệu Tâm, huyện Thiệu Hóa với mục tiêu cung cấp đầy đủ giống cá nước ngọt trong tỉnh nói chung và giống cá rô phi nói riêng.

3.3. Quy hoạch các cơ sở chế biến xuất khẩu cá rô phi

Đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản hiện có của tỉnh để đảm bảo phát triển theo hướng hiệu quả, an toàn vệ sinh môi trường, bền vững; gắn phát triển chế biến thủy sản với tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn nguyên liệu, bảo vệ môi trường sinh thái.

4. Dự án ưu tiên:

(Chi tiết có phụ biểu kèm theo).

5. Các giải pháp thực hiện

5.1. Giải pháp về tổ chức sản xuất phát triển vùng nguyên liệu

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho người nuôi. Khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi hoặc với các tổ chức kinh tế hợp tác của người nuôi, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

5.2. Giải pháp về đất đai

Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa và có cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ có điều kiện thuê lại đất của nông dân để phát triển vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, phát huy mối liên kết 4 nhà, từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, quản lý đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản.

5.3. Giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Sắp xếp và tổ chức lại, củng cố, đội ngũ cán bộ làm công tác NTTS phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất. Tập trung đào tạo cán bộ có chuyên môn cao, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý. Nâng cao trình độ kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn.

5.4. Giải pháp về giống

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo các trại sản xuất giống nước ngọt hiện có và đầu tư xây dựng Trung tâm giống nước ngọt tỉnh Thanh Hóa. Phát triển hệ thống sản xuất và cung ứng giống cá rô phi xuất khẩu ở những vùng có lợi thế tự nhiên và vùng nuôi trọng điểm để đảm bảo cung cấp giống chất lượng cho người nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Tiếp tục nâng cấp, cải tạo đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các trại sản xuất giống còn lại, đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất giữa trung tâm giống nước ngọt và các trại sản xuất giống trong tỉnh nhằm tạo ra các giống có khả năng thích nghi với thời tiết giá lạnh vào mùa đông.

5.5. Giải pháp khoa học công nghệ

Tăng cường ứng dụng, chuyển giao KHCN trong công tác chọn và lai tạo giống nhằm tạo ra những giống cá rô phi có năng suất cao, chất lượng tốt thích ứng với điều kiện nuôi ở Thanh Hóa (nhất là vào mùa đông); xây dựng và phát triển các mô hình nuôi tiên tiến không gây ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Áp dụng các phương thức quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến; các doanh nghiệp chế biến phải được quản lý chất lượng sản phẩm theo HACCP và các chuẩn mực quốc tế.

5.6. Giải pháp về bảo vệ môi trường

Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và tổ chức quản lý, giám sát cộng đồng để quản lý môi trường; đồng thời, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là xử lý chất thải và nước thải trong quá trình sản xuất. Xây dựng các trạm quan trắc, cảnh báo môi trường, thường xuyên kiểm tra, đo đạc các chỉ tiêu về môi trường ở các khu vực nuôi cá tập trung, diện tích lớn.

5.7. Giải pháp về phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản

Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và thức ăn công nghiệp cho thủy sản theo chiều sâu, khuyến khích đầu tư công nghệ mới, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, trong đó ưu tiên đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị chế biến hiện đại, công nghệ tiên tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu về an toàn thực phẩm.

5.8. Giải pháp thị trường tiêu thụ nguyên liệu

Tiếp tục thực hiện các giải pháp, chương trình nhằm tăng cường và ổn định việc liên kết kinh tế, ký kết hợp đồng kinh tế giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến trước khi thả nuôi. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để củng cố và phát triển các thị trường. Xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng cá rô phi xuất khẩu.

5.9. Giải pháp về cơ chế chính sách

Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương đã ban hành đặc biệt là cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ; chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ. Nghiên cứu ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản.

5.10. Giải pháp về vốn đầu tư

Thu hút mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước (vốn ngân sách địa phương, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ), vốn doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác. Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường huy động các nguồn vốn ưu đãi đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

6. Vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư

6.1. Nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu đầu tư vùng nguyên liệu cá rô phi đến năm 2025 khoảng 1.125 tỷ đồng; trong đó:

- Vốn ngân sách: 153 tỷ đồng chiếm khoảng 13,6% tổng vốn đầu tư,

- Vốn doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác: 972 tỷ đồng chiếm khoảng 86,4% tổng vốn đầu tư.

6.2. Phân kỳ đầu tư

- Vốn thực hiện quy hoạch giai đoạn 2015-2020: 758 tỷ đồng;

- Vốn thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021-2025: 367 tỷ đồng.

IV. Tổ chức thực hiện

- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan cụ thể hóa các nhiệm vụ, các giải pháp nêu trên; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt quy hoạch. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch về UBND tỉnh.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2015 - 2025, xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến, xuất khẩu trên địa bàn quản lý.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trên cơ sở quy hoạch, chương trình dự án đầu tư, cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bố trí, cân đối nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tham gia, tạo điều kiện thực hiện quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 Quyết định (để t/h);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, NN. (A179)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN, KÊU GỌI ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2226/QĐ-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT

Tên dự án

Địa điểm xây dựng

Quy mô đầu tư

Dự kiến năm đầu tư

Tổng mức đầu tư

Nguồn vốn

Ngân sách nhà nước

Doanh nghiệp

Nguồn khác

1

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Hà Trung.

Các xã Hà Đông, Hà Phong, Hà Ngọc.

250 ha

2016

173

66

64

43

2

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Hậu Lộc.

Các xã Hòa Lộc, Quang Lộc.

97 ha

2017

67

 

40

27

3

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Nông Cống.

Xã Trường Giang.

145 ha

2018

100

 

60

40

4

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Yên Định.

Các xã Yên Bái, Yên Trung, Yên Tâm.

130 ha

2018

100

 

60

40

5

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Thọ Xuân.

Các xã Thọ Trường, Xuân Vinh.

70 ha

2019

48

 

29

19

6

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Vĩnh Lộc.

Xã Vĩnh Hưng.

60 ha

2019

42

 

25

17

7

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Thiệu Hóa.

Các xã Thiệu Công, Thiệu Long.

47 ha

2020

32

 

19

13

8

Dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cá rô phi huyện Thạch Thành.

Xã Thạch Long.

19 ha

2020

13

 

8

5

9

Xây dựng trung tâm giống nước ngọt huyện Thiệu Hóa.

Xã Thiệu Tâm.

10 ha

2020

50

50

 

 

10

Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp chế biến thức ăn thủy sản.

Xã Thạch Long.

5 ha

2017

50

 

30

20

11

Dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp sản xuất bao bì đóng gói sản phẩm thủy sản.

Xã Thạch Long.

3 ha

2018

50

 

30

20

 

Đã xem:

Đánh giá:  
 

Thuộc tính Văn bản pháp luật 2226/QĐ-UBND

Loại văn bảnQuyết định
Số hiệu2226/QĐ-UBND
Cơ quan ban hành
Người ký
Ngày ban hành27/06/2016
Ngày hiệu lực27/06/2016
Ngày công báo...
Số công báo
Lĩnh vựcXuất nhập khẩu
Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
Cập nhật8 năm trước
Yêu cầu cập nhật văn bản này

Download Văn bản pháp luật 2226/QĐ-UBND

Lược đồ Quyết định 2226/QĐ-UBND quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi chế biến xuất khẩu Thanh Hóa 2016


Văn bản bị sửa đổi, bổ sung

    Văn bản liên quan ngôn ngữ

      Văn bản sửa đổi, bổ sung

        Văn bản bị đính chính

          Văn bản được hướng dẫn

            Văn bản đính chính

              Văn bản bị thay thế

                Văn bản hiện thời

                Quyết định 2226/QĐ-UBND quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi chế biến xuất khẩu Thanh Hóa 2016
                Loại văn bảnQuyết định
                Số hiệu2226/QĐ-UBND
                Cơ quan ban hànhTỉnh Thanh Hóa
                Người kýNguyễn Đức Quyền
                Ngày ban hành27/06/2016
                Ngày hiệu lực27/06/2016
                Ngày công báo...
                Số công báo
                Lĩnh vựcXuất nhập khẩu
                Tình trạng hiệu lựcCòn hiệu lực
                Cập nhật8 năm trước

                Văn bản thay thế

                  Văn bản gốc Quyết định 2226/QĐ-UBND quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi chế biến xuất khẩu Thanh Hóa 2016

                  Lịch sử hiệu lực Quyết định 2226/QĐ-UBND quy hoạch vùng nguyên liệu cá rô phi chế biến xuất khẩu Thanh Hóa 2016

                  • 27/06/2016

                    Văn bản được ban hành

                    Trạng thái: Chưa có hiệu lực

                  • 27/06/2016

                    Văn bản có hiệu lực

                    Trạng thái: Có hiệu lực